www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới

Sáng ngày 15.3.2016, UBND huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016. Cụ thể như sau:

      I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI 

    1. Công tác tuyên truyền, vận động

Trên cơ sở Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020. Qua đó, các ban ngành, địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” trên địa bàn huyện.

Năm năm qua, bằng nhiều hình thức như: sân khấu hóa, thông qua các cuộc họp, hội nghị, phát hành tờ rơi, panô, áp phích trực quan, phát thanh, đưa tin trên hệ thống truyền thanh - truyền hình, .... công tác tuyên truyền, vận động đạt được những kết quả bước đầu, đã làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về xây dựng NTM, người dân đã ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng NTM.

Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, "Dân vận khéo", "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "Thanh niên tình nguyện", "Nhà sạch, vườn đẹp", "Giỏ rác đồng ruộng", "Tiếng mõ an ninh", Khu dân cư “5 đoàn kết - 3 trong sạch“, tổ tự quản về bảo vệ môi trường... được Mặt trận, các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực trong việc vận động đoàn, hội viên, nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường và  giữ gìn ANCT-TTATXH trên địa bàn huyện.   


  

2. Thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình

UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập, kiện toàn và củng cố Ban chỉ đạo, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, các Tổ công tác chỉ đạo ở 3 xã điểm Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Cảnh đảm bảo số lượng, đúng thành phần theo quy định. Đồng thời ban hành quy chế hoạt động của BCĐ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đảm bảo điều hành Chương trình thông suốt, hiệu quả từ huyện đến xã.

UBND 14/14 xã đã thành lập, kiện toàn  BCĐ, BQL, BPT thôn để chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện Chương trình đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần và hoạt động theo quy định. 10/14 xã đã bố trí cán bộ chuyên trách NTM  theo hướng dẫn, 95/95 thôn có Ban phát triển thôn.

3. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành Chương trình:      Hệ thống các văn bản đã được ban hành phục vụ triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện bao gồm:

- Huyện ủy Tiên Phước đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/HU ngày 24/12/2008 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 14-CT/HU ngày 27/4/2012 về tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Đồng thời phân công các đồng chí Huyện ủy viên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện Chương trình theo Quy chế.

- HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết 18/2012/NQ-HĐND ngày 04/5/2012 phê duyệt một số cơ chế hỗ trợ phát triển KTV-KTTT giai đoạn 2012-2016, Nghị quyết 19/2012/NQ-HĐND ngày 04/5/2012 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển Chăn nuôi huyện Tiên Phước giai đoạn 2012-2016 nhằm phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, đề ra các mục tiêu, giải pháp thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

- UBND huyện đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 26/12/2011 về tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Ban hành Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 02/10/2013 giao nhiệm vụ thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 cho các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện và nhiều văn bản khác chỉ đạo các xã tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ xây dựng NTM.

- Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM huyện ban hành kế hoạch,  chương trình công tác hằng năm, giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 và nhiều công văn, hướng dẫn các xã trên địa bàn huyện tổ chức thực hiện  tốt Chương trình.

- Mặt trận, các ngành, đoàn thể cũng đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành cấp dưới thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của các cấp.

Như vậy, Huyện ủy, HĐND, UBND, BCĐ huyện và UBND các xã đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung về xây dựng NTM theo kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thực hiện sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình 6 tháng, 1 năm, 3 năm và thực hiện đầy đủ công tác thông tin, báo cáo theo quy định. (Phụ lục 1)

4. Tổ chức đào tạo, tập huấn

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã luôn được quan tâm, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đạt chuẩn tiêu chí 18. Trong 5 năm, huyện đã cử  232 CBCC xã đi đào tạo lý luận chính trị, trong đó cao cấp  11 người, trung cấp 221 người. Cử  253 CBCC xã đi đào tạo chuyên môn, trong đó thạc sĩ 01 người,  137 người học đại học, 02 người học cao đẳng và 113 người học trung cấp. Đồng thời huyện cũng đã cử nhiều cán bộ lãnh đạo, công chức cấp xã tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kỹ năng nghề nghiệp theo các chương trình bồi dưỡng của cấp trên.

