www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tìm đường cho cau xuất ngoại

Những ngày này, anh Lê Bình Ninh (SN 1981, thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) di chuyển như con thoi giữa Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Hồ Nam (Trung Quốc). Vụ cau chính bắt đầu từ tháng 6 này nên Ninh phải điều hành thu mua cau tươi ở Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi về Tiên Cảnh (Tiên Phước) chế biến rồi xuất hàng sang Trung Quốc. Xong việc, anh phải đi khảo sát nhiều nơi trên địa bàn tỉnh để tìm địa điểm đầu tư thêm nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất.

Bén duyên

Tôi gặp Ninh cũng là cái duyên, nhiều lần về Tiên Phước, nghe ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh “mời chào” rừng “có nhân vật ni hay lắm. Đang là giáo viên, đời sống thư thả đột nhiên bỏ nghề để... buôn cau”. Cùng tuổi, dễ quen, tôi liên hệ thì liền được anh “mở đường”: “Ông cần chi thì tôi kể tất. Cây cau, trái cau còn biết... nói nữa là.

Câu chuyện về Ninh bắt đầu như vậy. “Tôi khởi nghiệp từ trái cau trước hết là muốn giúp cho người dân dãi nắng dầm sương quê tôi có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, không còn phải chịu cảnh thương lái ép giá rồi phải bán cau rẻ như cho. Tôi cũng muốn nâng cao giá trị cho loại trái cây đặc sản của quê nhà mà nhiều người vẫn quan niệm chỉ là loại trái cây để ăn chơi” - Ninh chia sẻ.

Lê Bình Ninh (trái) và Peng Hu dưới bóng cau Tiên Phước.
Lê Bình Ninh (trái) và Peng Hu dưới bóng cau Tiên Phước.

Tốt nghiệp sư phạm, Ninh về quê dạy học ở Trường THCS Quang Trung (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước). Bỗng dưng một ngày, đi dạo quanh làng cổ Lộc Yên, Ninh ngẫm ngợi, cây cau quê mình đẹp như vậy, trái cau lại quý nhường ấy, mọi người chăm chút tỉ mỉ mà cau trái bán ba cọc ba đồng, uổng phí quá. Hay là mình đứng ra thu mua cau, chế biến, tìm đường xuất khẩu. “Mọi người cứ bảo tôi tính tình điềm đạm, cái chi cũng chỉn chu, cẩn thận, đó là nghề sư phạm dạy tôi như vậy. Nhưng thực ra tôi cũng ưa mạo hiểm, thích thử thách. Thu mua cau, chế biến, xuất khẩu nghe có phần... viển vông. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định tự thách thức mình” - Ninh nói. Cơ duyên khởi nghiệp từ cau đến với Ninh như vậy, bắt đầu từ năm 2007, nghĩ cũng tự nhiên với con người đa mang, sinh ra và lớn lên ở làng quê rợp bóng cau.

“Phải lỳ lợm để thành công”

Xuất thân từ gia đình giàu có tiếng ở Tiên Phước, Ninh nhanh chóng thuyết phục cha mình huy động vốn để đầu tư nhà xưởng chế biến cau có giá trị 1 tỷ đồng. Để có nguồn nguyên liệu, anh thu mua cau tươi ở các địa bàn của huyện Tiên Phước. Nhiều người đã ngạc nhiên với cách mua cau với giá vượt trội của Ninh, trước đây họ bán 20 nghìn đồng/kg cau tươi thì Ninh nâng giá lên 30 nghìn đồng.

