www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Quảng Nam và chuyện cụ Mính Viên

Quảng Nam - nơi đầu sóng ngọn gió trong lịch sử, và cũng là vùng đất sinh ra những con người đặc biệt, những “sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói”. Cốt cách xứ Quảng, linh khí của vùng đất như vận sâu vào cuộc đời cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, cùng Quảng Nam cuối tuần điểm lại đôi nét về tấm gương nhân cách ngời sáng của con người ấy qua cái nhìn của thế hệ hôm nay.

KẺ SĨ XỨ QUẢNG

Cuộc đời của cụ Mính Viên, mỗi hành trạng đều phảng phất khí chất của kẻ sĩ đất Quảng, khí khái, rạch ròi và kiên định với tư tưởng của mình.  

Khởi hành từ đời sống nhân dân 

Căn nhà lưu niệm cụ Huỳnh tại Tiên Phước, những ngày này, đông người tới thăm viếng. Qua dâu bể thời gian, cuộc đất nơi căn nhà tọa lạc vẫn nguyên như xưa. Thưở mà làng Thạnh Bình đàn ông để tóc dài, theo Nho học và cái danh khoa cử. Rồi tiếp sau đó là chuỗi ngày của vùng chiến sự, khi Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam và phong trào Nghĩa hội Quảng Nam dấy lên trong lòng dân chúng những sục sôi chuyện nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí MInh và cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí MInh và cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cậu bé Huỳnh Hanh - tên gọi Huỳnh Thúc Kháng thuở nhỏ, vốn dĩ đã mang một khí chất khác người, nhìn thấy những cảnh tượng luôn “in sâu vào não” và làm cho lòng mình “không thể nào quên được” về sự tang thương, mất mát do chiến cuộc gây ra. Phải chăng từ đây đã khởi phát một con người luôn đau đáu về đời sống của nhân dân lầm than? Để đến năm 28 tuổi, từ cậu học trò Huỳnh Hanh nổi tiếng thông minh hay chữ, rồi thành ông tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1904, lẽ ra đường hoạn lộ từ khoa cử của thời buổi ấy sẽ mở ra với cuộc đời. Nhưng người trai đất Quảng ấy đã chọn con đường đứng về phía nhân dân đang rên xiết dưới gông xiềng nô lệ. Những đau thương, tang tóc của người dân quê hương, những mất mát không thể nào đong đếm với gia đình đã mở ra một hướng đi khác cho cuộc đời con người này. Những câu chuyện vào đời với dấu ấn đầu tiên từ quê xứ đã khiến sau này, ở mỗi quyết định, cụ Mính Viên đã luôn chọn đứng về lợi ích của nhân dân.

Ông Huỳnh Văn Thoàn, chắt cụ Huỳnh Thúc Kháng đang giới thiệu về một số hiện vật tại nhà trưng bày.Ảnh: LÊ QUÂN
Ông Huỳnh Văn Thoàn, chắt cụ Huỳnh Thúc Kháng đang giới thiệu về một số hiện vật tại nhà trưng bày.

Căn nhà lưu niệm Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng rất đơn sơ, bình dị, như chính tính cách của một người cả đời chỉ quan tâm duy nhất đến vận nước, đến việc làm sao để “cất lên tiếng nói của nhân dân”. Ông Cao Chư, một người nghiên cứu khá sâu về cuộc đời cụ Huỳnh, hiện sống tại Quảng Ngãi, chia sẻ: “Ở trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng, vốn là một nho sĩ, dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng của Nho học, nhưng qua bộ lọc của cốt tính người xứ Quảng, con người ấy đã không bảo thủ, có ý thức làm chủ kiến thức chứ không phải là nô lệ của những gì đã học được”. Chính từ đời sống của người dân lầm than, bắt đầu khởi hành từ suy tư này, có lẽ vậy mà tình yêu nước của cụ Huỳnh thể hiện ở mọi hành trạng cuộc đời cụ, và dĩ nhiên đầy dũng khí theo cách của người Quảng.

