www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Không để dân sống trong lo sợ

“Dứt khoát không được để người dân sống trong phập phồng lo sợ! Còn đưa họ đi đến đâu phải gắn liền với đất sản xuất để bà con ổn định cuộc sống lâu dài”. Đó là khẳng định của ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vào sáng ngày 22/12 khi ông cùng đoàn công tác của tỉnh tới các khu dân cư bị sạt lở nặng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Ông Thu đã đi đến từng vùng sạt lở, vào tận nhà người dân, thăm hỏi động viên, trao quà hỗ trợ cho bà con. Tại khu dân cư (KDC) đồi Dương Lách, ở thôn 5 xã Tiên Hiệp huyện Tiên Phước, nơi đây có 40 hộ, trong đó đến mười mấy hộ nằm trong vùng nguy hiểm vì KDC này đã và đang bị sạt lở rất nặng. Đất đá đã đổ xuống sát nhà dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (người chỉ tay) lo lắng sạt lở tại KĐC thôn 5, xã Tiên Hiệp. 

Ông Huỳnh Văn Quang, 54 tuổi là hộ dân sinh sống tại KDC này cho biết: “Tôi có 6 người con và lên đây lập nghiệp đã lâu rồi, thời gian qua xảy ra sạt lở núi, đất đá đã đổ xuống sát nhà, bất an quá. Nhất là trận lũ mới đây, quả núi sau nhà sạt lở xuống trong đêm chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Hiện con trai tôi có nhà mà không dám ở phải đi thuê nhà ở, vất vả và lo sợ lắm”.

Không để dân sống trong lo sợ

Ông Đinh Văn Thu thăm hỏi gia đình ông Huỳnh Văn Quang, KĐC thôn 5, xã Tiên Hiệp.

Ông Thu đã động viên chia sẻ với ông Quang và bà con ở đây về những khó khăn hiện tại. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, trước mắt phải cảnh giác với diễn biến bất thường của lũ lụt, người dân phải tìm nơi ở an toàn cho cả gia đình. “Chính quyền sẽ sớm có phương án để bà con có nơi ở ổn định cuộc sống và an tâm sản xuất”.

Nhiều người dân ở đây bày tỏ nguyện vọng có được nơi ở ổn định không lo núi lở đe dọa. 

Chị Nguyễn Thị Thủy, 32 tuổi, ở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1, xã Tiên An, cho biết: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu được tái định cư tại đây từ năm 2014. Trước đây chúng tôi ở tại khu vực sạt lở của núi Đồi Voi được chính quyền cho tái định cư ở đây. Tôi cứ nghĩ gia đình đã thoát nạn sạt lở núi, không ngờ trận lũ vừa qua, quả đồi sau nhà sạt lở ập xuống đè nát cả phần sau nhà, may mà gia đình tôi thoát án tử”.

Không để dân sống trong lo sợ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao quà hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, 32 tuổi, ở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1, xã Tiên An.

Ông Hường Văn Minh, Chủ tich UBND huyện Tiên Phước thừa nhận, không thể lường hết sự việc sạt lở núi do thiên tai đem lại. “Bên núi Đồi Voi sạt lở nặng phải đưa bà con qua đây ở, không ai nghĩ quả đồi này sạt lở vì nó không có một dấu hiệu báo trước nào cả”. 

“Thế nhưng đến nơi ở mới lại bị sạt lở đe dọa, thật tình mà nói, chúng tôi cũng khó nói với bà con. Nhất định, thời gian đến huyện sẽ nhờ các cơ quan chức năng tính toán, kiểm tra địa chất, quy hoạch lại...” - ông Minh nói.

Chứng kiến cảnh sạt lở khu tái định cư 3 thuộc thôn 1, xã Tiên An, người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Cần nhanh chóng tổ chức khảo sát, kiểm tra tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở núi, nhất là những khu vực có người dân đang sinh sống. Kiểm tra, quy hoạch lại để sớm ổn định đời sống người dân. 

“Dứt khoát không được để người dân sống trong phập phồng lo sợ! Còn đưa họ đi đến đâu phải gắn liền với đất sản xuất để bà ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Thu nhấn mạnh.

Không để dân sống trong lo sợ

Được tái định cư nhưng lại gánh hậu quả sạt sợ núi người dân luôn sống trong cảnh bất an.

Tại buổi làm việc ngay sau chuyến đi, lãnh đạo huyện báo cáo, đợt lũ vừa qua huyện đã có 6 nhà bị hư hỏng trên 70%, 16 nhà hư hỏng từ 30 đến 50%, hàng loạt nhà hư hỏng dưới 30%. Nhà bị ngập lụt phải di dời sơ tán khẩn cấp 1.395 nhà; nhiều tài sản, gia súc, gia cầm, vật nuôi bị thiệt hại. Không chỉ nhà dân mà có đến 14 trường học, nhiều thiết bị trường học bị hư hỏng.

Đáng lo, tổng diện tích ruộng bị bồi lấp 53,625 ha; bờ ruộng bị sạt lở 28.938 m; kênh mương thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp 27,5 km, cùng với đó hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Đinh Văn Thu không những chỉ đạo cho lãnh đạo huyện mà các lãnh đạo sở, ban ngành trong đoàn công tác, sớm tập trung mọi nguồn lực để khắc phụ hậu quả thiên tai. Theo đó, những khu vực bị sạt lở nặng ảnh hưởng đến nhà cửa, bờ sông, ruộng đồng,… cần nhanh chóng có phương án tập trung xử lý. 

“Cần nhanh chóng tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến những nơi sạt lở núi, ảnh hưởng đến tính mạng, nhà cửa, ruộng đồng của người dân, nhất là cuộc sống cuộc sống người dân vùng sạt lở núi cần phải được sớm ổn định”.

                                         Tấn Thành - Báo Đại Đoàn Kết