www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò

 GS-NGND Lê Trí Viễn đã ra đi, nhưng kỷ niệm về  “thầy giáo làng” vẫn vẹn nguyên trong ký ức đồng nghiệp, bạn bè, học trò… nơi quê nhà.  Hồi còn làm việc ở huyện Tiên Phước, tôi được thầy Lê Xuân Tường (bấy giờ đã gần 80 tuổi, nhà ở xã Tiên Mỹ, nay đã qua đời) kể nhiều câu chuyện về thầy giáo Lê Trí Viễn.

 Năm 1943, thầy Viễn quyết định rời trường cấp I Tiên Phước sau 3 năm gắn bó để khăn gói ra Huế tiếp tục cái nghiệp đèn sách. Dù đất và người nơi quê nhà đã trở thành một phần máu thịt nhưng thầy vẫn đến Huế xin làm một chân thủ thư tại thư viện nhằm có thời gian và điều kiện đọc sách, tự học. Hai năm sau, thầy thi đỗ thủ khoa tú tài triết học. Trong tiệc rượu chia tay vào một đêm trăng với đồng nghiệp tại nhà thầy giáo Võ Kim Tương ở Tiên Mỹ, thầy Lê Trí Viễn đọc một bài thơ chữ Hán:

“Lưỡng tam giáo chức tựu đình tiền

Tạm biệt nhân tình thiết tửu diên

Tâm sự thủy chung bằng nguyệt hạ

Ly trung mạt hận biệt miên miên”

Dịch nghĩa: 

Đôi ba ông giáo quây quần trước sân

Chia tay nhau bằng tiệc rượu

Tâm tình với nhau có ánh trăng chứng giám

Trong sự chia ly chớ xem là xa nhau mãi mãi.

       

                       Giáo sư Lê Trí Viễn (giữa) và những học trò cũ ở Tiên Phước

Thầy Viễn đề nghị mọi người họa lại nhưng bấy giờ không ai họa được. Năm mươi năm sau, thầy lại có một cuộc gặp mặt thật xúc động tại huyện Tiên Phước với 22 người học trò cũ của mình. Giây phút trùng phùng, thầy trò ôm nhau khóc, những mái đầu bạc ngồi lại ôn chuyện xưa cũ. Thầy Viễn đã xúc cảm ứng tác bài thơ  “Chuyện 22 ông già” tặng mọi người trong giờ phút ấy:

“Cuộc họp chi mà kỳ lạ!

Hai mươi hai ông già

Ôm một ông già khác

Khóc

Có họ hàng thân thiết chi đâu 

Chỉ là thầy trò, năm mươi năm xa cách

Nay

Mới gặp nhau, mừng bằng nước mắt”

Tôi đến thăm ông Trương Văn Phu, một trong số những người học trò lớp nhất hồi năm 1943 của thầy giáo Lê Trí Viễn, hiện ở tại Đà Nẵng. Ông là Đại tá quân đội, nguyên Hiệu trưởng trường Quân chính Quân khu 5 đã nghỉ hưu từ hơn 20 năm nay. Ông vừa bị ngã nên đi lại phải tỳ vào xe đẩy. Ông rất bất ngờ và thương tiếc khi nghe tôi báo tin thầy Lê Trí Viễn đã qua đời. Ông cho biết thường gửi thư thăm thầy và thầy vẫn có thư hồi âm. Trước lúc bị ngã, ông viết tiếp một lá thư nữa cho thầy nhưng chưa kịp gửi. Ông gắng đẩy xe vào nhà trong đem ra một album ảnh, rút ra tấm hình chụp chung với thầy trong cuộc hội ngộ tại huyện Tiên Phước 18 năm trước. Thế mới thấy tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò của các bậc cao niên thật đáng quý trọng biết bao.Dù là người nổi tiếng, hoạt động trong những môi trường giáo dục hàng đầu, nhưng lúc nào trong lòng thầy giáo Lê Trí Viễn vẫn đau đáu về ngôi trường làng ngày cũ.

                      

Trong bức thư gửi ngày 15.10.2006 khi nghe tin trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sắp kỷ niệm ngày thành lập, ký ức của thầy vẫn vẹn nguyên: “Thầy Nguyễn Khánh từ Tiên Phước vào tận TP.Hồ Chí Minh, đến gặp tôi, đem quà quê nhà tặng và tin cho hay trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sắp tổ chức kỷ niệm mấy mươi năm thành lập. Tôi nghe mà thấy lòng nao nao. Làm sao không xúc động được! Ba năm ròng, biết bao gương mặt, biết bao dốc đèo, cây lá núi Tiên đã thành một phần con người tôi, từ vật chất đến tinh thần. Ước gì tôi có thể bay về cùng chia vui với quý vị quan khách, với anh chị em giáo viên và các em học sinh trong lễ hội trọng thể này. Và giá được các anh chị học sinh của tôi ngày xưa nay còn sống và đã là những cụ ông, cụ bà cùng về dự, thì cuộc hội họp mấy thế hệ học trò như thế sẽ hay, sẽ thấm thía biết bao! Xin đọc lại mọi người nghe bài thơ tôi làm do xúc cảm tức thì trong dịp tôi về đây năm xưa. Đầu đề là: “Chuyện 22 ông già”… Xin chúc quý vị quan khách, quý thầy cô và học sinh vui, khỏe. Chúc trường đổi mới dạy và học đạt thành công lớn và nhiều học sinh tương lai sẽ thành tài làm vẻ vang quê hương như cụ Huỳnh, cụ Phan ngày xưa, các vị anh hùng gần đây…”.

                                             Ngô Văn Minh - Báo Quảng Nam