www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hiệu quả từ Chương trình 135

Nhờ thực hiện tốt Chương trình 135 (giai đoạn 2011 - 2015) cùng với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác đã giúp cho các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tiên Phước có sự khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Hỗ trợ sản xuất…

Huyện Tiên Phước có 5 xã là Tiên An, Tiên Ngọc, Tiên Lập, Tiên Lãnh, Tiên Hà và 13 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chương trình 135.

Trong 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ, đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi với 1.233 lượt người tham gia; hỗ trợ 950kg phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 421 con heo giống; 291 bò cái lai; 300 con gà; 129 máy móc các loại; 87.000 cây giống keo lai giâm hom; dịch vụ thú y trọn gói và nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX).

Ngoài ra, huyện còn kết hợp với nguồn vốn khác, xây dựng các mô hình trồng tiêu Tiên Phước có quy mô  100 - 500 choái, mô hình trồng dừa xiêm lùn, chuối nai, dó bầu, chăn nuôi heo gà. Riêng trong 3 năm (2012 - 2014) huyện đã hỗ trợ trồng mới 35ha tiêu Tiên Phước, 52ha thanh trà, 20ha măng cụt, 40ha lòn bon và nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác như dó, chuối, cau, quế.

Số mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại (KTV-KTTT) cho thu nhập 70 - 100 triệu đồng/năm ngày càng tăng, nâng tổng giá trị thu nhập từ KTV - KTTT toàn huyện từ 60 tỷ đồng (năm 2011) lên 125 tỷ đồng (năm 2015).

Các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa huyện Tiên Phước có những thay đổi đáng kể. Ảnh: NG.HƯNG
Các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa huyện Tiên Phước có những thay đổi đáng kể. 

Chăn nuôi gia súc ở các xã thôn được hưởng lợi từ Chương trình 135 cũng đạt giá trị cao nhờ hỗ trợ con giống và tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi, hỗ trợ dịch vụ thú y trọn gói. Nguồn vốn phát triển sản xuất từ Chương trình 135 cùng nhiều nguồn khác đã hỗ trợ số lượng lớn bò lai, heo lai F1, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo thâm canh, tạo ra giá trị sản lượng hàng hóa cao.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân xã Tiên Lập giảm 7,85%, Tiên Ngọc giảm 5,37%, Tiên An giảm 6,78%, Tiên Lãnh giảm 3,76%, Tiên Hà 6,97%. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,7% (năm 2011) giảm xuống còn 10,21% (năm 2015). Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chương trình 135 đem lại hiệu quả thiết thực, việc cụ thể hóa các chính sách đến với người hưởng lợi được đảm bảo đúng quy trình, đúng tiến độ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo ở các xã vùng khó khăn. Qua thực hiện chương trình, nhận thức của nhân dân chuyển biến tích cực.

Nhiều mô hình KTV - KTTT, chăn nuôi quy mô lớn được hình thành, có mô hình cho thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn của chương trình, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên, họ có thể tự thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.

Đầu tư cơ sở hạ tầng…

Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, những năm qua huyện Tiên Phước còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình. Năm 2015, huyện phân bổ 7,6 tỷ đồng cho các địa phương thanh quyết toán 9 công trình đã hoàn thành, bổ sung cho 23 công trình chuyển tiếp và đầu tư mới 27 công trình.

Trong đó, có 9 công trình giao thông, 4 công trình thủy lợi, 3 nhà văn hóa xã, 24 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Đầu tư sửa chữa 4 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tiên Tráng, Trường Mẫu giáo thôn Tiên Tráng (Tiên Hà), nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 10 (Tiên Lãnh) và gia cố mái ta luy cầu Hóc Họa (Tiên Ngọc) với tổng kinh phí 466 triệu đồng. Riêng 2 xã Tiên An và Tiên Lập, nơi có đồng bào dân tộc Co sinh sống, đến nay, hệ thống trường học, đường sá, cầu cống đi lại đã được đầu tư xây dựng khá cơ bản.

Đường vào Hang Dơi (Tiên An) đã được bê tông hóa, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được đảm bảo. Đường vào làng Suối Dưa (Tiên Lập) được tỉnh hỗ trợ gần 25 tỷ đồng để bê tông hóa và huyện cũng hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con nơi đây.

Theo thống kê, hiện nay hầu hết các xã thuộc Chương trình 135 của huyện Tiên Phước có đường giao thông được nhựa hóa đến tận trung tâm xã. Các trường học, hệ thống điện được đảm bảo, các cây cầu bắc qua sông, suối lớn đều được xây dựng kiên cố, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển giao thương giữa các vùng.

“Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 135 cùng với việc lồng ghép nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án khác đã giúp cho các địa phương có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân được hỗ trợ mua vật tư, phương tiện máy móc, nông cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nhiều hộ dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nâng cao năng suất và sản lượng. Từ đó, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, diện mạo nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Tiên An và Tiên Lập ngày được cải thiện” - Ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết thêm.

                                                  Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam