www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sự tích Lò Thung

Ngày xửa, ngày xưa, sau khi người con gái của vị sơn thần hung dữ đã dẫn nguồn nước ngọt từ núi cao về xuôi, tạo thành dòng sông Tiên tươi mát, lúc đó mây mù đã tan đi, trời không còn gần đất nữa.

Một ngày kia, có ông khổng lồ tới vùng này gánh đất đắp sông Hố Giang. Mỗi khi bụng đói, ông khổng lồ liền xuống sông bắt cá ăn sống. Ông chỉ cần cúi xuống dòng sông, há miệng hút nước, thế là bao nhiêu tôm cá lớn nhỏ đều bị hút vào bụng ông. No nê rồi, ông nằm trên bãi cát, đánh một giấc say sưa đến trọn ngày. Loài cá kinh sợ, muốn tìm cách trốn đi, nhưng chưa trốn được, mà ở lại thì chắc chắn khó tránh khỏi cái họa diệt tộc.

Ngoài cá tôm ra, còn có một kẻ cũng rất căm ghét ông khổng lồ, ấy là rái cá. Do sự xuất hiện của ông khổng lồ, con rái cá không còn bắt được một con cá nhỏ nào để ăn đỡ lòng, những khi bụng đói, mà nó lại hay đói bụng.

Loài cá liền phái người làm thuyết khách, đi tìm rái cá, mở cuộc thương lượng. Loài cá chịu mỗi ngày nạp cho rái cá một con cá tươi ngon, với điều kiện rái cá phải tìm mọi cách chọc phá sao cho lão khổng lồ ghê gớm kia phải bỏ đi nơi khác. Rái cá nhận lời.

Từ đó, cứ mỗi lúc ông khổng lồ ăn no, nằm lăn kềnh ra bãi cát ngủ say sưa, thì rái cá mò đến, lén đái vào tai của ông ta. Mỗi lần như vậy, bị đánh thức vì lỗ tai ướt át, hôi hám, ông khổng lồ không tài nào ngủ lại được. Phải đến mấy ngày sau ông mới kỳ cọ cho hết mùi khai của nước đái con rái cá. Đó là chưa kể, tất cả dụng cụ lao động ông khổng lồ đã ra công thực hiện như đẽo chày, đúc cối, xây lò, tất cả cứ bị rái cá phá hỏng, hoặc đái vào, hôi không chịu được.

Giận lắm, ông khổng lồ cố tình rình bắt cho được kẻ phá hoại đáng ghét. Nhưng vì ông to quá chẳng biết núp vào đâu, nên chưa lần nào bắt được quả tang kẻ phá hoại.

Vào một buổi xế trưa, ông khổng lồ vừa kê vai gánh đá vào chỗ trú thân, thì chợt thấy bóng rái cá đang chờn vờn nhảy lui, nhảy tới trên một con con cá đang bị gắp bỏ phơi bụng trên tảng đá ven sông. Nổi cơn thịnh nộ, ông khổng lồ phóng người về phía rái cá. Chẳng may, vì quá vội vàng, ông trợt chân té ngã. Hai tảng đá lớn ở hai đầu gánh văng ra xa, làm thành hai quả núi. Lúc bị ngã, ông khổng lồ chống một chân vào bờ đá, làm nơi này lún sâu thành một cái hang, còn chân kia ông đặt lên bờ đá bên dòng sông, in dấu bàn chân to lớn vào mặt đá, mãi không phai mòn.

Cái hang sâu do bàn chân của ông khổng lồ đạp lún tạo thành kia, cá tôm tha hồ tới ở. Và hằng năm, cứ tới mùa mưa, nước đổ về hang tạo thành tiếng kêu thùng thùng vang dội, giống như tiếng gầm gừ giận dữ của ông khổng lồ xưa kia. Lại có khi tiếng nước chảy kêu ồ ồ, cứ như ông khổng lồ còn đang ở đâu đó, giận dữ, rên rỉ không ngừng, nhất là vào những ngày mưa gió.

Dân quanh vùng nhìn thấy dấu vết bàn chân khổng lồ in trên đá, bên cạnh dấu vết của những cái chày, cái cối, đôi đũa, cái chén, nên gọi nơi sản xuất dụng cụ lao động và sinh hoạt xưa kia của ông khổng lồ là Lò Thung. Còn dòng suối chảy ồ ồ kia, thì gọi là suối Ồ Ồ.

Dân vùng Lò Thung còn truyền lại rằng, do chuyện ông khổng lồ này, mà bây giờ con rái cá, mỗi khi bắt được cá, đều đái vào cá trước khi ăn, để đề phòng ông khổng lồ một lúc nào đó nếu có quay trở lại cũng ghê sợ mùi hôi mà không cướp cá.

                                                Theo Nhà NCVH Nguyễn Văn Bổn