www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sơn Cẩm Hà đất anh hùng chuyển mình

Sau nửa thế kỷ, mảnh đất anh hùng Sơn - Cẩm - Hà thay da đổi thịt từng ngày, kinh tế ở vùng quê nghèo thuần nông đang chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước vượt qua bĩ cực.

Sau ngày đất nước thống nhất 30.4.1975, nhân dân Tiên Phước phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Làng xóm tiêu điều, những khu vườn hoang hóa, trơ trụi. Nhân dân từ các ấp chiến lược, khu dồn trở về với hai bàn tay trắng, đói ăn, thiếu mặc. Tinh thần đoàn kết của quân và dân Sơn - Cẩm - Hà lần nữa trỗi dậy, quyết khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no. Trong sự phát triển chung, ba xã chiến khu xưa dần chuyển mình, màu xanh của cuộc sống đã trở lại.

Phóng sự xã Tiên Sơn xây dựng nông thôn mới

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Sơn - Cẩm - Hà là ba trong 6 xã khó khăn nhất của địa phương. Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất để đưa cuộc sống người dân đi lên, theo kịp những vùng khác. Nhân dân Sơn - Cẩm - Hà luôn có ý chí kiên cường, vượt khó. Giờ đây, đời sống đã khá lên rất nhiều”. Vấn đề cơ bản quyết định sự phát triển của vùng đất này chính là hệ thống giao thông. Tuyến đường 614 đã đi qua Tiên Sơn, Tiên Cẩm về đến trung tâm huyện; tuyến 615 nối liền Tam Lộc qua Tiên Cẩm thẳng đến trung tâm xã Tiên Hà.

                       

                 Cầu Tài Thành nối đôi bờ sông Tiên tạo điều kiện cho xã Tiên Hà phát triển

Huyện đầu tư xây dựng cầu Tài Thành (Tiên Hà) nối đôi bờ sông Tiên của xã Tiên Hà bao đời bị chia cách, mở rộng vùng sản xuất trù phú của Tài Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho Sơn - Cẩm - Hà phát triển. Hiện nay, tuyến đường nối trung tâm huyện qua Tiên Châu đến Tiên Hà cơ bản hoàn thành. Cầu sông Khân nối xã Tiên Hà với xã Bình Sơn (Hiệp Đức) xóa đi hình ảnh cây cầu tre lắt lẻo suốt 37 năm qua, tạo điều kiện thông thương thuận lợi. Đến nay, hầu hết người dân Sơn - Cẩm - Hà đã không còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Hệ thống trường học, trạm y tế, thủy lợi, điện, công trình phục vụ văn hóa thể thao... được đầu tư xây dựng. Không còn cảnh học sinh bỏ học giữa chừng vì thiếu ăn, vì đường xa cách trở do phải học chung một trường cấp II. Tỷ lệ hộ nghèo ở 3 xã mỗi năm giảm 5 - 8%.

Phóng sự chàng sinh viên ở Tiên Hà với mô hình nuôi gà rừng

Nhiều mô hình hiệu quả

Kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế của vùng Sơn - Cẩm - Hà. Tại xã Tiên Sơn, nông dân đi lên nhờ trồng gừng, nghệ, trồng keo và nhiều loại cây trồng hợp với thổ nhưỡng. Tiên Hà, Tiên Cẩm thì tập trung trồng rừng, đặc biệt là cây keo. Ông Đỗ Tấn Như - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết: “Từ khi có cầu Tài Thành, đôi bờ sông Tiên được nối liền, vùng sản xuất lâm nghiệp bên kia cầu Tài Thành phát triển mạnh. Nhiều hộ trong xã nhờ làm vườn, trồng rừng mà đời sống khá lên, có của ăn của để, con em được chăm lo ăn học chu đáo. Mạng lưới giao thông phát triển, vận chuyển thuận lợi nên giá cả các loại sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi cao và ổn định hơn. Số hộ có thu nhập bình quân từ trồng rừng 40 - 50 triệu đồng/ năm ở vùng này rất nhiều, hộ thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng cũng có”.

 

Phóng sự trường tiểu học Tiên Cẩm 15 năm xây dựng và phát triển

Không chỉ có kinh tế vườn, rừng, ở Sơn - Cẩm - Hà còn có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tại Tiên Sơn, dịch vụ thú y trọn gói của ông Nguyễn Tiến (thôn 5) mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Người chăn nuôi chỉ cần trả chi phí thú y một lần cho mỗi con heo, bò sẽ được ông Tiến chịu trách nhiệm về dịch bệnh từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng. Mô hình này đã hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm của xã.

Phóng sự chàng trai ở Tiên Cẩm với đam mê làm phân vi sinh

Ông còn triển khai dịch vụ “bảo hiểm thú y” dành cho heo với mức đóng phí 20.000 đồng/con heo thịt và 40.000 đồng/con heo nái. Nếu có rủi ro, ông sẽ chi trả cho người chăn nuôi 250.000 đồng/heo thịt và 450.000 đồng/heo nái. Ông Tiến chia sẻ: “Là một cán bộ thú y, tôi luôn mong muốn cho đàn gia súc, gia cầm của xã không bị dịch bệnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho gia súc, tôi mạo hiểm triển khai dịch vụ bảo hiểm thú y để san sẻ khó khăn với bà con khi có rủi ro xảy ra trên đàn gia súc”. Đến nay, ông Tiến cũng đã vận động thành lập được hợp tác xã chăn nuôi với hơn 20 xã viên.

 "Bài hát quê hương" một sáng tác về Sơn Cẩm Hà của hai thầy giáo trẻ trường Tiểu học Tiên Cẩm

Ở Tiên Cẩm, ông Huỳnh Hữu Phước (thôn Cẩm Phô) nhờ mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật trồng măng tre điền trúc và cây sả mà gia đình thoát nghèo, tiến tới thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Hay như ở Tiên Hà có mô hình nuôi gà rừng của ông Võ Duy Ân, mô hình nuôi bồ câu của ông Nguyễn Văn Thi... mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành những mô hình sản xuất hay được bà con nhân dân trong vùng đến học hỏi, nhân rộng.

HOÀNG LINH - BÁO QUẢNG NAM