www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sông "chết" dần vì ô nhiễm

Dòng sông Quế Phương chảy từ địa bàn xã Tam Lãnh (Phú Ninh) qua địa phận xã Tiên Lập (Tiên Phước), sau đó đổ vào sông Tiên. Hiện nay nước sông đỏ quạnh, đục ngầu và xuất hiện tình trạng cá sông chết nổi khiến người dân hoang mang, bức xúc.

Sau khi nhận được tin báo từ nhân dân về tình trạng ô nhiễm dòng sông Quế Phương, chúng tôi đã có mặt tại khu vực giáp ranh giữa xã Tam Lãnh và xã Tiên Lập, nơi con sông Quế Phương chảy qua chia ranh giới giữa 2 huyện Phú Ninh và Tiên Phước.

Hình ảnh dòng sông trong xanh đã không còn mà thay vào đó là một màu đỏ quạnh nhộm cả dòng sông. Sát bờ sông về phía xã Tam Lãnh, những đống đất còn bốc mùi hóa chất được đổ ngổn ngang, mà theo cán bộ xã Tiên Lập, đó là đất sau khi đãi vàng, người dân đem ra đổ trộm vào ban đêm.

Cá chết trên sông được người dân vớt về ngâm muối rồi ướp để ăn. (Ảnh do UBND xã Tiên Lập cung cấp).
Cá chết trên sông được người dân vớt về ngâm muối rồi ướp để ăn. 

Người dân báo tin cá chết và hiện tượng này đã diễn ra 4 ngày qua, từ ngày 24.4. Ông Lê Đình Tuấn (thôn 3, Tiên Lập, Tiên Phước) cho hay: “Tuần trước, trên này mưa to, sáng hôm sau xuất hiện cá chết trên sông Quế Phương. Trước đó sông cũng đỏ quạnh như vậy nhưng không có cá chết nổi lên, chỉ lạ là sau trận mưa đêm thì cá chết. Như vậy thử hỏi có phải do xả nước thải độc hại không? Sông ô nhiễm thì đã ô nhiễm rồi, nhưng cá chết là điều đáng lo sợ hơn nhiều”.

Những đống đất còn bốc mùi hóa chất mà người dân  đào đải vàng trái phép mang đổ trộm bên bờ sông Quế Phương.
Những đống đất còn bốc mùi hóa chất mà người dân đào đãi vàng trái phép mang đổ trộm bên bờ sông Quế Phương.

Tiếp lời ông Tuấn, ông Lê Đình Tú bức xúc: “Bây giờ dòng sông này ô nhiễm nặng rồi, không ai dám cho trẻ con ra đó học bơi nữa, bởi lội xuống nước về là chân ngứa ngáy hết. Trẻ em ở sát dòng sông mà không biết bơi thì nguy hiểm lắm”. Ông Tú nói rằng, trước kia sông Quế Phương cá rất nhiều, dường như ngày nào nhà ông cũng bắt cá sông để làm nguồn thức ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, cá chết hết, không sống nổi với tình trạng dòng sông ô nhiễm. Người dân dù hạn hán khốc liệt, cây cối hoa màu bên bờ sông chết khô nhưng không dám bơm nước sông để tưới. Hiện tượng cá chết theo ông Tú đã xảy ra một vài lần nhưng số lượng ít, gần đây xuất hiện cá chết nhiều hơn nên người dân rất lo lắng. Hôm xảy ra hiện tượng cá chết, một số người dân ở gần bờ sông đã ra vớt cá, nhưng địa phương khuyến cáo không nên ăn cá chết khi chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân. Vì vậy nhiều người đã vớt cá về nhưng đổ bỏ, không ăn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lập, cho biết: “Dòng sông Quế Phương bây giờ đục ngầu hết rồi. Sông ô nhiễm do nạn đào đãi vàng dọc theo hai bên bờ sông ở khu vực giáp ranh, cũng như do lượng nước thải từ khu vực mỏ vàng Bồng Miêu chảy ra. Xã Tiên Lập liên tục tuyên truyền, truy quét để ngăn nạn đào vàng trái phép, nhưng ở khu vực giáp ranh rất khó đẩy đuổi khi bên Phú Ninh, nhất là xã Tam Lãnh không cùng phối hợp. Người dân bức xúc rất nhiều, xã gửi công văn lên huyện, rồi UBND huyện đề nghị Phú Ninh cùng phối hợp ngăn chặn hoặc đề nghị tỉnh vào cuộc thì may ra, chứ xã Tiên Lập cũng chẳng thể làm gì hơn”.

Dòng sông Quế Phương chuyển màu nước đỏ quạnh. Ảnh: D.L
Dòng sông Quế Phương đục ngầu. 

Vào ngày xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Quế Phương, Chi cục Môi trường (Sở Tài Nguyên - môi trường) phối hợp cùng Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tiên Phước và Phú Ninh đến khảo sát, nắm tình hình thực tế tại xã Tiên Lập. Theo ông Đoàn Văn Công - Phó Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tiên Phước, hôm đó cán bộ của phòng cùng đi với đoàn kiểm tra. Khi đoàn nhận được tin báo từ nhân dân, đến nơi người dân đã vớt toàn bộ cá chết trên sông nên không còn mẫu cá chết. Cá chỉ chết vào thời điểm đêm 24.4, sau cơn mưa lớn trên địa bàn, sau này hiện tượng không còn xảy ra nữa. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế, ghi nhận ý kiến người dân để tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết.

Theo lời cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường Tiên Phước đi cùng đoàn, đã kiểm tra thực tế tại nơi người dân phát hiện cá chết và tại mỏ vàng Bồng Miêu nhưng chưa có kết quả cụ thể về nguyên nhân cá chết. Ông Đoàn Văn Công cho biết: “Sông Quế Phương là nơi giáp ranh nên nạn đào đãi vàng trái phép vẫn rất nhức nhối, khó khăn trong đẩy đuổi. Dọc dòng sông về phía thượng nguồn, thực tế vẫn còn nhiều lán trại của người dân đào đãi vàng, nhưng đẩy đuổi bên này thì họ chạy về bên kia, vì vậy một huyện làm thì không xử lý được. Tiên Phước đã 2 lần gửi công văn đề nghị tỉnh can thiệp, đề nghị Phú Ninh phối hợp ngăn chặn nhưng vẫn chưa nhận được sự phối hợp tích cực”.

Dù chưa có kết luận nguyên nhân khiến cá chết nhưng có một thực tế là dòng sông Quế Phương đang “chết” dần từng ngày nếu không có sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ quan chức năng.

                                                               Diễm Lệ - Báo Quảng Nam