www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Huỳnh Thúc Kháng những năm tháng tù đày ở Côn Đảo

Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên ở tổng Tiên Giang Thượng, phủ Thăng Bình, huyện Hà Đông (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là Huỳnh Tấn Hữu, mẹ là Nguyễn Thị Tình. Năm Canh tý (1900) đỗ Giải nguyên, năm Giáp thìn (1904) đỗ Hoàng giáp. Ông không ra làm quan mà tích cực vận động phong trào Duy Tân, kết giao cùng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… năm Mậu thân (1908) ông bị bắt trong vụ dân biến (chống thuế ở miền Trung) ghép vào tội “theo đảng bội quốc, ngầm thông nước ngoài, đề xướng dân quyền, kết án đầy Côn Lôn”  sau Phan Chu Trinh vài tháng. 

              Ở Côn Đảo ông biên soạn quyển ”Thi tù tùng thoại”. Năm 1921 mãn hạn ông được thả về đất liền, được bầu làm Viện trưởng viện dân biểu Trung Kỳ. Năm 1928  vì phản ứng tên khâm sứ Pháp, ông từ chức viện trưởng, đứng ra làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Tiếng Dân ở Huế.

    Năm 1943 báo này bị đóng cửa. Sau cách mạng tháng Tám 1945, Huỳnh Thúc Kháng được nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Huỳnh Thúc Kháng được giao quyền chủ tịch Chính phủ, sau đó là Hội trưởng hội Liên hiệp quốc dân, vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ông là đặc phái viên chính phủ tại liên khu V, sau đó bị bệnh và mất tại Quảng Ngãi ngày 21/4/1947, thọ 71 tuổi. Đến nay lăng mộ ông vẫn còn trên đỉnh núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi), nhìn xuống sông Trà Khúc tại thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

    Huỳnh Thúc Kháng viết những tác phẩm Thi văn với thời đại - Tếng Dân xuất bản Huế 1935; Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, Tân Thanh xuất bản, nhà in Tiếng Dân, Huế 1939; Huỳnh Tấn Phát tự truyện; Thi tù tùng thoại, Tếng Dân 1939, Nam Cường, Sài Gòn 1951; Bức thư trả lời chung, Tếng Dân, Huế 1945; Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Anh Minh, Huế 1959; Bức thư bí mật gửi Cường để, 1967, Nguyễn Lộ Trạch, 1966L; Tuồng Trưng nữ Vương, 1963, và một số tác phẩm chưa được xuất bản: Trung kỳ ký sự, Khả tác lục, Thi tù khảo, Đê hải thi tập, Xà túc tập, Một ít dật sử trên đoạn lịch sử Việt Nam cách mạng trong thời kỳ Pháp thuộc (1885 -1945), Cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1918, kính chúc đồng bào phụ lão kháng chiến thư, Minh Viên cận tác, Thơ chữ Hán Huỳnh Thúc Kháng.

     Sau các vụ đại biểu tình bành trướng mau chóng, chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp bằng bạo động. Lập tức chúng bắt đi chém, đi đầy một số lớn người hướng dẫn nhưng thực dân Pháp không khai thác được những ai là lãnh tụ trực tiếp nên chúng chỉ vin vào các cớ các nhà khoa bảng, thân sĩ hô hào Duy Tân tự cường để đàn áp, trả thù. Ngay trong bản án quan lại tay sai nam triều cũng không tìm ra được căn cứ nào xác thực để buộc tội một ai. Đến nỗi chúng mua chuộc một số dân nghèo tham gia biểu tình, như cho tiền bạc, hứa hẹn giúp đỡ sau này, để những người này tiết lộ những ai trực tiếp lãnh đạo.

     Nhưng việc làm đó không có kết quả như họ mong muốn. Từ đó thực dân Pháp cứ thẳng tay đàn áp không theo một văn bản pháp luật nào. Người vào nhà lao đầu tiên ở Quảng Nam do biến cố ấy là Huỳnh Thúc Kháng. thực dân Pháp đã huy động một bộ phận quân sự gồm có Đề đốc tỉnh, quan đồn phòng thủ miền tây Nam Quảng Nam để dẫn độ ông, chúng coi ông như một lãnh tụ đích thực, tuy họ không có bằng chứng gì xác đáng cho bằng cách gán cho ông là người xướng thuyết dân quyền trong dân gian để bắt bớ làm tội.

