www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Toàn cảnh chiến dịch giải phóng Tiên Phước ngày 10-03-1975

 Đầu tháng 2-1975, Bộ chính trị và Quân ủy trung ương quyết định chọn thị xã Buôn Mê Thuột làm mục tiêu đột phá để mở màn chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. 

Phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên, chiến dịch Tiên Phước – Tam Kỳ ( mật danh A1) do chủ lực Quân khu đảm nhận cũng nổ súng. 

          Để phục vụ chiến dịch, vào cuối năm 1974 tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị tại Thăng Phước (Thăng Bình) bàn kế hoạch lương thực và cán bộ. Hơn 700 cán bộ của tỉnh và huyện được huy động để thành lập đoàn công tác do đồng chí Võ Văn Quỳnh ( tức Đoàn), phó bí thư tỉnh ủy phụ trách. 

          Hai chi khu quận lị Tiên Phước, Hậu Đức được Bộ tư lệnh quân khu 5 chọn làm hướng trọng điểm chiến dịch nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch đồn trú, giải phóng cả hai chi khu quận lị, tạo bàn đạp tiến xuống giải phóng thị xã Tam Kỳ và uy hiếp toàn bộ tuyến phòng thủ của địch dọc đường số 1. 

         Tiên Phước – Hậu Đức được Mỹ, ngụy coi là chiếc áo giáp bảo vệ tỉnh lị Quảng Tín nên chúng ra sức xây dựng cơ ngơi phòng thủ vững chắc. Bọn địch đồn trú tại đây đều chủ quan với hệ thống đồn bót kiên cố và tiềm lực quân sự của chúng tại chỗ nên cho đây là nơi “ bất khả xâm phạm”. Chúng cấu trúc ở đây thành ba cụm phòng thủ: chi khu quận lị Tiên Phước, chi khu quận lị Hậu Đức ( Phước Lâm) và dãy cao điểm Suối Đá gồm tất cả 77 cứ điểm. Địch còn lập 33 ấp chiến lược và 10 khu dồn dân, vừa thực hiện chính sách “ bình định nông thôn”, vừa làm vùng đệm cho các cứ điểm, ngăn chặn các cuộc tấn công của ta. 

           Trước khi ta nổ súng, lực lượng địch có khoảng 3.000 tên bao gồm 6 tiểu đoàn bảo an, 2 đại đội biệt lập, 41 trung đội dân vệ, nghĩa quân, hai pháo đội (10 khẩu) đại bác 105 và 155mm. Để kềm kẹp dân trong các khu đồn, bọn Quốc dân đảng ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh hình thành những đơn vị địa phương quân khét tiếng gian ác. Đặc biệt ở Tiên Châu, chúng bố trí cả một trung đội nghĩa quân canh giữ ấp chiến lược. 

            Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 5 do đồng chí Nguyễn Chánh (tức Bình), Phó tư lệnh quân khu 5 làm tư lệnh tiền phương và đồng chí Võ Tiến Trình (tức Đoàn Khuê) phó chính ủy quân khu làm chính ủy tiền phương, các đơn vị chủ lực khẩn trương xúc tiến mọi công tác chuẩn bị chiến dịch. 

           Khi có lệnh mở chiến dịch, Thường vụ huyện ủy tổ chức nhiều cuộc họp cấp ủy huyện để thảo luận kế hoạch, điều động cán bộ và bổ sung lực lượng. Nhân dân vùng giải phóng được huy động cùng với các chiến sỹ công binh mở một số tuyến đường quan trọng để bộ đội hành quân, vận chuyển lương thực và vũ khí. Đó là các tuyến đường Sơn–Cẩm–Hà đi quận lị, Tiên Hương đi Tam Kỳ qua đèo Ba Hương. Kết hợp với hệ thống vận chuyển đường bộ, trên sông Khang ta huy động một số lớn thuyền bè của dân để chuyển hàng phục vụ chiến dịch. 

         Từ ngày 26 đến 28 -2-1975, Thường vụ huyện ủy tổ chức một cuộc họp quan trọng để thảo luận kế hoạch hành động cụ thể. Cuộc họp đã phân công các đồng chí thường vụ và huyện ủy cùng với tỉnh chỉ đạo chiến dịch giải phóng huyện nhà. 

          Đồng chí Dương Đình Tú, thường vụ huyện ủy và đồng chí Nguyễn Ngạc, huyện ủy viên, đội trưởng đội công tác Phước Lâm phụ trách hướng đánh giải phóng quận lị Hậu Đức. 

            Đồng chí Hường Thanh, thường vụ huyện ủy, Nguyễn Bằng huyện ủy viên, đội trưởng đội công tác Tiên Thọ, Võ Khắc Nghiêm, huyện ủy viên, đội trưởng đội công tác Tiên Phong, Trần Thị Lệ, huyện ủy viên phụ trách dân vận, đảm nhận hướng đánh giải phóng các xã Tiên Thọ và Tiên Phong. 

           Đồng chí Nguyễn Ngọc, huyện ủy viên và Phạm Văn An phụ trách hướng đánh xã Tiên Cảnh. 

          Các đồng chí Lê Văn Phướng, phó bí thư huyện ủy, Trần Văn Thiều, thường vụ huyện ủy, chính trị viên huyện đội, Trần Ninh huyện ủy viên, đội trưởng đội công tác Tiên Kỳ, Hoàng Văn Tập, huyện ủy viên, đội trưởng đội công tác Tiên Mỹ phụ trách hướng đánh giải phóng các xã Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Châu. 

            Các đồng chí Võ Văn Quỳnh, Hường Thắng, Năm Trai và đồng chí Hà được tỉnh ủy cử về tham gia lãnh đạo chiến dịch giải phóng Tiên Phước. Các đồng chí trong bộ phận lãnh đạo chiến dịch được phân công thành 2 cụm: một cụm chỉ đạo tiến công vào quận lị Tiên Phước gồm có các đồng chí Hoàng Thắng, Hoàng Văn Tập và đồng chí Hà, do đồng chí Hà phụ trách. Một cụm chỉ đạo tiến công vào quận lị Hậu Đức do đồng chí Năm Trai phụ trách. Đồng chí Lưu Văn Chính, bí thư huyện ủy phụ trách cuộc tổng nổi dậy của quần chúng phá khu dồn, giải phóng toàn huyện. 

          Sáng ngày 9 tháng 3 năm 1975, cán bộ chiến sỹ huyện ta làm lễ xuất trận với khí thế quyết chiến quyết thắng, nêu cao quyết tâm giải phóng hoàn toàn Tiên Phước. 

          Đúng 0 giờ 30 phút ngày 10-03-1975, cùng lúc với tiếng súng tấn công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, sư đoàn 2 bộ binh, tiểu đoàn 10 đặc công được bộ binh, pháo cao xạ ( E pháo binh 572, E pháo binh 368, E cao xạ 573) chi viện lần lượt đánh chiếm các mục tiêu then chốt: Suối Đá, cao điểm 211, chi khu quận lị Tiên Phước và bao vây bức rút chi khu quận lị Hậu Đức ( Phước Lâm).

            Suối Đá là căn cứ chỉ huy của liên đoàn bảo an 916, nơi tập trung lực lượng bảo an ngoan cố nhất huyện. Dựa vào địa hình cố thủ vững chắc, công sự chống được sức công phá của pháo 105 li, quân địch chống trả quyết liệt làm cho tiểu đoàn 7 của lữ doàn 52 phải tạm dừng tấn công để tổ chức lại lực lượng đột phá. 

14 giờ ta dùng pháo bắn ghìm đầu địch kết hợp với pháo nòng dài bắn thẳng phá tung từng lô cốt, ụ súng của địch và pháo của tiểu đoàn 7 thanh toán các hỏa điểm còn sót lại để chi viện cho xung kích đánh chiếm từng mục tiêu. 

          Mãi đến 15 giờ, nhờ sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa xung lực và hỏa lực, các chiến sỹ mới khai thông được hai cửa mở. Địch tổ chức lực lượng phản xung phong. Các chiến sỹ ta dựa vào công sự chiếm được trút đạn tới tấp vào những tốp địch đi đầu, đồng thời ĐK của ta bắn tan hai hỏa điểm đại liên của địch, buộc số lính địch còn sống sót phải lui vào bên trong cố thủ. Khi địch định rút chạy, ta liền phát lệnh xung phong bám sát chân địch, từ hai hướng thọc sâu đánh chiếm khu lô cốt trung tâm, rồi tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu vòng ngoài, làm chủ chiến trường vào lúc 16 giờ cùng ngày. 

            Điểm cao 211 là cứ điểm chủ yếu bảo vệ quận lị Tiên Phước, cách quận lị 1.5km. Theo kế hoạch hiệp đồng thì khi lữ đoàn 52 chiếm xong Suối Đá, diệt được trận địa pháo, trung đoàn 31 mới nổ súng. Nhưng nắm được hiện tượng hoang mang của địch khi ta mới triển khai đánh chiếm các vị trí vòng ngoài của cứ điểm, đồng chí Nguyễn Chơn sư đoàn trưởng và đồng chí Mai Thuận, phó chính ủy đã hạ lệnh cho đánh sớm hơn dự định. 

           11 giờ, hai trận địa pháo của ta ở Hàm Thôn và Núi Vú rót vào mục tiêu 211 thì từ bên ngoài làng Tiên Châu, tiểu đoàn 8 của trung đoàn 31 chia làm hai mũi luồn lách qua các ấp chiến lược tiếp cận vị trí của địch chiếm ngay các mỏm đồi tiền đồn phía bắc và phía tây điểm cao 211. Cùng lúc pháo nòng dài của ta trên đỉnh núi Vú Em bắn nát hơn nữa số lô cốt, công sự, nhà lính trong cứ điểm. Thời điểm tiêu diệt địch xuất hiện. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tứ hạ lệnh tập trung hỏa lực cối 120 li, 81 li, ĐK 75 bắn dồn dập vào trung tâm hỗ trợ bộ binh khai thông của mở. 

             Hiệu lực của pháo kết hợp với đánh vòng táo bạo và mưu trí của các chiến sỹ bộ binh đã phá tan cửa mở vào phía tây lúc 15 giờ. Toàn quân ào ạt xung phong. Lá cờ chiến thắng đã được tiểu đội thọc sâu của đại đội 7 cắm trên nắp hầm chỉ huy của địch. Toàn bộ quân địch ở cao điểm 211 bị tiêu diệt. Một số ít sống sót đạp rào phía nam tháo chạy về quận lị. 

           Trước tình thế mất cao điểm 211, quận trưởng Tiên Phước điện về Tam Kỳ xin rút chạy, nhưng các khẩu đội pháo ở núi Vú Em, Hàm Thôn dồn dập trút bão lửa vào trung tâm quận lị. Ba mũi tiến công cua quân ta nhanh chóng dập tắt các ổ đề kháng  của địch ở bên ngoài, đột vào trung tâm quận lị. 16 giờ cùng ngày ta làm chủ hoàn toàn quận lị. 

            Tại hướng Phước Lâm, ngay từ giờ đầu, tiểu đoàn 2 trung doàn 36 đã diệt gọn bọn địch ở Hàm Thôn bảo đảm an toàn cho pháo binh chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn 10 đặc công đánh chiếm Cửa Rừng đèo Liêu do tiểu đội bảo an 102 đóng giữ và phát triển vây ép quận lị. Vừa thấy bóng quân ta, cả quan và lính cũng như nhân viên ngụy quyền đã nhốn nháo bỏ chạy. 16 giờ ngày 10-3-1975 ta kiểm soát trận địa và truy lùng tàn quân địch. 

              Đúng 16 giờ, cả ba hướng tấn công và vây ép của quân ta đã chiếm lĩnh các mục tiêu đã phân công. Ta đã mở đầu chiến dịch bằng một trận đánh thắng giòn giã, nhanh gọn, tạo ra tình thế mới báo hiệu nguy cơ sụp đổ không thể cứu vãn nổi của quân ngụy. 

             Đồng thời sự kết hợp của bộ đội chủ lực quân khu với bộ đội địa phương và sức mạnh nổi dậy của nhân dân huyện ta đã tạo nên thế tiến công như vũ bão “ trúc chẻ ngói tan”. Đơn vị C.7 của huyện đội nhận nhiệm vụ đánh từ Tiên Lộc qua ấp Hữu Lâm ( Tiên Kỳ) chặn đường quân địch rút xuống Tam Kỳ. Sau đó, đơn vị tiếp tục phát triển lên phối hợp với chủ lực từ Tiên Châu đánh qua để chiếm quận lị. Đơn vị C45 đánh chặn đường quân địch chạy qua núi Sấu xuống Hố Tàu để thoát về Tam Kỳ. 

              Tối ngày 10-03-1975, các đội công tác và du kích tiến vào phát động nhân dân ở khu đồn Ngọc Tú, Núi Thị bung về làng cũ. Đại bộ phận nhân dân được chuyển ra vùng giải phóng từ trước để tránh tổn thất khi chiến sự diễn ra các liệt. Các đồng chí huyện ủy đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy mạnh mẽ, phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực giải phóng huyện nhà. 

             Qua ngày 11-03-1975, ban chỉ huy liên đoàn địa phương quân 916 của địch chạy qua thôn 4 Tiên Phong thì bị C45 chặn đánh tiêu diệt. Trung tá chỉ huy liên đoàn bị ta diệt tại trận. Tàn quân địch chạy tán loạn vào rừng. Một số tìm đường thoát thân về Tam Kỳ bị lực lượng đội công tác và du kích vây diệt, bắt sống dẫn về trại. Một số tàn binh còn lẫn trốn trong núi, cán bộ và nhân dân phát loa kêu hàng. Nhiều bà con lấy mo cau cuốn làm loa gọi con trong núi ra trình diện ủy ban quân quản địa phương. Chỉ ba ngày sau đã có gần 1.500 tàn binh ra hàng cách mạng. 

