www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Trận Tiên Phước–Phước Lâm–Suối Đá xuân 1975

Trong kết luận đợt 2, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 7-1-1975 đã xác định cụ thể nhiệm vụ của chiến trường Tây Nguyên, Khu V là “Sử dụng lực lượng Quân khu V và lực lượng quân sự, chính trị các tỉnh ven biển miền Trung, giải phóng từ Bình Định trở ra để ép về phía Đà Nẵng” (1).

Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, tháng 3-1975, Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Nam - Ngãi (2) (10-3-1975 – 25-3-1975) và xác định trận tiến công quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm và Suối Đá là trận then chốt của chiến dịch. Chỉ huy chiến dịch do Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 5 đảm nhiệm. Đồng chí Nguyễn Chánh (Bình) – Phó tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh; đồng chí Đoàn Khuê – Phó chính ủy Quân khu làm Chính ủy.

Trận tiến công Tiên Phước - Phước Lâm – Suối Đá bắt đầu vào 04 giờ 30 phút ngày 10-3-1975 đến 16 giờ ngày 10-3-1975. Lực lượng tham gia có Sư đoàn 2 gồm 4 trung đoàn (1, 31, 36, 38), Lữ đoàn 52, Trung đoàn pháo binh 368, Trung đoàn cao xạ 573, 10 chiếc xe tăng và xe bọc thép của Trung đoàn 574, Trung đoàn công binh 83 và 01 đại đội vệ binh của Quân khu. Ngoài ra còn có lực lượng vũ trang ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà cùng phối hợp tác chiến.

Tran Tien Phuoc – Phuoc Lam – Suoi Da trong Chien dich Nam-Ngai Xuan 1975 - Anh 1

Quân giải phóng làm chủ Chi khu quân sự Tiên Phước. 

Kết quả: Sau một ngày chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ Tiên Phước – Phước Lâm và dãy điểm cao Suối Đá, diệt 1.011 tên địch, bắt 991 tên, thu 779 súng các loại, giải phóng 20.000 dân. Thắng lợi của trận Tiên Phước - Phước Lâm- Suối Đá là chiến thắng đầu tiên của quân và dân Khu V trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thắng lợi này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự Việt Nam:

Một là, nắm chắc địch, địa hình, tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, giành quyền chủ động đánh địch.

Tiên Phước - Phước Lâm là thung lũng rộng khoảng 200km 2 nằm ở phía Tây tỉnh đường Quảng Tín (cách mạng gọi là Quảng Nam). Ở đây địch xây dựng một cụm chốt tiền tiêu trong hệ thống phòng ngự cơ bản gồm 3 cụm Tiên Phước - Phước Lâm và dãy điểm cao Suối Đá với 77 cứ điểm lớn, nhỏ, trong đó chi khu quân sự quận lỵ Tiên Phước là khu vực phòng ngự then chốt của địch. Mất Tiên Phước thì các khu vực phòng thủ khác địch khó có thể giữ vững. Bên cạnh đó dãy điểm cao Suối Đá cũng là khu vực không kém phần quan trọng, vì dãy điểm cao này tạo ra thế liên hoàn giữa Tam Kỳ và Tiên Phước, giữ bàn đạp để triển khai lực lượng phản kích khi bị ta tiến công, đồng thời cũng là tuyến ngăn chặn ta phát triển xuống Tam Kỳ. Quân số địch ở đây khoảng 3.000 tên, bố trí thành 6 tiểu đoàn bảo an, 02 đại đội biệt lập, 41 trung đội dân vệ và 2 pháo đội (10 khẩu) 105mm và 155mm. Lực lượng địch có thể chi viện, hỗ trợ gồm Sư đoàn 2 đứng ở Chu Lai, Sư đoàn 3 đang hoạt động ở phía Bắc của tỉnh. Liên đoàn biệt động quân số 12 đang ở Phú Lộc (Huế), Thiết đoàn tăng thiết giáp ở Tam Kỳ, lực lượng không quân ở sân bay Đà Nẵng và Chu Lai.

Trên cơ sở nắm chắc về địch, địa hình, Bộ Tư lệnh tiền phương quyết định sử dụng Lữ đoàn 52 diệt cứ điểm Suối Đá; Trung đoàn 31 và 38 – Sư đoàn 2 diệt chi khu quân sự quận lỵ Tiên Phước; Trung đoàn 36 bao vây bức hàng quận lỵ Phước Lâm khi các đơn vị bạn giải quyết xong mục tiêu then chốt, Trung đoàn 1 làm nhiệm vụ dự bị sẵn sàng đánh địch chi viện; pháo binh chi viện cho các mũi tiến công theo nhiệm vụ được giao. Đúng 04 giờ 30 phút ngày 10-3-1975, sau hai phát pháo hiệu phát lệnh, các đơn vị đồng loạt nổ súng đánh chiếm mục tiêu. Trận đánh diễn ra quyết liệt ở điểm cao Suối Đá và Đồi 211. Dưới sự chi viện của hỏa lực, Trung đoàn 38 nhanh chóng tiêu diệt địch ở điểm cao Núi Vú, Núi Ngọc, Núi Dương Côn, Hố Bạch. Trung đoàn 31 tiêu diệt địch ở các cứ điểm Trung Liên, Đồi Đá, Đồi Không Tên, Dương Ươi, Hố Tre, Điểm cao 215. Lữ đoàn 52 diệt địch ở Gò Hàn, Cù Lao Thôn 1 Phước Tiên, Dương Ông Lựu, Đồi Đất Đỏ, Hòn Nhọn… Trước sức tiến công và vây ép của quân giải phóng, đến 16 giờ, ta đã hoàn toàn làm chủ 3 cụm phòng thủ của địch. Ngoài lực lượng bị tiêu diệt, số còn lại chạy tán loạn về Tam Kỳ.

Hai là, xác định đúng mục tiêu chủ yếu để tiêu diệt làm tan vỡ thế trận phòng ngự của địch

Trên hướng chủ yếu, để chọc thẳng vào trung tâm quận lỵ Trên Phước ta phải nhổ được Điểm cao 211. Đây là cứ điểm mạnh của địch bảo vệ phía Bắc quận lỵ Tiên Phước. Địa thế ở đây hiểm trở, địch lợi dụng các mỏm đồi thấp xung quanh cứ điểm để xây dựng các chốt bảo vệ Khu trung tâm. Chúng xây dựng Khu trung tâm cứ điểm khá kiên cố với 42 lô cốt, 30 nhà lính, cấu trúc nửa chìm, nửa nổi, xung quanh có từ 3-5 lớp hàng rào dây thép gai bùng nhùng kết hợp với bãi mìn. Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 31 được giao nhiệm vụ phát triển tiến công cứ điểm này. 11 giờ ngày 10-3, các khẩu pháo 85mm, 105mm, 122mm bố trí ở núi Vú Em, núi Hàn Thôn hạ nòng bắn thẳng vào từng lô cốt trong cứ điểm 211. Bộ binh chia làm nhiều mũi tiến công các chốt điểm vòng ngoài. Đến 13 giờ 25 phút, đơn vị đã tiến công và làm chủ được 02 lô cốt đầu cầu, phá vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Địch phản ứng quyết liệt. Sau khi củng cố lại đội hình, các đơn vị của Tiểu đoàn 8 đã sử dụng lực lượng đi cùng tiêu diệt từng hỏa điểm của địch, bộ binh xung phong tiến công các mục tiêu trong Khu trung tâm. 13 giờ 30 phút, ngày 10-3, tiểu đoàn hoàn toàn làm chủ Cứ điểm 211. Địch sử dụng máy bay A37 từ căn cứ Chu Lai lên ném bom cứu vãn tình hình, nhưng bị lực lượng phòng không của Sư đoàn đánh trả quyết liệt nên không thực hiện được ý đồ.

Phát huy thế tiến công đang giành được, các đơn vị của Trung đoàn 31 chia làm 3 mũi tiến công vào quận lỵ Tiên Phước. Tại Phước Lâm và khu vực Suối Đá, bộ đội triển khai thế trận bao vây quân địch. Cứ điểm 211 thất thủ, quân địch hoang mang, dao động. Đến 16 giờ ngày 10-3, Trung đoàn 31 hoàn toàn làm chủ 3 cụm phòng thủ của địch.

Ba là, sử dụng pháo binh hiệu quả, kịp thời chi viện cho bộ binh xung phong đánh chiếm mục tiêu

Theo kế hoạch, 05 giờ pháo binh bắn vào các mục tiêu theo quy định, nhưng do thời tiết xấu, sương mù dày đặc nên không quan sát rõ mục tiêu. Đến 11 giờ 20 phút, theo yêu cầu của Lữ đoàn 52, pháo 122mm của Trung đoàn 572 bắn vào vị trí phòng thủ Dương Bàng Quân. Sau 30 phút, đã phá hủy hoàn toàn 2 lô cốt, làm sập vỡ 2 lô cốt khác. Sau đó, trận địa pháo này quay sang bắn vào mục tiêu Dương Dẻ, ngay từ loạt đạn đầu đã làm sập hoàn toàn 5 lô cốt của địch. Khi bộ binh tiến công các mục tiêu ở Suối Đá và Điểm cao 211 thì gặp địch dựa vào công sự vững chắc chống trả quyết liệt. Đến 14 giờ, Trung đoàn 572 dùng pháo bắn ghìm đầu địch. Ngay từ loạt đạn đầu đã bắn trúng Sở Chỉ huy Liên đoàn Bảo an 916, sau đó trận địa pháo chuyển sang bắn cấp tập, phá hủy 12/13 lô cốt của địch, tạo điều kiện cho bộ binh Lữ đoàn 52 làm chủ trận địa vào lúc 15 giờ 30 phút.

Trận Tiên Phước - Phước Lâm - Suối Đá là trận đánh then chốt của chiến dịch Nam – Ngãi. Thắng lợi của trận đánh đã tạo thế cho các lực lượng tiến công vào giải phóng thị xã Tam Kỳ và hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, chia cắt chiến trường phía Nam Quân khu I Việt Nam cộng hòa và cô lập Đà Nẵng, tạo thời cơ chiến lược cho ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Đà. Thắng lợi của trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm lịch sử về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là việc chọn mục tiêu then chốt và phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong tiến công. Đây là nét nổi bật của trận đánh cần được tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

                                          Ths Vũ Bình Tuyển Viện LSQS Việt Nam

Tài liệu nghiên cứu chủ yếu:

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H, 2004, tr.8

(2). Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954- 1975, tập VIII, Toàn thắng, Nxb CTQG, H, 2013, tr.342.