     Đầu tháng 2.1908 ông bị giam tại nhà lao tỉnh (Hội An), mãi đến tháng 6.1908 thực dân và tay sai mới vá víu xong bản án xử tử Côn Lôn, chiếu theo điều “mưu bạn vi hành” (mưu làm giặc mà chưa làm) để phải gông xiềng, lưu đày Côn Đảo, mà chẳng bao giờ tuyên án cho tội nhân và công chúng biết. Từ đó ông trở thành một tù nhân để bắt đầu vào “trường học thiên nhiên” ở Côn Đảo. Khi mang gông xiềng bước xuống boong tàu ông chắc mình khó có ngày về nhưng tâm hồn vẫn dạt dào niềm tin. Dù nơi chân trời góc biển ông vẫn lạc quan, tự nhủ lòng mình vì giang sơn, lòng người còn đó  thì nước tổ vẫn còn chờ tay mình vun xới, ô bồi. Non sông có nghiêng ngửa thay hình đổi dạng ông có bị gông xiềng, bị hành hạ thế nào miễn lòng mình còn son sắt với Tổ quốc thì cũng có ngày đoàn tụ để nhìn thấy quê hương giàu mạnh vươn mình đứng dậy, tâm trạng ấy thể hiện trong bài thơ “Bài hát lưu biệt”

”Dầu đến lúc núi sập, biển lồi, trời nghiêng đất ngả,

Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn

Trăng kia khuyến đó lại tròn.”

 Côn Lôn vì vậy đã tôi luyện, mài dũa Huỳnh Thúc Kháng trở thành một con người toàn diện, để gìờ đây ai ai cũng tin tưởng và hãnh diện trong tình tự dân tộc đã sản sinh ra con người đó.

       Ngày 28/8/1908 Huỳnh Thúc kháng đến Côn Lôn ông viết lại trong hồi ức: ”Bọn chúng tôi đến đảo, vào phòng giấy ngục trưởng (do lính tây cùng ma tà áp dẫn) nhận áo quần cùng chiếu, lại có thẻ bài bằng gỗ hình vuông giống như thẻ bài ngà chỉ khác là trên ấy ghi số hiệu, khi căn cứ gọi số hiệu thay tên (số bài của tôi hiệu 7.455) dưới khắcc hai chữ D.C (chữ viết tắt bằng chữ Pháp “Dangereux Condamné” có nghĩa là tù nguy hiểm, cho ở riêng một phòng, được đôi ngày rồi chia ra ở các phòng cùng với các tù khác làm tạp dịch”. Ngay ngày hôm đó bỗng từ ngoài cửa sổ lưới sắt ném vào một viên đá nhỏ, có một mảnh giấy, lượm xem thấy một bài thi với lời an ủi:

Xe nam đi lại vắng tin hồng

Đường thế quanh co giận chửa thông

Người có đồng lòng thêm khẳng khái,

Võ không lưa đất khuẩn anh hùng

Mạnh tân giắc giáp chờ mưa Bắc

Xích Bích dương buồm thiếu gió Đông

Ắt hẳn lòng trời phò Tổ quốc

Hỏa tinh thổi đỏ giữa tầng không”.

      Dưới ký tên là Bắc Hà Thượng Cát Trần Trọng Cung (sau mấy tuần giáp mặt mới biết người cựu đảng Cần vương, can án Hà thành đầu độc). Đêm ấy lại được thủ thư của Tây Hồ Phan Chu Trinh ”Anh em vì quốc dân hy sinh tất cả ra đây, nơi đảo khơi, tưởng có vui thú tuyệt, chứ chẳng chút nào buồn chán cảnh đắng cay này, làm trai ở thế kỷ 20, không thể không nếm tới” .

