www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhờ thơ, mở lối cuộc đời...

 Chơi thân với vợ chồng Võ Văn Ba - Đỗ Thị Xuân Thanh nên tôi cũng quen biết sơ sơ anh Võ Khoa Châu. Đại khái, anh là anh trai Võ Văn Ba, hiện sinh sống ở Vạn Ninh - Khánh Hòa.

Vậy thôi. Cách đây gần mười lăm năm, một hôm Võ Văn Ba bảo tôi: “Mình nhờ ông chuyện này, được không?”. “Thì nói đi!”. Võ Văn Ba cho hay, anh Võ Khoa Châu tuổi ngoài sáu mươi, lại đau ốm hoài, sợ không qua khỏi. “Ảnh mong ước được làm một cái phim ngắn giới thiệu thơ ảnh để anh em bạn bè xem cho vui…”.

Tôi tròn mắt: “Mình nhớ không nhầm, hình như có lần anh Châu bảo rằng, ảnh sống bằng nghề bán vé số dạo. Còn bạn anh ấy, nhạc sĩ Giao Tiên - tác giả ca khúc nổi tiếng “Cô Thắm về làng”, bán cà rem, kẹo kéo…”. Đỗ Thị Xuân Thanh cho hay: “Anh Hai làm thơ nhiều lắm! Không ít bài được chọn đăng trên sách báo ở Khánh Hòa”.

Nhà thơ Võ Khoa Châu nhận thưởng tập sách Văn học dân gian Vạn Ninh.
Nhà thơ Võ Khoa Châu nhận thưởng tập sách Văn học dân gian Vạn Ninh.

Võ Văn Ba đưa cho tôi tập bản thảo thơ của anh Võ Khoa Châu để xem thử thế nào. Lúc bấy giờ tôi công tác ở Phòng Văn nghệ Đài PT-TH Quảng Nam, cũng đã làm được một số phim tài liệu. Đêm hôm ấy, tôi chong đèn đọc đi đọc lại bản thảo tập thơ của anh Võ Khoa Châu. Hình thức thơ không mới. Câu chữ cũng cũ mòn. Rất mừng là nhiều bài thơ có tứ lạ, độc đáo. Và nữa, thơ anh thấm đẫm tình người tình đời với cảm xúc chân thật, không hề giả tạo. Tôi đồng ý nhận lời với Võ Văn Ba.

Sau mười ngày nghiền ngẫm thơ anh, tôi viết xong kịch bản phim tài liệu “Thơ của một người mê thơ”, rồi phân cảnh quay, viết nháp lời bình, rồi trình lãnh đạo phê duyệt và cho sản xuất. Mùa hè năm ấy, Võ Văn Ba dẫn Phạm Hoàng và tôi vào Vạn Ninh - Khánh Hòa tác nghiệp. Khi về lại Quảng Nam, tôi làm lại từ đầu vì có nhiều chi tiết bất ngờ thú vị, sau đó mới cùng anh em kỹ thuật làm công việc hậu kỳ. Chừng non một tháng cắt dán dựng hình, bộ phim tài liệu “Thơ của một người mê thơ” có độ dài 25 phút được hoàn thành và phát trong chương trình văn học - nghệ thuật Đài PT-TH Quảng Nam. Hẳn nhiên, tôi in sang và gửi cho anh Võ Khoa Châu một số đĩa VCD để làm kỷ niệm.

2. Chuyện chẳng có gì để nói, nếu chỉ vậy thôi. Điều khiến tôi và vợ chồng Võ Văn Ba - Đỗ Thị Xuân Thanh hết sức bất ngờ là cái phim tài liệu ấy như một liều thuốc diệu kỳ đã giúp anh Võ Khoa Châu khỏe mạnh hẳn ra. Và bất ngờ hơn là qua thơ, anh Võ Khoa Châu tự khám phá ra mình cũng có năng khiếu viết báo. Bỏ nghề bán vé số dạo, làm nhà báo tự do kiếm tiền nuôi sống vợ con. Có vốn sống phong phú và sự từng trải qua hơn “sáu mươi năm cuộc đời”, anh khai thác đề tài “chuyện ngày xưa” với những tầng vỉa văn hóa, văn học dân gian ở Vạn Ninh - Khánh Hòa và Tiên Phước - Quảng Nam, viết cho các báo, tạp chí trung ương và địa phương ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Tất nhiên, anh vẫn mê thơ và lặng lẽ làm thơ.

Mấy năm sau về thăm quê Tiên Phước, gặp tôi, anh cười bảo: “Mình bắt chước Tam Mỹ, viết báo sống cũng được”. Tôi cũng cười hỏi anh: “Mỗi tháng kiếm được bao nhiêu?”. “Không nhiều, nhưng cũng hơn đi bán vé số dạo một chút. Điều quan trọng là mình đã được Hội VH-NT Khánh Hòa ghi nhận những đóng góp về mảng sưu tầm văn nghệ dân gian và kết nạp vào hội”.

Thời đại kỹ thuật số, bài vở viết tay bỏ vào phong bì gửi đến các tòa soạn báo qua đường bưu điện đã trở nên lỗi thời lạc hậu. Vậy là anh Võ Khoa Châu mày mò học sử dụng computer. Ở tuổi bảy mươi nhưng anh nhanh chóng làm chủ phương tiện hiện đại và hữu ích đối với người cầm bút. Viết bài trên máy vi tính. Gửi bài đăng báo qua hộp thư điện tử. Cách đây mấy năm, anh gửi tặng tôi cuốn sách sưu tầm biên khảo “Vạn Ninh - Đất & người” dày trên dưới 400 trang. Cận Tết Bính Thân - 2016, về Tiên Phước thăm quê, anh lại tặng tôi cuốn “Văn học dân gian Vạn Ninh”. Tôi thật sự ngỡ ngàng kinh ngạc với bút lực cũng như sức làm việc của ông già ngấp nghé tuổi 80. Anh cười bảo tôi: “Nhờ thơ, mình rẽ lối cuộc đời với thành quả là mấy cuốn sách được in”.

Rồi anh cho biết thêm, Hội VH-NT Khánh Hòa có hỗ trợ in tập “Văn học dân gian Vạn Ninh” nhưng chẳng thấm vào đâu, chỉ vừa đủ tiền xin giấy phép xuất bản, in cái bìa, bình bản… Sau đó, anh đem photo được hơn trăm cuốn nộp lưu chiểu và tặng bạn bè đọc cho vui. Cuối năm 2015, cuốn sách ấy được Hội VH-NT Khánh Hòa trao giải thưởng. Song hỷ lâm môn. Cũng vào cuối năm 2015, anh trở thành hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Ngồi đàm đạo chuyện văn chương với nhau, tôi hỏi anh Võ Khoa Châu: “Huynh có định in một tập thơ?”. Anh cười: “Mình chọn lựa mãi được một tập gồm 40 bài. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ đã biên tập giúp. Bản thảo hoàn chỉnh rồi nhưng ngặt một nỗi không có tiền in…”. Im lặng một lát rồi anh lại cười: “Chừ mình đã già quá rồi, tai điếc đặc, người ta nói mình không nghe được, do vậy không thể lấy tư liệu viết báo được nữa. Chắc mai mốt đây phải rửa tay gác kiếm”.

                                            Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam