www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tận tâm với người có công

Khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) mở rộng, số lượng đối tượng làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi trong toàn tỉnh tăng cao. Tuy vậy, nhờ công tác giải quyết chế độ được tập trung thực hiện kịp thời từ tỉnh đến các địa phương nên đã giúp NCC có cuộc sống tốt hơn.

Hết lòng trợ giúp

Căn nhà của bà Huỳnh Thị Ẩm nằm cuối con đường nhỏ hẹp chỉ có thể đi bộ qua đồng ruộng ở thôn Phái Bắc (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước). Một mình bà Ẩm sống trong căn nhà tình nghĩa đã được huyện Tiên Phước hỗ trợ xây dựng từ năm 2009, thi thoảng có người cháu kêu bằng dì về thăm. Đơn thân, đi lại khó khăn do cách trở với trung tâm nhưng trong năm 2015 bà Ẩm đã được giải quyết chế độ trợ cấp tù đày và chế độ trợ cấp do nhiễm chất độc hóa học. 

Bà Huỳnh Thị Ẩm nói rằng, nhờ có cán bộ LĐ-TB&XH giúp đỡ nhiệt tình mà bà được giải quyết chế độ nhanh chóng. Ảnh: D.LỆ
Bà Huỳnh Thị Ẩm nói rằng, nhờ có cán bộ LĐ-TB&XH giúp đỡ nhiệt tình mà bà được giải quyết chế độ nhanh chóng. 

Bà Ẩm chia sẻ: “Bây giờ tôi hưởng 3 chế độ: thương binh, tù đày và chất độc hóa học. Nhờ nguồn trợ cấp của Nhà nước mà cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Năm 2015 tôi làm được một lúc 2 chế độ tù đày và chất độc hóa học, hoàn toàn nhờ sự trợ giúp của cô cán bộ LĐ-TB&XH thị trấn. Nếu họ không giúp đỡ làm hồ sơ, thủ tục thì tôi không biết phải làm sao”. Người cán bộ LĐ-TB&XH thị trấn mà bà Ẩm nhắc đến là chị Phạm Thị Diệu Thu. Khi bà Ẩm đi nhận chế độ ưu đãi thương binh, bà hỏi thăm về chế độ chất độc hóa học để làm hồ sơ đi giám định lại, chị Thu tra hồ sơ và thấy bà Ẩm còn có thời gian bị tù đày. Mà theo quy định mới, bà Ẩm có thể làm thủ tục để được hưởng chế độ tù đày (trước đây nếu hưởng thương binh thì không hưởng tù đày). Thế là chị Thu giúp bà Ẩm xác lập hồ sơ, hướng dẫn bà những thủ tục cần thiết để làm hồ sơ cả chế độ tù đày và chất độc hóa học. Nhờ đó mà chỉ đến cuối năm 2015, bà Ẩm đã được hưởng thêm cả 2 chế độ. “Trong thời gian hoàn tất hồ sơ, hễ thiếu giấy tờ gì hay cần tôi ký chỗ nào, cô Thu điện thoại báo, nếu tôi có người chở lên thị trấn thì bổ sung, không thì cô xuống tận nhà giúp. Tôi rất cảm kích tấm lòng của cô Thu”.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh (vợ liệt sĩ; ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ) vừa được công nhận hưởng chế độ trợ cấp do nhiễm chất độc hóa học cũng nhờ có sự trợ giúp nhiệt tình của cán bộ phường An Phú. Khi biết bệnh của mình nằm trong danh mục có thể làm hồ sơ hưởng chế độ, bà Thanh liên hệ với bộ phận LĐ-TB&XH của phường An Phú. Được cán bộ phường nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể, bà đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục và được công nhận để hưởng chế độ. Với bà Thanh, thêm được một chế độ trợ cấp ưu đãi là có thêm điều kiện lo cho cuộc sống và yên tâm chữa bệnh.