Công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách NTM ở địa phương được triển khai thực hiện đồng bộ. Trong 5 năm, Văn phòng Điều phối NTM huyện đã tổ chức 11 lớp tập huấn về xây dựng NTM với 644 lượt người tham gia; 14 xã đã tổ chức 52 lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn và nhân dân về công tác xây dựng NTM với 3.011 lượt người tham dự. Cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ do tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, Mặt trận, đoàn thể và các ngành chuyên môn của huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ thuật sản xuất cho đoàn, hội viên và nhân dân trên địa bàn.

II. KẾT  QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới

a) Lập đồ án quy hoạch và quản lý xây dựng NTM (Tiêu chí 1):

 UBND huyện đã thành lập Tổ công tác Quy hoạch NTM tại Quyết định số 2370/QĐ-UBND ngày 14/8/2013 để chỉ đạo, điều hành công tác lập Quy hoạch. Các xã chủ trì, cùng với đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn, tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân trong việc lập quy hoạch xã NTM. Đồ án Quy hoạch NTM của các địa phương được Tổ quy hoạch và các phòng ban chuyên môn của huyện tham gia, thẩm tra theo quy định. Đến nay, 100% số xã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết; ban hành quy chế quản lý quy hoạch NTM; điều chỉnh bổ sung quy hoạch phù hợp với thực tế và tổ chức công bố, cắm mốc theo hướng dẫn tại Công văn số 17/SXD-QH ngày 09/01/2014 của Sở Xây dựng. Hiện nay có 14/14 xã hoàn thành tiêu chí này, đạt 100% (năm 2011 chưa có xã nào đạt).   

b) Lập đề án xây dựng NTM:

Trên cơ sở đánh giá thực trạng nông thôn, nội dung hướng dẫn của cấp trên và ý kiến tham gia của các ngành chuyên môn huyện, đã có 11 xã được UBND huyện phê duyệt Đề án NTM, 03 xã đang được thẩm định để trình phê duyệt.

2. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn

- Về Giao thông (Tiêu chí 2): Đường ĐH gồm 15 tuyến với tổng chiều dài 149,65 km, đã thâm nhập nhựa và bê tông xi măng 94 km, cấp phối đá dăm 7 km; đường trục xã, liên xã đã được bê tông hóa 70/185,4 km, đạt 37,76%; đường trục thôn 330 km, đã bê tông hóa 50 km, đạt 15,15%; đường ngõ xóm đã bê tông được 32/60 km, đạt 53,33%; xây dựng trên 30 km đường lâm sinh phục vụ sản xuất lâm nghiệp. Trong 5 năm qua, bên cạnh việc đầu tư bê tông hóa các tuyến đường, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, cây cối, vật kiến trúc, góp tiền, ngày công để mở rộng, nâng cấp và cứng hóa các tuyến đường thôn, xóm theo quy hoạch, đảm bảo kết nối giao thông tương đối thông suốt, tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa và phục vụ sản xuất trên địa bàn ngày càng tốt hơn. Đến nay có 3 xã đạt tiêu chí giao thông năm 2011 chưa có xã nào đạt).   

- Về Thủy lợi (Tiêu chí 3): Trong 5 năm, đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 41 công trình thủy lợi, gồm: 23 công trình hồ đập, 18 công trình kênh mương, với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng. Thực hiện kiên cố hóa 18,24 km kênh mương, nâng tổng số km kênh mương loại III trên địa bàn huyện được kiên cố hóa 53,38 km, đạt 54,46%, tăng diện tích chủ động nước từ 27% (năm 2010) lên 40,50% (năm 2015). Đến nay có 4/14 xã đạt tiêu chí thủy lợi (năm 2011 chưa có xã nào đạt).

 - Về Điện (Tiêu chí 4): Trong 5 năm, ngành điện đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới điện trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đã xây mới 25 trạm biến áp, 20 km đường dây trung thế, 70 km đường dây hạ thế với tổng kinh phí đầu tư 41 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt trên 98%.  Đến nay có 14/14 xã đạt tiêu chí điện.  