Nhiều người nhận định, khí chất cụ Huỳnh là đặc trưng, là kết tinh cho khí chất của một vùng đất đã sản sinh ra nhiều người tài. Một tinh thần trọng nghĩa khinh tài, nhìn thẳng sự thật, không bảo thủ nhưng vẫn luôn kiên định, khẳng khái, không màu mè mà luôn trọng sự thật. Sự trung thực là điều tối thượng trong mỗi hành động của cụ. Trước thực dân phong kiến, cụ không che giấu suy nghĩ của mình. Trước ngòi bút, cụ cũng chọn tiếng nói của sự thật. Mà sự thật trong thời của cụ, chính là tiếng nói của những người dân thấp cổ bé họng với chính quyền sở tại. Khi cụ làm Tiếng Dân, càng rõ hơn tính cách của một người Quảng rặt. Thẳng thắn bỏ trống những chỗ bị nhà cầm quyền kiểm duyệt. Tranh luận đến cùng với những trí thức chuộng kiểu cách thời bấy giờ.

Tiết tháo người đại biểu của dân

Từ phong trào Duy tân ở xứ Quảng, bị tù đày và đến khi trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, lập ra tờ báo Tiếng Dân để từ đây tìm một con đường cứu quốc mới, cho đến khi tham gia vào Chính phủ Cách mạng Việt Nam, kể cả với vai trò Quyền Chủ tịch nước, cụ vẫn giữ một cốt tính Quảng, một nhân cách lớn vì đất nước.

Cụ Huỳnh ra Báo Tiếng Dân để “phô bày tâm lý chân chính của quốc dân”.
Cụ Huỳnh ra Báo Tiếng Dân để “phô bày tâm lý chân chính của quốc dân”.

Thời Pháp thuộc, dù biết viện dân biểu chỉ là một hình thức mị dân, một thứ “dân chủ trang trí” nhưng cụ Huỳnh vẫn ra ứng cử với hy vọng đây sẽ là diễn đàn công khai để có thể bảo vệ lợi ích người dân. Diễn văn đầu tiên cụ Huỳnh đọc ở Tam Kỳ đã bày tỏ chút hy vọng này: “...Bốn chữ “nhân dân đại biểu” xuất hiện, chưa nói nội dung thế nào, chưa nói hiệu quả thế nào, mà chỉ trông thấy bốn chữ danh nghĩa đường đường quang minh chính đại thì đã sinh lòng tin cậy”. Đắc cử chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, lại sẵn khí chất xứ Quảng, từng được tôi luyện qua 13 năm lao tù Côn Đảo, những điều cụ Huỳnh để lại luôn là bài học về nhân cách và phẩm giá của “người đại biểu của dân”. Và minh họa rõ ràng nhất cho tinh thần vì dân, là thời điểm cụ thành lập báo Tiếng Dân và xác định tôn chỉ của tờ báo này, là “cất lên tiếng nói của dân”. Để trong suốt 16 năm tồn tại, tinh thần “uy vũ bất năng khuất” vẫn còn soi rọi đến người làm báo cho đến hôm nay.

Đến những ngày dấn thân vào sự nghiệp cách mạng khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Huỳnh đã nhận thức rõ ràng về quan điểm chính trị của mình, đó là vì nước vì dân. Mỗi giai đoạn hoạt động ở một hình thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng của cụ đều hướng tới những người dân lầm than, cũng chính là mục tiêu đầu tiên khi cụ “khởi hành” cuộc đời mình. Việc nhận lời cụ Hồ cùng tham gia vào chính quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của cụ Huỳnh lúc này, theo nhiều nhà sử học, chính là biểu hiện rõ ràng cho ý niệm vì nước vì dân mà cụ đã theo đuổi từ những ngày còn rất trẻ. Kiên định đến cùng với mục tiêu cuộc đời của mình cũng là một tiết tháo của người xứ Quảng mà cụ đã mang trong mình. “…Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả!” - những lời cuối cùng của cụ gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là xác quyết cho thái độ trung thực, một lòng với đất nước của cụ.

“Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…” (Hồ Chí Minh). Về cốt tính người xứ Quảng trong mối tương quan với nhân cách Huỳnh Thúc Kháng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là di sản tinh thần quý báu mà cụ để lại cho đời, với tấm gương về lòng yêu nước, tinh thần học hỏi không ngừng và là một người làm báo, viết sử, nhà văn hóa chân thành. Xứ Quảng, nơi sản sinh ra các nhân vật có đóng góp quan trọng vào lịch sử, văn hóa dân tộc mà cụ Huỳnh chính là một “kẻ sĩ” mang đầy đủ phong thái của vùng đất.

TIẾP NỐI SỰ HỌC

Tiên Phước bây giờ là vùng quê bán sơn địa đượm xanh tươi tắn của những bóng cau, dây trầu, choái tiêu… Đã 140 năm kể từ ngày cụ Huỳnh cất tiếng khóc chào đời và trở thành một nhân cách lớn, quê nhà luôn giữ trong đó một “bóng dáng Huỳnh Thúc Kháng”…

Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng của huyện Tiên Phước dành khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc.
Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng của huyện Tiên Phước dành khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc.

Bóng dáng ấy thấp thoáng trong câu chuyện gìn giữ và nêu cao sự học, đúng như tinh thần cụ đã đề ra: “Học để làm người”. Ngẫm lại một chút về cái truyền thống hiếu học của người xứ này, phải chăng có vai trò rất lớn từ tinh thần tự học, học có chọn lọc và trên hết là “học để làm người” của cụ Huỳnh. Từ truyền thống hiếu học có từ thời xưa, sau này là phương thức giáo dục tiến bộ ở trường tân học Phú Lâm những năm 1906, hay từ những con người hay chữ và dùng chữ nghĩa, trí óc của mình vào công cuộc đòi quyền dân chủ cho người dân xứ An Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…, đã khiến quê xứ này có một “số phận đặc biệt”. “Năm 1916, sau phong trào Duy tân, và đặc biệt sau cuộc tấn công vào phủ đường Tam Kỳ, nhà Nguyễn đã chính thức tách một số tổng ở hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ đặt thêm huyện Tiên Phước. Nhiều người con Tiên Phước đã hội tụ dưới cờ Nghĩa hội, cũng như Tiên Phước là chiếc nôi của những phong trào yêu nước ở Quảng Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như Cần vương, Duy tân. Không chỉ là địa danh của những nhà khoa bảng kiệt hiệt, vùng trung du Tiên Phước còn là đất giàu truyền thống văn hóa, thủ phủ của nhiều sản vật nổi tiếng đến tận hôm nay. Tất cả đã tạo cho Tiên Phước một không gian sống hài hòa, sinh động, sự hội tụ của địa lợi nhân hòa” - ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ.  

Nhớ lại ở Tiên Phước cách đây hơn một thế kỷ, tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp là điểm hội tụ tinh hoa nhất, nổi bật nhất và trở thành niềm tự hào của người dân Tiên Phước. Chính tại ngôi nhà thân sinh cụ Huỳnh, năm 1904, sau khi cụ Huỳnh từ chối ra làm quan, cụ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đã về tìm cụ. Cả ba nhà ái quốc đã có cuộc luận bàn tìm đường chấn hưng đất nước. Và chính ở Tiên Phước, công cuộc Duy tân do ba cụ đề xuất phát triển rầm rộ nhất, với các nông hội, hội buôn, trường học theo lối mới tại Phú Lâm. Cuộc vận động cải cách tại Tiên Phước trong những năm 1906, tuy chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến phần lớn người dân trong cả nước.

Cuộc đời cụ Huỳnh trải nhiều dâu bể nên phải xa quê hương. Đến tận năm 1946, sau khi tham gia Chính phủ cách mạng, thì cụ mới có chuyến về thăm lại quê nhà. “Dù là Mính Viên, người ở vườn chè, hay ông già Tiếng Dân ở Huế, là Huỳnh Bộ trưởng, Quyền Chủ tịch nước khi ở Hà Nội, thì với những người dân Tiên Phước, hình ảnh cụ luôn được khắc ghi như một con người thông tuệ và hiếu học, cương trực, không hề cúi đầu trước bạo quyền, hết lòng vì nước vì dân, không hề nghĩ đến một chút riêng tư. Cụ là niềm tự hào của người dân Tiên Phước” - ông Hường Văn Minh nói.

