www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hỗ trợ trẻ em chậm phát triển

Sau biến cố, dược sĩ Đoàn Nguyễn Lan Oanh (quê xã Tiên Phong, Tiên Phước) quyết định về TP.Tam Kỳ mở lớp ngữ âm trị liệu cho trẻ chậm phát triển, mang đến điều ý nghĩa trong cuộc sống.

Phấn đấu tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh và kiếm tiền hỗ trợ ba mẹ nuôi em là nhiệm vụ mà Lan Oanh đảm nhận. Với năng lực cùng một chút may mắn, cách đây hơn 5 năm Lan Oanh đã đạt được mức lương vài nghìn USD mỗi tháng. Con gái hỗ trợ nuôi em, xây nhà, mua ô tô cho ba mẹ từng là câu chuyện được nhiều người nhắc đến ở vùng quê Tiên Phước của Lan Oanh.

Thế nhưng biến cố xảy ra khi Oanh bị tai nạn giao thông, phải tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Trong quá trình trị liệu, Oanh có theo học khóa ngữ âm trị liệu của Trường Đại học Phạm Ngọc Thạch phối hợp với các bác sĩ ở Australia tổ chức. Ban đầu cũng chỉ là học để tìm kiếm giá trị của cuộc sống nhưng càng học, Oanh càng mê và đeo đuổi nó.

Dược sĩ Đoàn Nguyễn Lan Oanh (thứ hai từ phải sang) cùng đồng nghiệp ở khóa học ngữ âm trị liệu đi hỗ trợ bệnh nhân ở Huế.
Dược sĩ Đoàn Nguyễn Lan Oanh (thứ hai từ phải sang) cùng đồng nghiệp ở khóa học ngữ âm trị liệu đi hỗ trợ bệnh nhân ở Huế.

Trong những ngày đi theo các bác sĩ và anh chị khóa trên đến Huế, Lâm Đồng hỗ trợ thăm khám, điều trị cho bệnh nhân Oanh nhận ra điều mình thực sự mong muốn. “Ở Quảng Nam nhiều trẻ em bị chậm nói, rối loạn ngôn ngữ và giao tiếp, nói ngọng, nói lắp gây khó khăn trong học tập rất nhiều nhưng không có cơ hội tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến. Nếu có thể, Oanh hãy chia sẻ điều này tại quê nhà”, là lời khuyên mà đồng nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và các thầy hướng dẫn dành cho Oanh. Khi chia sẻ điều này với gia đình, mọi người đều phản đối vì công việc của Oanh tại TP.Hồ Chí Minh rất tốt. Nhưng cảnh những em bé ở Quảng Trị, Quảng Bình dù trời mưa vẫn theo ba mẹ vào Huế để được gặp bác sĩ, khiến Oanh không khỏi chạnh lòng.

“Khởi nghiệp vui vẻ, khởi nghiệp không giống ai, ai cũng hưởng lợi khi tham gia hệ sinh thái Oanh đang kết nối, xây dựng là ước mơ Oanh muốn chạm đến trong tương lai gần” - Lan Oanh nói. Và “Dược sĩ Oanh” ở 314/29 Hùng Vương là địa điểm mà khá nhiều bé chậm nói, có khó khăn về nói ở TP.Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành... lui tới hơn một năm nay qua sự giới thiệu của các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng sau khi các bé được các bác sĩ thăm khám, định lượng. Vì là ngành mới nên việc thành lập trung tâm ngữ âm trị liệu có chút vướng mắc về tính pháp nhân. Dẫu vậy, sau một thời gian hỗ trợ các bé, một số phụ huynh nhận lời hỗ trợ pháp lý để mô hình của dược sĩ Oanh được cộng đồng biết đến, ngày càng có nhiều bé khó khăn về ngữ âm được tiếp cận, trị liệu. “Phương pháp ngữ âm trị liệu được thực hiện theo chương trình của Hanen thiết kế, bố mẹ chính là chìa khóa trong sự can thiệp của trẻ, thúc đẩy trẻ giao tiếp dưới sự hướng dẫn của trị liệu viên ngôn ngữ. Ở Quảng Nam có những khó khăn trong hỗ trợ các bé chậm nói không chỉ từ phía phụ huynh mà ở chính cộng đồng bé sinh sống. Một số bé sau khi được trị liệu có cải thiện, sẽ rất tốt nếu được thả vào hệ sinh thái của bé sẽ thúc đẩy quá trình trị liệu nhanh hơn, nhưng tiếc là chưa có”,- Lan Oanh chia sẻ về phương pháp trị liệu mình đang theo đuổi.

Sau gần hai tháng đưa con đến với dược sĩ Oanh, chị Ngọc Dung (TP.Tam Kỳ) nói: “Con càng lớn mà không thấy nói năng gì khiến gia đình lo lắng. Đi khám thính lực, tự kỷ thì mọi thứ đều bình thường. Các bác sĩ đã giới thiệu đến dược sĩ Oanh để hỗ trợ bé tập nói. Sau khi chị Oanh phác thảo sơ đồ, hướng điều trị gia đình đồng ý là bắt tay vào hỗ trợ bé. Nay bé đang dần có những cải thiện đáng mừng”. Năm học sau, bé Nguyễn Giang My (6 tuổi, Bình Đào, huyện Thăng Bình) vào lớp 1 nhưng chưa phát âm rõ vần và nguyên âm đơn sau khi khám ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng.

Được giới thiệu, ngày hôm sau phụ huynh bé My đưa con vào gặp dược sĩ Oanh mong trị liệu và cải thiện sớm để kịp vào lớp 1. “Hiện chỉ có mỗi mình Oanh phụ trách khâu định lượng, hướng dẫn trị liệu, lên giáo án, tiếp nhận bệnh... nên những điều mình mong muốn hướng dẫn cộng đồng hỗ trợ các bé vẫn chưa thực hiện được. Trước mắt, Lan Oanh đang tìm địa điểm phù hợp hơn để có không gian thoải mái hỗ trợ trị liệu các bé tốt hơn, rồi tìm người phụ tá, xây dựng tính pháp nhân... Đến bây giờ, Oanh vẫn thấy việc trở về của mình vẫn là quyết định chính xác nhất” - Lan Oanh chia sẻ.

                                       Vương Hằng Sa - Báo Quảng Nam