www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968

Tiên Phước là nơi đã sản sinh ra các chí sĩ yêu nước tiêu biểu của Quảng Nam và của cả nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy, Trần Huỳnh,... Đây là nơi có phong trào cách mạng liên tục, bền bỉ qua các thời kỳ lịch sử, dù phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ nhưng vẫn kiên cường, bất khuất, cùng nhân dân cả nước quyết tâm đạp đổ cường quyền, áp chế để mưu cầu độc lập, dân quyền, hạnh phúc. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Tiên Phước được nâng lên bội phần, góp phần cùng cả nước, cả tỉnh giành những thắng lợi vẻ vang đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Việc hưởng ứng và nhất tề nổi dậy của nhân dân Tiên Phước trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968 là mốc son lịch sử thể hiện sự kế thừa truyền thống yêu nước và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả tỉnh Quảng Nam và miền Nam Việt Nam. 

Trước khi diễn ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, cũng như nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam và cả miền Nam, khí thế cách mạng của nhân dân Tiên Phước qua nhiều năm đấu tranh với kẻ thù đã được tôi luyện và phát huy cao độ, nhất là từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. 

Xin nêu lại các mốc son lịch sử: ngày 27-10-1961, Tiên Lãnh – Tiên Ngọc được giải phóng, là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân toàn tỉnh đồng khởi diệt ác phá kèm, xây dựng vùng giải phóng. Ngày 25-9-1962, chúng ta tiếp tục vượt sông Tiên giải phóng 3 xã Sơn – Cẩm – Hà. Tiếp theo đó, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà tiếp tục bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, lập những chiến công vang dội. Đập tan chiến dịch Bình Châu (1963); làm thất bại chiến dịch “dân chiến”, được Khu ủy V khen tặng “mảnh đất thánh” của cách mạng và Huân chương kháng chiến Hạng nhì (1964 – 1965); đánh bại cuộc tiến công càn quét của Mỹ - ngụy mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. 

Cuối năm 1967 đầu 1968, trên chiến trường toàn miền Nam, Mỹ - ngụy liên tiếp thua trận, kế hoạch “tìm diệt và bình định” của địch bị phá sản. Tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn thêm rối ren, ngụy quyền cơ sở nhiều nơi bị suy yếu. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, Tỉnh ủy Quảng Nam đã chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân – 1968 (mật danh T25). 

Tại Tiên Phước, Đại đội V.13 của huyện được Tỉnh đội rút về tỉnh để thành lập tiểu đoàn 74. Đồng chí Hường Thắng, chính trị viên Huyện đội được điều về tỉnh làm chính trị viên tiểu đoàn nghĩa binh. Tỉnh còn huy động một lực lượng lớn trong đội quân đấu tranh chính trị ở các xã phía Đông của huyện để hình thành các mũi quân khởi nghĩa đột nhập tỉnh đường Quảng Tín. 

Để bổ sung lực lượng cho T25 của huyện, ta gấp rút tổ chức đội ngũ và bồi dưỡng bài bản đấu tranh chính trị. Tháng 8/1967, Huyện đội điều du kích và rút thanh niên để thành lập đại đội độc lập mang tên c7 do đồng chí Trần Xưởng làm đại đội trưởng, đồng chí Trần Văn Hùng làm chính trị viên. 

Mọi hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch được xúc tiến. Nhân dân được phát động đã hăng hái ủng hộ bộ đội, đóng góp sức người, sức của vào chiến dịch. Cùng với nhân dân toàn tỉnh, nhân dân Tiên Phước tổ chức ăn tết sớm hơn mọi năm để sẵn sàng xuống đường khởi nghĩa khi có lệnh. 

Triển khai phương án tổng tiến công và nổi dậy của huyện, đồng chí Bùi Hồng Việt, Bí thư Huyện ủy làm tổng chỉ huy cả lực lượng vũ trang và lực lượng đấu tranh chính trị của huyện, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đồng chí Võ Ngọc Khuê, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn được điều sang làm chính trị viên Huyện đội cùng với đồng chí Lê Văn Phướng, Huyện đội trưởng chịu trách nhiệm về mặt quân sự. Nữ đồng chí Hồ Thị Viên (Tiên) chỉ huy phó lực lượng đấu tranh chính trị của Tỉnh trực tiếp làm chỉ huy trưởng đấu tranh chính trị của huyện. 

Theo phương án, toàn bộ lực lượng c7 sẽ cùng với b45 và 500 du kích đánh vào đồn pháo binh của quận lỵ, đồn 101 Tiên Mỹ và ấp chiến lược Tiên Kỳ. Nhưng do lực lượng c7 mới thành lập, chưa được trang bị và huấn luyện chu đáo nên bước vào chiến dịch, c7 không đủ sức đánh tấn công vào mục tiêu đồn pháo binh quận lỵ. Người chỉ huy trận đánh lại không liên lạc được với người chuẩn bị chiến trường nên gặp trở ngại lớn trong việc tổ chức đánh địch. Trước tình hình đó, mục tiêu tấn công phải thay đổi, c7 chuyển sang đánh ấp chiến lược Bình An và Hữu Lâm, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phối hợp với đội công tác Tiên Kỳ phát động quần chúng hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. 

Cùng lúc với hoạt động tiến công quân sự, sáng 30 Tết Mậu Thân, quần chúng đã xuống đường từ các hướng kéo vào quận lỵ biểu tình, với băng cờ, khẩu hiệu đòi đánh đổ Thiệu - Kỳ, giành chính quyền về tay nhân dân, đòi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Hướng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc kéo xuống quận lỵ Hậu Đức (Phước Lâm) do đồng chí Ngô Thị Hoa và đồng chí Nguyễn Thảng, Huyện ủy viên chỉ đạo. Hướng từ ngã ba Bà Xù lên quận lỵ Tiên Phước do các đồng chí Huyện ủy viên, Phan Ngô, Lương Ngọc Quảng và Ngô Đôi chỉ đạo. 

Theo hồi ký của đồng chí Hoàng Văn Tập, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, thì cánh quân Sơn - Cẩm - Hà, vào đêm 29 tháng Chạp năm Đinh Mùi (1967), trước khi nổ ra cuộc đấu tranh, quần chúng của 3 xã Sơn - Cẩm – Hà tập trung tại thôn 2 Tiên Cẩm. Lãnh đạo chung ở đây lúc bấy giờ là đồng chí Huỳnh Kháng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, trưởng an ninh huyện, ban chỉ đạo còn có các đồng chí: Hường Thanh, Hoàng Văn Tập, Trần Văn Thiều. Hỗ trợ cho đấu tranh chính trị có một trung đội bộ đội địa phương (huyện) do đồng chí Trần Văn Thiều, chính trị viên Huyện đội trực tiếp chỉ huy. Phụ nữ huyện có đồng chí Lương tham gia Ban chỉ đạo (về sau đồng chí Lương hy sinh ở Bắc Tam Kỳ). Bí thư chi bộ xã nào chịu trách nhiệm tổ chức quản lý hướng dẫn đội ngũ xã mình thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Sáng sớm mồng Một Tết, lệnh xuất quân được ban bố. Quần chúng 2 xã Tiên Cẩm, Tiên Sơn làm mũi tiên phong hành quân trước. Đội ngũ xã Tiên Hà giữ lại làm đội dự bị chờ diễn biến tình hình sẽ có sự chỉ đạo tiếp theo, không hành quân cùng lúc. 

Đến 10 giờ cùng ngày, địch phản ứng dữ dội, đội ngũ đấu tranh chính trị đi tiên phong đã có 05 người hy sinh. Nhận thấy tình hình bất lợi, đồng chí Kháng cho đội ngũ tiên phong lui quân và đội ngũ của Tiên Hà cũng được giải tán về địa phương. Ban chỉ đạo nhanh chóng chuyển hướng lo công tác thương binh liệt sĩ, giao cho các chi bộ ổn định tư tưởng quần chúng, có phương án phòng chống địch phản kích, giữ vững vùng giải phóng của ta. 

Theo sách Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước (1858 – 1975) (NXBCTQG, tái bản năm 2014, trang 250, ghi là: Lực lượng ở cánh Sơn – Cẩm – Hà có 513 đồng bào xuống đường khởi nghĩa, giành chính quyền. Trên đường tiến quân vào quận, mẹ Nhạn người Tiên Cẩm đã nêu một tấm gương sáng ngời về dũng khí và tinh thần yêu nước. Trong lúc mẹ cầm cờ đi đầu đoàn biểu tình thì người con trai 14 tuổi đi phía sau chẳng may bị ong độc từ trong bụi bay ra cắn phải bỏ chạy vấp ngã chết. Bà con báo tin cho mẹ đem con về mai táng. Mẹ vô cùng đau xót nhưng gạt nước mắt nói “Nhờ các anh, các chị phía sau lo hộ cho cháu, tôi còn phải tiếp tục làm tròn nghĩa vụ cách mạng”. Đoàn biểu tình kéo đến Tiên Châu thì gặp phải một trung đội ngụy ngăn chặn. Đồng bào vẫn tiếp tục tiến lên, chúng nổ súng đàn áp. Mẹ Nhạn anh dũng hy sinh. Địch xông vào giựt lá cờ ở tay mẹ thì ông Nguyễn Xin (ông già Nghiêm) quắc mắt bảo: “Chúng bay không được cầm đến lá cờ này, chỉ có những người yêu nước thương dân mới được cầm nó”. Tức tối vì bị sỉ nhục, địch đã hèn hạ bắn bị thương và đem chôn sống ông già Nghiêm. Trước lúc tắt thở, ông còn hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đả đảo Mỹ - ngụy !”. 

Lực lượng quần chúng vũ trang khởi nghĩa Tiên Phước ra quân tết Mậu Thân có hơn 1.000 người với khí thế cách mạng sôi sục hơn lúc nào hết. Bị địch đàn áp đã có 9 người hy sinh, 3 người bị thương, 39 người bị địch bắt (về sau địch thả về 9 người). Nhân dân Tiên Phước còn đóng góp quân vào cánh biểu tình của tỉnh từ phía Tây nhập vào tỉnh lỵ Quảng Tín, trong số 6.000 quân khởi nghĩa của cánh này đã có 1.221 người của huyện Tiên Phước. 

Chiến dịch tấn công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân 1968 của Tiên Phước tuy chưa giành được thắng lợi trọn vẹn, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Một phần do yêu cầu tổng tấn công và nổi dậy ở trọng điểm của tỉnh, một bộ phận lớn lực lượng quân sự và đấu tranh chính trị của huyện ta phải điều về tỉnh, trong lúc đó, đơn vị c7 mới thành lập chưa đảm đương nổi nhiệm vụ nặng nề của huyện và gặp trắc trở trong công tác chỉ huy tác chiến. Do hoạt động quân sự chưa làm được nhiệm vụ tiêu diệt một lượng lớn sinh lực địch làm đòn bẩy cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa nên không phát triển được thế và lực để giành thắng lợi lớn hơn. 

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tuy chưa trọn vẹn nhưng chiến dịch cùng cả miền Nam tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân – 1968 ở huyện Tiên Phước có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đó là sự thể hiện tuyệt vời của tinh thần yêu nước, tinh thần xả thân vì độc lập dân tộc, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cụ thể ở Tiên Phước là thể hiện qua những người dân chân lấm tay bùn, theo Đảng đứng lên đạp đổ cường quyền như Mẹ Nhạn, Cụ Nghiêm,... và bao nhiêu đồng bào, đồng chí khác. Đó là sự thể hiện đến đỉnh cao sự trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng vũ trang huyện nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện từ những ngày đầu thành lập, trải qua thử thách, giành những chiến công vang dội, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước giáng đòn quyết định vào việc đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ngụy ở miền Nam. Thắng lợi này của cả nước đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Paris. 

Sau tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đảng bộ huyện đã không ngừng vững mạnh, có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà tiếp tục kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, làm nên các chiến công vang dội ở Núi Ngang, Dương Sẻ, phá tan các “ấp chiến lược”, đưa nhân dân lần lượt trở lại vùng giải phóng, quyết liệt chống địch bình định, nỗ lực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 – 1972), giải phóng và làm chủ quận lỵ Tiên Phước (1972), cùng cả tỉnh và miền Nam đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris và giành đại thắng mùa Xuân 1975. 

50 năm đã trôi qua, nhưng khí thế của những ngày cùng cả tỉnh, cả miền Nam tổng tiến công và nổi dậy vẫn còn như mới hôm qua, hừng hực và sôi động, là bài ca bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng miền Nam trên quê hương Tiên Phước. Khí thế đó sẽ tiếp tục động viên, cổ vũ và soi đường cho các thế hệ đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà tiếp tục đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, xây dựng huyện thành huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, là huyện Nông thôn mới vào năm 2022, phát triển bền vững và giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh, lòng mong mỏi của các thế hệ đảng viên và nhân dân huyện nhà.

                                   Phạm Văn Đốc - Bí Thư HU Tiên Phước