www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tổ trưởng Đào Phước Tiệp: Tích cực lao động để nâng cao tay nghề

Dù phải làm việc trên địa bàn miền núi, không có điều kiện học tập lên cao hơn được nữa, song anh công nhân Đào Phước Tiệp luôn nêu cao ý thức tự học ở mọi lúc, mọi nơi, học bất kỳ người nào có năng lực để nâng cao kiến thức và tay nghề công tác.

 Tiến bộ không ngừng

Tốt nghiệp công nhân điện, năm 1998 Đào Phước Tiệp về làm công nhân tại Xí nghiệp quản lý điện của huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Đầu năm 2002, anh được PC Quảng Nam tiếp nhận, bố trí vào Tổ quản lý đường dây và trạm khu vực Tiên Phước trực thuộc Điện lực Tam Kỳ. Với vóc dáng cao to, mạnh khỏe, Tiệp luôn xông xáo và tích cực trong công việc, anh luôn gánh phần việc nặng về mình, việc càng khó anh càng gắng làm để tích lũy kinh nghiệm.

Còn nhớ hồi ấy khi mới về đơn vị, dưới quyền của Tổ trưởng Nguyễn Dương Dũng, biết anh Dũng là thợ giỏi nên Tiệp luôn tiếp cận để học hỏi, lĩnh hội kiến thức, tay nghề từ người thầy thực tế này. Chẳng bao lâu sau, Tiệp cũng vững vàng về chuyên môn, kể cả cách thức quản lý, điều hành tổ. Vì thế khi thành lập Điện lực Tiên Phước năm 2005, Tiệp được cử làm Tổ trưởng Tổ điện Trà My. Đây là tổ hỗn hợp, vì nó có chức năng quản lý vận hành và kinh doanh điện năng. 

Giỏi nghề, sống chân thành và khiêm tốn nên Tiệp được anh em trong tổ thương yêu, mến mộ. Nhờ thế mà mọi nhiệm vụ đều được tổ hoàn thành một cách trôi chảy. Điều đáng nói là chỉ sau mấy năm quản lý tổ, anh vừa làm, vừa chỉ vẽ cho anh em cùng làm nên kiến thức và tay nghề của anh em trong tổ cũng được nâng lên ở mức độ đồng đều. “Tích cực trong công việc, sẽ nâng cao được tay nghề” - Tiệp thường khuyên nhủ và động viên anh em như vậy. 

Tháng 8/2011, Đào Phước Tiệp đại diện cho Điện lực Tiên Phước tham dự Hội thi thợ giỏi được tổ chức lần đầu tiên tại PC Quảng Nam. Kết thúc hội thi, Tiệp đạt giải nhì, được Công ty chọn cùng với Nguyễn Dương Dũng (giải nhất) và một số thành viên khác tham dự Hội thi thợ giỏi Tổng công ty Điện lực miền Trung. Sau hội thi, Tiệp được Tổng công ty chọn cùng 3 công nhân khác tham dự hội thi thợ giỏi do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức tháng 11/2011.

Vượt qua áp lực công việc

Tháng 01/2012, Điện lực Trà My được thành lập, vì khu vực Nam Trà My “mỏng người” nên Tiệp lại được điều động lên làm Tổ trưởng Tổ hỗn hợp Nam Trà My. Sinh ra tại làng Tiên Châu (huyện Tiên Phước), lúc mới ra nghề làm việc tại Tiên Phước, khi về công tác tại PC Quảng Nam, Đào Phước Tiệp cứ dịch chuyển dần lên núi cao, hết Bắc Trà My lại đến Nam Trà My theo lệnh điều động của đơn vị. Vợ con một nơi, chồng một nẻo, nhưng anh cố gắng tận dụng thời gian xa nhà tập trung cho công việc và tự học thêm về nghiệp vụ, vi tính. Tiệp tâm sự rằng, nghề điện tuy nặng nhọc, nguy hiễm, nhưng cũng rất vinh quang, hơn nữa, tuổi trẻ cũng phải biết dấn thân vào việc khó. 

Dù làm việc ở đâu, bất kể công việc gì, Tiệp cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi lên Nam Trà My, có sự thay đổi đột ngột từ nếp sống ổn định gia đình sang giường cá nhân, cơm tập thể, sinh hoạt đắt đỏ, tiền lương chỉ đủ chi tiêu cho riêng bản thân mình, song Tiệp vẫn giữ tinh thần làm việc hết mình. Những việc khó, phức tạp, nặng nhọc khi có Tiệp nhúng tay vào đều suôn sẻ, thành công. 

Khối lượng công việc của Tổ hỗn hợp Nam Trà My rất lớn, nhưng tổ chỉ có 6 người. Một ngày ở tổ, anh liên tục nhận điện thoại của lãnh đạo Điện lực, địa phương và khách hàng dùng điện. Bận rộn, mệt mỏi nhưng anh vẫn luôn bình tĩnh, giữ đúng tác phong quan hệ, giao tiếp. Hàng ngày, sau khi sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho anh em, anh phóng xe máy đến các thôn, nóc kiểm tra lưới điện, hành lang tuyến để kịp thời phát hiện những bất hợp lý nhằm bảo đảm vận hành an toàn, giảm sự cố và tổn thất điện năng. Chiều đến, trước khi ánh mặt khuất dần sau những ngọn núi, anh lại tất bật ghi chép, báo cáo công việc cho lãnh đạo, phân công công việc ngày hôm sau.

Khi có một sự cố trạm biến áp, đường dây, tổ chỉ để một, hai người ở nhà xử lý công việc, những người còn lại cùng với Tiệp ra hiện trường. Anh vừa cùng anh em làm việc vừa theo dõi, giám sát các biện pháp an toàn lao động.

Nhận xét về Đào Phước Tiệp, Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Trà My, Vũ Duy Tịnh cho biết: "Anh Tiệp rất có năng lực, giỏi chuyên môn, quản lý tổ khá thành công và có hiệu quả. Do làm việc lâu năm ở địa phương, lại giao tiếp tốt nên anh xứng đáng làm cầu nối bắc nhịp quan hệ giữa Điện lực và địa phương”. 

Còn ông Hà Nguyên Đoạt, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Trà My tỏ ra rất tin tưởng Đào Phước Tiệp: "Anh ấy là một đoàn viên luôn tích cực trong các hoạt động công đoàn, một thợ giỏi luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc, rất nỗ lực trong học tập, lao động sản xuất và luôn có ý thức phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân". 

Là tổ trưởng một tổ hoạt động độc lập, Tiệp luôn tôn trọng quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn và kinh doanh. Phụ trách một tổ ở xa, nhưng những công việc vượt quá quyền hạn của tổ anh đều báo cáo cụ thể, đầy đủ những việc cần làm, nếu được lãnh đạo đồng ý anh mới triển khai. Anh công nhân Lê Đức Thông, một đảng viên trong tổ cho biết: "Là tổ trưởng, anh Tiệp làm việc tích cực, giữ vững phẩm chất, đạo đức và luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào”.

Hạnh phúc là khi người dân có điện

Đến Nam Trà My, hỏi nhiều người hầu như ai cũng biết rõ về Đào Phước Tiệp. "Đó là một tổ trưởng gần gũi với khách hàng, một công nhân có tay nghề cao, được lãnh đạo và người dân địa phương yêu quý. Mỗi khi có sự cố lưới điện, khách hàng nhấc điện thoại là anh cử người đến ngay để xử lý. Với sự cố lớn, phức tạp, anh thông báo cho UBND huyện biết. Ở đâu có sự cố chúng tôi cũng thấy có mặt của Tiệp” – Ông Nguyễn Văn Điền, Chủ tịch Uỷ ban mặt trận huyện Nam Trà My cho biết như vậy. 

Ông Nguyễn Văn Hoành, Phó chủ tịch HĐND huyện kể: Tháng 10/2011, bão làm gãy đỗ trụ 119 trên đường dây 35 kV đã làm tê liệt toàn bộ hoạt động của huyện. Con đường độc đạo từ dưới xuôi lên cũng bị cô lập hoàn toàn. Vì muốn có điện lại nên lãnh đạo huyện đã hỗ trợ nhân lực phát dọn hành lang tuyến, bạt ta luy, trong khi công nhân của tổ điện thì phải bắc xà, kéo dây. Thấy anh em làm quần quật trên lưới điện liên tiếp trong hai ngày liền, chúng tôi nấu cháo gà bồi dưỡng đêm, nhưng khi cầm đũa lên thì đã gần mười hai giờ khuya". Còn Đào Phước Tiệp thì tâm sự: “Những ngày lễ, tết chúng tôi cũng “thèm” được đoàn tụ với gia đình lắm, song phải chia nhau trực vận hành, xử lý sự cố, sau đó mới tìm cách bố trí cho anh em nghỉ bù. Đối với công nhân điện chúng tôi, hạnh phúc là khi giữ vững được dòng điện an toàn, liên tục cho mọi người, mọi nhà”.

Phương Lan - EVN Quảng Nam