www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Đất đã "đẻ trứng vàng"

Từ Nghị quyết 18 đến các chương trình hành động của Huyện ủy, Tiên Phước xác định kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV-KTTT) là thế mạnh cần được phát huy triệt để. Với tinh thần đó, Tiên Phước đã biến những vùng đất đồi núi khô cằn thành vườn cây ăn trái, vùng cây nguyên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng quê Tiên Phước đang thực sự đổi thay. Đời sống kinh tế người dân nâng lên rõ rệt nhờ hiệu quả kinh tế trang trại, vườn rừng mang lại. Đó cũng là nhờ quyết sách đúng đắn của huyện ủy khi xác định KTV-KTTT là thế mạnh cần tập trung khai thác, làm đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Không những thế, quyết sách của Tiên Phước nhận được sự đồng tình ủng hộ của UBND tỉnh với mục tiêu xây dựng Tiên Phước trở thành vùng trọng điểm KTV-KTTT của Quảng Nam.

Tiên Phước đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành vùng kinh tế vườn - kinh tế trang trại trọng điểm của tỉnh.  Trong ảnh: Cây lòn bon, một trong những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Tiên Phước.
Tiên Phước đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành vùng kinh tế vườn - kinh tế trang trại trọng điểm của tỉnh. Trong ảnh: Cây lòn bon, một trong những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Tiên Phước.

Làm giàu từ đất đồi

“Trái cây Tiên Phước đang rất được ưa chuộng tại thị trường TP.Đà Nẵng. Cùng một loại quả sầu riêng, người tiêu dùng ở đây sẵn sàng bỏ tiền gấp đôi, gấp ba để được mua sầu riêng Tiên Phước. Mấy năm nay, tôi thực hiện đúng cam kết với một chủ vườn ở Tiên Phước đảm bảo bao tiêu đầu ra toàn bộ trái cây của vườn” - chị Tôn Nữ Hoàng Hạnh, chủ một cửa hàng rau sạch ở Đà Nẵng, cho biết. Vườn trái cây ở Tiên Phước - đối tác cung ứng cho cửa hàng chị Hoàng Hạnh là của ông Nguyên Khoa (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ).

Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho hay: “Vườn cây ăn trái của ông Khoa là một mô hình kiểu mẫu. Bởi ngoài thương hiệu cây ăn quả và giá trị kinh tế mang lại cho gia đình, ông Khoa là nông dân điển hình trong việc cải tạo vùng đất đồi núi khô cằn để biến nó thành tiền, thành vàng”.

Cũng như ông Khoa, người dân Tiên Phước xác định và nhận thấy rõ ưu thế, con đường làm kinh tế và giá trị của vùng đất đồi núi quê hương. Loại cây đặc sản thương hiệu thanh trà Trà Khân (Tiên Hiệp) sánh ngang với thanh trà Thủy Biều (Thừa Thiên Huế) được trồng theo vùng tập trung với diện tích hơn 152ha đã và đang dần tạo nên những triệu phú chân đất ở vùng quê nghèo.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Tiên Phước, tổng diện tích vườn được cải tạo chỉnh trang phát huy hiệu quả trong thời gian qua là 2.400ha (70% diện tích vườn nhà, trong đó 30% diện tích cho thu nhập từ 30 triệu đồng/ha); giá trị thu được từ kinh KTV-KTTT tăng từ 28 tỷ đồng năm 2010 lên 65 tỷ đồng năm 2014.

Trong khi đó, ít ai ngờ, ở vùng đất khô cằn thôn 1, xã Tiên Lập, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Phúc đã có trong tay tiền tỷ sau vài năm chăm sóc, phát triển rừng cây keo nguyên liệu. Ở Tiên Phước bây giờ, các vùng được xem là có kinh tế khó khăn như Sơn Cẩm Hà, Lãnh Ngọc Hiệp, số lượng “triệu phú” và cả “tỷ phú” đang tăng lên qua từng năm nhờ phát triển KTV-KTTT, trồng rừng nguyên liệu. Cũng chính vì điều này, các ngân hàng thương mại cổ phần có chi nhánh tại TP.Tam Kỳ đều xác định Tiên Phước là vùng đất màu mỡ để khai thác.

Góc nhìn của giới tài chính đối với người nông dân vùng đất đồi núi Tiên Phước đã thay đổi đáng kể sau nhiều năm, kể từ ngày kinh tế vườn đồi được khai thác và trả về với đúng giá trị thực tế của nó. Theo ông Phạm Văn Đốc - Phó Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, bình quân mỗi năm địa phương trồng mới 1.930ha rừng, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 600ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân 200 nghìn tấn, giá trị khoảng 115 tỷ đồng.

Đổi thay đất nghèo

Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, đến nay địa phương đã giải ngân gần 2 tỷ đồng trong nguồn kinh phí 5 tỷ đồng mà UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ đầu tư cho người dân làm KTV-KTTT giai đoạn 2014 - 2018. Trước đó, Nghị quyết số 18 của HĐND huyện cũng đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân phát triển KTV-KTTT giai đoạn 2012 - 2016 với những nội dung tương tự, như hỗ trợ cây tiêu trồng mới không quá 50.000 đồng/choái với hộ trồng 20 - 100 choái; với thanh trà, măng cụt là 20.000 đồng/cây trồng mới; lòn bon là 3 triệu đồng/ha...

Chính nhờ sự khuyến khích, động viên của huyện bằng những giá trị thực tế, đến nay ở Tiên Phước đã có 36 mô hình trồng 100 choái tiêu trở lên, có mô hình trồng tới 500 choái tiêu. Một con số không tưởng so với trước đây mười năm, giai đoạn cây tiêu èo uột tưởng chừng không trụ nổi trước sự tàn phá của sâu bệnh và nhiều lý do khác.

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói: “Tỉnh đồng ý, dân đồng thuận thì không có lý do gì chúng tôi không ưu tiên bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho KTV-KTTT. Dự kiến thời gian tới sẽ tăng ngân sách hỗ trợ 20 - 25% so với giai đoạn 2010 - 2015. Với biện pháp quyết liệt này, chúng tôi tin tưởng Tiên Phước sẽ nhanh chóng trở thành vùng KTV-KTTT trọng điểm của tỉnh trong thời gian ngắn nhất”.

Theo kế hoạch xây dựng thành vùng KTV-KTTT trọng điểm của tỉnh, Tiên Phước phấn đấu đến năm 2020 có 110ha cây tiêu, 250ha cây thanh trà, 350ha cây lòn bon, chỉnh trang nhà vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả gắn liền với du lịch sinh thái, trở thành những vườn cây ăn trái vừa cung cấp hàng hóa đặc sản vừa phục vụ tham quan du lịch. Song song với đó, huyện cũng sẽ khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ người dân sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời xây dựng website giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của Tiên Phước, tiến đến xây dựng thương hiệu quả thanh trà, lòn bon, hạt tiêu Tiên Phước; vận dụng cơ chế hỗ trợ khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia giới thiệu, trưng bày triển lãm sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ.

                                                        Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam