www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vướng vòng lao lý chỉ vì nổi máu trên bàn nhậu

Sáng 28/9/2015, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi một thiếu niên mặc áo trắng, quần xanh với khuôn mặt non choẹt được viện dẫn đến TAND TP Đà Nẵng. Dò hỏi, người viết lại càng bất ngờ hơn khi cậu chỉ mới 15 tuổi, đang đối diện với bản án tội giết người lơ lửng trên đầu.

Trước trước vành móng ngựa, giọng run rẩy, bị cáo khai nhận tên là Nguyễn Viết Sơn (SN 2000, xã Tiên Thọ huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Khoảng 2 giờ ngày 16/5/2015, sau khi đã đi nhậu ở khu vực gần chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), Sơn cùng bạn là Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn Trí và Nguyễn Văn Hội tiếp tục đến quán tự phát trên đường Nguyễn Tất Thành nhậu tăng hai.

Lúc này, nhóm của Nguyễn Xuân Kỳ và Nguyễn Hoài Lâm (SN 1996, tỉnh Hòa Bình) đang tổ chức sinh nhật ở bàn bên cạnh.

   Vướng vòng lao lý chỉ vì nổi máu côn đồ trên bàn nhậu - Ảnh 1

Với khuôn mặt non choẹt, Sơn đối diện với bản án tội giết người.

Ngồi được chừng 10 phút, Hội nhận ra Kỳ là người quen. Sau khi nói chuyện vài câu, Kỳ sang mời nhóm Hội một ly bia. Lát sau, nhóm của Hội sang mời bia lại nhóm Kỳ.

Thấy Sơn nhỏ tuổi nhưng lúc Kỳ qua mời bia lại có thái độ không tôn trọng nên Kỳ khá bực mình. Kỳ gọi Sơn qua bàn của mình và nói: “Mi nhỏ mà mất dạy hả?”. Vừa nói, Kỳ dùng tay trái đè cổ Sơn xuống rồi dùng tay phải đánh một cái trúng vào lưng Sơn. Thấy vậy, mọi người can ngăn Kỳ và dẫn Sơn về lại bàn của mình.

Ngồi được một lát, Sơn được bạn dẫn sang bàn Kỳ để xin lỗi. Bất ngờ, bạn của Kỳ xông vào đánh nhóm Sơn. Riêng Sơn chạy về phía nhà bếp quán nhậu tránh mặt. Thấy mọi người “hạ hỏa” Sơn quay lại bàn nhậu. Kỳ vừa thấy Sơn liền xông vào đánh. Sơn bỏ chạy vào bếp, lấy ba con dao, đưa cho Quốc, Trí và chừa một con cho mình sử dụng.

Trong lúc ẩu đả, Nguyễn Hoài Lâm bất ngờ lao đến dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu Sơn. Lúc này, Sơn dùng dao đâm một nhát vào ngực Lâm. Nạn nhân đau đớn bỏ chạy cách đó không xa thì bị gục ngã. Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Lâm đã tử vong.

Trong vụ án, Quốc, Trí và Kỳ có hành vi đuổi đánh người khác nhưng không gây thương tích gì. Xét thấy hành vi có mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên công an TP Đà Nẵng chỉ xử phạt hành chính mỗi đối tượng 750 nghìn đồng.

Trong phiên tòa, Sơn thừa nhận hết mọi tội lỗi của mình.

Sơn nghẹn ngào: “Bị cáo không hề có ý định sát hại anh Lâm. Bị cáo bị đánh đến hai lần. Bị cáo cũng đã chạy vào bếp quán nhậu để lánh mặt. Thế nhưng, sau cùng vẫn tiếp tục bị đánh.

Lúc ấy, trong người sẵn có hơi men, bị cáo tức giận quá nên mới gây ra tội lỗi này. Thời gian qua, bị cáo suy nghĩ và hối hận nhiều. Bị cáo hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm được trở về làm lại cuộc đời”.

HĐXX nhận định, hành vi của Sơn là đặc biệt nghiêm trọng cần có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Tòa cũng xét, bị cáo chưa thành niên, gia đình có công với cách mạng, hối hận, thành khẩn, bị hại có một phần sai phạm…

Sau cùng, tòa tuyên phạt mức án 4 năm tù giam về tội giết người. Ngoài ra, cha mẹ bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại hơn 60 triệu đồng.

Xót xa hoàn cảnh hai gia đình

Có mặt tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Xin (SN 1969, cha Sơn) khuôn mặt đen sạm, buồn bã nhìn đứa con đứng trước vành móng ngựa.

Lau vội dòng nước mắt, ông chia sẻ, gia đình có ba đứa con, trong đó, bị cáo là con út. Ông làm nông, vất vả suốt ngày đêm nhưng vẫn không khỏi cảnh thiếu thốn. Gia cảnh càng khốn cùng khi vợ ông lâm trọng bệnh liệt giường không đi lại được.

Ngày mẹ đổ bệnh, Sơn chỉ mới học lớp 8. Đôi vai ông không thể gánh gồng nổi nên đành cho cả ba đứa con nghỉ học. Sơn theo chị gái ra Đà Nẵng làm công tại một cửa hàng bán bánh xèo nổi tiếng. Mỗi tháng, cậu chỉ chừa lại vài trăm nghìn tiêu vặt, còn lại gửi về thuốc thang cho mẹ.

   Vướng vòng lao lý chỉ vì nổi máu côn đồ trên bàn nhậu - Ảnh 2

Ông Xin buồn bã nhìn con trai đứng trước vành móng ngựa.

Trong mắt ông Xin, Sơn là đứa con ngoan hiền. Rạng sáng xảy ra vụ án, ông nhận được điện thoại thông báo mà không tin nổi. Ông hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhưng vẫn chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Thằng Sơn phạm tội giết người”. Sợ vợ sốc, nên ông giấu. Tuy nhiên, không lâu sau, mọi chuyện vỡ lỡ, bà biết, bệnh tình lại càng nặng hơn.

Biết con trai có lỗi, với hy vọng xoa dịu nỗi đau, ông Xin vay mượn được 10 triệu đồng mang đến cho gia đình bị hại.

“Tôi biết, một phần lỗi của con là do tôi. Tôi là cha, sinh ra mà không dành được những điều tốt đẹp, buộc cháu phải đi làm khi vẫn còn quá nhỏ”, người cha thở dài.

Trong khi đó, cả cha lẫn mẹ Lâm đều không đến tham dự phiên tòa. Đại diện cho gia đình bị hại là chú của Lâm. Ông chia sẻ, hoàn cảnh của Lâm rất bi đát, cha bị tâm thần, mẹ bệnh nặng, chị gái thiểu năng trí tuệ. Do đó, Lâm không được học hành đến nơi đến chốn. Ngay từ khi còn nhỏ, Lâm đã phải mưu sinh, trở thành lao động chính của gia đình.

Không được sự quan tâm sâu sát của người thân, sớm bươn chải với đời, Lâm thân với một số bạn bè xấu. Trước đây, Lâm từng trộm cắp tài sản, bị truy nã nên bắt xe từ Hòa Bình vào Đà Nẵng trốn.

Trong khoảng thời gian trốn chạy, mỗi tháng, Lâm vẫn phải gửi tiền về nuôi gia đình. Ngày Lâm qua đời, bà con phải gom góp tiền làm tang ma. Đến nay, ba con người trong nhà Lâm cũng được người thân cưu mang.

                                              Huy Cường - Báo Người Đưa Tin