Trồng dó bầu tại huyện Tiên Phước
Hiện nay, nguồn tài nguyên nhựa trầm mà cây Dó bầu mang lại kể cả trong nước và trên thế giới không còn nhiều. Nhưng nhu cầu vẫn tiếp tục cần đến và chưa có loại nào khác để thay thế nhựa hương của trầm, ở một số nơi người ta xem đây là cây vàng trong vườn nhà nhờ những lợi ích kinh tế của Dó trầm mang lại.
Đối với tỉnh Quảng Nam, có thể nói huyện Tiên Phước là huyện trọng điểm trong việc trồng Dó bầu; tuy nhiên để thu được sản phẩm kinh tế từ cây này đang là câu hỏi mà các hộ trồng Dó bầu ở đây đặt ra.
I. Giới thiệu về Dó bầu
Cây Dó bầu có tên khoa học Aquilaria crassna, có nơi gọi: Trầm hương, Trầm Dó, Dó Trầm, Trà Hương; thuộc Họ Trầm Hương Thymeleaceae, Bộ Trầm Hương Thymeleales.
Dó bầu là loài cây gỗ lớn thường xanh cao trung bình 18-25m, đường kính trung bình 40-45cm. Vỏ ngoài nhẵn, màu xám có vết nhăn dọc, thịt vỏ màu trắng, có tơ mịn, dày 2-4mm, cành non phủ lông mềm màu vàng xám. Rễ bàng phát triển mạnh ra bốn hướng, rễ cọc cắm sâu vào đất.
Lá đơn mọc cách. Phiến lá hình mũi mác thuôn, dài 8-12cm, rộng 3-6cm, đỉnh có mũi nhọn, gốc hình nêm rộng, mép nguyên mặt trên màu lục, mặt dưới màu xanh xám; gân hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, hợp lại ở mép. Cuống lá dài 2-5mm, có lông mềm.
Hoa mọc thành cụm hình tán hay chùm ở kẽ lá.
Quả khô, nang, hình lê, có lông hay hình trứng dài 4-5cm, rộng 3-3,5cm. Vỏ quả có lông mềm ngắn, khi chín chuyển qua màu vàng xám, mùa quả chín từ tháng 6-7.
Hạt hình trứng ngược dài 1,2-1,5cm, rộng 0,5-0,7cm, phía trên vỏ hạt phát triển thành cuống lá dài.
Dó bầu là cây ưa sáng, tỉa cành tự nhiên tốt, độ thon bé, mọc nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm được 1,2-1,4m về chiều cao và 3-3,5cm về đường kính, lúc nhỏ hơi chịu bóng lớn lên ưa sáng mạnh. Thích hợp với nhiều loại đất có tầng dày từ trung bình đến mỏng (trừ đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng), nhiệt độ bình quân năm 20-250C, lượng mưa trên 1500mm, độ ẩm không khí trên 80% pH: 4-6; độ cao thích hợp từ 50-1200m, phân bố nhiều nhất là dọc theo biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.
Cây mẹ trên 12 tuổi, sinh trưởng tốt, tán đều, không sâu bệnh có thể cho giống nhưng tốt nhất là cây trong rừng giống chuyển hoá để lấy giống.
II. Giá trị kinh tế
Trong nguồn tài nguyên rừng, Dó bầu là cây có giá trị kinh tế lớn, cây cho loại Trầm hương và Kỳ nam là phần gỗ quý hiếm chứa nhiều nhựa thơm, được dùng làm thuốc với tác dụng: Ôn trung, giáng khí, noãn (làm ấm) thận, tráng nguyên dương, giảm đau và an thần; thường được dùng điều trị các chứng đau ngực, đau bụng, nấc, nôn, hen suyễn, thận khí hư, bí tiểu tiện, nam giới tinh lạnh.
Trầm được dùng chữa bệnh thường là loại trầm có hàm lượng tinh dầu cao, trầm loại pha tạp nhiều gỗ, ít trầm thường được để làm hương (nhang), khi đốt lên có hương vị đặc biệt và quyến rũ, người ta thường xông trong nhà để trừ khí độc, ở một số nơi thường mang trong người để ngừa sơn lam chướng khí xem như “bùa hộ mệnh”.
III. Hiện trạng trồng cây Dó bầu trong những năm gần đây tại huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam
Huyện miền núi Tiên Phước xưa nay được xem là lãnh địa vàng của cây Hồ tiêu Quảng Nam. Nhưng kể từ khi cây Dó bầu lên cơn sốt thì tiêu bị mất địa vị độc tôn. Những cây Dó trong vườn từ lâu chỉ được xem như những cây rừng bình thường khác bỗng trở thành cây có giá trị rất cao và được săn lùng khắp nơi.
Năm 1990, anh Nguyễn Huy Hoàng ở thôn 5 xã Tiên Mỹ, là người đầu tiên tạo ra một cơn “địa chấn” mở đường thoát nghèo và cứu cây Dó khỏi nguy co bị tuyệt diệt. Anh bỏ ra 1,6 triệu đồng mua 20 cây Dó bầu ở vườn nhà dân trong huyện, khoan và đưa chất xúc tác vào nuôi cấy trầm. 4 năm sau (1996), 2 cây Dó bầu từ năm 1992 tại thôn 2 xã Tiên Lập đã cho anh 30 kg trầm loại 6, loại 5 và 1 kg trầm loại 4, bán được 5,5 triệu đồng.
Từ đó người dân ở đây đổ xô đi tìm cây Dó bầu về trồng, trong khi số lượng cây con trên rừng ngày càng kiệt, các hộ dân lại nhặt quả về gieo ươm và thế là những vườn ươm đua nhau ra đời.
Vì đây là loài cây lớn nhanh, thích hợp với loại đất đai, địa hình và thời tiết khắc nghiệt, chỉ sau vài năm đã có thể cao đến 6m, đường kính 15-20cm.
Cho đến nay theo thống kê chưa đầy đủ thì huyện Tiên Phước đã trồng gần 1 triệu cây từ 1-10 năm tuổi, chưa kể hàng triệu cây con khác sẵn sàng xuất vườn. Số lượng cây con tăng dần, cụ thể:
Trong năm 1997-2000: mỗi năm người dân chỉ tạo khoảng vài ngàn cây, chủ yếu là bứng từ rừng tự nhiên về trồng phân tán ở những vùng đất trống, vườn nhà.
Nhưng từ năm 2001-2002: số lượng của cây Dó được tăng lên đáng kể. Có khoảng 5 vườn ươm (tập trung ở các xã Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ), mỗi vườn tạo khoảng 20-30 ngàn cây; cây con tạo được mỗi năm trồng tại huyện khoảng 50 ngàn cây, số còn lại bán ra ngoài tỉnh. Ngay trong vụ trồng rừng năm 2001 cây vừa ươm đã bán sạch; riêng ở thôn 5, Tiên Mỹ, gần cả làng trồng Dó con.
Năm 2003-2007: trên toàn huyện có khoảng vài chục vườn ươm, đa số các vườn ươm này tự gieo tại các hộ gia đình. Số lượng cây con trong những năm này tăng lên đáng kể, trung bình gieo ươm mỗi năm khoảng vài triệu cây.
IV. Kết quả tạo trầm của một số nhà vườn tại huyện Tiên Phước
Với số lượng cây Dó ở Tiên Phước như thế, nhưng để thu được hiệu quả kinh tế từ cây này các hộ dân trồng Dó ở đây vẫn chưa tìm ra cho mình một phương pháp tối ưu thích hợp.
Một số người dân địa phương tạo trầm bằng cách tạo ra vết thương cơ giới ở những cây có độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi trở lên, sau đó dùng các loại thuốc mà họ cho là “bí quyết” để tiếp xúc vào chỗ vết thương, với biện pháp đó thì chỉ tích tụ một vết tụ màu nâu nhạt bao quan vết thương, tạo chủ yếu trầm ở loại 5, chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao.
Đa số không tạo ra được trầm từ Dó mà họ chỉ bán nguyên cây với: cây từ 4-5 tuổi có giá 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng. Dó to một vòng tay ôm có thể lên đến 10 triệu đồng/cây. Những người mua Dó tại vườn dân để nguyên cây, cấy trầm và đợi ngày khai thác.
Trên thực tế, nếu cây Dó có đường kính 15cm trở lên xử lý nuôi cấy trầm, 1 năm là có thể cho loại trầm 6, 7 với giá khoảng 200 ngàn đồng/kg, nhưng nếu có kỹ thuật, biết xử lý, ngoài phần trầm còn lại là dác cũng trở nên đắt đỏ: 200 ngàn đồng/kg dác xông dác tỉa, tệ nhất là dác trắng vẫn 1.500 đồng/kg.
V. Các phương án đề xuất
Trước tình hình thực tế về cây Dó bầu tại huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, để có thể giúp các hộ trồng Dó bầu có được phương pháp áp dựng nhằm có thể tích tụ trầm cao và trồng như thế nào sớm mang lại hiệu quả kinh tế; Đề nghị các Viện nghiên cứu, các trường Đại học tạo điều kiện giúp cho địa phương không chỉ phục vụ chủ yếu về mặt gây ươm cây Dó bầu như hiện nay mà còn nâng cao số lượng, chất lượng tinh dầu và công nghệ tạo tác mỹ nghệ trên thân Dó bầu.
Có đầu tư thích đáng để phát huy, phát triển nghề tạo trầm tại địa phương. Tạo ra các cơ sở chế biến tinh dầu trầm tại chỗ để giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động, tăng thu nhập, cung ứng sản phẩm cho cả nước và xuất khẩu.
Kỹ sư Ngô Đình Sơn - Chi cục Lâm nghiệp Quảng Nam