www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chàng trai trẻ và ước mơ làm giàu

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam, chàng thanh niên Trần Văn Đoàn (SN 1992, quê thôn 2, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh tìm việc làm.

Bôn ba nơi xứ người được 2 năm với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhận thấy thu nhập quá ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống, Đoàn từ bỏ công việc quay trở về quê hương tìm hướng tự thân lập nghiệp. Anh đi khắp nơi tìm hiểu các mô hình kinh tế. Nhận thấy nghề nuôi thỏ có khả năng làm giàu rất lớn, ở quê lại chưa có ai thực hiện mô hình này, anh lại thu xếp hành trang ra Đà Nẵng theo học cách nuôi thỏ ở các trang trại.

Sau khi nắm bắt đầy đủ và tự tin với những gì học được, anh Đoàn trở về quê mở trang trại nuôi thỏ. “Bỏ nghề, về quê mở trang trại, gia đình phản đối nhiều lắm. Nghề này nhiều rủi ro mà, trong khi kinh tế gia đình khó khăn, nguồn vốn không đủ. Nhưng mà mình quyết tâm quá nên làm liều, cũng may bây giờ thấy ổn nên gia đình cũng đã ủng hộ” - anh Đoàn chia sẻ.

Anh Trần Văn Đoàn với ước mơ làm giàu bằng mô hình nuôi thỏ. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG
Anh Trần Văn Đoàn với ước mơ làm giàu bằng mô hình nuôi thỏ. 

Bắt đầu khởi nghiệp vào tháng 10.2015, từ nguồn vốn vay mượn khắp nơi, cộng thêm số tiền dành dụm được bấy lâu, anh Trần Văn Đoàn phá hơn 40m2 đất vườn của gia đình để xây dựng trang trại. “Với số tiền ban đầu mình chỉ mua được 24 con thỏ giống từ Đà Nẵng về nuôi. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, thiệt hại cũng nhiều, nhưng mình quyết không nản lòng nên vẫn tiếp tục nuôi, rồi tự lai giống. Bây giờ trang trại mình đã nhân rộng lên quy mô hơn 200 con thỏ giống và thỏ thịt” - anh Đoàn cho biết.

Để tiết kiệm chi phí, cùng với mua các loại thức ăn bột, anh còn tận dụng mảnh đất trong trang trại trồng các loại rau lang, rau muống… làm nguồn thức ăn cho thỏ. Ngoài nuôi thỏ, anh Trần Văn Đoàn còn mở rộng diện tích để nuôi heo, gà, đào ao nuôi cá trê. Không chỉ vậy, anh tận dụng nguồn phân thỏ để trồng các loại cây ăn quả như chuối, thanh trà nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Anh Đoàn cho biết, cũng nhờ phương thức sản xuất này mà trong 3 tháng đầu khởi động mô hình, nguồn thu nhập đảm bảo để tiếp tục đầu tư nhân rộng đàn thỏ lên 200 con.

Anh Đoàn cho biết, sau lứa nuôi đầu tiên, tuy hiệu quả kinh tế chưa có gì, nhưng bù lại anh thu được khá nhiều kinh nghiệm, và tự tin sẽ thu được khoản lợi lớn ở lứa thứ hai đang chuẩn bị xuất bán. Anh tính, với giá hiện nay 150 nghìn đồng/kg thỏ giống, 100 nghìn đồng/kg thỏ thịt, sau 3 tháng nuôi, nếu xuất hết số thỏ hiện có trong trang trại, sau khi đã trừ hết chi phí, anh sẽ thu lợi hơn 200 triệu đồng. “Do nguồn vốn hạn hẹp nên mình cũng đang tính hướng bán lứa này lấy vốn đầu tư lứa kế tiếp để tiếp tục mở rộng mô hình. Với quy mô trang trại hiện nay, mình hy vọng sẽ nâng tổng đàn lên con số khoảng 1.000 con” - anh Đoàn chia sẻ.

                                        Đông Dương - Khương Mỹ, Báo Quảng Nam