            Cùng với bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương và du kích huyện ta đã đánh 26 trận, diệt 93 tên địch, bắt sống 310 tên, loại khỏi vòng chiến đấu 403 tên, tiêu diệt ban chỉ huy liên đoàn 916, giết chết trung tá liên đoàn trưởng, 1 đại úy, 1 trung úy, 3 thiếu úy, thu 102 súng. Số địch ra hàng có 611 tên ngụy quân và 318 tên ngụy quyền. 

             Ngày 20-03-1975, tại sân quận lị, Ủy ban quân chính huyện do đồng chí Dương Đình Tú làm chủ tịch đã ra mắt trước toàn thể cán bộ và nhân dân huyện nhà. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng ở các xã cũng được thiết lập và ra mắt trước nhân dân. 

             Dưới sự lãnh đạo của ủy ban quân chính, nhân dân trong huyện nhanh chóng ổn định đời sống, ra đồng sản xuất, họp chợ, tham gia các sinh hoạt của vùng giải phòng. Tất cả di tích tuyên truyền của Mỹ ngụy đều được đồng bào ta tham gia xóa bỏ, viết lên các khẩu hiệu mới của cách mạng. Cờ mặt trận, ảnh Bác Hồ được treo khắp các gia đình. Hai đội chiếu bóng đã về phục vụ hàng ngàn người xem. 

           Nhiệm vụ trước mắt lúc này là truy quét bọn tàn quân địch còn lẫn trốn, kêu gọi trở về với nhân dân, với cách mạng, vừa phải lo xây dựng chính quyền, giải quyết đời sống nhân dân. Bức thiết nhất là lo giải quyết nơi ăn ở và các nhu cầu thiết yếu: lương thực, thực phẩm, thuốc men chữa bệnh. Phòng lương thực huyện đã giải quyết bán cho dân 47 tấn 261 ký gạo và cho mượn 24 tấn 892 ký gạo. Phòng tài chính cũng lập danh sách cho dân mượn gạo và cứu tế. Tổng cộng có 4.117 nhân khẩu được cấp và cho mượn 32.628 ký gạo. Ngoài ra phòng tài chính còn cho vay bằng hiện vạt 4 con trâu, 4 con bò trị giá 850.000 đồng. Phòng nông lâm tiến hành theo dõi, điều tra tình hình ruộng đất ở một số xã vùng mới giải phóng và lập kế hoạch xin trên chi viện cho 500 lưỡi cuốc, 100 con trâu, 80 con heo, 2 tấn giống lúa, 1 tấn giống bắp để cho dân khôi phục sản xuất. 

            Các mặt công tác khác cũng được khẩn trương giải quyết. Trường trung học của huyện khai giảng có 5 lớp, 250 học sinh. Các trường tiểu học ở các xã Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Châu cũng tiếp tục quay dạy trở lại gồm 63 lớp, 1.863 học sinh. Tổng cộng tất cả  là 18 trường, 68 lớp, 2.113 học sinh đã đi học lại. 50 giáo viên được đưa đi đào tạo để dạy theo chương trình giáo dục của ta. Các công tác y tế, tuyên truyền cũng được triển khai để phục vụ nhân dân. 

             Sau giải phóng, trong không khí phấn khởi cách mạng của nhân dân được giải thoát khỏi ách kèm kẹp của địch, việc xây dựng bổ sung lực lượng ta càng thuận lợi hơn. Ta phát động rút được 177 thanh niên thoát li bổ sung lực lượng vũ trang huyện và các ngành công tác. Lực lượng du kích được củng cố và phát triển. Tại các xã Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hiệp, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lộc đã có được 247 đội viên du kích. 

             Đối với số tề ngụy ta bắt được hoặc ra trình diện cách mạng ta chủ trương đưa đi cải tạo số đã có tội ác với dân: có 75 tề và 53 ngụy đi học ở tỉnh, số học ở huyện là 90 tề và 34 ngụy, còn 308 tề và 546 ngụy thì học ở xã. 

               Ngày 29-3-1975, ta giải phóng hoàn toàn Quảng Nam – Đà Nẵng. 

              Ngày 30-4-1975, cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Từ khắp các xã, một rừng cờ, rừng người hồ hởi kéo về dự lễ mít tinh chiến thắng do huyện tổ chức. Một ngày hội non sông, một niềm hân hoan vô bờ bến tràn ngập buổi lễ. Từ đây, cùng với cả nước, lịch sử cách mạng của huyện ta chuyển sang giai đoạn mới. Dưới sự lãnh đạo của Huyện đảng bộ, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện nhà bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây lại quê hương giàu mạnh theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân đã chọn: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

                    Theo Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước