www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ly kỳ chuyện săn và thờ cọp ở xứ Quảng

Vùng đất Quảng Nam xưa, được ví von là nơi "con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh", ấy là chỉ sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thú dữ. Trong đó cọp dữ là nỗi ám ảnh với nhiều người, đến nỗi phải gọi là "ông cọp" hoặc "ông ba mươi". Đến nay người dân xứ Quảng vẫn lưu truyền những câu chuyện ly kỳ về việc săn và thờ cọp.

Hội làng vây cọp 

Có lẽ H. Tiên Phước từng là lãnh địa số một của cọp cũng là nơi có hội làng vây cọp có một không hai. Ông Nguyễn Nãi (thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) đã gần 90 tuổi, cho tôi xem những vật dụng như giáo, lưới, tù và ngày trước ông dùng để săn cọp. Ông kể, xưa vùng núi rừng Tiên Phước thâm u và rậm rạp nên cọp kéo về rất nhiều. Khi những ánh dương cuối ngày khuất bóng, chúng thi nhau gầm rung chuyển núi rừng, rồi mò vào tận các làng rình bắt trâu, bò, heo, có khi còn bắt cả người.

Những địa danh còn lưu truyền đến ngày nay như hố Ông Vi, dốc Ông Cọp, truông Cọp Rình, miếu Ông Cọp...đều gắn liền với những chuyện cọp bắt người. "Lúc đó buổi tối không ai dám ra đường. Đêm đến "ông cọp" thường về rình quanh nhà, sáng ra là thấy dấu chân in trong vườn. Có lần cọp vào nhà tôi bắt mất con chó. Lần khác, nhóm bạn chúng tôi đi chơi về muộn thì cọp bám theo bắt mất một người". Trước tình trạng cọp về quấy phá làng mạc, người dân ở H. Tiên Phước bắt đầu liên kết lại với nhau lập thành các nhóm, hội để đối phó. Thế là "Hội vây cọp" ra đời.

Người được tuyển chọn vào "hội vây cọp" phải là trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm về săn bắt. Khi có lệnh quan thì mọi người mang theo giáo mác, lưới và lương thực để kéo đến ngọn núi hay quả đồi nơi phát hiện cọp để vây lại. Sau đó các thợ săn hè nhau chặt mây và cây rừng buộc thành những tấm hàng rào đan chéo nhau cao đến bốn, năm thước, để cọp không thể thoát ra. Rồi sau đó cùng khua chiêng, đánh trống rầm trời, tốp khác thì gõ mõ, đánh phèng la inh ỏi để cọp sợ hãi. Có một quy định bất thành văn là những người tham gia vây cọp không được mặc đồ đen, nếu không sẽ trở thành đối tượng đầu tiên bị cọp vồ, mà chỉ mặc quần đùi, áo cánh để dễ dàng quay trở.

Ly ky chuyen san va tho cop o xu Quang - Anh 1

Mỗi lần có cọp về làng, địa phương phải huy động hơn ngàn người cùng tham gia. Họ chia nhau ra canh gác cả ngày lẫn đêm, những ánh đuốt sáng rực cả một quả núi. Tiếp đó các thợ săn mang giáo, thòng lọng và lưới chia nhau khép dần vòng vây. Càng lúc càng bị vây hãm, cọp lồng lộn gầm rú điên cuồng. Khi vòng vây đã khép lại chỉ còn vài mét, nhiều người cầm giáo chờ bên ngoài hàng rào, số khác cầm cây có thắt thòng lọng và lưới. Lúc này những thợ săn khỏe mạnh, gan dạ nhất sẽ được cử vào giữa vòng vây để đâm cọp.

Khi nhìn thấy cọp là lập tức phóng mũi giáo vào nó. Trúng mũi giáo, cọp phát hoảng, chạy tứ tung, sau đó vướng vào thòng lọng và lưới, lập tức bị nhiều người ập vào đâm chết nó. Điều quan trọng nhất trong vây cọp là mọi người phải hiểu ý nhau và khi nào có lệnh thì mới được xông vào giết cọp, nếu không sẽ làm nó chạy mất, hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Khi diệt được cọp, các đội săn đều được quan phủ ban thưởng, quan phủ chỉ lấy phần móng hổ, còn lại đều ban cho làng làm thịt ăn... Sử sách ghi nhận, hội vây cọp cuối cùng ở xứ Quảng diễn ra vào năm 1952 tại xã Tiên Thọ (Tiên Phước), diệt được 5 con cọp dữ.

Ly ky chuyen san va tho cop o xu Quang - Anh 2

Ông Nguyễn Nãi với cây giáo dùng để săn cọp ngày trước ông thường sử dụng.

Miếu thờ thần cọp

Ở nhiều địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng đến nay vẫn còn nhiều di tích miếu thờ "ông cọp". Ông Nguyễn Nãi bảo, lúc bấy giờ làng tiêu diệt nhiều cọp dữ nhưng mọi người vẫn sợ và kiêng dè khi nói về "ông ba mươi": "Ông cọp linh lắm, chỉ cần nói xấu hay thờ cúng không đàng hoàng là ổng tìm về nhà ngay. Trước đây, cha tôi được làng giao cho việc cúng ở đình làng, trong đó có miếu thờ ông cọp, nhưng lần đó không biết sao mà mâm cúng thiếu thịt sống, thế mà hôm sau "ổng" tìm về tới tận nhà". Đến tận bây giờ, hằng năm người dân ở Tiên Cảnh vẫn giữ tục thờ cúng "ông cọp". Trong số các mâm lễ, có một mâm lễ riêng, gồm thịt sống, rượu và hoa quả, trong văn tế có câu "cầu cho hổ lang, can xà phù hộ cho dân lành bình an". Và bây giờ, khi loài hổ đã vắng bóng ở vùng núi Tiên Phước nhưng nhiều người vẫn tin rằng việc thờ cúng "ông ba mươi" rất quan trọng bởi họ cho rằng cọp là "chúa sơn lâm" cai quản vùng rừng núi, ngự trị muôn loài nên hầu hết các đình, đền, phải có bàn thờ hoặc miếu thờ với bài vị trang trọng mang tên "Sơn quân chi thần", "Sơn quân mãnh hổ", "Sơn lâm chúa xứ" hay "Sơn lâm đại tướng quân"... "Có thờ có thiêng, "ông cọp" sẽ phù trợ cho cuộc sống bình an của dân làng"-ông Nãi quả quyết...

Ở Đà Nẵng cũng có nhiều nơi thờ "ông cọp", mà mỗi địa điểm gắn với một câu chuyện li kì. Còn nhớ cách đây chưa lâu, hàng ngàn người đã kéo về thôn Trường Định (xã Hòa Liên, Hòa Vang) để xin nước chữa bệnh ở miếu ông Hổ. Vì sao là miếu ông Hổ, chứ không phải nơi nào khác? Tìm về nơi đây, tôi được ông Trần Văn Minh (tổ 1, thôn Trường Định) giải thích về sự tích của miếu ông Hổ. Chuyện kể, ngày trước, vì nằm dưới chân núi Hải Vân- Bà Nà nên vùng đất Trường Định cọp nhiều vô kể, ngày nào chúng cũng xuống làng để rình bắt gia súc và người.

Lúc bấy giờ trong làng xã truyền tụng câu "nhất cọp Bà Nà, nhì ma Phú Túc". "Người chết được dân làng chôn cất cẩn thận vẫn bị cọp đào lên ăn thịt vì vậy dân làng ai cũng khiếp sợ, buổi tối không dám rời khỏi nhà, đi làm ruộng phải đi nhóm 5-6 người. Cho đến khi, Đức ông Trần triều tứ thánh về đây cư ngụ thì cọp mới không quấy phá nữa"-ông Minh kể. Đưa tôi ra khoảng đất nằm sát bên sông Cu Đê, ông Minh chỉ cho xem miếu ông Hổ và phía trước là một miếu khác thờ sơn lâm đại tướng quân, với hình tượng con cọp oai vệ.

Tương truyền, thời vua Trần, một vị ngự y rất tài giỏi và có phép thuật, vì có tội với triều đình mà bị đày vào phương Nam, đến vùng đất Trường Định này sinh sống. Tại đây, ông dùng tài y học chữa bệnh cho dân làng, dùng phép thuật thuần phục hai con cọp hung dữ về làm tướng quân cho mình. Lúc ấy dân làng gọi luôn tên ông là ông Hổ. Thời gian sau triều đình có lệnh ông trở về kinh thành nhưng ông nhất quyết không chịu. Thế là nhà vua ban cho ông rượu độc, vải lụa và thanh kiếm, bắt ông phải chết. Sau khi nhận được ý chỉ của nhà vua, ông Hổ mang vải lụa ra hòn đá nằm nhô ra phía sông Cu Đê. Sau đó dân làng không thấy ông nữa, mọi người bảo ông đã hóa mây bay về trời. "Sau khi ông chết, hai "ông cọp" vẫn nằm phục dưới tảng đá, sau đó cũng chết. Dân làng thương tiếc nên lập miếu thờ. Có một điều lạ là phía trước miếu có một ao nước ngọt nhỏ, dù sông Cu Đê có mặn mấy, ao nước này cũng ngọt quanh năm. Nhiều người tin nước này có thể chữa bệnh nên hay đến làm lễ để xin nước từ miếu ông Hổ về uống" - ông Minh nói.

Hiện nay, tảng đá nơi ông Hổ tự vẫn còn đó như minh chứng cho một sự tích ly kỳ. Nhiều người cao niên ở Trường Định cũng cho biết, hơn 10 năm trước đây đã thấy "ông cọp" về chầu ở ngôi miếu nhỏ này (?). Một số vùng ven khác ở Đà Nẵng cũng có nhiều câu chuyện liên quan đến tục thờ thần hổ như Dinh Ông ở làng Phong Bắc (P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ) hay miếu Long Vân dưới chân đèo Hải Vân...

Những câu chuyện về cọp dữ và tục thờ "ông ba mươi" ly kỳ ở vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng xưa luôn gợi nhắc về một thời cha ông ta mang gươm đi mở cõi-thời khẩn hoang gian khó cần ghi nhớ và trân quý.

                                                                 Minh Hà - Báo CA Đà Nẵng