Công việc khởi đầu vô cùng gian nan, cạnh tranh khốc liệt vì thời điểm đó có rất nhiều cơ sở chế biến cau đang hoạt động tại Tiên Phước, họ dạn dày kinh nghiệm còn Ninh khởi sự từ... ngẫu nhiên. Ninh bắt đầu thâm nhập vào thị trường cau, thỏa thuận, ký kết các đơn hàng với các đối tác ngoại tỉnh, từ Thanh Hóa rồi đến Hải Phòng, Quảng Ninh. Quan điểm của Ninh là trước mắt phải ổn định thị trường, dần dà sản phẩm cau chế biến được đón chào ở khu vực phía Bắc - cửa ngõ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. “Trong 3 năm đầu tiên, gia đình tôi hoảng vì lỗ. Tuy vậy, tôi trấn an, có thành công nào đến từ dễ dãi đâu. Có thị trường rồi sản phẩm sẽ chiếm lĩnh trong thời gian không xa. Thời điểm đó, chúng tôi mày mò nghiên cứu, tích lũy các kinh nghiệm có được, chất lượng cau chế biến rất đạt” - Ninh chia sẻ.
Thực tế công việc và qua trao đổi với các đối tác làm ăn ở phía Bắc, Ninh hiểu rằng xuất khẩu cau sang Trung Quốc quá khó. “Tính tôi quả quyết, kiên định, càng khó thì càng phải thực hiện cho bằng được. Đã leo lên lưng cọp rồi, muốn thành công thì phải lỳ lợm” - Ninh nói. Năm 2010, ngấm ngầm trao đổi với đội xe chở hàng cau xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, Ninh khăn gói hành lý đi theo. Ngủ bờ, nằm bụi trong 4 tháng trời, Ninh đi tìm hiểu thị trường cau ở Hồ Nam (Trung Quốc).

Cơ hội rồi cũng đến khi Peng Hu - chủ một công ty chế biến hàng kẹo cau lớn ở Hồ Nam thích cung cách làm quen, mời chào sản phẩm cũng như những cam kết cung ứng hàng cau chế biến của Ninh. Từ đấy, hàng cau chế biến của anh có đầu ra ổn định. “Với hàng cau xuất khẩu, mình mua 30 triệu đồng cho 1 tấn cau tươi của người dân, dù giá gấp rưỡi mặt bằng thời điểm đó vẫn là rẻ. Mỗi chuyến hàng, mình xuất khẩu sang Trung Quốc đến 10 tấn cau khô, cần đến 50 tấn cau tươi. Cứ mỗi chuyến như vậy, lời hàng chục triệu đồng” - Ninh cho biết.

Cau cho “trái ngọt”

Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của gia đình Ninh chế biến được 8 tấn cau khô, cần đến 40 tấn cau tươi. Ninh cho biết, nhu cầu của đối tác Trung Quốc là cực lớn nên vấn đề nằm ở chỗ có thể thu mua được bao nhiêu cau nguyên liệu để chế biến chứ không phải sợ đầu ra thiếu ổn định như lúc mới khởi nghiệp. Cách kinh doanh vẫn không đổi từ năm 2007 đến nay, giá cau tươi Ninh mua của nông hộ luôn cao hơn mặt bằng chung 1 nghìn đồng/kg. Cách chế biến cau của Ninh là sau khi thu mua, cau tươi sẽ được lặt, làm sạch rồi cho vào chảo nấu trong vài tiếng đồng hồ. Sau đó, cau sẽ được vớt ra, cho vào lò, sấy trong vòng 4 - 5 ngày. Khi cau khô lại sẽ được vớt ra, đóng gói, cho vào thùng và xuất sang Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tấn cau khô mỗi ngày, Ninh đầu tư 50 chảo nấu và 10 lò sấy. Tôi có may mắn là đã gặp trực tiếp Peng Hu - đối tác duy trì làm ăn với Ninh từ năm 2010 đến nay. Kinh doanh phát đạt, Peng Hu sang Việt Nam, tìm đến Ninh, đề xuất ý tưởng cùng phối hợp thuê đất, mở nhà xưởng chế biến kẹo cau, xuất hàng tinh chế sang Trung Quốc chứ không dừng lại là cau chế biến thô. Peng Hu xởi lởi: “Tôi nói thật là người Trung Quốc rất đa nghi, càng dò xét thì càng thấy tin tưởng vào Ninh. Chúng tôi muốn hợp tác lâu dài với Ninh. Chúng tôi rất cần mặt bằng thuê đất, đầu tư nhà xưởng. Việc thu mua cau nguyên liệu thì Ninh lo còn tôi mang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại sang” - Peng Hu nói.

                                          Nguyễn Quang Việt - Báo Quảng Nam