www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Giảm nghèo nhờ…khéo làm ăn ở xã Tiên Phong

 Không có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng nhờ biết chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi và linh hoạt trong chọn giống cây trồng, xã Tiên Phong (Tiên Phước) đã vượt khó khăn, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn huyện về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

             Nằm về phía bắc của huyện Tiên Phước, Tiên Phong có diện tích tự nhiên hơn 2.000ha, dân số trên 5.300 người. Là một xã có trên 90% dân số sống bằng nghề nông nhưng Tiên Phong lại ít được thiên nhiên ưu đãi. Xã có địa hình cao so với các vùng lân cận, lượng mưa trung bình hàng năm thấp, đất đai bạc màu, cằn cỗi “chưa mưa đã ướt, chưa nắng đã khô”. Hệ thống thủy lợi lại manh mún, nhỏ lẻ, một thời gian dài trước đây giao thông trắc trở, nên kinh tế của xã thuộc diện kém phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, Tiên Phong luôn coi việc tập trung đầu tư cho thủy lợi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất.

          Nhiều lần xã đề đạt với huyện nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp nên các dự án thủy lợi lớn của xã nhiều năm vẫn còn nằm trên giấy. Vì vậy, địa phương phải chọn con đường phát huy triệt để nội lực. Hàng năm xã đều vận động nhân dân tu sửa, đắp mới trên 40 đập bổi, đập thời vụ, nạo vét hàng trăm mét kênh mương dẫn nước và tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng các đập thủy lợi nhỏ. Nhờ vậy diện tích đất nông nghiệp chủ động nguồn nước tưới của xã từng bước được nâng lên. Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong năm 2011 vừa qua được sự hỗ trợ của huyện, địa phương đã đầu tư xây dựng được 3 công trình mới gồm hai đập thủy lợi tại thôn 1 và thôn 3 và một tuyến kênh mương nội đồng tại thôn 5 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nhờ vậy đã giải quyết cơ bản nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp”.

 

                          Cây keo lai đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân Tiên Phong

 

         Cùng với việc chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, tranh thủ vụ đông xuân hàng năm có mưa nhiều. Nông dân trong xã đã đầu tư thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng để bù lại cho vụ hè thu thường xuyên bị hạn hán mất mùa. Đối với diện tích đất gò đồi bà con đã chuyển đổi từ cây sắn hiệu quả thấp sang trồng cây đậu phụng, keo đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây đậu phụng được bà con trồng hơn 10 ha tại các thôn 3, thôn 4 và thôn 5. Cây đậu phụng tuy đòi hỏi công chăm sóc, làm cỏ nhiều nhưng chi phí về làm đất, phân, giống ít hơn so với sản xuất lúa. Ông  Nguyễn Tiếp - một hộ trồng đậu phụng ở thôn 3 của xã cho biết: “Nếu được trồng và chăm sóc tốt, một sào đậu phụng có thể cho thu nhập từ 30 - 35kg dầu. Theo giá dầu hiện tại khoảng 60 nghìn đồng/kg cộng với số tiền bán bánh dầu thì một sào có thể cho thu nhập gần 2,5 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa”.

         Cây keo có mặt trên đất gò đồi Tiên Phong từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và bắt đầu phát huy hiệu quả rõ rệt khoảng 10 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Sỹ Tựu - một trong những hộ trồng keo nhiều ở thôn 2 (xã Tiên Phong) cho biết: “Thấy cây keo tương đối dễ tính, rất thích hợp với đất gò đồi, chi phí đầu tư ít mà hiệu quả lại cao hơn hẳn các loại cây trồng khác nên gia đình tôi chuyển toàn bộ số đất gò đồi sang trồng keo gần mười năm nay”. Theo tính toán của nhiều hộ trồng keo tại Tiên Phong, với mức giá hiện nay (khoảng 1.100 đồng/kg), nếu được trồng và chăm sóc chu đáo mỗi héc ta keo có thể cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng. Hiện toàn xã đã trồng trên 1.100ha keo, bình quân mỗi hộ trồng hơn 1ha.

         Các hộ trồng nhiều là Hồ Văn Việt, Nguyễn Văn Diệp (thôn 2) trồng trên 14ha, Lê Văn Tiến (thôn 3) trên 16ha, Trương Thị Nga, Đặng Quyết Lâm (thôn 5) trồng trên 10ha… Năm 2011, toàn xã đã trồng mới gần 260ha rừng, đạt 171% kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc chuyển đổi gần như toàn bộ đất gò đồi sang trồng cây keo đã cho hiệu quả thấy rõ. Cây keo không chỉ tạo nguồn thu đáng kể cho người trồng mà tại thời điểm thu hoạch còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương ”.

         Chính nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý mà từ một xã có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất so với toàn huyện Tiên Phong đã có điều kiện vươn lên đáng kể. Hiện tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã còn 19,5%. Năm 2011 Tiên Phong là đơn vị dẫn đầu toàn huyện về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, nhân dân trong xã nỗ lực vượt khó hơn nữa, xây dựng thành công xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 theo kế hoạch đã đề ra.

                                            Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam

 

Hội đồng hương xã Tiên Phong tại thành phố HCM vừa tổ chức gặp mặt

Triển vọng công nghiệp trên vùng đất khó Tiên Phong

Hội khuyến học xã Tiên Phong tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 2008 -2012

Đám giỗ tháng 4 ở làng Tài Đa xã Tiên Phong

Ngang nhiên phá rừng Hóc Độ xã Tiên Phong

Trang trại chăn nuôi heo tiếp tục gây ô nhiễm ở xã Tiên Phong

Trại heo ô nhiểm tra tấn hàng trăm hộ dân ở Tiên Phong