www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nửa đời "đeo mang"

Hơn nửa đời người “vác tù và hàng tổng” là chừng đó thời gian ông Trà Viết Sơn (thôn 5, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) được người dân tin tưởng, yêu quý. Thế nên, Đồng Nga (tên gọi khác của thôn 5) là một trong số ít thôn được công nhận thôn văn hóa 14 năm liền.

 32 năm làm trưởng thôn

Tôi vẫn còn nhớ dáng đi tất tả của ông cách đây gần 7 năm sau khi nghe tin có cặp vợ chồng trong thôn đang ẩu đả cần can thiệp. Lúc ấy, dù đang có khách nhưng ông vẫn vội vàng xin phép rồi lên xe, đến nơi cần đến. Bảy năm sau, đã ở cái tuổi thất thập, mỗi bận đi đâu xa lại phải nhờ người khác đưa đón, còn lại chỉ loanh quanh trong thôn xóm nhưng bà con vẫn một mực cử ông làm trưởng thôn.

“Ông Sơn giờ đã là lão làng, già trẻ lớn bé không chỉ kiêng nể vì số tuổi thực mà vì tiếng nói, uy tín cũng như những đóng góp không nhỏ của ông đối với sự đi lên của Đồng Nga suốt mấy chục năm nay” - bà Nguyễn Thị Thọ (người dân trong thôn) chia sẻ.

Ông Trà Viết Sơn có “thâm niên” 32 năm làm thôn trưởng cũng vì những đóng góp của ông được các tầng lớp nhân dân ghi nhận. Nhiều người nói ông không thể thôi được mà phải “đeo mang” cái chức này đến cuối đời vì chưa tìm thấy người xứng đáng hơn để thay thế…

Ông Sơn chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: C.T.A
Ông Sơn chăm sóc vườn tiêu. 

Thôn Đồng Nga có 70 hộ với hơn 350 nhân khẩu, bốn bề là núi bao vây nên 100 hộ thì có tới 99 hộ sống bằng nghề nông. “Tôi làm thôn trưởng 32 năm nhưng nửa chặng đường trước không vất vả bao nhiêu. Bởi nhiệm vụ trưởng thôn trước đó cũng chỉ là nhắc nhở bà con hoàn thành tốt nghĩa vụ của công dân, không vi phạm pháp luật... mỗi khi có dịp họp thôn, rồi thôi.

Nửa chặng đường sau, kể từ ngày phát động xây dựng thôn văn hóa, nhiệm vụ và trách nhiệm cũng nặng nề hơn nhưng kết quả gặt hái được rất đáng mừng, thấy rứa cũng vui hơn” - ông Sơn bộc bạch. Đồng Nga của 15 năm về trước được xem là “vùng trũng” của nạn mê tín dị đoan... Sự tách biệt về địa hình, khó khăn về kinh tế đã làm hạn chế nhận thức, hao mòn động lực của người dân về nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo.

Bà Ngô Thị Tưởng (người dân trong thôn, hội viên người cao tuổi) nhớ lại: “Kể từ ngày huyện xuống phát động, gần như tối nào ổng cũng đến từng nhà tỉ tê tâm sự, vận động mọi người cùng nhau xây dựng thôn văn hóa. Nhiều người ban đầu nói ổng trước mặt lẫn sau lưng, rằng rảnh quá, rằng bao đồng, rằng nhọc công như rứa để được cái chi khi những thói quen đó đã ăn sâu vào đời sống người dân Đồng Nga từ bao đời nay. Bỏ qua hết, ông Sơn kiên trì vận động, mưa dầm thấm lâu, nhiều người quay sang hưởng ứng tích cực”.

Động lực mới

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng thôn văn hóa, từ nhiều năm nay, người dân thôn Đồng Nga với sự động viên, khuyến khích của “lão làng” Trà Viết Sơn, địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất. Từ những thửa đất manh mún do địa hình bán sơn địa, người dân đã mạnh dạn nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau chuyển đổi phát triển thành những vườn cây ăn quả đặc thù miền quê Tiên Phước.

Nhiều người biết kết hợp chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu nên nguồn thu nhập trong từng hộ dân tăng lên đáng kể. Năm 2012, số hộ nghèo của thôn chiếm tỷ lệ hơn 27% thì đến năm 2015 số hộ nghèo còn 4,28%, hộ cận nghèo còn 11,2%, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. “Bây giờ, khi so sánh giữa các thôn trong xã, Đồng Nga không hề thua sút cũng như không cần phải dựa vào lý do địa hình để kể nghèo kể khổ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân lao động sản xuất với tinh thần lạc quan, tự tin hơn và thực tế công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đã chuyển sang một giai đoạn mới phấn khởi hơn. Đó là một trong những điều tôi tâm đắc nhất suốt thời gian làm thôn trưởng” - ông Sơn chia sẻ.

Giờ đây, miền quê Đồng Nga mang một dáng vẻ tươi tắn hơn, nếp sống văn minh trong các dịp cưới hỏi, ma chay lễ lạt... lan tỏa khắp mọi ngõ ngách. Hàng năm, thôn Đồng Nga có 100% hộ đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa bình quân mỗi năm đều từ 95% trở lên. Trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%, không có trẻ em bỏ học giữa chừng. Khi phong trào xây dựng nông thôn mới phát động, với tiếng nói đầy trọng lượng của ông thôn trưởng, người dân đã hưởng ứng tích cực.

Ở một số địa phương, không dễ gì người dân tự nguyện đóng góp 5 - 6 triệu đồng làm đường giao thông, tự nguyện hiến đất, chặt cây mở rộng mặt bằng… nhưng ở Đồng Nga không là chuyện hiếm. “Thực tế từ các cuộc vận động trước, ông Sơn nhọc công cũng vì cái chung nên trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, chúng tôi hưởng ứng ngay. Bản thân tôi cũng đã hiến 2 sào đất để làm đường mà thấy tinh thần thoải mái và vui” - bà Ngô Thị Tưởng nói.

Thêm một điều đáng ghi nhận ở điểm sáng văn hóa chính là việc Đồng Nga còn được đánh giá là thôn có phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khá tốt, không có tội phạm trộm cắp, ma túy, cờ bạc; 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, sử dụng điện và hố xí hợp vệ sinh.

Thôn 5 Đồng Nga phát động xây dựng thôn văn hóa vào tháng 8.2000, liên tiếp 14 năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa và 11 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên… Thành quả ấy có một phần đóng góp không nhỏ của ông Sơn trưởng thôn trong suốt nửa cuộc đời “đeo mang”!

                                                Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam