www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lê Cơ và làng Phú Lâm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng khẳng định Lê Cơ và làng Phú Lâm của ông xứng đáng là ngọn đuốc soi đường cho tư tưởng và hành động mới, là mối hãnh diện cho Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng và các sĩ phu cùng thời.

Ngôi làng đặc biệt

Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước vẫn  được xem là một xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Thế mà cách đây hơn một thế kỷ, ngôi làng bốn bề vây quanh là rừng núi đó lại là “Ngôi làng Duy tân kiểu mẫu của cả nước”, có đời sống chính trị khá dân chủ, có tổ chức kinh tế xã hội hài hòa, tiên tiến, phát triển toàn diện cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lúc ấy, làng đã xây dựng một trường học. Trường Phú Lâm là mô hình trường tiên tiến hàng đầu thời bấy giờ. Trường dạy chữ quốc ngữ, có một lớp riêng dành cho nữ sinh (con gái lớn của Phan Châu Trinh từng học trong lớp đó), có cả các nữ giáo viên tham gia giảng dạy. Trên cả nước hình như chưa có nơi nào có được một ngôi trường độc đáo như vậy.

Làng cũng xây dựng một hội buôn có cả giấy “Đăng ký kinh doanh” hẳn hoi do tri phủ cấp. Rồi khi chính quyền lo ngại ảnh hưởng của tổ chức này nên  thu hồi giấy phép, lãnh đạo của làng đã cắn răng chịu đòn nhưng cương quyết  không trả. Tri phủ bất lực phải kiện ra Công sứ, cuối cùng đã  bị thua kiện để đến nỗi “mặt thẹn trông dày như lớp thiết giáp”. (Ngày trước tri phủ có quyền lực lớn hơn chủ tịch huyện hiện nay).

Nhà báo Cung Văn (hàng sau), nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy, nghệ nhân Dương Ngọc Tiển và ông Lê Nguyên Đại, cháu nội cụ Lê Cơ tại buổi làm lễ đúc tượng (từ trái sang phải).Ảnh: T.Đ.T
Nhà báo Cung Văn (hàng sau), nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy, nghệ nhân Dương Ngọc Tiển và ông Lê Nguyên Đại, cháu nội cụ Lê Cơ tại buổi làm lễ đúc tượng (từ trái sang phải)

Hội buôn của làng tổ chức khá quy củ. Theo Nguyễn Văn Xuân thì “Đó là điểm chính để con buôn nghèo đến nhận tiền và nhận hàng về mà buôn. Buổi tối về lại đó, thúng mủng sắp xếp lại có trật tự”, “việc buôn bán trở nên náo nhiệt, thương cuộc hóa thành nơi hội họp công khai của những người đồng chí hướng”.

Hiệu buôn lại kết hợp với một cơ sở sản xuất công nghiệp dù chỉ mới mức độ thủ công đó là các lò rèn chuyên sản xuất các nông cụ cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là cho việc phát triển các vườn quế, ngoài ra còn sản xuất các loại ghế xếp đặc biệt.

Sản xuất nông nghiệp của làng cũng bắt đầu mang màu sắc của nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Ngoài việc trồng lúa, khoai, hoa màu như thường thấy ở các làng quê thời  đó còn xuất hiện các vườn đồi trồng quế. Hình thức kinh tế trang trại đã được manh nha. Sản xuất lương thực thực phẩm gắn liền với sản xuất cây công nghiệp và chăn nuôi.

Nhưng độc đáo nhất trong sự đổi mới hoạt động của làng là sự xuất hiện của hội bảo hiểm. Hãy xem Nguyễn Văn Xuân mô tả: “Các nhà giàu trong làng có vườn trồng quế phải xuất lúa cấp cho dân tuần để họ bỏ nhiều thì giờ vào việc canh gác. Các mối đường có lập điếm canh, trong có đặt cùm, đầu đường có dựng một tấm thẻ bằng gỗ, liệt các điều răn cấm cũng như phải có mặt để bắt kẻ gian, để cứu lửa, cứu rừng”.

Ngày nay, nhiều nơi ở nông thôn vẫn còn xa lạ với từ “bảo hiểm”, nói gì đến việc thực hiện nó!

Anh hùng thảo dã

Để có được một ngôi làng như vậy, lý trưởng của làng chắc chắn phải là một nhân vật đặc biệt. Đó chính là Xã Sáu Lê Cơ, người anh em cô cậu với Phan Châu Trinh.

Huỳnh Thúc Kháng đánh giá về Lê Cơ “khí phách và đảm lực của ông không kém Phan Châu Trinh chút nào”.

Cố học giả Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm Phong trào Duy tân của mình đã dành một chương riêng để nói về Lê Cơ và hết lời ca ngợi ông “Một anh hùng thảo dã”. Nhà báo Lê Minh Quốc gần đây lại gọi ông là “Một trong những tay anh hùng luyện đá vá trời”.

Trước hết, về mặt ngoại hình “ông là người cao lớn như Tây, ăn mặc đồ tây, tướng mạo khôi ngô, râu ria, mũi cao, cặp mắt  tinh anh, ăn nói chững chạc” làm cho quan Tây Công sứ Quảng Nam cũng tưởng ông là Tây lai.

Nguyễn Văn Xuân cho rằng ông thi đỗ trường ba (rớt tú tài), nhưng có người cho là ông đã đỗ tú tài.
Năm 1903, Lê Cơ nhận chức lý trưởng làng Phú Lâm. Khi bắt đầu nhận chức lý trưởng của làng ông đã “triệt” ngay bọn cường hào của làng để gây lại niềm tin cho dân. Vào thời đó cường hào ghê gớm còn hơn cả quan lại.

Các chánh tổng trong khu vực tổ chức hát bội để vòi tiền hối lộ công khai. Không những ông không “chung, chi” mà còn viết đối đi mừng để chửi thẳng vào mặt.

Khi tên thiếu úy trưởng đồn của Tây đóng gần nhà, để thuộc hạ xâm hại quyền lợi của dân, ông đã bắt trói, khi có tiền chuộc ông mới tha. Khi trưởng đồn để đàn dê vào vườn dân phá hoại, ông đã bắt trả nhiều lần, lần cuối ông chặt chân rồi mới trả.

Dưới chế độ thực dân mà ông công khai đưa công cuộc Duy tân vào thực hiện trong làng một cách hợp pháp: Xin giấy phép kinh doanh, theo chủ trương khuyến khích lập trường.

Đấu tranh bất bạo động với kẻ thù trong phong trào Duy tân không được ông sẵn sàng bạo động, vũ lực. Năm 1916, sau nhiều năm ở tù, ông lại tham gia cuộc khởi nghĩa bạo động của vua Duy Tân. Trong ngày khởi nghĩa ông có mặt ở Huế và làm người nổ pháo lệnh cho cuộc khởi nghĩa.

Khi chết, ông cũng chết rất ngang tàng. Nguyễn Văn Xuân viết: “Khi bị tù ở Lao Bảo, một ngày kia, khi có một người tù bị bệnh kiết lỵ, cứ ngồi dềnh dàng trong đám cỏ, bị lính dùng báng súng hành hạ tàn nhẫn. Lê Cơ đang ngồi vót tre, xúc động mãnh liệt liền vung rựa chạy đến sừng sộ với người lính đòi chặt đầu hắn ta. Lập tức Pháp đem ông xử bắn ngay tại chỗ. Ông gục xuống trên vũng máu, mặt còn phừng phừng nộ khí”.

Chết xong hài cốt ông bị thất lạc, thân nhân cầu cơ để xin ông lời chỉ dẫn. Ông chỉ trả lời “Sanh vi tướng, tử vi thần” rồi thăng mất. Mà thần thì vô phương, ở đâu cũng được, ở đâu cũng phục vụ. Dù là giai thoại nhưng chỉ có người anh hùng thảo dã như Lê Cơ mới có được khẩu khí đó.

Chỉ là một lý trưởng của một xã miền núi, nhưng trí lược, tính khí và những việc làm của ông đã làm cho thực dân Pháp luôn quan tâm đề phòng. Bằng chứng là để đối phó với ông, thực dân Pháp phải cho đóng ngay trong làng ông một đồn lính do một thiếu úy chỉ huy (vào thời đó chủ ngục Santé ở Paris chỉ mới là đại úy) và xây một con đường chiến lược dài trên 50km chạy từ phủ Thăng Bình vòng qua làng Phú Lâm của ông rồi chạy về Tam Kỳ để đề phòng bất trắc.

Cả cuộc đời ông là một trường chiến đấu ngang tàng, bất khuất, ly kỳ như huyền thoại. Lê Cơ chính là một nhà thực nghiệm,  thực hiện thành công chủ thuyết về Duy tân của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Từ ngoại hình cho đến tâm hồn, Lê Cơ luôn là hình ảnh đẹp trong lòng hậu thế.

                                                               Lê Thí - Báo Quảng Nam