www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hội Nông Dân huyện với ủy thác vốn tín dụng chính sách

 Năm 2003, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tiên Phước được thành lập và đi vào hoạt động, để triển khai các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn huyện Tiên Phước. Để triển khai thực hiện các chương trình TDCS ngoài thống NHCSXH còn có sự tham gia tích cực và hiệu quả của các hội đoàn thể (HĐT) từ trung ương đến xã, thị trấn, trong đó có Hội nông dân các cấp.

       Với buổi đầu còn nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn vốn, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc,... nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp tích cực và hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, hội, đoàn thể, sự nỗ lực và lao động đầy trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ viên chức lao động NHCSXH, đến nay hoạt động của NHCSXH huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng hầu hết các nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Vốn TDCS của Nhà nước đã đến với hàng ngàn lượt hộ gia đình trên địa bàn, tháo gỡ nút thắt về vốn trong phát triển kinh tế hộ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn. Đến nay, đã có 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn để sản xuất, kinh doanh và hiện có trên 50% số hộ dân trên địa bàn huyện có quan hệ vay vốn và gởi tiết kiệm tại NHCSXH huyện.

Tất cả các chương trình cho vay của NHCSXH đều thực hiện ủy thác qua các cấp HĐT từ trung ương đến cơ sở, ngân hàng ủy thác cho các HĐT thực hiện một số nội dung công việc trong quá trình cho vay vốn TDCS. Đến nay, tổng dư nợ TDCS đạt 365 tỷ đồng, với 9.300 hộ còn dư nợ, chất lượng TDCS được giữ vững, tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,02%. Có thể nói rằng, đạt được những kết quả quan trọng trên đây có sự đóng góp rất lớn của các cấp HĐT nhận ủy thác và đội ngũ cộng tác làm Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở 108 thôn, khối phố trên địa bàn. Dư nợ TDCS ủy thác sang các HĐT đạt 99,7% trên tổng số dư nợ cho vay của NHCSXH huyện với 04 HĐT cấp huyện, 59 HĐT cấp xã và 252 Tổ TK&VV ở đều khắp các xã, thôn tham gia thực hiện, trung bình mỗi thôn có 2,3 Tổ TK&VV, không có thôn không có Tổ TK&VV của NHCSXH. Thông qua phương thức ủy thác này, cùng với thương hiệu “Điểm giao dịch tại xã” cố định hàng tháng, mà các nguồn TDCS được chuyển tải nhanh và đến đúng các đối tượng thụ hưởng, các HĐT, Tổ TK&VV thật sự là cầu nối, là cánh tay nối dài để NHCSXH chuyển tải các nguồn vốn TDCS đến nhân dân.

Có thể khẳng định ủy thác vốn TDCS qua các HĐT là cách làm mới, sáng tạo và đạt kết quả tốt, với cách làm này không chỉ rút ngắn về thời gian, khoảng cách và tiết giảm chi phí cho nhân dân trong quá trình tiếp cận với các nguồn vốn TDCS, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xây dựng, phát triển HĐT và các phong trào của HĐT.

Đối với Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở, nhiệm kỳ qua đã cùng với NHCSXH huyện thực hiện khá tốt công tác ủy thác vốn TDCS, thông qua đây đã giúp cho hàng ngàn hội viên nông dân, nhân dân tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Trong nhiệm kỳ qua, dự nợ vốn TDCS ủy thác qua Hội Nông dân tăng lên cả quy mô và chất lượng, tổng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đến nay đạt 109 tỷ đồng với 78 Tổ TK&VV và 2.700 hộ còn dư nợ, tăng 34 tỷ đồng so với năm 2012; về chất lượng tín dụng ủy thác qua Hội Nông dân được nâng lên rõ rệt, nợ quá hạn năm 2012 là 320 triệu đồng, chiếm 0,42% trên tổng dư nợ, đến nay vốn do Hội Nông dân nhận ủy thác không có nợ quá hạn; hầu hết các món vay thuộc các Tổ TK&VV của Hội Nông dân đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, để tạo ý thức tiết kiệm cho nhân dân, hội viên và tạo nguồn trả nợ, trả lãi khi đến hạn, Hội cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động khách hàng tham gia gởi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV, đến nay đã có 95% số hộ vay vốn tham gia gởi tiết kiệm với số dư đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 1,9 tỷ so với đầu nhiệm kỳ.

Từ nguồn vốn TDCS ủy thác qua Hội Nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hội viên có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hội đề ra trong trong nhiệm kỳ như: giúp cho 250 hộ thoát nghèo, tạo được hàng trăm mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đã có trên 4.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.

Trong số đó, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, là điển hình cho việc sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao; cụ thể một số hộ như: anh Trương Công Điều, thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, năm 2012, Anh thuộc diện hộ nghèo, đề nghị NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò. Từ số tiền này, Anh đã mua 01 con trâu và 02 con bò nái, nhờ có sự cần cù, chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo mà hiện Anh đã có 03 con trâu và 04 con bò với trị giá trên 100 triệu đồng. Với những kết quả đó, đến cuối năm 2015, gia đình Anh đã thoát khỏi chuẩn cận nghèo, Anh đã trả xong vốn hộ nghèo và tiếp tục đề nghị vay 40 triệu đồng vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để tiếp tục duy trì chăn nuôi kết hợp làm vườn, nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc sử dụng hiệu quả vốn vay, để có kết quả như hôm nay, Anh còn là hộ tham gia gởi tiết kiệm đều hàng tháng để trả dần nợ gốc, nợ lãi. Số tiền gởi tuy không lớn nhưng đó là sự chuyển biến nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng của hộ gia đình; và đó còn là mô hình của anh Phan Trọng Tuyên và chị Lê Thị Thùy Nhung ở thôn 6, Tiên An, năm 2015 gia đình anh chị thuộc diện hộ cận nghèo vay 50 triệu đồng phát triển mô hình tổng hợp chăn nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng rừng, đến nay gia đình đã nuôi thường xuyên khoảng 1.000 gà, trồng được nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Đứng trao đổi với chúng tôi trên khu vườn xanh mát của mình, anh chị cho biết với lợi thế của khu vườn và nhờ cần cù, chăm chỉ, chịu khó học hỏi đến nay gia đình đã có thu nhập ổn định trên dưới 200 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn, chăn nuôi, đảm bảo trang trải chi tiêu gia đình và có tiền cho 03 con ăn học cao đẳng, đại học. Đến cuối năm 2017, gia đình anh chị đã đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và đã đề nghị vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, hướng tới phát triển kinh tế vườn gắn với làm du lịch sinh thái theo định hướng của huyên Tiên Phước; và đó là hộ anh Huỳnh Văn Tình, chị Nguyễn Thị Ánh ở thôn 5, Tiên Hiệp, vay số vốn là 68 triệu đồng để trồng rừng, kết hợp trồng thanh trà và chăn nuôi bò; mô hình của Phan Văn Bê và chị Nho tại thôn 6, Tiên An trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà thả vườn…

Với cách làm hay, hiệu quả, hàng năm thu nhập ổn định từ các mô hình đã giúp kinh tế nhiều hộ gia đình được cải thiện và ổn định hơn. Và đây sẽ là những hạt nhân làm lan tỏa và kết nối các hộ nông dân tạo thành vùng kinh tế, chuỗi giá trị bền vững trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái làng quê của huyện Tiên Phước trong những năm đến.

Vốn TDCS không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của hội viên mà còn góp phần củng cố nâng cao vai trò, vị thế của các cấp Hội Nông dân, thu hút hội viên tham gia tích cực các phong trào của Hội, xây dựng Hội phát triển về mọi mặt.

Cùng với việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 là “tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững”, Ngân hàng CSXH huyện và các HĐT, trong đó có Hội Nông dân các cấp sẽ triển khai thực hiện tốt các chương trình TDCS, tạo thuận lợi về nguồn vốn để nhân dân có đủ vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng Tiên Phước thành vùng trọng điểm về kinh tế vườn, kinh tế trang trại của tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Tiên Phước Anh hùng vào năm 2020 và đạt huyện nông thôn mới vào năm 2022.

        Nguyễn Văn Hiền - PGĐ Ngân Hàng CSXH Tiên Phước