www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Kỷ niệm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tiên Phước

Năm 2001, Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung vừa trải qua hai năm ròng rã chống chọi với những trận lũ lụt lịch sử. Ông luôn cùng Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động “kề vai, sát cánh” đi tận những vùng xa xôi nhất của tỉnh để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các cá nhân, gia đình khó khăn do hậu quả lũ lụt. Rất nhiều ngôi nhà do Quỹ Tấm lòng vàng xây dựng đều do ông cắt băng khánh thành.

Lần đó, quỹ quyết định hỗ trợ cho xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) và xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) mỗi địa phương miền núi một ngôi trường hai tầng, trị giá 500 triệu đồng. Lúc đó số tiền trên là rất lớn đối với ngành giáo dục vốn khó khăn của hai tỉnh nghèo. Chính quyền tỉnh ủng hộ nhiệt liệt, nhưng va vào thực tế mới thấy sự phiền hà vô kể của cơ sở. Mỗi cửa cơ quan xây dựng là một bước chầu chực, nhiễu nhương của thủ tục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao 5 tỷ đồng của Tập đoàn Viettel xây dựng trường học cho huyện Tiên Phước năm 2014 khi ông còn là Phó thủ tướng

Có lần, đã đến ngày khởi công, quan khách mời đã đủ, địa phương huyện “chơi ngẳng” yêu cầu phải có một văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh mới cho làm. Từ Tiên Sơn chúng tôi chạy xe máy về đến tỉnh vừa đứng bóng. Gấp quá, chúng tôi “bậm môi” đạp cửa xông vào dãy nhà công vụ, gọi ông dậy. Không cần nghe chúng tôi trình bày hết, ông gọi Chánh văn phòng mang máy tính qua phòng, ngồi ngay tại đó soạn văn bản rồi ký đóng dấu tại chỗ để chúng tôi mang đi cho kịp, trước khi chính quyền huyện Tiên Phước đóng cửa nghỉ chiều (từ Tam Kỳ đến Tiên Phước mất khoảng 3 giờ chạy xe máy).

Rồi ngặt nghèo nữa là khi công trình vừa hoàn công, học sinh chuẩn bị vào năm học mới với ngôi trường vững chãi, khang trang, Kiểm lâm địa phương ách lại và buộc đình chỉ công trình trường học của Quỹ Tấm lòng vàng vì... phát hiện toàn bộ gỗ làm cửa, sườn, trính lợp mái ngói... do nhà thầu địa phương cung cấp là gỗ khai thác trái phép. Nghe chuyện, ông đích thân điện thoại ngay đến Chi cục Kiểm lâm huyện yêu cầu dỡ bỏ lệnh đình chỉ và chỉ đạo: Ai khai thác gỗ trái phép thì xử lý đúng pháp luật, còn trường phải mở cửa ngay để học sinh vào học.

Thời còn làm ở Quảng Nam, trong mắt cán bộ, ông Nguyễn Xuân Phúc là con người hành động, miệng nói, tay làm... đến có kết quả tốt đẹp mới thôi; trong lòng dân, ông là người gần gũi, thấu hiểu và sống bình dị, không có khoảng cách. Nhớ ngày ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, trong số các cuộc gặp, ông bảo nhà làm một bữa mì Quảng mời mươi anh em báo chí thân quý chia tay. Đó là tình cảm, nhưng cũng là lời nhắn nhủ, dù có đi đến phương trời thì quê hương vẫn là nơi chốn để gửi gắm, để nhớ thương về và cũng là động lực để vươn đến.

                                          Trương Tâm Thư - Trung Hiếu, Báo Lao Động