www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tính cách con người Tiên Phước

Tìm hiểu tính cách con người ở vùng đất Tiên Phước, dĩ nhiên ta không thể không nói đến tính cách con người Quảng Nam. Thực ra, cho tới tận hôm nay, cũng chưa có một nhà nghiên cứu dân tộc học hay tâm - sinh lý học nào trình bày, lý giải được một cách đầy đủ và thỏa đáng về tính cách con người Quảng Nam. Cho nên, chúng tôi cũng chỉ xin được đưa ra những nhận định mang tính   khái quát về tính cách của con người xứ Quảng, từ đó thử liên hệ đến tính cách của con người vùng đất Tiên Phước.

      Trước hết không thể quên rằng, Quảng Nam là một vùng đất mới. Và chính cái hoàn cảnh địa lý, xã hội phức tạp của vùng đất mới Quảng Nam đã tạo nên những con người có cá tính, phong cách khá độc đáo nơi đây, mà qua thời gian, cá tính ấy càng được định hình trên cái nền tính cách của người Việt, góp phần làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam.

     Riêng mảnh đất Tiên Phước, phải tới thời nhà Hồ (1402) mới được nhập vào nước Đại Việt, vì ta không quên rằng, trước đó bờ cõi Đại Việt, sau khi đổi hai châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu,  mới đến bờ Bắc sông Thu Bồn. Nhưng, từ thời nhà Hồ đến thời Lê Thánh Tông ( Hồng Đức thứ hai 1471), mảnh đất này là sự giằng co giữa hai tộc người Chiêm – Việt, là sự trộn lẫn, cộng sinh gay gắt. Và cũng chính điều kiện lịch sử đặc biệt ấy đã góp phần làm nên tính cách con người vùng đất này.

     Trải qua hơn 400 năm, từ đời Trần Anh Tông (1307), khi Ô, Lý được đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu, cho tới khi người Việt mở bờ cõi đến tận Châu Đốc (1759), những cuộc chiến tranh không dứt giữa Vệt – Chiêm – Chân Lạp đã tạo nên sự nhân chủng và sự giao thoa văn hóa xã hội rõ rệt. Chỉ riêng việc tù binh ở đất này bị bắt qua đất kia rồi sinh sống, lấy vợ, lập nghiệp hẳn ở đất mới đã tạo nên một sự pha trộn nhân chủng rất rõ rồi. Bằng chứng cụ thể nhất cho tới ngày nay, ở Quảng Nam vẫn còn những người mang họ Ông, Ma , Trà, Chế…

      Một sự kiện lịch sử nhân chủng khác, lớn hơn nhiều là cuộc di dân vào Nam của người Việt từ phía Bắc. Trung tâm xuất phát của những đoàn người đi khai phá đất đai là Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh…Ngay từ thời Lê Thánh Tông (1471), một số đông nhân dân được chiêu mộ tới khai khẩn vùng đất mới Thăng Hoa. Rồi ba năm sau, vào năm 1475, nhà vua ban sắc chỉ: Tù xử tội lưu (đi đày) cận châu phải sung vào Vệ quân ở Thăng Hoa ( trước kia những phần tử bị xử tội lưu cận châu chỉ bị đưa tới Nghệ An và Hà Hoa, tức Hà Tĩnh). Vì vậy ngay từ những ngày đầu mở đất, thành phần nhân dân ở vùng Quảng Nam rất đa dạng.

       Từ những tội nhân được chuyển làm Vệ quân thời Lê, cho tới việc tuyển binh ( gọi là duyệt tuyển) dưới thời chúa Nguyễn, đã có một bước chuyển khá rõ. Chúa Nguyễn chỉ gọi vào lính những thanh niên thuộc hạng Tráng, với một chế độ rèn luyện khá khắc nghiệt nhưng khá toàn diện ( huấn luyện trong 3 năm, biết xử dụng các loại vũ khí và các môn cầu cho binh nghiệp, những người lính còn được học cách làm cung tên, làm thuốc súng, đạn dược…). Người lính trên vùng đất mới, nếu có đủ khả năng và phẩm chất sẽ lần lượt được thăng cấp bậc, và con đường tiến thân bằng binh nghiệp rộng mở với họ. Xứ Đàng Trong lúc bấy giờ chưa có nạn mua bán chức tước như ở Đàng Ngoài nên muốn thăng tiến trên con đường công danh thì chỉ có thể dựa vào năng lực chính bản thân. Bên cạnh đó, theo Thích Đại Sản (Hải ngoại ký sự , Q1, tr.43) “ toàn thể thợ đều do quân làm. Vào lính mỗi người học một nghề. Còn đối với dân chúng, chính sách này được thi hành để khích lệ sự phát triển công nghệ, bằng cách cho dân được nộp thuế bằng các sản phẩm làm ra hay tiền bạc hoặc lúa thóc”.

       Như vậy, ta có thể nhận ra rằng, ngay từ đầu mở đất, người Quảng Nam đã được tôi luyện trong những điều kiện khắc nghiệt, bất kể họ là lính hay dân.Và để tồn tại (chứ chưa nói đến phát triển) trong những điều kiện khắc nghiệt ấy, họ phải tự tạo cho mình một sức mạnh cần thiết. Lần đầu cái sức mạnh tinh thần ấy trở thành khí chất con người xứ Quảng.

      Mang trong mình truyền thống văn hóa Đại Việt, những cư dân đầu tiên đến vùng đất mới Quảng Nam đã tiếp nhận nền văn hóa Champa. Và ngay sau đó, từ rất sớm những người dân nơi đây cũng là những người Việt đầu tiên tiếp xúc với văn hóa phương Tây qua các nhà buôn, các giáo sĩ Thiên chúa giáo, kể cả tiếp xúc  với người Nhật, người Hoa đến cửa khẩu Hội An. Sự giao lưu, tiếp cận với nhiều luồng văn hóa khác nhau ấy để đã để lại những dấu vết đậm nhạt khác nhau ở từng vùng văn hóa dân gian. Và góp phần làm nên bộ mặt đặc thù trong phong cách của con người xứ Quảng. Ở đây chúng ta gặp những con người cụ thể, những cá tính cứng cỏi, góc cạnh, những bản lĩnh kiên cường, bướng bỉnh, “hay cãi”. Nhưng cũng chính những con người đó do điều kiện tự nhiên và xã hội, đã lại có cái nhìn mới, thường vượt ra khỏi những khuôn sáo, quy phạm của nếp nghĩ xưa vốn bị câu thúc bởi những giáo điều Nho giáo. Hơn thế nữa, cũng chính những con người đó đã có những phản ứng và phản kháng quyết liệt trước những thiết chế xã hội bất chính, trước những cảnh đời lầm than, bất công.

     Con người Quảng Nam là con người cần cù trong lao động, tháo vát thông minh trong ứng xử. Những đức tính đó thể hiện rất rõ trong các sáng tác dân gian.

      Được thể hiện trong các sáng tác dân gian, những đức tính cần cù, tháo vát, giỏi ứng biến nhạy bén trong tiếp thu cái mới của con người xứ Quảng, xét cho cùng là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Nhờ tiếp thu được nhiều luồng văn hóa trong thời gian đầu mở đất, hoặc chí ít cũng cải tiến thêm những nghề sẵn có, nên tiểu công nghệ đã sớm phát triển trong đời sống nhân dân xứ Quảng. Và tất nhiên, con người nhờ đó cũng trở nên nhạy bén, giỏi ứng đối, phản ứng nhanh hơn.

        Ngay trong cách ăn mặc cũng vậy, người xứ Quảng cũng chỉ chuộng “ăn chắc mặc bền”. Hoàn cảnh địa lý hiểm trở, kẻ thù luôn quấy rối, lại thường xuyên gặp cảnh thiên tai lũ lụt hạn hán kéo dài, nên nếp sống của người Quảng Nam từ xa xưa đã là nếp sống khắc khổ, tiện tặn, không thể và không thích nhiễm tập những thói xa hoa phù phiếm. Đặc tính sinh hoạt của người xứ Quảng thường xuyên về thực hiện, thực hành trong giản dị, mộc mạc không kiểu cách, đãi đưa. Họ thường tìm hứng thú trong sinh hoạt ngay trong sự phấn đấu, trong lao động với tất cả sự thiết  tha, vật lộn không ngừng, can đảm, kiên cường, và sẵn sàng hy sình vì nghĩa cả.

     Tinh thần thực tiễn trong sinh hoạt ấy của người Quảng Nam có thể bị chê là “ăn cục nói hòn” , nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận là con người ở vùng đất này chân thật, trung hậu, ghét những kẻ quan liêu, hách dịch, hãnh tiến, những bọn “ đón gió”, ghét những thói đãi bôi, những thủ đoạn, mưu mô vặt.

       Ngay trong tình yêu, con người xứ Quảng cũng có một cái gì đó khác thường, biểu lộ ra hết cái tính cách bộc trực, e dè. Vì gần như ai cũng phải thừa nhận rằng, một trong những điều thầm kín của cuộc sống con người là những vấn đề thuộc về ái tình. Đã có mấy ai muốn hé lộ lòng mình, dẫu ngay cả với người thân, về các mối quan hệ tình ái. Vậy mà từ thế kỷ XV trở về sau, trong văn học dân gian Việt Nam có lẽ lần đầu tiên đã xuất hiện hình ảnh của chàng trai xứ Quảng, với cái phong cách tự nhiên, tự tin, ngang tàng xông thẳng vào tình yêu. Không hề e ấp mở đầu bằng cách “bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”, để rồi kín đáo, tế nhị đi tới tỏ tình, cầu hôn, cũng chẳng hề e ngại thái quá “ khoan khoan ngồi đó chớ ra”, hay rào đón, ướm hỏi gì cả, vừa mới gặp mặt cô gái là chàng ta đã tỏ tình luôn: “ Áo đen khuy nút cũng đen. Đó lạ, đây lạ, ta làm quen kết nguyền”.

     Thông thường, nói đến con người Quảng Nam, chúng ta hay nghe nhận xét không phải không đúng này “Quảng Nam hay cãi”. Thật vậy, trong sinh hoạt, trong giao tế hàng ngày người Quảng thường ít khi chấp nhận mọi việc một cách dễ dàng. Họ thường thích ngược lại, lật xuôi vấn đề, lý lẽ, dằng co, luận giải một cách thẳng thắn, bộ tuệch, có khi đi tới chỗ nóng nãy, gay gắt.

      Lý giải làm sao cái cung cách “hay cãi” ấy ?

     Một nhà báo, nhà văn người Quảng Nam, anh bạn Vu Gia của chúng tôi, người cũng thường hay lý sự, hay cãi, hay nói dóc đúng chất Quảng Nam đã có cách giải thích khá hay: “ Quê hương của tôi nằm trong phần đất Quảng Nam nên người dân quê tôi cũng thường thích cãi, mà đã cãi thì thường hay…nói trổ trời. Hễ không gặp nhau thì thôi, còn gặp nhau chừng độ tàn điếu thuốc thuốc, nhai dập miếng bã trầu là có cãi. Dường như không được cãi họ ăn cơm không ngon…cãi để làm rõ cái sai và khẳng định cái đúng, thật chẳng tệ chút nào”.

     Một nét nổi bật khác trong tính cách của con người Quảng Nam là gan dạ, quả cảm. Tinh thần quả cảm, hy sinh chống giặc thù của người Việt Nam thì đâu cũng có, nhưng đặc biệt với người Quảng Nam. Thì tinh thần ấy không chỉ thể hiện trong hai cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, đã nồng nhiệt khuyến miễn: “Khắp trong đất nước …trẫm chưa thấy có ai tỏ lộ tấm lòng trung thành, cùng nhau gắng gỏi, đem sức để lập huân danh, công nghiệp. Thế mà các người chỉ là hạng bầy tôi ở chốn phiên bình ( phiên giậu) lại tưởng nhớ đến công sức của ông cha ngày trước, đã hết lòng trung thành với vua, đã lâm trận xung phong đánh giặc rất có công trạng”. “Lê Quí Đôn: Phủ biên tạp lục”.

    Rồi kế tiếp là những sự kiện lịch sử quan trọng khác, mà trong các sự kiện đó, tinh thần gan dạ, dũng cảm chiến đấu và sẵn sàng chấp nhận hy sinh của người dân xứ Quảng đã được thể hiện, và được minh chứng qua sử sách. Và lịch sử hiện đại cũng ghi nhận tinh thần “trung dũng kiên cường” ấy.

     Nhưng không lẽ con người Quảng Nam chỉ có ưu điểm trong tính cách? Theo chúng tôi, tất nhiên cũng phải có những mặt yếu những nhược điểm ở những con người trên vùng đất này.

      Sách Đại Nam nhất thống chí đã viết về con người Quảng Nam: “Tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng”, còn “Quân tử thì giữ phận mà hỗ thẹn việc bôn cạnh”. Rõ ràng đây là một lời khen. Chúng tôi xin nhấn mạnh, đây là một lời khen theo quan niệm đạo đức của Nho gia. Nhưng nếu xét trên nhiều mặt của cuộc sống, chính sự khí khái và “cái bệnh” hay cãi của người dân Quảng Nam lại thường dễ đưa họ tới chỗ cực đoan, mà không chỉ là cực đoan trong tranh luận. Sự cực đoan ấy nhiều khi thể hiện ra cả trong cung cách ứng xử. Còn “quân tử thì giữ phận mà hỗ thẹn việc bôn cạnh” thì rõ ràng là tốt rồi, nhưng mặt trái của tính cách này cũng không phải không bày ra cái dở.

     Theo quan điểm của đạo đức Nho gia, giữ phận là tốt, không bôn cạnh (tranh giành) là tốt. Người không có, hay ít có hoài bão thì khó thành công, hay nói đúng hơn là khó đạt được những thành tựu lớn lao. Nhà văn Pháp Andre Maurois đã nói rằng, mỗi người phải tự xây cho mình trong sự nghiệp một Kim tự tháp. Mỗi ngày cái Kim tự tháp ấy phải được xây cao hơn lên, mà để được như vậy cần phải có tham vọng, hoài bão, nhiều khi cần phải có hoài bão lớn nữa là đằng khác. Cũng chính A. Maurois đã giải thích điều này: Một nhà văn chẳng hạn, dù anh ta có tài nhưng thiếu tham vọng, thiếu hoài bão thì cũng khó trở thành nhà văn lớn, khó có được tác phẩm đồ sộ, dù có thể nhà văn đó thành công ngay ở một vài tác phẩm đầu tiên.

     Trở lại với con người Quảng Nam thường “hổ thẹn việc bôn cạnh”, phải chăng đây chính là lý do để phần lớn sĩ tử người Quảng ngày trước, khi thi đỗ làm quan thường ít khi tiến xa trên hoạn lộ ? Về vấn đề này, dĩ nhiên đừng quên cái tính khẳng khái, không ưa xu nịnh, không thích xun xoe, không chịu cúi lòng và “cái bệnh” hay cãi là những những nguyên nhân của việc không được lòng quan trên. Trong số khoa bảng đỗ đạt cao không nhiều ấy, riêng Tiên Phước có đến bốn người, một Tiến sĩ và ba Phó bảng: Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng và các Phó bảng Lê Vĩnh Khanh, Nguyễn Đình Tựu, Phan Châu Trinh.

     “Trong bốn nhà khoa bảng trên, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là hai bậc đại khoa tiêu biểu: không màng công danh, chỉ mưu cầu độc lập và dân quyền. Hai ông không chỉ là danh nhân Tiên Phước mà còn là danh nhân cả nước”.

      Đến đây, có lẽ chúng ta dễ đồng ý với nhau về tính cách của con người Quảng Nam. Đó là những con người kiên cường, gan dạ như sách Đại Nam nhất thống chí đã từng ca ngợi: “ Vui làm việc nghĩa và sốt sắng với việc công”, có sức đấu tranh mạnh, có ý thức phản kháng cao, chịu khó làm việc, cần cù, bươn chải, biết tiết kiệm, ghét xa hoa, có ý tưởng và biết quyết đoán, hay giúp đỡ những người cô thế…

      Và sau khi thử đưa ra những mặc tích cực trong tính cách của con người Quảng Nam như vậy, chúng ta cần khẳng định với nhau rằng, tính cách của con người Quảng Nam với những nét đặc thù không thể chối cãi của nó, đã được xây dựng, hình thành trên cái nền chung là tính cách của con người Việt Nam. Tất cả những biểu hiện tính cách nêu trên con người Việt Nam cũng có thể có, nhưng tùy theo từng vùng, miền mà nó được thể hiện đậm, nhạt, nhiều, ít, khác nhau.

       Tiến xa hơn một bước trong lập luận, chúng ta có thể nói tính cách của con người Tiên Phước đã được xây dựng và hình thành trên cái nền chung của con người Quảng Nam. Nhưng theo chúng tôi, lại có thêm một vài đặc điểm.

      Nếu như ở phần trên chúng ta đã nói đến những người Việt từ các tỉnh phía Bắc ( nhiều nhất là Thanh, Nghệ, Tĩnh và một số ở Nam Định, Hải Dương…) vào lập nghiệp ở vùng đất mới Quảng Nam đã phát huy được những mặt tốt trong tính cách như kiên cường, gan dạ, dám đấu tranh, ưa học hỏi, nhạy bén trước cái mới, thì đồng thời chúng ta cũng phải thấy rằng, khi vùng đồng bằng Quảng Nam đã đông dân, những người đến sau phải đi lần về vùng cao. Và chính vì thế mà họ lại càng thể hiện mãnh liệt hơn những đức tính vừa kể.

      Sinh sống lập nghiệp ở một vùng trung du lúc bấy giờ còn được coi là lắm sơn lam chướng khí, họ phải luôn đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ và bệnh tật, đấu tranh với sự chèn ép của địa chủ, cường hào, bọn quan quân nhũng nhiễu, nên họ lại càng kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chống lại cường quyền áp bức, gan góc, bền bĩ đấu tranh với những cái xấu, những bất công của xã hội bằng mọi hình thức trong lịch sử vùng đất Tiên Phước. Chúng ta đã từng biết đến việc nhân dân gan lì, bướng bỉnh đấu lý với bọn cường hào, hương chức ở các làng xã, rồi lắm khi họ làm đơn kiện chúng lên tận Tỉnh, tận Tòa. Nếu có tình trạng “phủ bên phủ, huyện bên huyện”, người dân Tiên Phước quyết đi tới cùng: thường trong quan hệ cộng đồng, làng xóm, người dân Tiên Phước bao giờ cũng muốn “thấu tình đạt lý”, còn trong tranh luận, kiện cáo nhất là đối với những trường hợp mất dân chủ, do thói quan liêu hống hách của bọn cường hào hay đám chức sắc, quan lại ở địa phương trước kia, người dân Tiên Phước bao giờ cũng “quyết thấu lý”.

     Tiêu biểu như trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng, trên báo Tiếng Dân số 513, ra ngày 17.08.1932, viết về cụ Lê Cơ là thường hay “kiện bọn quan lại cường hào đến tận Tỉnh, Tòa, Kỳ cho thấu lý mới thôi”. Ngày còn nhỏ chúng tôi đã từng được ông nội kể cho nghe việc người dân Tiên Phước khiêng một viên tri huyện tham ô, hống hách xuống tận Tam Kỳ trả cho phủ Tam Kỳ. Cái tính cách ấy chính là đặc điểm trong cách sống của người dân trung du Tiên Phước. Khái quát ta có thể nói rằng người dân Tiên Phước có tất cả những đặc điểm trong tính cách của con người xứ Quảng, nhưng nổi bật lên tính cách ấy chính là việc ưa lý sự và gan lì. Trong dân gian, điều đó đã được nhắc nhở như là một niềm tự hào.

      Ở Tiên Sơn thường nghe truyền tụng câu: “Hay chữ Trần Kỳ, ù lì Kiểm Tước”. Ở Tiên Cảnh ( Thạnh Bình) có câu: “ Phái nhất lúa dư, phái nhì lí sự, phái tư ù lì”. Ở Tiên Mỹ lại thường truyền miệng chuyện về ông Hai Cùi. Chuyện kể rằng, một hôm Hai Cù đi ăn đám giỗ ở làng bên, đang trên đường về thì gặp Chánh tổng Ngạnh đi ngược chiều. Hai Cùi làm bộ lễ phép hỏi:

Chừ là mô rồi ông ?

Chánh tổng Ngạnh làm bộ cao ngáo nói:

Không rõ !

Hai Cùi vẫn bình thản bước đi, nhưng nói to:

Chắc là chánh ngọ rồi !

Chánh tổng Ngạnh tức lộn ruột mà đành chịu thua. ( Trong cách nói lái của người Quảng Nam, chánh ngọ là chó Ngạnh ! Thiệt đau!).

       Tính cách gan lì, cương quyết đấu lý tới cùng của người dân Tiên Phước còn được thể hiện nhiều lần trong quãng thời gian từ 1919 đến 1925. “Năm 1919, đồng bào Phú Mỹ Tây kiện công ty công ty Fiard chiếm đất lập xưởng chè. Năm 1920, nhân dân Tây Lộc kiện Lý trưởng Lê Hồng tham ô công quỹ. Năm 1923, nhân dân Dương Yên kiện Đạt An chiếm đất làm đồn điền. Năm 1925, nhân dân thôn Phước Lâm kiện Phó Mua chiếm đất đai. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh lúc này là nhân dân các xã, các thôn Na Sơn, Đông Bình, Phú Nhơn, Phú Hữu, Phú Toản, Bình Huề thuộc tổng Đông Việt nhất loạt đòi hoãn thuế vào năm 1924, đã thu được thắng lợi”.

           Tiêu biểu cho tính cách khẳng khái, không lùi bước trước sức mạnh, bạo quyền của người dân Tiên Phước có lẽ là hành động của Phan Châu Trinh, vào năm 1922. Lúc bấy giờ hoàng đế Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, cụ Phan đã viết thư “Thư thất điều” kể bảy tội đáng chém của Khải Định, khiến cho ông vua bù nhìn này phải bỏ hội chợ về nước sớm.

           Có một nhận xét khá lý thú, khi cho rằng tính cách khẳng khái, thẳng thắn của con người Tiên Phước biểu hiện rõ nhất qua những hình ảnh của những loại cây trồng đặc sản được họ yêu chuộng và mang lại nguồn lợi không nhỏ cho Tiên Phước, như cây tiêu, cây quế, cây cau…Đó đều là những cây thân thẳng, vươn lên cao, không sợ gió. Đúng chăng ?

            Một nét nổi bật khác trong tính cách của con người Tiên Phước là đầu óc ưa đổi mới, thích canh tân.

            Chúng ta có thể dựa vào lịch sử để xác tín điều ghi nhận này. Việc cải cách về mặt xã hội ở làng Phú Lâm ( trước thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, nay thuộc xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước), dưới sự lãnh đạo của cụ Lê Cơ là một minh chứng hùng hồn. Với quan niệm “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” ( nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm đúng trong một làng).  Cụ Lê Cơ đã làm một cuộc canh tân sâu rộng tại làng Phú Lâm: mở trường dạy Quốc ngữ đầu tiên, lập lớp nữ học đầu tiên, diễn thuyết về những tư tưởng dân chủ, đọc thơ cho dân làng nghe, vận động mọi người trong làng mặc đồ ngắn, cắt tóc ngắn, dân làng Phú Lâm đã góp cổ phần lập ra tiệm buôn tạp hóa lấy tên “ Thương hội bình dân” vào tháng 5 năm 1904. Cụ Lê Cơ lại còn vận động lập ra những “ Nông đoàn”, “ Hợp xã” để giúp cho dân nghèo có ruộng mà cùng nhau sản xuất, lại lập ra cả lò rèn, lò chén, xưởng mộc…Chính nhờ những cải cách đó mà làng Phú Lâm đã biến thành một đơn vị kinh tế riêng, và một phần nào đó là một đơn vị hành chánh tách được ra, không phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy hành chánh của bọn thực dân, quân chủ thối nát hồi đầu thế kỷ XX.

           Nếu ở Phú Lâm có Lê Cơ đứng đầu công cuộc cải cách thì ở Thạnh Bình có Lê Vĩnh Huy, ở Cẩm Y có Phan Quang, Bình An Xuân có Nguyễn Văn Vận, Tây An Tây có Trần Huỳnh. Các ông đã hoc hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và trở thành những người đi đầu công cuộc Duy Tân ở các tổng. Tham gia tích cực vào phong trào Duy Tân còn có bà Hoàng Thị Tòng ( 1885-1919), quê làng Thanh Lâm ( nay thuộc xã Tiên Thọ).

             Ta đừng quên, những công cuộc đổi mới, cải cách xã hội triệt để ấy đã diễn ra từ hồi đầu thế kỷ XX, nghĩa là cách nay đã tròn 100 năm, ở một vùng quê trung du hẻo lánh, nghèo nàn , dưới ách thống trị ngoại bang. Có hiểu thấu triệt điều đó mới thấy hết được giá trị lớn lao của cuộc đổi mới kia, và mới cảm phục sâu sắt tài trí của những người lãnh đạo Duy Tân và của cả những người dân nghèo ở Tiên Phước.

           Chính những con người đi chân đất, ít học, nhưng nếp nghĩ mới, có tinh thần quyết đoán và vững tin vào sự tiến bộ, vào tiền đồ của dân tộc ấy đã góp phần làm nên một sự kiện lịch sử mang tính tiên phong trên con đường canh tân cứu nước.

       Đó chẳng phải là tính cách nổi bật của con người Tiên Phước hay sao ?

                                                    Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Văn Bổn