Tiếp nối tinh thần hiếu học của cụ, hiện tại, huyện Tiên Phước có 46 trường với hơn 12 nghìn em học sinh theo học ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Riêng với bậc THPT, ngôi trường được vinh dự mang tên nhà chí sĩ ưu tú của xứ Tiên. Trong gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy trò trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã tiếp bước truyền thống hiếu học của quê hương và của cụ. Phong trào hiếu học của huyện Tiên Phước phát triển rất sôi nổi với 465 chi hội, ban khuyến học. Từ phong trào xây dựng xã hội học tập, năm 2016 toàn huyện có 6.600 gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình học tập, 55 dòng họ đăng ký trở thành dòng họ học tập. Để khích lệ, động viên các thế hệ học trò noi theo tấm gương học tập của cụ Huỳnh, huyện Tiên Phước đã thành lập Giải thưởng hiếu học Huỳnh Thúc Kháng. Qua hơn 10 năm hoạt động, giải thưởng đã vinh danh 428 học sinh có tinh thần vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập.

RẠNG DANH ĐẤT QUÊ

Nhân cách, tinh thần yêu nước của cụ Huỳnh được hun đúc từ truyền thống gia đình, quê hương, và cũng chính cụ đã làm rạng rỡ thêm cho quê hương xứ Quảng. Từ những nhà sử học dồn nhiều tâm huyết nghiên cứu về cuộc đời cụ, đến những vị lãnh đạo quê Quảng Nam, đều dành sự ngưỡng vọng khi nói về chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Tiên Phước.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Tiên Phước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Một cốt cách tiêu biểu của con người Quảng Nam

Nói đến cụ Huỳnh Thúc Kháng là nói đến một người rất giỏi. Mọi chuyện cụ làm đều xuất phát từ lòng yêu nước và tôi cho rằng đây chính là nền tảng để hình thành nên con người và sự nghiệp của cụ. Cụ đưa ra phương châm học không phải để làm quan, mà học để làm người.

Tôi cũng là người con xứ Quảng, từ cuộc đời cụ, tôi hiểu sâu sắc hơn về cốt cách của con người Quảng Nam, đó là sự trung thực, tinh thần khẳng khái và ý chí cao vời. Điều này thể hiện qua quá trình học tập, làm việc và tính cách của cụ. Từ những việc làm của cụ mà ngày hôm nay tôi hiểu tại sao người Quảng Nam lại có rất nhiều người làm báo giỏi. Chính cụ là một trong những người đi đầu ra tờ báo Tiếng Dân với câu nói nổi tiếng: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Tôi cho đấy là tính khẳng khái của cụ Huỳnh, rất tiêu biểu cho người Quảng Nam và rất đáng để lớp người làm báo thời này học hỏi.

Tôi tự hào về quê hương Quảng Nam với rất nhiều danh xưng như “ngũ phụng tề phi”, “tứ hổ”, “tứ kiệt”, những nhân vật trong đó có cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhân sĩ khác…

Về cốt cách Quảng Nam, từ cuộc đời cụ Huỳnh chúng ta đã thấy rất rõ. Và hình dung cốt cách của người Quảng Nam qua 2 cuộc kháng chiến, mới hiểu tại sao Quảng Nam là vùng đất trung dũng kiên cường. Chính bởi lòng yêu nước, tinh thần khẳng khái, ý chí quật cường của người dân xứ Quảng đã góp phần mang đến thắng lợi sau cùng.

