www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thêm một góc nhìn về chí sĩ Lê Cơ

Tôi không có chuyên môn về lãnh vực nghiên cứu, nhưng từ góc độ hậu duệ đích tôn với những lợi thế gia đình và các mối giao lưu khá hiếm hoi, muộn màng với một số bậc cao niên nay đã quá cố, tôi cũng có một cái nhìn khá riêng biệt về chí sĩ Lê Cơ, có thể tóm tắt qua mấy nhận định có tính định hướng như sau:

 1/ Các nho sĩ nước nhà cỡ trang lứa các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ v.v... đều cùng nhau học một ... "thầy" cách mạng, đó là các sách báo do thầy trò Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu của Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ dân quyền phương Tây qua "bộ lọc" Nhật mà viết ra. Những 'Mậu Tuất chính biến', 'Trung Quốc hồn', 'Nhật Bản tam thập niên duy tân sử'… lúc bấy giờ đã được đón tiếp rất nồng nhiệt bên Tàu lẫn bên ta.

2/ Không rõ, - tạm thời chọn mốc thời gian 1903 là năm cụ Lê Cơ bước ra nhận làm Lý trưởng Phú Lâm đến 1908 là năm nổ ra phong trào chống thuế Trung Kỳ - có nơi nào Phong trào Duy tân đã bước vào hiện thực một cách toàn diện như ở làng Phú Lâm chưa?

Theo tôi thì câu trả lời là không! Và vấn đề cũng không chỉ thuần ở tâm huyết và tài trí, mà còn do ở chỗ chí sĩ Lê Cơ đã có một cơ hội, và cụ đã sáng suốt để kịp nắm lấy cơ hội ấy!

Ở Phú Lâm, do bị tri phủ Thăng Bình chỉ định ra làm lý trưởng, Lê Cơ đã vận dụng quyền làng mà tổ chức nông đoàn, hợp xã, mở trường tân học, lấy bản thân mình làm gương về khí phách trước bộ máy phong kiến, thực dân; ở Phong Thử, tiến sĩ Trần Quý Cáp cũng mở được trường tân học Diên Phong nhưng cụ không có quyền làng để rộng đường cải cách!

Phần còn lại của Phong trào Duy Tân chủ yếu là các vận động về Âu hóa, cắt tóc ngắn, cải lương hương tục... và bài thơ của các ông nghè 'Chí thành thông thánh'. Tôi nói thế không phải là coi nhẹ đóng góp của người xưa, nhưng thấy cũng cần công bằng trong việc ghi nhận. Và đó là việc vô tư của sử gia.

Quan điểm sau cùng của tôi là nên chăng giới nghiên cứu cũng cần xét lại một vài cách đánh giá đã trở thành khuôn thước.

                        Ông Lê Nguyên Đại & PGS-TS Ngô Văn Minh bên tượng Chí sĩ Lê Cơ

Đến như thầy Nguyễn Văn Xuân là người đã ghi nhận sớm nhất  và đầy tình cảm ngưỡng mộ về Lê Cơ cũng cần có sự trao đổi thêm. (Nói chuyện với thầy, tôi đã “phê bình” thầy mấy chỗ: + anh hùng thảo dã; + “Nếu Phan Châu Trinh là bộ não, ông  (Lê Cơ) là cánh tay”. Về chuyện bộ óc/cánh tay nếu thầy Xuân chú trọng mấy điểm này thì đã không đưa ra một so sánh mà chính thầy tự mâu thuẫn sau đó khi lại nói phong trào do các sĩ phu 'tự nhiệm' nghĩa như "kiến nghĩa bất vi" không ai là lãnh tụ!

Thứ nhất là cần hiểu rõ ngọn nguồn tư tưởng Duy tân: xuất phát từ đâu, truyền bá qua đường nào, giới nào tiếp thu. Thứ hai, cần lưu ý rằng cụ Lê Cơ là vai anh (cô cậu ruột) lớn hơn hai tuổi, thuở nhỏ học chung ở Phú Lâm, về sau cụ Phan Châu Trinh giỏi được quan Đốc học Trần Mã Sơn đem ra tỉnh học, đi thi Hương cùng khoa, cụ Lê Cơ chỉ đỗ Tam trường, cụ Phan Châu Trinh đỗ Phó bảng. Theo khoa cử cũ, đâu phải hai kỳ thi Hương và thi Đình cách nhau như trình độ Tiến sĩ với phổ thông trung học ngày nay!

3/ Và một điều có tính định hướng thứ ba khi nghiên cứu về Lê Cơ là cần xác định cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ có 3 giai đoạn chính:

+Công cuộc cải cách  ở Phú Lâm sau đó lan ra "Tam thập xã thôn" - trong giai đoạn này có 2 điểm nổi bật nhất cần chú ý: + Trường tân học (thực hành, thể dục, có nữ sinh...) và +Bước đầu võ trang, có tính tự trị trong khu vực 30 xã (tên làng chắc tra trong địa chí triều Nguyễn có thể tìm thấy) khiến công sứ Pháp phải cho đắp con đường (614 bây giờ) và đóng đồn ngay Phú Lâm để khống chế.

+Tham gia lãnh đạo chỉ huy cuộc chống thuế ở phủ đường Tam Kỳ, đưa đến tù 3 năm ở lao Hội An (lúc bấy giờ tỉnh đóng ở Vĩnh Điện?). Những bô lão ở Tiên Phước và nhất là ở Tam Kỳ đến thập niên 1950, đầu 1960 vẫn còn nhắc đến hình ảnh cụ Lê Cơ thúc ngựa nhảy vào phủ đường Tam Kỳ, cao giọng lên án Đề Tuệ, và chỉ cho y nhìn ra ngoài thấy khí thế quần chúng dâng cao sôi sục, khiến tay tham quan sợ quá mà chết!

+Tham gia cùng với Trần Cao Vân và Thái Phiên trong khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục hội ở Huế (3.5.1916). Thất bại, cụ bị giam và bị giết trong ngục Lao Bảo vì chống lại quản ngục hành hạ các đồng chí ngày 26.10.1918.

Hai giai đoạn sau rất vẻ vang của cụ chưa được nhiều tài liệu nhắc tới đầy đủ ngoài cuốn của anh Ngô Văn Minh có tư liệu mới.

Nếu theo dõi thật sát quá trình hoạt động của chí sĩ Lê Cơ, chúng ta sẽ phát hiện ra một sự pha tạp (hay lọc lựa) từ nhiều yếu tố thích hợp của nhiều chủ trương khi cụ đem ra áp dụng: cụ và cả anh em trong gia tộc từng ủng hộ cụ Phan Bội Châu khi gửi học sinh Đông du; cụ đã mời Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành đển diễn thuyết ở đình làng Phú Lâm khi mà cụ Phan Châu Trinh còn làm quan ở Huế đến 1905 mới từ chức, còn cụ Huỳnh Thúc Kháng thì như cụ nói: đến năm 1906 còn trồng chè ở Hội An (chắc là tên cũ của xã Tiên Châu bây giờ, bên cạnh làng Thạnh Bình của cụ).

Tóm lại, chí sĩ Lê Cơ là người đầu tiên đã hiện thực hóa tư tưởng Duy tân vào đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, không phải chỉ qua hoạt động của một trường tân học Phú Lâm, mà qua hoạt động toàn diện như một thí điểm của phong trào. Và thực tế Phú Lâm và "Tam thập xã thôn" đã trở thành địa bàn rộng lớn tiêu biểu duy nhất của Phong trào Duy tân trên cả nưởc.

