www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chạnh lòng bên Nghĩa trũng Nghĩa hội Quảng Nam

 Nghĩa trũng - Nghĩa hội Quảng Nam là nơi an nghỉ cuối cùng của các nghĩa sỹ đã bỏ mình vì dân, vì nước, đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Tiên Phước mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả tỉnh, cả nước. Nghĩa trũng - còn là chứng tích về một thời kỳ lịch sử bi hùng nhưng không kém phần oanh liệt, sự xả thân của những người con yêu nước dưới cờ nghĩa kháng Pháp đầu tiên trên đất Quảng Nam. Tuy nhiên, sự tồn tại của di tích này có quá ít người biết đến. Chúng tôi tìm đến tận nơi chôn cất những chiến sĩ yêu nước hy sinh trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chống lại thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở thung lũng làng Tiên Phú Tây (nay là thôn 1, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam) mà chạnh lòng bởi sự hoang vắng, đổ nát, phế tích...

 

Một thời oanh liệt

Ngọn gió “Cần vương” vượt qua đèo Hải Vân vào phương Nam lập tức được hưởng ứng mạnh mẽ. Sử triều Nguyễn chép: “Thân hào Quảng Nam kết nhau làm Nghĩa hội cử Chánh sơn phòng Trần Văn Dư làm thư hội” (Đại Nam thực lục). Căn cứ Sơn Phòng Dương Yên tại Trà My, Quảng Nam từ lâu đã được phe chủ chiến xem như trung tâm chỉ huy thứ hai sau Tân Sở (Quảng Trị) của các tỉnh phía Nam kinh đô Huế, được Trần Văn Dư đặt đại bản doanh của Nghĩa Hội. Tại đây, Trần Văn Dư đã phát đi bản thông đạt: “Thống thiết kêu gọi các bậc lương đống cựu thần, các giới sĩ, nông, công, thương tùy sức, tùy tài khởi binh kháng địch, tôn phò quốc tộ, giành lại giang sơn gấm vóc”. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Trần Văn Dư, nhân dân Quảng Nam đã tích cực ủng hộ Nghĩa hội kháng Pháp.

Theo một số tài liệu, Đồng Khánh (được thực dân Pháp dựng lên) ra lệnh thuyên chuyển Trần Văn Dư nhưng ông không tuân lệnh mà còn kéo quân chiếm giữ sơn phòng và uy hiếp tỉnh thành La Qua (H. Điện Bàn, Quảng Nam). Phong trào Nghĩa hội dâng cao và Quảng Nam trở thành hạt nhân tập hợp với “Quảng Nam tam tỉnh Nghĩa hội” (lời Phan Bội Châu), gắn liền với các tên tuổi như Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Lê Trung Đình, Phan Bá Phiến, Nguyễn Tự Tân... Khâm sứ Pháp ở Huế Deschampeaux điều quân Bắc Phi đánh chiếm lại La Qua, Trần Văn Dư bị địch lừa bắt và hành hình ngày 13-12-1885.

 

           

                         Nghĩa trũng-Nghĩa hội Quảng Nam đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyễn Duy Hiệu lên thay, chủ trương lập tại Trung Lộc, H. Quế Sơn, Quảng Nam một tân tỉnh để ứng nghĩa với Tân Sở của Hàm Nghi làm trung tâm tập hợp, xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài. Ngày 29-1-1886, binh lính Pháp do Henri de Berhair (Riviere) chỉ huy mở đợt hành quân tấn công các căn cứ của Nghĩa hội, khi quân địch lọt vào trận địa đã bố trí sẵn, nghĩa quân bẫy đá từ trên cao lăn xuống và nã súng tới tấp, rồi xông ra dùng giáo mác, giáp lá cà, tiêu diệt 150 tên địch và làm bị thương nhiều tên khác. Bị tổn thất nặng chúng phải rút chạy về Tam Kỳ. Nghĩa quân cũng đã tiến đánh khắp đồn trại của quân Pháp, từ La Qua (Điện Bàn), Trà Kiệu, Phú Thượng, Bãi Chai, Gò Muống đến Hòa Vang, Phú Trạch, Viêm Minh, Duy Xuyên...


Nơi an nghỉ cuối cùng của các nghĩa sĩ

Theo tư liệu từ H. Tiên Phước, tháng 3-1886, Công sứ Pháp tại Đà Nẵng cho quân tấn công Nghĩa hội lần thứ hai, các Tán Lý của Nghĩa hội cho lực lượng về phòng thủ tại Đại An (nay là xã Tiên Cảnh) để phòng ngự, chỉ để mỗi chốt từ 10 – 15 người trấn giữ, mặt khác Nguyễn Duy Hiệu cho quân rải khắp bờ sông Tiên dụ giặc qua sông để đánh. Tuy nhiên do lực lượng không cân xứng, tổ chức Nghĩa hội còn lỏng lẻo, vũ khí thô sơ trước áp lực rất lớn của địch, vậy nên sau một thời gian cầm cự, các chốt Dương Đế và Đức Tân bị rơi vào tay giặc. Tại chốt Dốc Miếu, 8 chiến sĩ của Nghĩa hội đã bị địch giết hại.

Theo sự hướng dẫn của Nguyễn Đình Tựu và trợ giúp của nhân dân, các ông Dương Bộc, Hồ Nghiễm, Phạm Hữu Minh đã mang các thi hài về mai táng trên Gò Cao - một khu đất bằng phẳng nằm dưới chân Non Gạch. Đầu mộ các nghĩa sĩ hướng về Sơn Phòng Dương Yên, nhằm cổ súy cho tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trong phong trào kháng Pháp, truy niệm anh linh những nghĩa sĩ đã bỏ mình vì nước. Đồng thời cho cất tại đây một nhà tụ kề bên những phần mộ này để có nơi thờ tự. Ông Đoàn Lang, thành viên của Nghĩa hội, có nhà ở gần Nghĩa trũng nhận phần chăm nom hương khói.

Cuối năm 1886, thực dân Pháp tăng cường tấn công càn quét các căn cứ của Nghĩa hội, nghĩa quân tan rã, nhiều người bị thực dân Pháp bắt bớ tra tấn, tù đày, có 5 nghĩa sĩ bị kết án tử hình và đem hành quyết tại Nà Tuần (nay thuộc xã Tiên Mỹ, Tiên Phước). Tuy nhiên, nhân dân chỉ tìm thấy 2 thi thể, mang về an táng tại Nghĩa trũng. Một số nghĩa quân của Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Lê Vĩnh Huy còn sống sót, tìm cách ẩn mình xây dựng cơ sở và nuôi chí kháng Pháp, nhờ vậy, nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ở Quảng Nam vẫn liên tục nổ ra. Năm 1916, cuộc khởi nghĩa tiến công chiếm phủ đường Tam Kỳ do Trần Huỳnh lãnh đạo bị thất bại, số người thương vong được đưa về an táng tại khu vực Nghĩa trũng.

 Năm 1938, người dân nơi đây đã quyên góp xây dựng lăng đường Nghĩa trũng bày tỏ lòng thành kính, tri ân những anh hùng nghĩa sĩ đã bỏ mình vì dân, vì nước. Nghĩa trũng là chứng tích về một thời kỳ lịch sử oanh liệt, lưu giữ hình hài của những người con yêu nước dưới cờ nghĩa kháng Pháp đầu tiên trên đất Quảng Nam. Ngày 16-2 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức quét dọn, cuốc cỏ, cúng tế lăng đường và những phần mộ. Nay di tích này đã xuống cấp trầm trọng, lăng đường đã trở thành phế tích, nhưng may mắn là điện thờ, vòng cổng và hàng chữ “Đống xương vô định” vẫn còn. Tuy nhiên, nếu như không được bảo vệ và tôn tạo kịp thời, tương lai không xa, chắc chắn những dấu tích ít ỏi sót lại ấy cũng sẽ không còn.

Nam Trân - Báo CA Đà Nẵng