TS. Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó Trưởng Ban thường trực, Ban Tuyên Giáo Trung ương: Tấm gương trung hiếu

Đối với cụ Huỳnh, điều quan trọng nhất là cụ đã nêu một tấm gương. Tấm gương trung với nước, hiếu với dân, hết lòng với dân với nước. Một tấm gương mẫu mực vì dân. Điều này có ý nghĩa lâu dài với hôm nay và mai sau. Và cũng có ý nghĩa lâu dài với cán bộ của Quảng Nam nói riêng cả nước nói chung. Đóng góp thứ hai của cụ Huỳnh là đã góp phần bảo vệ được chính quyền non trẻ ngày ấy và tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng cả nước tiến lên. Ngày đó khi Bác Hồ đi vắng và đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, chế độ mới lúc bây giờ như vậy, chính quyền nhân dân bị thử thách nghiêm ngặt như thế, thì cụ Huỳnh cùng với một tập thể chèo lái con thuyền tới bến, để đưa đất nước vượt qua thời điểm khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng, tiếp tục xây dựng nhà nước của dân. Theo tôi, cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng có 2 điều lớn nhất cần phải được nhắc nhớ như vậy.

Riêng đối với Quảng Nam, cụ Huỳnh là một tấm gương, một con người có nhân cách lớn, có trí tuệ. Các thế hệ người Quảng Nam có quyền tự hào rằng quê hương mình đã góp phần sản sinh ra một người con của dân tộc như vậy, tự hào và cố gắng học tập noi theo. Cụ cũng là tấm gương về học tập, tấm gương về nhân cách, trí tuệ.

GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Cụ Huỳnh đã làm sâu đậm thêm truyền thống của quê hương

Những nhân tố tác động đến nhân cách cụ Huỳnh, từ nhiều góc độ khác nhau và bằng những lý giải khoa học, cùng những tư liệu, đã làm rõ tác động của đất nước, quê hương, gia đình để hình thành nhân cách cụ Huỳnh Thúc Kháng - một người con ưu tú của xứ Quảng, một chí sĩ yêu nước suốt đời phấn đấu cho nước được độc lâp.

Kế thừa truyền thống của quê hương Quảng Nam - một vùng địa linh nhân kiệt giàu truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống cần cù lao động và hiếu học của gia đình, trực tiếp chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đồng bào sống cơ cực lầm than dưới ách thực dân phong kiến, cụ Huỳnh đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân và mang cốt cách của người con xứ Quảng: điềm đạm, thẳng thắn, khí khái. Không chỉ kế thừa, giữ gìn những di sản tinh thần quý báu của quê hương, của cha ông, cụ Huỳnh còn phát triển mạnh mẽ và làm sâu đậm hơn những truyền thống đó, góp phần tạo nên sức sống bền vững của những giá trị văn hóa xứ Quảng trong lòng dân tộc.

Cụ Huỳnh chính là một nhân cách tiêu biểu của con người xứ Quảng, một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, niềm tự hào của đồng bào Quảng Nam và của cả tộc Huỳnh ở vùng Tiên Cảnh, Tiên Phước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Kế thừa tư tưởng Duy tân của cụ Huỳnh và các cộng sự để đổi mới quê hương

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương mẫu mực và những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Với quê hương Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng của quê hương. Những hoạt động yêu nước của cụ Huỳnh cùng với Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh trong phong trào Duy tân hơn 100 năm trước cùng những tấm gương xả thân vì nghĩa lớn của các bậc sĩ phu đất Quảng đã hun đúc nên lòng yêu nước, đặt nền móng vững chắc để xây dựng nên truyền thống anh hùng, kiên cường bất khuất của mảnh đất và con người Quảng Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, tư tưởng Duy tân và chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cụ Huỳnh cùng các cộng sự khơi nguồn, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc, được Đảng bộ tỉnh tiếp thu và kế thừa để hình thành nên tư duy luôn tìm tòi, vươn lên thể hiện khát vọng đổi mới, hướng đến sự phát triển, tiến bộ trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hiện nay. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước, được cộng tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là với những chiến sĩ cách mạng người Quảng Nam trong Chính phủ như Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Lê Thị Xuyến… đã giúp cho cốt cách, khí chất Quảng Nam trong cụ càng bộc lộ rõ nét, qua đó để lại tấm gương lớn về phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, trí tuệ và gần gũi với nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

                                                  Lê Quân - Báo Quảng Nam