     Hồi ở Côn Đảo Huỳnh Thúc Kháng là người chưa biết chữ Pháp, ở đây cụ mượn được quyển tự vị bằng tiếng Pháp ”Pelít larousse” của tên cai ngục người Pháp vào trại tự học, chỉ sau mấy tuần cụ mang trả sách và nhớ toàn bộ quyển tự vị không thiếu một từ. Năm 1909 Huỳnh Thúc Kháng ở phòng làm tạp dịch với các tù khác, tham gia các công việc đập đá, đánh tranh, quét dọn tàu, trồng rau, đan chiếu. Năm 1912 ông được chọn vào làm biên ký ở phòng giấy Ngục trưởng. Ông cho biết trong bọn tù, kẻ nào được quan tây cùng lính giữ ngục cho làm bồi nấu ăn, có được ăn uống, áo quần cùng tiền công có một ít quyền lợi đặc biệt. Chức thông ký ở phòng giấy là chức được đối đãi tối ưu, chẳng khác nào hàng quan trường ở trong nội địa, bọn tù lấy làm vinh lắm. Bọn chúng tôi đến đảo mới bắt đầu học chữ Tây bọn tù đều hỉnh mũi cười, đến ngày cần có người làm chức thông ký (vì không có người thông ký cùng người biết chữ Tây nên chọn đến bọn tôi.

       Bọn tù khác đều lấy làm ngạc nhiên. Năm 1913 ông giảm án xuống còn 13 năm, lúc đầu bị án phát phối vô kỳ hạn. Ở phòng giấy mục khoảng 3 năm, chuyên biên chép các sổ công dịch thay đổi ra vào, kỳ hạn trừng phạt cùng tiền công cấp phát, theo từng ngày chép vào vào sổ không sai chày chút nào. Đối với công văn thư trát và sổ sách kế toán, tôi biết được đại khái đôi chút, điều nhờ lúc đó gọi là “trường học thiên nhiên” thật đúng. Năm 1916 trong đảo có quan Tham biện mới đến ông Ôcônen thi hành chính sách mở rộng cửa.

      Tôi cùng bạn quốc sự đồng nhân đều được ra ngoài mở một tiệm buôn tất cả tiền măng da (madat) nộp tại công khố chung được 70 đồng, gởi về Sài Gòn mua hàng (rượu nho, rượu mạnh, tạp vật) bán cho lính Tây, lạc gian, matà (những bàn ghế trong tiệm cùng hàng hóa gởi bưu điện đều nhờ ông Ôcônen chỉ thị cùng lo liệu một cách gián tiếp). Lúc bấy giờ nhân có xây bức tường thành ngục mới, đem ở sài Gòn ra hơn trăm thợ nề, bọn ấy tiền công nhiều tiêu xài thành thói quen. Mỗi ngày làm xong ông việc thường đến tiệm buôn này ăn uống thích khẩu, lại trong số trên năm chục lính tây ở đảo, mới độ nửa năm mà vốn trong tiệm đã lên tới trên dưới 300, 400 đồng, dành dụm có ra không ngờ. Bọn chúng tôi ban đầu không tính đến như thế, bèn mua tạp hoá cần dùng cho bọn tù, lại chỉnh đốn nội dung không ngoài một năm nghiễm nhiên thành một tiệm buôn lớn nhất trong đảo, hơn cả hai tiệm buôn của người Tàu lâu nay, tiền vốn lên tới hàng ngàn.

      Năm 1917 Ông Ôcônen bị triệt về Sài Gòn, có tham biện mới đến, chính sách khai phóng bị tiêu ma, quay trở lại qui chế câu thúc ngày trước. Quốc sự phạm trừ ngoài án biệt xứ còn được ở ngoài còn ra đều chia rải rác đi các nơi. Ông cùng một số người qua sở cày, được ở một cảnh trại ngoài ruộng nhưng cũng bị dưới quyền của cai sở đội trưởng, giữ trâu, cày ruộng, ngày làm xâu hai lần, so với ngày làm xâu bất thường ở trong nhà giam có chút dư rỗi. Năm 1918 Ông làm xâu đài vô tuyến điện, học nghề làm thợ nề. Kể 10 năm ở đảo, có xâu này nặng nhọc. Ngày thường là việc làm không nổi, thế mà nay làm xong, có thể gọi “thêm điều ích vào chỗ không biết”. Năm 1919 ông lại điều về làm công dịch tại phòng giấy quan Tham biện. Năm 1920 làm ở sở đồ mây, rồi sở làm đồi mồi. Năm 1921 ông mãn hạn tù và được trả về đất liền.

      Trong bức thư báo tin tổ chức lễ quốc tang Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn mà lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí,  oai vũ không làm sờn lòng. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

     Nguyễn Duyên Tâm - Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu