www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tưởng nhớ người hùng thảo dã Lê Cơ

“Tôi phải đặt cho Lê Cơ một chương riêng vì trong sự nghiệp Duy tân ở vùng Quảng Nam trong ông đóng một vai trò tích cực và tên tuổi ông chỉ kém Phan Châu Trinh chứ chưa chắc đã thua bất kỳ người nào…”

          Mở đầu chương viết về Lê Cơ trong tác phẩm: “Phong trào Duy Tân” của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã viết như thế. Tôi đã đón đọc quyển sách nổi tiếng ấy với tất cả say mê và dừng lại với Lê Cơ, người anh hùng, nhà thực nghiệm cải cách của phong trào trong niềm tôn kính và xúc cảm sâu xa. Từ mảnh đất quê mình, tôi vẫn thường ngước mắt lên hướng Tây, định vị ba ngôi làng của ba chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Lê Cơ trên một cánh cung dài ước chừng hai mươi lăm cây số. Ba làng quê đó nơi nào cũng rừng ngang núi dọc nối liền với Trường Sơn hùng vĩ, những con nước lớn nhỏ cùng chảy về dòng Trường Giang dằng dặc để đổ ra biển lớn. Núi sông và khí chất con người hòa quyện. Và tinh hoa phát tiết.

        Tôi ngẫm câu địa linh sinh nhân kiệt và nhớ lời ông Ngô Thành Nhân viết trong quyển Ngũ Hành Sơn chí sỹ: “ Nhắc đến hai chí sỹ cách mạng Tây Hồ và Mính Viên nhân đây không thể không nhắc đến cụ Lê Cơ là nhân vật đã làm cho miền này chuyển động”.

        Tôi đã nhiều lần đến với quê hương của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Với làng Phú Lâm, quê hương của người anh hùng Lê Cơ, thú thật tôi đến muộn hơn nhưng đầy ắp xúc cảm. Trong sự phát triển và biến đổi khá nhanh của cuộc sống, cái làng giàu giữa rừng, từng nổi tiếng với những lâm, thổ sản quý, từng là một làng dân quyền, một làng duy tân điển hình toàn quốc ngày xưa ấy, giờ đây trong vẻ hắt hiu, buồn tẻ. Nhưng tôi đến đây không phải để ca cẩm điệp khúc thường tình dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…Từ mảnh đất này tôi muốn tìm lại khí phách, hành trạng Lê Cơ cùng những chiến hữu của ông, nhận ra thông điệp của quá khứ còn vang vọng mãi. Từ kinh ngạc đến kinh ngạc, khó ngờ ở làng quê heo hút, khuất lấp nơi một thung lũng trải dài giữa núi rừng giăng mắt, nơi cuối đường của hai phủ huyện Thăng Bình, Tiên Phước ngày đó lại có một con người có tinh thần cách mạng, duy tân, đã kiến cơ lại gan góc phi thường như thế.

Nhà thờ tộc Lê ở làng Phú Lâm nơi phát tích anh hùng thảo dã Lê Cơ

         Cái khí giới sắc bén  nhất, thành công đáng nói nhất trong tất thảy mọi hành trạng của Lê Cơ là việc mở trường tân học của ông. Tôi lặng người trên cái nền trường Phú Lâm, trường tân học đầu tiên ở Quảng Nam do Lê Cơ khai lập. Theo một tư liệu, trường tân học đã được Lê Cơ dựng lên năm 1892 chứ không phải vào những năm 1905-1906 như một số tác giả đã viết. Một thế kỷ, cứ cho là như thế đã trôi qua, song tôi như vẫn nghe vẳng lên từ không gian thiêng liêng này những lời ca cách mạng, duy tân mà đám học sinh ngày đó vẫn hát đều mỗi ngày, mỗi buổi như lời kinh nhật tụng:

“ Người trong Đông Á rõ ràng

Một dòng một giống Lạc Hồng là đây…”

Hay

“Mừng thay mấy kẻ đồng tâm

Thăng Bình là phủ Phú Lâm là làng

Này thương cuộc nọ học đường.

Này cơ bảo hiểm này phường quế viên…”

         Và còn nhiều nữa. Những bài ca mà Charles, công sứ Quảng Nam trong một công văn số 04, 8/1/1908 đã khẩn thiết trình lên thượng cấp nguy cơ thấy trước: “ Trong hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí. Chỉ tiếc là chính chúng ta một ngày kia phải trả giá cho nền giáo dục đó mà thôi”.  Tôi cũng cố phác nên hình ảnh những thôn nữ, nữ sinh tân học đầu tiên chí ít cũng là Trung và Bắc Kỳ thời đó, nói như ông Nguyễn Văn Xuân : đã ngồi trong lớp học đã nhảy tung tăng trên nền đất này, mở đầu cho bước chân tiến hóa của nữ giới ở một khu vực rộn lớn. Một Lê Cơ cấp tiến biết bao !

        Tôi đếm bước trên con đường cái quan ngay sát mặt ngôi trường và ngôi nhà xưa của Lê Cơ. Suy ngẫm về tầm vóc của ông. Con đường này nay mang tên là đường tỉnh 614, là trục giao thông liên huyện theo sách sử có được bởi Lê Cơ. Thật thú vị và hấp dẫn như một giai thoại, nếu không nói là huyền thoại vì một Lê Cơ mưu lược, sẵn sàng “nổi loạn” chống lại nhà nước bảo hộ trong vùng mà người Pháp đã phải khẩn lập con đường dài ngót 60km từ phủ lỵ Thăng Bình (sát QL 1A) lên Việt An, đổ qua Phú Lâm ( dài khoảng 30km), rồi từ Phú Lâm vòng xuống Chiên Đàn ( cũng sát QL1A), thuộc phủ Tam Kỳ. Để việc chế hãm nguy cơ “tạo loạn” đạt kết quả, một đồn binh khố đỏ do một viên thiếu úy Pháp chỉ huy được dựng lên sát nhà Lê Cơ. Gò Đồn, tên gọi khu đất có đồn Tây đóng thời đó giờ là một vuông đất rộng, bằng phẳng một nữa hoang hóa, một nữa là đất sản xuất của cư dân. Những mớ gạch xây đồn ngã chông chênh bị chồi cây phủ lấp. Trong lịch sử viễn chinh xâm lược của mình, người Pháp đã dựng lên bao bót đồn sát vách nhà của một người bản xứ để nhằm chế ngự chính người đó ? Tôi nghỉ chắc không nhiều. Trường hợp Lê Cơ với họ chắc là rất hiếm.

         Tôi dẫm chân lên đồn xưa và bước tiếp không quá 50m đến bên một khu chồi cây rậm rạp. Đây chính là nền nhà của Lê Cơ ngày trước. Qua phút bồi hồi, tôi nhìn quanh bốn phía. Núi Đuốc, Gò Trai, Hòn Ngang…như những bức tường dài kiên cố che trước mặt, sau lưng vùng đất Phú Lâm. Núi vẫn xanh màu sau bao dâu bể. Những tiếng chim vẫn “ cục cù cu” nhặt khoan vọng lại từ những vòm cây xanh thẳm giữa rừng. Thanh bình, trầm lắng. Nhưng tôi vẫn hình dung được khí thế sôi động ngày ấy của Phú Lâm, một trong những vùng giàu nhất của tỉnh là trung tâm của sách động gọi là “cải cách” ( báo cáo số 35,10.03.1908 của Charles). Nghĩ đến chiến khu Sơn Cẩm Hà trong thời chống Mỹ, tôi nhận ra cái nhìn chiến lược của Lê Cơ. Làng Phú Lâm nay thuộc xã Tiên Sơn lúc ấy nằm giữa chiến khu. Nhận ra lợi thế của khu vực, không dừng lại ở một làng Phú Lâm duy tân với những hội buôn, hội bảo hiểm, những lò rèn , vườn quế, Lê Cơ đặt kế hoạch liên kết xây dựng Tam thập xã thôn bao gồm Phú Lâm và hai chín làng xung quanh cho một ý đồ lớn.

Làng Phú Lâm nổi tiếng với vườn cau và vườn quế

         Tôi đếm bước trên đường làng Phú Lâm, nhớ lại những trang viết về Lê Cơ và lòng nghe day dứt. Một chí sỹ có công lớn trong một phong trào to tát song vẫn chưa được khắc tạc đúng mức chân dung, chí ít là ở Quảng Nam – Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Bởi không chỉ với những điều vừa kể, hành trạng của Lê Cơ còn những điều rất đáng nói. Vừa cải cách, vừa đấu tranh bạo lực, Lê Cơ là một trong những người chủ chốt của vụ kháng thuế khất sưu năm Mậu Thân 1908 ở địa phương Quảng Nam. Cuộc bạo động đạt thành quả nhất định, nhà nước thực dân đã tặng Lê Cơ cái án: tịch biên gia sản và 3 năm giam cầm ở lao xá Quảng Nam. Mãn tù, sau năm năm giũa vuốt mài nanh và kết liên đồng chí, năm 1916 Lê Cơ lại giữ một trong trách trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân bên cạnh Trần Cao Vân và Thái Phiên. Nếu đại cuộc thành công, Lê Cơ sẽ giữu ấn Ngự tiền hộ giá đại tướng quân kiêm Tổng đốc Nam Ngãi lưỡng Quảng. Nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại, Lê Cơ bị Pháp bắt tại Huế và đày lên Lao Bảo. Ở chốn lao tù nổi tiếng khắc nghiệt ấy, lần cuối cùng năm 1918 khí phách Lê Cơ lại rõ khi ông dũng cảm chống lại hành động bạo tàn của bọn cai tù. Theo truyền thuyết, cũng kiêu  hùng kỳ lạ như phút sa cơ của anh hùng Từ Hải trong truyện Kiều, sau khi những viên đạn của bọn mặt người dạ thú đã xuyên vào người ông, Lê Cơ vẫn sừng sững đứng một hồi lâu. Nhà tù thực dân đã không cho Lê Cơ một nấm mộ, hài cốt ông đã bị thất tung. Nhưng Lê Cơ cần gì điều đó, Lê Cơ đã hòa vào hồn thiêng sông núi.

          “ Cuộc đời của Lê Cơ vừa oai hùng vừa hấp dẫn vừa ly kỳ lúc sống cũng như lúc chết. Tôi thuật lại các hoạt động của ông một cách vắn tắt, hy vọng có nhiều nhà biên khảo,tiểu thuyết gia sẽ tìm thêm tài liệu và cảm hứng để viết về nhân vật duy tân đặc sắc này…”. Tôi đọc lại những lời nhắn gửi của ông Nguyễn Văn Xuân bên vệ đường. Lúa trên những lũng ruộng làng Phú Lâm đã sắp ươm vàng. Rồi sẽ có người lật lại thời gian, phát tạc lại những chân dung xứng đáng đang bị nhạt mờ. Không ai bỏ ruộng hoang giữa lúc thái hòa, không ai vùi lấp quá khứ hào hùng trong thời an lạc. Tôi lần giở những trang tư liệu mới nhất và xác thực nhất về Lê Cơ. Sự thật như một huyền thoại về Lê Cơ được nói đến lâu nay được xác nhận từ chính những văn bản của người Pháp.

        Cội nguồn và công đức. Tháng 4.1996, nhân lễ khánh thành mộ liệt sỹ Trần Huỳnh, một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy tân năm 1916 tại phủ Tam Kỳ, thất bại, bị thực dân xử chém. Ông Trần Ngọc Chương, nguyên cán bộ Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã làm nhiều người xúc động. Với tư cách chủ lễ, là người cán bộ lão thành am hiểu lịch sử, ông già 80 tuổi đã tỏ rõ trước lễ đài: “ Làng Phú Lâm chính là chiếc nôi của phong trào Duy tân. Cụ Lê Cơ là đốm lửa đầu tiên nhen lên ngọn lửa lớn của phong trào…Mộ cụ Trần Huỳnh có đây nhưng cụ Lê Cơ vùi thây nơi Lao Bảo. Xin tất cả hãy tưởng nhớ người anh hùng của phong trào, của cuộc khởi nghĩa”.

         Hơn hai mươi năm trôi qua. Một thời gian khá đủ để tìm kiếm  lại lịch sử , tôn vinh những giá trị vĩnh cửu cho một vùng đất, một con người. Đã 96 năm kể từ ngày khởi nghĩa Duy Tân, 94 năm ngày Lê Cơ ra đi vì nước. Không gác khói, đài mây, không tượng đồng bia đá, nhưng Lê Cơ vẫn sống mãi giữa lòng kính ngưỡng và tri âm không chỉ của người dân đất Quảng mà còn của người dân đất Việt.

         Huỳnh Văn Mỹ