www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ước mơ không dang dở

Vừa kết thúc năm thứ nhất Đại học Kinh tế, Phạm Xuân Tiến (SN 1989, thôn 9, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) phải dừng việc học để chấp hành án. Sau 18 tháng ở trại giam, Tiến tiếp tục ôn thi đại học, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh viết tiếp ước mơ.

Bước qua lầm lỗi

Khi được hỏi, nhiều người đang chấp hành án hoặc chấp hành xong án phạt tù đều nói rằng họ rất buồn chán trong thời gian ở trại giam. Nhưng với Tiến lại khác. Tiến chia sẻ rằng, buồn và chán sẽ không biến ước mơ thành hiện thực và làm bản thân suy sụp hơn. Thời gian ở trong trại, Tiến luôn động viên mình lạc quan, xem bản án là một thử thách trong cuộc đời. Chính vì thế, Tiến luôn chấp hành tốt nội quy của trại, ăn uống, tập thể dục đều đặn và luôn nuôi dưỡng ước mơ đại học.

Sau 18 tháng chấp hành án về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tháng 7.2011, Tiến trở về nhà. Lúc này, chỉ còn 29 ngày nữa là bắt đầu kỳ thi vào Trường Đại học Giao thông vận tải mà Tiến đã nhờ chị gái nộp hồ sơ trước đó. Không để phí thời gian, Tiến miệt mài đèn sách. Sự nỗ lực của chàng trai đã được đền đáp, Tiến đã thi đậu, khi một tháng trước đó, còn khoác áo phạm nhân. Nói về việc này, ông Phạm Văn Hải - cha của Tiến xúc động: “Thời gian cháu ra trại cũng là lúc sắp đến kỳ thi đại học. Cả gia đình sợ cháu thi không đỗ, bởi một năm rưỡi trong tù đã làm cháu quên hết kiến thức. Hơn nữa, vụ tai nạn giao thông trước đó đã làm cháu mất 70% sức khỏe. Thế nhưng cháu lại thi đỗ, gia đình tôi mừng lắm”.

Nghị lực đã giúp Phạm Xuân Tiến làm lại cuộc đời.Ảnh: P.NAM
Nghị lực đã giúp Phạm Xuân Tiến làm lại cuộc đời

Kể về ngày thi đại học năm ấy, Tiến bùi ngùi: “Ngày mới ra tù, gia đình em khó khăn lắm. Hôm vào TP.Hồ Chí Minh để thi, mẹ đã bán con heo chưa đến lứa xuất chuồng. Cầm tiền của mẹ mà ứa nước mắt, em tự nhủ phải thi đỗ đại học và phải có việc làm để giúp đỡ cha mẹ”.

Trong 4 năm học đại học, Tiến đã trải qua vô vàn khó khăn. Dù sức khỏe rất yếu nhưng để có tiền ăn học, Tiến phải đi làm thêm. Làm việc nặng không được thì Tiến làm việc nhẹ, từ rửa bát, chạy bàn đến giao hàng… để bớt gánh nặng cho gia đình. Ngay cả những ngày hè hay dịp tết, Tiến cũng không về mà ở lại TP. Hồ Chí Minh để đi làm thêm. “Tết ở lại làm sẽ đỡ tiền tàu xe về quê, lương lại cao. Chỉ làm việc trong 2 tuần nghỉ tết mà em có thể chi tiêu cho 4 tháng sau” -  Tiến chia sẻ.

Ước mơ không dang dở

Ngạn ngữ có câu “Trong cuộc sống nếu ai không mắc phải sai lầm thì đó là điều tuyệt vời, nhưng nếu mắc sai lầm mà biết đứng dậy sửa chữa sai lầm thì càng tuyệt vời hơn”. Trường hợp của Tiến là một tấm gương như thế. Sau 4 năm đèn sách, Tiến xin được một công việc khá tốt ở TP.Đà Nẵng. Nhưng thời gian này mẹ Tiến ốm nặng, cha yếu, 2 chị gái đã có chồng, sức khỏe của người mẹ chỉ còn trông cậy ở Tiến. Vậy là Tiến nghỉ việc, lại đưa mẹ vào Sài Gòn chữa bệnh. Gần một năm ròng rã chăm sóc mẹ ở xứ người, tháng 10.2016, Tiến và mẹ trở về quê. Tôi hỏi “Lỡ mất việc làm, em có buồn không?”. Tiến trả lời: “Em chỉ sợ mình không có sức khỏe, chứ không có việc này, em làm việc khác. Còn mẹ chỉ có một”.

Sau khi sức khỏe của mẹ đã tiến triển tốt, Tiến tiếp tục quay lại với ước mơ của mình. “Ước mơ của em là học đại học để mở mang kiến thức, có việc làm để giúp đỡ cha mẹ. Chỉ đơn giản vậy thôi”. Nói đơn giản nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực vượt bậc của Tiến. Đầu tiên, Tiến mở trại nuôi gà thịt. Công việc khá vất vả với chàng trai trẻ nhưng nhờ chăm lao động và thông minh, Tiến đã bước đầu thành công với trại gà 1.000 con. Tiến cho biết, dịp Tết Đinh Dậu, Tiến đã xuất lứa đầu tiên và thu được hơn 30 triệu đồng.

Ngoài nuôi gà, Tiến còn làm bánh bông lan quy mô nhỏ. Tiến cho biết, mỗi đợt làm bánh bình quân thu lãi 15 - 20% trên tổng doanh thu. Hiện nay, Tiến chỉ mới làm bánh theo đơn đặt hàng và mỗi đợt làm từ 2 đến 5kg. Ngoài ra, Tiến còn đầu tư vườn rau thủy canh. Tiến cho biết, từ nuôi gà, làm bánh đến trồng rau thủy canh, đều mày mò học từ sách vở, báo chí. Ngay cả việc trồng nghệ, Tiến cũng có cách khác nông dân bình thường. Tiến trồng nghệ trong các bao tải đất rồi để dọc hàng rào bờ đá, dưới tán cây nhằm tận dụng được diện tích đất bỏ hoang. Với nghị lực và đam mê, tin rằng Tiến sẽ vươn xa hơn nữa, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

                                                          Phương Nam - Báo Quảng Nam