- Về Trường học (Tiêu chí 5): Huyện đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, đầu tư cơ sở vật chất,  trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đến nay, toàn huyện có 25/48 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% xã có Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện nay có 3/14 xã đạt tiêu chí trường học (năm 2011 chưa có  xã nào đạt)

- Về Cơ sở vật chất văn hóa (Tiêu chí 6): Huyện đã tranh thủ và lồng ghép nhiều nguồn vốn từng bước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa xã, thôn đạt chuẩn theo quy định; ban hành Đề án phát triển văn hóa - thể thao huyện Tiên Phước giai đoạn 2014-2020; thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn. Đến nay có 3/14 xã đạt tiêu chí này (năm 2011 chưa có xã nào đạt.

 - Về Chợ (Tiêu chí 7): Hiện có 3 chợ nông thôn, trong đó chợ Tiên Thọ được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động thương mại dịch vụ phục vụ nhân dân khá tốt; chợ Tiên Lãnh, Tiên Cẩm đang tập trung nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân. Ngoài ra, các xã còn lại đã hoàn thiện qui hoạch chợ và các điểm mua bán nông sản, từng bước hoàn thiện mạng lưới thương mại, dịch vụ trong toàn huyện.

- Về Bưu điện (Tiêu chí 8): 14/14 xã có bưu điện văn hóa, cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông phục vụ nhu cầu nhân dân. Các địa phương đều có internet và được phủ sóng 3G đến thôn, mạng lưới truyền thanh được mở rộng đảm bảo cung cấp thông tin trên địa bàn. Theo đánh giá của tỉnh, 14/14  xã đã đạt tiêu chí.

- Về Nhà ở dân cư (Tiêu chí 9): Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và các đơn vị, nhân dân đã đầu tư xây dựng và nâng cấp nhà ở cơ bản đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Hiện nay trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ nhà “3 cứng”, đạt chuẩn trên 80%. Đến nay có 14/14 xã đạt tiêu chí nhà ở (năm 2011 chưa có xã nào đạt tiêu chí).

3. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

 Đến nay, 100% số xã đã lập và được UBND phê duyệt Đề án phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

 UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT và các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện Đề án PTSX. Áp dụng hiệu quả các cơ chế phát triển KTV-KTTT, Chăn nuôi theo Nghị quyết 18/NQ-HĐND, 19/NQ-HĐND của HĐND huyện và Quyết định 11/QĐ-UBND, 35/QĐ-UBND của UBND tỉnh; lồng ghép nguồn vốn từ các cơ chế hỗ trợ của các Chương trình như: Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo bền vững.... để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Trong 5 năm qua, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đạt được nhiều kết quả nổi bật; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân hằng năm 6,8%, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích tăng đáng kể, từ 30,3 triệu đồng năm 2010 tăng lên 43,1 triệu đồng năm 2014; các mô hình sản xuất đã tạo được điểm nhấn và sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, trong đó các mô hình tiêu biểu như: mô hình phát triển cây tiêu Tiên Phước, nuôi gà thả vườn, nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh, trồng cỏ nuôi bò....

- Về thu nhập (Tiêu chí 10): Thu nhập bình quân đầu người của các xã tăng đáng kể, từ 6,7 triệu đồng/người/năm năm 2010, lên 14,3 triệu đồng/người/năm năm 2015. Có 03/14 xã đạt tiêu chí về thu nhập (đạt trên 23 triệu đồng/người/năm) (năm 2011 chưa có xã nào đạt tiêu chí này).

- Về hộ nghèo (Tiêu chí 11): Công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chương trình, đề án, chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng đã giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc của hộ nghèo, cận nghèo. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể, hộ nghèo từ 30,70% năm 2011 xuống còn 10,21% năm 2015, hộ cận nghèo giảm từ 27,10% năm 2011 xuống còn 12,55% năm 2015. Hiện nay qua điều tra hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 14,33%, hộ cận nghèo 11,42%. Đến nay có 3/14 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (năm 2011 chưa xã nào đạt).

- Về lao động có việc làm thường xuyên (Tiêu chí 12): Thực hiện Đề án đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Chương trình, dự án, trong 4 năm từ 2012-2015 đã đào tạo 36 lớp nghề nông nghiệp với 1.150 lao động tham gia, trên 80% học viên sau khi học nghề đã có việc làm. Đồng thời, huyện cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.Đến nay có 14/14 xã đạt tiêu chí (năm 2011 chưa có xã nào đạt).

- Về hình thức tổ chức sản xuất (Tiêu chí 13): Các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất trong nhân dân có sự chuyển biến tích cực, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 12 HTX, 13 THT đang  đi vào hoạt động, từng bước đổi mới, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn. Có một số HTX và THT hoạt động khá như: HTX Tiền Phong, HTX Nhật Linh, HTX Sông Tiên, Tổ dịch vụ thú y Tiên Sơn......Toàn huyện hiện có trên 150 mô hình kinh tế gia trại, trang trại, trong đó có 3 trang trại đạt tiêu chí quy định, một số trang trại đã mạnh dạn đầu tư và sản xuất có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đến nay có 11 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, chiếm 78,5% (năm 2011 chưa có xã nào đạt tiêu chí này).

4. Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường    

- Về Giáo dục (Tiêu chí 14): Giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư, tạo những bước chuyển mới, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tăng cường, chất lượng giáo dục được cải thiện tốt hơn. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong tình hình mới. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi, đạt giải trong các kỳ thi, tốt nghiệp các cấp học và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Phong trào khuyến học, khuyến tài được phát động rộng rãi trong nhân dân. Công tác hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp tốt với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh  và Trung tâm GDTX-HNDN huyện tổ chức nhiều lớp học trang bị  kiến thức và và nâng cao tay nghề cho nhân dânnâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề lên 41%. Đến nay có 12/14 xã đạt tiêu chí giáo dục  (năm 2011 chưa có xã nào đạt).

- Về Y tế (Tiêu chí 15): Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe có bước phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở tuyến xã từng bước được đầu tư, củng cố. Đến nay đã đầu tư xây mới 3 trạm y tế đạt chuẩn, nâng cấp, sửa chữa 1 trạm. Trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên, 3/14 Trạm y tế có bác sỹ. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhanh, từ 59,90% năm 2010 lên 86,30% năm 2015. Đến nay có 13/14 xã đạt tiêu chí về y tế.

- Về Văn hoá (Tiêu chí 16): Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thanh truyền hình được đẩy mạnh, hướng về cơ sở. Các hoạt động văn nghệ, thể thao ngày càng phát triển, hình thức tổ chức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Công tác bảo tồn, bảo tàng được chú trọng. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2015, có 76,85% số thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa; 90,59% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Các thiết chế văn hóa xã, thôn từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay có 4/14 xã đạt tiêu chí văn hóa (năm 2011 chưa có xã nào đạt tiêu chí này).

- Về Môi trường (Tiêu chí 17): Công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người dân được quan tâm; các hoạt động thu gom rác thải, cải tạo cảnh quan đường làng ngõ xóm, bảo vệ môi trường, chỉnh trang vườn nhà  được các địa phương, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân triển khai thực hiện bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 74,50%. Chương trình nước sạch nông thôn được quan tâm đầu tư, đến nay trên địa bàn huyện  đã có 3 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt 87,60%. Các nghĩa trang nhân dân đã được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng. Đến nay có 4 xã đạt tiêu chí môi trường, chiếm 28,5% (năm 2011 chưa có xã nào đạt).

5. Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội

- Về hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh (Tiêu chí 18):

+ Công tác xây dựng Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đạt được những kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, công tác tổ chức cán bộ được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hằng năm, đa số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh (68,63% năm 2010 lên 77,36% năm 2014), không có chi, đảng bộ yếu kém.

+ Hội đồng nhân dân các xã tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động, ban hành nhiều nghị quyết sát đúng với thực tế, tính khả thi cao. Thực hiện tốt chức năng giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trước cử tri.

+ Năng lực quản lý điều hành của UBND các xã chuyển biến tích cực; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức luôn được quan tâm; năng lực công tác, trình độ chuyên môn và phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước nâng lên. Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện tích cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy.

+ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chức năng giám sát và phản biện. Tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ,  phong trào tại địa phương, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANTT, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay có 8/14 xã đạt tiêu chí này.( Năm 2011 có 2 xã đạt)

- Về an ninh, trật tự xã hội (Tiêu chí 19): Ngành công an từ huyện đến xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác an ninh giai đoạn 2010- 2020. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và giữ gìn ANTT ở cơ sở; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đảm bảo giữ vững ANCT- TTATXH trên địa bàn. Đến nay có 12/14 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội, chiếm 85,7%.( Năm 2011 có 3 xã đạt).

6.  Huy động nguồn lực

Kết quả huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011-2015 là 2.552,79 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư từ Chương trình NTM 75,795 tỷ đồng; vốn lồng ghép 654,576 tỷ đồng; vốn tín dụng 742,428 tỷ  đồng; vốn đầu tư phát triển của nhân dân 1.080 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp 1050 tỷ đồng; vốn đóng góp bằng tiền, ngày công, hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng nông thôn 30,949 tỷ đồng).  (phụ lục 2).

7. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới

Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện đến cuối năm 2015 là 160 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt chuẩn là 11,43 tiêu chí/xã, trong đó:

- Nhóm 03 xã điểm được công nhận đạt chuẩn năm 2015 (Tiên Sơn, Tiên Cảnh, Tiên Phong) đạt 19/19 tiêu chí.

- Nhóm 4 xã được UBND tỉnh chọn làm xã đạt chuẩn giai đoạn 2016-2020:  Tiên Thọ, Tiên Châu đạt 11 tiêu chí, Tiên Cẩm, Tiên Lộc đạt 10/19 tiêu chí.

- Các xã còn lại: Tiên Hiệp đạt 10/19 tiêu chí; Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, Tiên An đạt 9/19 tiêu chí; Tiên Lập, Tiên Hà, Tiên Mỹ đạt 8/19 tiêu chí.

    II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ 

1. Những mặt đạt được

Chương trình MTQG XD NTM trong 5 năm qua đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng lên. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được xây dựng, nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa,  nông sản, kích thích sản xuất phát triển. Các công trình hồ đập, kênh mương thủy lợi được đầu tư tăng diện tích chủ động nước, người dân có điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đáp ứng ngày một tốt hơn công tác dạy và học, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân. Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm bảo vệ. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, số hộ khá, giàu tăng lên đáng kể. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững. 03 xã  Tiên Phong, Tiên Cảnh, Tiên Sơn về đích NTM năm 2015, được  tỉnh công nhận. 4 xã Tiên Thọ, Tiên Cẩm, Tiên Châu, Tiên Lộc được chọn xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 các xã còn lại có số tiêu chí đạt chuẩn tăng nhanh. Huyện Tiên Phước được tỉnh đánh giá cao trong việc thực hiện Chương trình NTM, dẫn đầu các huyện miền núi được tỉnh tặng thi đua xuất sắc, Bằng khen và thưởng công trình phúc lợi 2 tỷ đồng, xã Tiên Cảnh được tặng Bằng khen và thưởng công trình phúc lợi 300 triệu đồng. Riêng xã Tiên Phong là một trong những xã tiêu biểu của tỉnh được Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng.

2. Những hạn chế, tồn tại

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành Chương trình ở một vài địa phương chưa thật sự quyết liệt ngay từ đầu. Sự phối hợp của một số ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện Chương trình  thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, nhất là ở giai đoạn đầu dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm.

- Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tạo nhận thức để nâng cao vai trò chủ thể của người dân chưa thường xuyên rộng khắp, hiệu quả chưa cao. Nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc huy động nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình đạt thấp. Một bộ phận cán bộ, nhân dân còn trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy tối đa. Thực hiện xã hội hóa trong huy động nguồn lực xây dựng NTM còn hạn chế.

- Việc lập quy hoạch, đề án, phương án, kế hoạch nhiều địa phương thực hiện còn lúng túng, chậm tiến độ; tổ chức triển khai cắm mốc trên thực địa các khu chức năng, các tuyến đường thôn, xóm chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác thông tin, báo cáo của xã đôi lúc chưa kịp thời.