Khi phong trào chống thuế Trung Kỳ nổ ra thì khu vực này như được chuẩn bị sẵn sàng, đã cung cấp cho cuộc vận động những đóng góp to lớn. Thất bại, bị giam cầm, ra khỏi tù, chí sĩ Lê Cơ lần nữa lại tìm con đường đấu tranh tiếp tục, giống như thời kỳ khởi đầu từng gần gũi với khuynh hướng bạo động của các cụ Tiểu La, Sào Nam (Duy tân hội). Chí sĩ Lê Cơ đã cộng tác với các cụ Trần Cao Vân, Thái Phiên trong cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục hội (3.5.1916)...

Sau cuộc Hội thảo năm 2005 về "Lê Cơ và trường Tân học Phú Lâm", chính quyền có chủ trương sẽ xây dựng Khu lưu niệm. Và tôi đề nghị, với tư cách hậu duệ đích tôn, sẽ xin được tặng vào đó bức tượng của cụ. Nhưng rồi đã quá lâu, công trình bắt đầu nhưng nói là thiếu ngân sách, nên năm nay 2015 (là năm thứ mười) sẵn có trường THCS Lê Cơ đạt chuẩn quốc gia và được xây mới, tôi đề nghị tặng vào trường và được chính quyền chấp thuận.

Trên báo chí, ta thấy có in cả hai bức tượng khác nhau, là vì khi xem mô hình đã làm xong, nhận thấy rằng mặc dù chí sĩ Lê Cơ là người vận động Âu hóa thì chuyện hồi đầu thế kỷ mặc bộ veston cũng bình thường, nhưng tượng sẽ bày ngay ở "làng quê" xưa có vẻ thiếu thân thiện, vì vậy tôi đề nghị sửa thành hình đổ bằng đồng như tượng lúc khánh thành.

Trên bức tượng đó,  tôi lại đề nghị cho khắc câu như tuyên ngôn của chí sĩ Lê Cơ khi quyết định nhận chỉ thị buộc làm Lý trưởng từ tri phủ Thăng Bình: "Túng bất năng hành ư thiên hạ do khả nghiệm chi nhất hương" (Dẫu không làm được cho cả thiên hạ, vẫn có thể kiểm nghiệm đối với một làng).

Ở đây người ta phải hỏi: Nghiệm cái gì, cái ấy từ đâu ra? Thưa, cái ấy là tư tưởng dân chủ - dân quyền; Nhựt học của Tây; thầy trò Khang Lương học của Nhựt; rồi sĩ phu Trung Hoa, Việt Nam học lại từ đó. Tôi nói theo chủ quan, chưa kiểm chứng đầy đủ, có thể còn chỗ chưa xác đáng chăng?

                       

Tôi thành thực cám ơn anh Ngô Văn Minh vì tâm huyết dành cho công trình về sự nghiệp chí sĩ Lê Cơ. Cám ơn anh Huỳnh Văn Hoa đã giới thiệu tập sách Chí sĩ LÊ CƠ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX của anh Minh đến đông đảo bạn đọc. Tất nhiên cụ Lê Cơ là của lịch sử chứ không phải còn là của riêng của gia đình, của gia tộc chúng tôi. Nhưng phải nhắc lại lần nữa, tôi đã thành thực cảm động ghi nhận tấm lòng của anh Ngô Văn Minh, như trước đây tôi đã vui mừng đọc ông Ngô Thành Nhân trong Ngũ Hành Sơn chí sĩ, hay Thiện Sinh trong Bách Khoa, nhất là thầy Nguyễn Văn Xuân…

Những kiến giải gì mới có ý hướng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng hơn của nhà chí sĩ trong các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX, rất khó tránh khỏi những hiểu lầm không đáng có.

                         Hậu Duệ Đích Tôn Lê Nguyên Đại -  (01.12.2015)

Lê Cơ một đoạn lịch sử bí ẩn mà có lắm điều hay

Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX

Sự nghiệp canh tân của chí sĩ Lê Cơ