www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ký họa thời chiến tranh

Những ký họa của các họa sĩ Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5 được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập hợp lại và in thành tập “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”. Thông qua loại hình ngôn ngữ đặc thù, các họa sĩ đã phản ánh một cách chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Quảng Nam - Quảng Đà trong những năm chống Mỹ, cứu nước.

Hơn 300 tác phẩm gồm màu nước, mực nho, bút sắt, bút chì… của 14 tác giả đã làm nên bức tranh chung về mảnh đất và con người xứ Quảng trong những năm tháng bom rơi đạn nổ vẫn kiên gan đánh giặc giữ làng. Trong đó có 5 họa sĩ là Phạm Hồng, Trần Việt Sơn (Trần Thăng Giai), Trần Hoàng Sơn, Giang Nguyên Thái và Hoàng Đình Tài (Hoàng Tài Vị) đã thường xuyên đi về Tiên Phước, ghi lại 20 bức ký họa chiến trường, phản ánh “một thời gian lao mà anh dũng”.

Vùng quê Tiên Phước trước 1975, Mỹ - ngụy tạm chiếm “khu vực lõm” là Phước Kỳ, Phước Mỹ, Phước Hòa, Phước Thạnh (nay là thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh). Còn xã Phước Lâm (nay là Tiên Hiệp) là trung tâm quận lỵ Phước Lâm (bao gồm một số xã ở Trà My trên giấy tờ hành chính). Vùng giải phóng Tiên Phước khá rộng lớn. Và đó cũng là vùng địch tự do bắn phá và mở các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn. Sống ở vùng tự do là sống giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.

Thế nhưng người dân vẫn kiên gan bám trụ và du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, cán bộ ở huyện, tỉnh và căn cứ Khu 5 thường xuyên đi về bám dân để nắm bắt tình hình. Họa sĩ Trần Hoàng Sơn trong những năm tháng ấy đã đến Phước Lãnh (nay là Tiên Lãnh) vẽ bức tranh mực nho “Chú Bội - người bám trụ trên mảnh đất Phước Lãnh”. Chú Bội ngồi trên võng, bên cạnh là con dao lỡ, nét mặt hiền từ nhưng toát lên vẻ tự tin về ngày mai tươi sáng. Bức tranh màu nước “Hành quân qua nhà dân” họa sĩ vẽ ở thôn 8 Phước Tiên (nay là Tiên Thọ) khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng ngạc nhiên. Căn nhà đơn sơ tạm bợ, lấy cây gỗ làm vách để che chắn đạn bom, có 5 người sinh sống. Họ tận tình chỉ lối cho bộ đội qua làng, các em nhỏ cười vui với chú bộ đội. Bức tranh đã phản ánh chân thật cuộc sống người dân bám trụ của một thời máu lửa.

Một số tranh ký họa trong tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”.
Một số tranh ký họa trong tập sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 - 1975”.

Họa sĩ Trần Việt Sơn từ căn cứ Khu 5 về nằm vùng ở Sơn Cẩm Hà, tham gia lao động sản xuất với dân, bám theo các đơn vị chủ lực chốt giữ các cao điểm. Và họa sĩ đã ký họa hàng loạt bức tranh màu nước, bút sắt: “Chốt giữ cao điểm núi Ngang”, “Má Sáu - mẹ chiến sĩ Sơn Cẩm Hà”, “Tổ trinh sát phục kích địch ở vùng Phước Cẩm”, “Chiến sĩ núi Ngang bám giữ trận địa”... Mỗi bức tranh là một mảng hiện thực được phản ánh bằng màu sắc, đường nét sinh động. “Má Sáu - mẹ chiến sĩ Sơn Cẩm Hà” là bức ký họa chân dung, vẽ khuôn mặt má nhìn nghiêng, mái tóc dài búi gọn sau gáy, nét mặt vừa đôn hậu lại vừa kiên nghị. Ngắm bức tranh này, câu nói nổi tiếng của người dân bám trụ nơi đây lại ngân vang: “Ba mươi bom nổ, mùng mười sắn lên”.

Có nghĩa là đạn bom kẻ thù trút xuống bao nhiêu, họ vẫn bình tâm bám làng giữ đất, ngày đêm sản xuất để tiếp tế lương thực thực phẩm cho bộ đội, du kích… Họa sĩ Hoàng Đình Tài lại theo Tiểu đoàn bà Thao và sáng tác nhiều bức tranh về tiểu đoàn nữ vận tải: “Đồng chí Việt - Tiểu đoàn bà Thao”, “Trên đường tải đạn”, “Phút nghỉ ngơi trên đường”, “Chiến sĩ Tiểu đoàn bà Thao gùi cõng”, “Cô bộ đội gùi thồ Tiểu đoàn bà Thao”… Những bức ký họa vẽ vội ở chiến trường của họa sĩ Hoàng Đình Tài như một cuốn nhật ký ghi lại những chiến công của tiểu đoàn vận tải nữ vang danh một thời.

Là người luôn có mặt trong các chiến dịch, họa sĩ Phạm Hồng không bỏ lỡ cơ hội ghi lại bằng tranh những sự kiện lịch sử xảy ra tại Tiên Phước. Bám theo các đơn vị chủ lực đánh chiếm đồi cao Phước Mỹ, anh có ký họa màu nước “Cao điểm 211 năm 1972”. Khi trung tâm huyện được giải phóng, anh vẽ “Tổ chốt tại trung tâm Tiên Phước”. Rồi mùa xuân 1975, Tiên Phước vinh dự được chọn cùng với Tây Nguyên nổ phát súng lệnh đầu tiên mở màn cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, Phạm Hồng có mặt ngay từ đầu với ký họa “Quận lỵ Tiên Phước - 3.1975”. Bức ký họa này ghi lại cảnh quân ngụy tháo chạy khỏi cơ quan đầu não, các chiến sĩ Quân giải phóng đang truy lùng tàn quân, lá cờ nửa đỏ nửa xanh giữa có ngôi sao vàng năm cánh tung bay phấp phới trong ánh nắng xuân…

Phần lớn những ký họa vẽ bằng màu nước, bút sắt, nhưng qua đó, những họa sĩ của Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5 đã giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về một thời chiến tranh ở mảnh đất Quảng Nam nói chung, Tiên Phước nói riêng.

                                                        Lâm Bình Thái - Báo Quảng Nam