www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuyện người vợ và con của Phan Châu Trinh

 Về đời tư, Phan Châu Trinh lập gia đình vào năm 25 tuổi (1896). Vợ ông bà  Lê Thị Ty, người làng An Sơn huyện Tiên Phước (nay thuộc thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

         Bà Ty sinh năm 1877, về làm vợ ông Phan Châu Trinh năm 19 tuổi (1896). Năm 1896 ông bà sinh một con trai đầu lòng đặt tên là Phan Châu Dật. Năm 1911 Phan Châu Trinh sang Pháp, đem theo người con trai cả, cho theo học tại một trường Trung học, đậu Tú tài. Nhưng sau đó Phan Châu Dật bị lao ở Pháp chữa không khỏi, năm 1919 ông cho con về nước. Về đến Quảng Nam, Phan Châu Dật vẫn bệnh nặng, đến năm 1921 thì mất tại nhà thương Huế.

       Năm 1901, ông bà sinh cô Phan Thị Châu Liên ( tức cô Đậu), sau này vợ ông Lê Ấm, giáo sư trường Quốc tử giám Huế, Quốc học Qui Nhơn. Ông bà Lê Ấm có nhiều con cháu. Có thời gian ông bà Lê Ấm sống ở Đà Nẵng tại nhà thờ Phan Châu Trinh, nhưng sau dời về ở nhà riêng đường Phan Đình Phùng - Đà Nẵng.

      Năm 1904, ông bà sinh một người con gái thứ, đặt tên là Phan Thị Châu Lan ( tức cô Mè), chồng bà Châu Lan là ông Nguyễn Đồng Hợi làm tham tán công chánh (Agent technique). Ông bà Nguyễn Đồng Hợi là thân sinh bà Nguyễn Thị Bình ( nguyên phó chủ tịch nước Việt Nam). Bà Châu Lan mất năm 1944 tại Sài Gòn.

     Năm 1911, sau khi Phan Châu Trinh từ Côn Đảo về đất liền, bị phát vãng ở Mỹ Tho, bà Phan Châu Trinh có vào thăm chồng một thời gian rồi về sống tại quê nhà. Bà bị bệnh và qua đời ngày 12 tháng 5 năm 1914.

    Khi bà qua đời là lúc ông bị giam tại ngục La Sante. Sau khi ra khỏi ngục, nhận được tin đau buồn đó, ông vô cùng xúc động làm một câu đối khóc bà và có làm thay cho Phan Châu Dật một câu đối “khóc mẹ”, mà đó cũng là câu đối của một người chồng khóc một người vợ thân yêu nhất của mình.

      “Con tưởng mẹ, mẹ ơi! Mẹ đau con chẳng biết, mẹ mất con chẳng hay, biển rộng trời cao, nghìn dặm luốn trông tin mẹ mạnh;

      Mẹ thương con, con rõ! Con ở mẹ nhọc lo, con đi mẹ nhọc nhớ, ơn dày nghĩa nặng, trăm năm đành để nợ con mang”.

Và câu đối chữ Hán:

     “Nẩm dư niên cầm sắt bất tương văn, một vô tiết phong chi ảnh vi phu, nhất hướng sằn nhi huy nhiệt lệ.

     Cửu huyền hạ thân bằng như kiến văn, điền hải nhi sơn hữu thủy tương bá, thiên ai lao hán bả không huyền”.

Nghĩa:

      “Hai mươi năm cầm sắt vắng teo, dãi gió  dầm mưa, nhìn ảnh làm chồng, một mực nuôi con lau lệ nóng.

      Dưới chín suối bạn bè han hỏi, dời non lấp biển co ai giúp tớ, nhìn lo minh lão múa tay không”

      Bà Phan Châu Trinh là một phụ nữ kiên trinh, chịu khó, chịu khổ, suốt đời lo cho con, giúp chồng để chồng có đủ thì giờ và tâm lực hiến thân cho dân cho nước, để rồi cuối cùng bà chết trong âm thầm, nhớ thương người chồng xa cách nghìn trùng.

      Nguyễn Q.Thắng