www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân điêu đứng

Do bị "vướng" ở khâu cung ứng nên gần 3 tháng qua, Trung tâm Y tế H. Tiên Phước (Quảng Nam) thiếu nguồn thuốc cung ứng cho người bệnh. 

Theo phản ánh của một số y bác sỹ Trung tâm Y tế (TTYT) H. Tiên Phước, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Trung tâm thiếu hụt nguồn thuốc để phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có bảo hiểm y tế. "Bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến điều trị, sau khi thăm khám, chúng tôi chỉ có thể cấp cho họ vài loại thuốc, còn lại phải ghi toa để họ ra ngoài mua.

Có trường hợp bệnh nhân cần 6 loại thuốc, nhưng trong bệnh viện chỉ còn 1 loại. Khi cầm toa thuốc trên tay, nhiều người bức xúc đã xé bỏ, vì họ cho rằng họ có bảo hiểm y tế nên mới đến đây để khám và được cấp thuốc, giờ bảo họ ra ngoài mua thì vô lý quá", bác sỹ V. (thuộc phòng khám của TTYT Tiên Phước) nói. Điều đáng nói, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế H. Tiên Phước đón hơn 200 lượt bệnh nhân đến khám.

Chị Phạm Thị Hậu cùng con gái mới nhập viện hai ngày nhưng phải ra ngoài mua hai lần thuốc. 

Bác sỹ Đoàn Văn Hiền (Khoa Đông y) cho biết thêm: "Có thời điểm thuốc điều trị ngoại trú của khoa có 7 loại nhưng đã thiếu đến 6 loại. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày khoa có khoảng 40 lượt bệnh nhân đến khám. Nhiều bệnh nhân đáng lẽ phải được điều trị bằng Đông y, nhưng do khoa Đông y thiếu thuốc nên chúng tôi "lách" bằng cách chuyển họ sang điều trị Tây y hoặc chuyển lên tuyến trên.

Thực tế việc thiếu thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị cũng như không thể phục vụ đảm bảo cho bệnh nhân được. Nhiều người không biết thì không nói gì, nhưng nhiều bệnh nhân biết nguyên nhân do thiếu thuốc đã quây lại chửi bác sỹ. Chúng tôi rất nôn nóng, xót ruột trước thực trạng này".

Có mặt tại TTYT Tiên Phước, chị Phạm Thị Hậu (30 tuổi, trú xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước), mẹ của bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Dung (2 tuổi) bức xúc: "Con tôi đau dạ dày nhập viện hai ngày nay nhưng tôi phải ra mua thuốc bên ngoài hai lần rồi. Bác sỹ ghi toa bảo tôi ra ngoài mua, chứ bệnh viện không có thuốc. Con tôi mới 2 tuổi, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, thế mà xuống đây nhập viện lại không có thuốc để điều trị. Chừ muốn chuyển con xuống Tam Kỳ nhưng không có chi phí đi lại".

Ngoài trường hợp con chị Hậu, nhiều bệnh nhân đến TTYT Tiên Phước điều trị nhưng không có thuốc nên phải chuyển lên tuyến trên, như trường hợp ông Đ.V.Y. (75 tuổi) bị viêm phổi nhưng vì bệnh viện không có thuốc điều trị nên ông yêu cầu viết giấy chuyển viện xuống Tam Kỳ. Hoặc bà N.T.H. (70 tuổi, trú TT Tiên Kỳ) bị sưng khớp nên đến TTYT huyện khám. Sau khi khám bác sĩ ghi toa nói bà H. ra ngoài mua thuốc, trong khi bà H. có bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo.

Nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến TTYT Tiên Phước khám bệnh nhưng phải ra ngoài mua thuốc.

Qua trao đổi, bác sỹ Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc TTYT Tiên Phước xác nhận tình trạng thiếu thuốc tại TTYT huyện là có thật. Nguyên nhân do lượng bệnh nhân đến khám đông, trong khi đó nguồn thuốc dự phòng lại ít.

Ngoài ra do các nhà thầu cung ứng thuốc chậm. "Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu thuốc hồi tháng 3. Chúng tôi thấy nguồn thuốc cung ứng chậm nên có hỏi trưởng khoa dược của Trung tâm, chị Chung trưởng khoa nói rằng đã gọi cho đơn vị nhà thầu, nhưng có đơn vị không nghe máy, có đơn vị lại nói chưa có hàng, thậm chí có những hạng mục thuốc đơn vị cung ứng nhập về không trùng với hóa đơn thanh toán. Thực trạng trên đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân cũng như uy tín của bệnh viện", ông Dũng nói.

Trong khi đó, sáng 12-5, trao đổi qua điện thoại về thực trạng trên, ông Huỳnh Thế Vịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam (phụ trách dược) cho rằng chưa nghe thông tin trên và nói để kiểm tra lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, do việc quản lý, điều hành của lãnh đạo TTYT Tiên Phước không hiệu quả nên lượng bệnh nhân đến đây khám rất ít. Để nâng cao chất lượng phục vụ của TTYT Tiên Phước, nhiều lần cử tri đã phản ánh thực trạng đến lãnh đạo các cấp thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri hàng năm.

                                                            Bão Bình - Báo CA Đà Nẵng