www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Học sinh cơm đùm, mì gói “nuôi“ ước mơ thoát nghèo

 Hầu hết, nhà các em nằm chênh vênh trên đỉnh của các ngọn núi cao, đường xá xa xôi, mỗi lần đi học phải thức dậy từ sớm. Ngày qua ngày, các em bám theo các ngọn núi, vách đá cả 7km mới đến được trường. Nhiều em phải gói cơm mang theo, nếu không thì ra quán nhỏ cạnh trường ăn tạm mì gói lót dạ cho buổi học chiều.

 Cơm gói, mì tôm “cõng con chữ”

Một ngày đầu tháng 10/2011, chúng tôi men theo con đường từ Trung tâm TP.Tam Kỳ, Quảng Nam vượt gần 30 km đường dốc núi đến trường THCS Lê Cơ (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước), nhìn vào hàng quán đối diện trường thấy hàng chục em học sinh lớp 6,7,8 đang ngồi bóc những gói cơm và những tô mì gói ra ăn.
 
Dặm hỏi, các em cho biết do nhà xa trường đến gần 10km, nếu trưa tan học về nhà ăn cơm và quay trở lại trường học tiếp thì trễ học, nên các em đành lót dạ bằng những tô mì gói và cơm gói.
 
Em Huỳnh Thanh Kiều (lớp 8, trú thôn 4, xã Tiên Sơn) cho biết: “Nhà em cách trường 7 km, mỗi lần đi học rất khó khăn phải đi từ 5 giờ sáng, học xong khi về đến nhà cũng đến gần 1 giờ trưa. Em phải tự đạp xe đi vì bố mẹ ở nhà còn làm ruộng và chăm hai em nhỏ. Mỗi lần ở lại, bố mẹ cho 5.000 đồng để ăn trưa rồi học tiếp buổi chiều”. Em Kiều hồn nhiên cho biết thêm, em ăn gói mì thì không đủ no (mì gói bán ở hàng quán 3.500 đồng/gói) nhưng đành bấm bụng vậy, vì nhà em khó khăn và bố mẹ còn lo cho 2 em nhỏ nữa.
 
              
                               Học sinh lót dạ gói mì tôm ở hàng quán...

Anh Võ Đức Mậu, chủ hàng quán trước trường THCS Lê Cơ cho biết: "Tôi bán quán ở đây gần 20 năm rồi. 20 năm qua, tôi chứng kiến cảnh học sinh đi học gói cơm và ăn mì tôm ở quán tôi rất nhiều.
 
Lúc mới thành lập trường, một hôm, tôi tình cờ thấy các em có nhà xa ở lại gói cơm theo ăn với mắm. Mỗi lúc tan trường, các em ra đứng cạnh ống nước sau trường, cứ ăn một miếng cơm, một miếng mắm lại uống một ngụm nước thay canh. Nhìn thấy vậy, tôi bàn với vợ là mở quán để cho các em vào ngồi ăn cơm. Ở đây, đa số các em có hoàn cảnh đáng thương hết, nghèo và sống trên đỉnh núi cao. Nhiều lúc có em ăn mì gói không có tiền trả, tôi cũng đành cười trừ”, anh Mậu chia sẻ.
 
Nuôi “ước mơ” thoát nghèo
 
Ông Nguyễn Đức Phiến, Hiệu trưởng trường THCS Lê Cơ, cho biết: “Trường có 8 phòng học, nhưng chỉ dạy có 5 phòng, còn 3 phòng kia để làm nơi cho các em thực hành vi tính. Trường còn khó khăn lắm, giáo viên và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng gộp chung vào một phòng”.
 
Theo thầy Phiến, hiện trường có đến 53,6% là các em học sinh con của hộ nghèo, nhất là những em có nhà cách trường gần 10 km. Mùa nắng còn đỡ, chứ mỗi lần mưa gió xuống là trong cặp các em có thêm cái đèn pin. Đến ngày lễ, hay Tết trường thường tổ chức quyên góp mua quà cho các em có hoàn cảnh đáng thương này. “Mong muốn của chúng tôi là trường được đầu tư thêm vật chất, thiết bị để các em học đỡ phần nào”.
 
Ông Nguyễn Phúc Lịch, Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho biết: “Điều đáng mừng là cuối năm học vừa qua, các em vẫn trụ vững, không bỏ học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường còn quá khó khăn. Chúng tôi cũng rất muốn quan tâm nhưng điều kiện kinh tế của địa phương quá eo hẹp. Chúng tôi hy vọng có những tấm lòng hảo tâm quan tâm san sẻ giúp một phần cho sự nhọc nhằn với các thầy cô giáo và học sinh nơi đây”.
 
                                          Trương Gia Hân - Báo Pháp Luật Việt Nam