- Nhóm các tiêu chí đóng vai trò quyết định đến sản xuất, đời sống và an sinh xã hội như: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường còn nhiều xã chưa đạt. Một số nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây dựng trước đây chưa đạt chuẩn theo quy định; khu thể thao xã, thôn đã được quy hoạch nhưng chưa được xây dựng. Các công trình CSVCVH thôn chưa được phát huy. Đường dây điện sau công tơ về nhà dân chưa thật sự đảm bảo an toàn kỹ thuật điện.

- Mô hình tiêu biểu, hiệu quả trong xây dựng NTM còn ít. Trong sản xuất, việc nhân rộng các mô hình hiệu quả còn hạn chế. Các doanh nghiệp và kinh tế hợp tác phát triển chưa mạnh, chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đầu tư, xây dựng, giải ngân một số công trình ở một số xã còn chậm.

3. Nguyên nhân tồn tại hạn chế

- Vai trò lãnh, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, Chính quyền trong thực hiện Chương trình NTM ở một số địa phương thiếu quyết liệt ngay từ đầu, phân công, phân nhiệm không cụ thể, chưa sâu sát, kịp thời.

- Việc chỉ đạo, hướng dẫn của một số ban, ngành, thành viên BCĐ huyện đối với các xã được phân công phụ trách còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn, các đoàn thể trong chỉ đạo các xã chưa đồng bộ.

- Một số địa phương chưa bố trí hoặc bố trí cán bộ chuyên trách NTM chưa hợp lý, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Vai trò trách nhiệm của một số Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã chưa được thể hiện rõ nét trong triển khai thực hiện Chương trình, quản lý điều hành còn chậm, chưa đáp theo yêu cầu trong công tác chỉ đạo; công tác trực báo, giao ban chưa đầy đủ, báo cáo thiếu kịp thời.

- Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH là rất lớn trong khi nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ đầu tư cho Chương trình chưa đáp ứng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, đóng góp của nhân dân, vốn tín dụng để xây dựng NTM đạt kết quả chưa cao.

- Công tác rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn ở một vài xã chưa được quan tâm đúng mức, việc lập Đề án xây dựng NTM, Đề án phát triển sản xuất  chưa sát với thực tế.

- Văn phòng Điều phối NTM  huyện đôi lúc chưa thực hiện tốt công tác đôn đốc, theo dõi các ngành, địa phương thực hiện Chương trình để tham mưu kịp thời cho UBND huyện.

4. Bài học kinh nghiệm

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, một số địa phương, đơn vị đã có những kinh nghiệm và cách làm hay trong quản lý, điều hành và vận động thực hiện các phong trào, góp phần đáng kể trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM:

- Các cấp ủy Đảng, Chính quyền phải bám sát thực tiễn của địa phương, đề ra các chủ trương, giải pháp sát đúng, phù hợp với nguồn lực và được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ; phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng trong xây dựng NTM. Có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, chỉ đạo thường xuyên, rút kinh nghiệm kịp thời và làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Kiện toàn bộ máy điều hành, nâng cao chất lượng cán bộ thực hiện chương trình ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

- Coi trọng công tác tuyên truyền và thực hiện tuyên truyền đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Phải gắn chặt nhiệm vụ xây dựng NTM với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”. Kết hợp hài hòa giữa đầu tư phát triển kinh tế với văn hóa, giữa cái mới với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các phong trào; đặc biệt hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau về vốn, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

- Chọn khâu đột phá có tính quyết định ưu tiên triển khai thực hiện trước để tạo động lực cho quá trình thực hiện Chương trình. Thực hiện phương châm làm từ dễ đến khó, những tiêu chí ít nguồn lực thực hiện trước, những tiêu chí đòi hỏi nhiều nguồn lực cần phải xây dựng lộ trình cụ thể, huy động tổng hợp nguồn lực, kể cả nguồn lực của tổ chức, nhân dân và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt để hoàn thành các tiêu chí .

- Phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân; phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch và thông tin kịp thời trong quá trình thực hiện. Qua đó, huy động được nhiều nguồn lực từ nhân dân trong suốt tiến trình xây dựng NTM để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã  hội toàn diện của huyện nhà.

                                                Theo VP.UBND Tiên Phước