Chăm lo đời sống NCC

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và thực hiện các chế độ trợ cấp cho hơn 14.000 trường hợp người có công. Trong đó, đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ trình Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận liệt sĩ cho 3 trường hợp; phối hợp với Ban Thi đua - khen thưởng, Sở Nội vụ trình Trung ương tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 709 trường hợp, tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 98 trường hợp gia đình có nhiều liệt sĩ; ban hành quyết định trợ cấp đối với 136 trường hợp NCC giúp đỡ cách mạng mới công nhận; 149 trường hợp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 822 trường hợp hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 1.593 trường hợp; trợ cấp 3 tháng và mai táng phí, tuất từ trần các nhóm đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC 1.034 trường hợp; trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo 532 trường hợp; trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng mới được tặng, truy tặng 857 trường hợp...

Toàn tỉnh hiện có 14.279 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cả 1.011 mẹ còn sống đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng với mức từ 800.000 đồng/mẹ/tháng.

Thời gian qua, công tác chăm lo cho đời sống của NCC được các cấp, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, như: chăm sóc, phụng dưỡng, trợ giúp pháp lý trong thực hiện các thủ tục hồ sơ hưởng chế độ, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm nom lúc ốm đau, tặng quà dịp lễ, tết, ngày Thương binh - liệt sĩ… Tại huyện Tiên Phước, đến nay toàn bộ 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng bởi các đơn vị trong và ngoài tỉnh, với mức phụng dưỡng thấp nhất 1 triệu đồng/mẹ/tháng. Trước kia có một số đơn vị nhận phụng dưỡng với mức 800 nghìn đồng/tháng, UBND huyện Tiên Phước đã phân công các đơn vị trong huyện thêm nguồn để phụng dưỡng đạt mức tối thiểu 1 triệu đồng/tháng, đồng thời thường xuyên thăm nom, giúp đỡ các mẹ, đặc biệt là mẹ đơn thân.

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước cho biết: “Bên cạnh việc trợ giúp, phụng dưỡng, chăm sóc NCC, việc giải quyết chế độ cũng rất được quan tâm. Thực hiện chủ trương của tỉnh là không được để hồ sơ tồn đọng làm xảy ra đơn thư khiếu nại, ngành LĐ-TB&XH huyện khi nhận được hồ sơ sẽ thực hiện ngay việc trình lên cấp trên xem xét. Hồ sơ nào giải quyết không được sẽ trả lời ngay; nếu thiếu sót lập tức liên hệ yêu cầu bổ sung, tuyệt đối không trễ hẹn hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, huyện đã trình và giải quyết xong hồ sơ của 1.127 NCC, hiện nay tiếp tục giải quyết hồ sơ Huân chương Độc lập, thân nhân liệt sĩ, con liệt sĩ…”.

Với TP.Tam Kỳ, đối thoại với NCC được xem là “chìa khóa” giúp giải tỏa thắc mắc, nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân và kịp thời phát hiện những vướng mắc để giải quyết nhanh chóng. Các cuộc đối thoại do phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ tổ chức đều thu hút đông đảo NCC tham gia, bởi luôn có sự tham dự của lãnh đạo thành phố.

Bà Trần Thị Bộ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho hay: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức đối thoại tại 3 cụm An Sơn, Tam Ngọc và Tam Thăng, thu hút khá đông người tham gia với nhiều ý kiến, kiến nghị, chủ yếu tập trung ở việc giải quyết chế độ trợ cấp do nhiễm chất độc hóa học, nhà ở NCC, hồ sơ thờ cúng liệt sĩ, nâng hạng thành thích khen thưởng… Qua đó, phòng đã kịp thời tham mưu UBND thành phố giải quyết theo thẩm quyền, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì kiến nghị lên trên giải quyết cho người dân. Cũng tại buổi đối thoại, vấn đề nào giải quyết được sẽ trả lời ngay cho người dân yên tâm”.

                                                                  Diễm Lệ - Báo Quảng Nam