www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyện thầy giáo Thức

 Xấp xỉ “ngũ thập tri thiên mệnh” nhưng trông nhà giáo Phạm Hữu Thức - Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh - Tiên Phước vẫn còn khá trẻ. Bằng giọng nói “nhỏ nhẹ rất Huế”, anh kể cho tôi nghe về một phần tư thế kỷ gắn bó cùng nghề dạy học của mình.

 Chọn quê để gắn bó nghề

Quê xã Hương Cần, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Năm 1984, tốt nghiệp trường ĐHSP Huế, Phạm Hữu Thức được phân công về giảng dạy ở Phan Thiết. Chưa biết mảnh đất nơi miền Nam Trung Bộ thế nào, nhưng nghĩ nỗi “đường xa vạn dặm”, Phạm Hữu Thức không khỏi băn khoăn lo lắng. Lúc bấy giờ anh đang quen một cô bạn gái cùng khóa cùng trường, quê ở Tiên Phước. Một liều, ba bảy cũng liều, anh lên trình bày mọi chuyện với Ban Giám hiệu nhà trường và xin được chuyển về công tác tại Tiên Phước. Nguyện vọng của anh được đáp ứng. Phạm Hữu Thức mừng vui khôn tả. Và anh phấn khởi khăn gói đến quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng giảng dạy môn Địa lý tại ngôi trường THPT có vinh dự được mang tên nhà chí sĩ yêu nước.

                      

Thầy giáo Phạm Hữu Thức thường xuyên trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Lần đầu tiên bước lên bục giảng làm “anh giáo trẻ” truyền đạt kiến thức cho học trò, Phạm Hữu Thức cảm thấy “tim đập chân run”! Không ít em có tư chất thông minh, học giỏi, tranh thủ giờ ra chơi đặt những câu hỏi “hóc búa” với thầy. Nhờ có kiến thức vững vàng, lại chuẩn bị giáo án công phu trước khi lên lớp, “anh giáo trẻ” dần được học trò thương yêu, đồng nghiệp quý mến. Thời gian này, “anh giáo trẻ” Phạm Hữu Thức kết duyên cùng cô bạn gái “cùng trường cùng khóa” và chọn Tiên Phước làm quê hương thứ hai của mình.

Phóng sự chân dung thầy Phạm Hữu Thức

Thầy hiệu trưởng nổi tiếng...

Năm 1989, Phạm Hữu Thức được đề bạt làm Hiệu phó trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Hai ngày sau, Phạm Hữu Thức lại được đề bạt làm quyền hiệu trưởng. Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng khiến Phạm Hữu Thức mừng vui thì ít, lo lắng thì nhiều! Lúc bấy giờ, Tiên Phước là vùng quê bán sơn địa xa xôi cách trở, việc đi lại hết sức khó khăn. Cuộc sống của đại bộ phận người dân trong buổi giao thời giữa bao cấp và đổi mới, đều thuộc diện đói nghèo triền miên. Học trò đi học một buổi, còn một buổi ở nhà phụ giúp gia đình làm việc đồng áng, thời gian dành cho việc học hành chẳng có bao nhiêu. Tỷ lệ học sinh có học lực trung bình và yếu kém cao chất ngất. Thêm vào đó, giáo viên dạy giỏi của trường, sau bao năm “bám trụ” đã lần lượt xin chuyển về thành phố Đà Nẵng hoặc quê hương bản quán để giảng dạy. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Động viên thuyết phục không xong, Phạm Hữu Thức đành phải ký giấy tờ cho họ ra đi...

Ca khúc " Em có về trường xưa" do thầy Phạm Hữu Thức viết lời

Nhờ giảng dạy và học tập ngày càng đạt kết quả cao nên trường THPT Phan Châu Trinh được các mạnh thường quân là con em Tiên Phước hiện đang làm ăn sinh sống tại TP.HCM đóng góp vào Quỹ học bổng của nhà trường với số tiền tương đối lớn.Trong vòng 5 năm trở lại đây, trường THPT Phan Châu Trinh đã nhận được tổng số tiền hơn 1,65 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân tài trợ nhà trường mua sắm trang thiết bị dạy - học, nhưng chủ yếu vẫn là dành trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc.

“Loại trừ sự cả nể xuê xoa, nghiêm túc trong việc dạy và học, khen thưởng kịp thời...” - Phạm Hữu Thức nói về cách để vực dậy khó khăn cho nhà trường. Kỹ cương dần đi vào nền nếp. Chất lượng dạy và học được nâng lên. Cơ sở vật chất cũng được các cấp các ngành đầu tư xây dựng. Một số mạnh thường quân người Tiên Phước sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh và các thế hệ học trò đàn anh góp tiền ủng hộ... Nhờ vậy, năm nào nhà trường cũng đoạt 35-40 giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, lần đầu tiên trong “lịch sử của trường”, em Trần Thị Hồng Nhung đoạt giải ba quốc gia môn Văn. Và tiêu biểu là đội tuyển "7 Sắc Cầu Vồng" của trường đứng nhất tỉnh Quảng Nam và đại diện tỉnh đi thi khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Tiên Phước bắt đầu nổi lên như một điểm sáng và xếp sau các trường danh tiếng của tỉnh như Trần Cao Vân - Tam Kỳ, Sào Nam - Duy Xuyên, Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn... Và Phạm Hữu Thức cũng được nhiều người biết đến...

Trao thưởng cho em Lê Quang Nhật, đội trưởng đội tuyển "7 Sắc Cầu Vồng" đứng nhất tỉnh Quảng Nam

Và thầy hiệu trưởng đầy... tai tiếng!

Nhớ lại chuyện đã qua, Phạm Hữu Thức bảo: “Đành rằng mình có sai là đánh học trò nhưng không đến mức độ như các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh, khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc! Cũng may, sự thật vẫn là sự thật. Tất cả mọi chuyện rồi cũng qua đi...”. “Sự kiện” đó, tôi vẫn còn nhớ. Năm học 2002-2003, trong buổi chào cờ đầu tuần, Ban giám hiệu nhà trường nhắc đi nhắc lại học sinh không được hút thuốc lá. Vậy mà, trong giờ ra chơi, có ba em học sinh phì phèo thuốc lá. Quá bực tức nên không kiềm chế được, Phạm Hữu Thức gọi lại, “cho” mỗi em một bớp tai. Sự việc chỉ có thế. Không ngờ từ cái sảy nảy thành cái ung! Mấy ngày sau, một trong ba em nhập viện vì bị té ngã, nhưng lại khai bị thầy hiệu trưởng đánh! Hai em kia cũng hùa theo, tố cáo. Dư luận xôn xao. Một số cơ quan thông tin đại chúng lập tức phản ánh vụ việc. Cả huyện, cả tỉnh rồi cả nước đều biết.

           Cùng tập thể giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng năm 2000

“Mọi chuyện thị phi rồi cũng qua đi, chỉ có sự học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài của học trò mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy...”. (Thầy giáo Phạm Hữu Thức)

Chưa hết. Trước “sức ép dư luận”, cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ thực hư. “Thú thực với anh, hồi ấy tôi như người “đi trên lửa, ngồi trên than”! Đang làm việc ở trường, nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra, vậy là phải gác tất cả lại, đến khai báo giải trình. Mà đâu phải lần một, lần hai”. Ba em học sinh bị thầy hiệu trưởng bớp tai không ngờ việc khai báo thiếu trung thực do oán giận nhất thời của mình lại đẩy vụ việc đi xa như thế. Các em ăn năn hối hận. Và các em nói rõ mọi chuyện khi được cơ quan điều tra mời lên làm việc. Hóa ra, chuyện là thế nhưng không phải thế! Phạm Hữu Thức được minh oan. Nhưng miệng lưỡi người đời vẫn râm ran một thời gian dài về vụ việc “thầy đánh trò phải đi cấp cứu ở bệnh viện” (!?) rồi mới lắng xuống. “Đó là bài học nhớ đời đối với tôi!” - Phạm Hữu Thức cười bảo.

Hết tai tiếng... lại nổi... tiếng tăm!

Năm học 2002-2003, Tiên Phước thành lập thêm trường THPT Phan Châu Trinh. Đây là ngôi trường “dành cho học sinh có học lực trung bình trở xuống” chen chân vào lớp 10. Vì vậy, sức học của các em hầu hết thuộc loại yếu kém, học sinh cá biệt chiếm tỷ lệ hết sức lo ngại. Qua ba năm giảng dạy và học tập với kết quả thật đáng buồn: Toàn trường có 76% học sinh yếu kém, trong đó khối lớp 12 có gần 93% học sinh yếu kém. Thi tốt nghiệp THPT chỉ đỗ có 9,5%. Và ba năm liền không có học sinh nào thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

           

            Cùng học trò Lê Thị Hoài Lưu đạt giải nhất tuần thi " Đường lên đỉnh Olympia"

Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT bàn bạc thống nhất với chính quyền địa phương điều thầy Phạm Hữu Thức đang làm Hiệu trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sang làm Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh. Và thầy Thức đã làm xoay chuyển tình hình bằng cách “tiếp thị đầu vào”, tăng cường dạy phụ đạo, tạo mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường với phụ huynh. Đối với khối lớp 12, Phạm Hữu Thức đích thân xuống lớp kiểm tra bài từng em.

 

Chụp lưu niệm cùng học sinh của mình, em Phan Nguyên Hương ( bên phải) đỗ thủ khoa THPT tỉnh Quảng Nam khóa 2009

Bước sang học kỳ 2, nhà trường tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT nhiều lần để các em làm quen với việc thi cử, đồng thời kiểm tra lại kiến thức để có hướng phụ đạo thêm. Sự cố gắng của cả thầy và trò đã đạt kết quả thật bất ngờ: Năm học 2005-2006, trường có tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT trên 92,6%! Năm học 2008-2009, trường có 94,7% học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT, 40,4% thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Đặc biệt, em Phan Nguyên Hương thi tốt nghiệp THPT đỗ thủ khoa toàn tỉnh và em Nguyễn Thị Thuận đoạt giải nhì quốc gia môn Địa lý. Sau tai tiếng, thầy Phạm Hữu Thức lại nổi tiếng tăm...

                                                         Nguyễn Đông An - Báo Quảng Nam

 *Xem thêm nhân ngày 20/11:

Sợ lỡ mất tài năng

MV Ký ức trường xưa

Trường Phan Châu Trinh 10 năm xây dựng và phát triển

Những đốm lửa trường Phan Châu Trinh

MV Em có về trường xưa

Trường xưa nỗi nhớ

Tình đồng nghiệp nghĩa thầy trò