www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

Sáng nay 1.10.2016, tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1.10.1876 - 1.10.2016).

Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: X.PHÚ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. 

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm ôn lại quá trình hoạt động cách mạnh của cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhấn mạnh: với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, chúng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, vị lãnh đạo Nhà nước mẫu mực, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, người đã có công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng - được người dân hay gọi bằng cái tên thân thương nhưng đầy kính trọng “cụ Huỳnh”, là tấm gương sáng, đức cao, vọng trọng, suốt một đời vì nước, vì dân, mãi mãi để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân của tỉnh Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sớm hấp thụ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc. Học hành đỗ đạt, lẫy lừng danh tiếng là một nhà đại khoa bảng (từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội), nhưng cụ từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy tân, nuôi chí canh tân đất nước.

Quang cảnh lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng. 

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng với tất cả nhiệt huyết của một chí sĩ yêu nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ còn là người sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

Với phong cách lãnh đạo quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ và rất gần gũi với nhân dân, cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi công tác nước ngoài dài ngày, tin cậy giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước, điều hành quốc sự với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bằng uy tín, tài năng và đức độ của mình, cụ đã sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”. Trên đường công tác, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và qua đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức quốc tang cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng cụ phần thưởng cao quý - Huân chương Sao vàng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã suốt một đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, cụ trước sau luôn thể hiện nhân cách của một chí sĩ suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.           

Cụ Huỳnh Thúc Kháng có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn học, sử học. Cụ Huỳnh là một nhà báo, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ yêu nước, nhà dịch thuật tài năng với ngòi bút sắc bén “phò chính, trừ tà”. Sự nghiệp văn chương, sử học của cụ trải dài liên tục trên chặng đường gần nửa thế kỷ, gửi gắm tâm nguyện, tình cảm, hoài bão phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đến nay, những trăn trở, suy tư của cụ Huỳnh về đất nước, về chủ quyền biển, đảo vẫn còn nguyên giá trị, qua đó ta càng thấm thìa hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của cụ đối với dân tộc và đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao về trí tuệ và nhân cách của cụ: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, nhân cách, tấm gương đạo đức và những công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cụ Huỳnh Thúc Kháng và các bậc tiền bối cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, tranh thủ vận hội, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chương trình văn nghệ tại lễ kỷ niệm
Chương trình văn nghệ tại lễ kỷ niệm. 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu bày tỏ lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và cho biết toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam nỗ lực, học tập theo tấm gương cụ Huỳnh, các bậc tiền bối để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước như khát vọng của cụ Huỳnh Thúc Kháng trước lúc đi xa.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh thay mặt tuổi trẻ Quảng Nam xin hứa nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là thế hệ trẻ, cháu con cụ Huỳnh Thúc Kháng; mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

                                                                X.Phú - Báo Quảng Nam

Video: Kỷ niệm trọng thể 140 năm ngày sinh quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng