www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khấm khá nhờ nuôi... "đặc sản"

Nhờ sự nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm, vợ chồng anh Thái Văn Xuyên ở thôn 1, xã Tiên Cảnh là người đầu tiên trên địa bàn huyện Tiên Phước nuôi dúi, chồn hương, nhím đá với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, anh Thái Văn Xuyên mở gara sửa chữa xe ô tô, xe khách tại thị trấn Tiên Kỳ, nhưng không hiệu quả. Năm 2016, vợ chồng anh đầu tư gần 300 triệu đồng xây chuồng trại và thả nuôi thử nghiệm 10 cặp dúi, 10 cặp chồn hương, 10 cặp nhím đá sinh sản. Sau hơn một năm, các con vật nuôi phát triển khá tốt, bắt đầu sinh sản cả trăm con, tuy nhiên, trận lũ cuối năm 2017 đã cuốn trôi tất cả dụng cụ trong gara ôtô và chuồng trại chăn nuôi.

Không nản chí, đầu năm 2018 anh về quê nhà ở thôn 1, xã Tiên Cảnh đầu tư chuồng trại, nuôi thả dúi, chồn hương, nhím đá với quy mô lớn. Khu vườn vườn nhà rộng 6.000m2, anh Xuyên rào chắn xung quanh bằng lưới B40, xây 2 chuồng trại, mỗi chuồng rộng chừng 500m2 để nuôi thả khoảng 600 con dúi, gần 10 con chồn hương, nhím đá sinh sản với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Diện tích đất còn lại, vợ chồng anh trồng mía, tre, nứa, tỉa bắp để làm thức ăn cho vật nuôi.

Theo anh Xuyên, nhờ nghiên cứu kỹ, tìm tòi học hỏi trên internet và đi thực tế học tập kinh nghiệm nuôi dúi, chồn hương, nhím đá ở các tỉnh phía Bắc nên các con vật nuôi ở trang trại phát triển tốt, không mắc các loại dịch bệnh. Chuồng nuôi dúi khá đơn giản, dùng gạch lát nền size lớn quây lại thành từng ô cho dúi ở. Làm chuồng theo cách này chi phí thấp, mặt gạch trơn nên không làm nắp che cũng không lo dúi chui ra ngoài. Lồng nuôi chồn hương làm bằng lưới B40, chiều cao 0,7m, chiều rộng 1m, đảm bảo thoáng mát, cao ráo, có hệ thống cửa sổ đóng mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát để chồn phát triển. Dúi thả nuôi khoảng 8 - 9 tháng sẽ sinh sản. Mỗi năm, dúi đẻ 3 - 4 lứa, mỗi lứa 2 - 5 con. Nếu được chăm sóc tốt, tỷ lệ sống đến giai đoạn trưởng thành hơn 90%. Dúi nuôi khoảng 3 tháng, trọng lượng khoảng 5 lạng, giá bán 600 nghìn đồng/con giống; dúi có trọng lượng 0,5 - 0,8kg, giá bán 800 nghìn đồng/con giống; dúi sinh sản giá bán 2 triệu đồng trên con. Đối với dúi thương phẩm có giá dao động 500 - 700 nghìn đồng/kg. Nguồn thức ăn chủ yếu của dúi là thân cây tre và thân cây mía, hạt bắp khô.

Đối với chồn hương sau khi nuôi khoảng 1 năm sẽ đẻ con. Mỗi năm chồn hương mẹ đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Thức ăn chính của chồn hương là các loại trái cây như chuối, mít, đu đủ… chồn còn ăn chim chuột, mối kiến, các loại bò sát… Hiện chồn hương thịt thương phẩm có giá 1,3 - 1,5 triệu đồng/kg. Anh Thái Văn Xuyên cho biết, dúi, chồn hương, nhím đá là động vật hoang dã nên lúc mới nuôi rất sợ tiếp xúc với con người, vì vậy cần giảm sự tiếp xúc ban đầu để nó phát triển nhanh.

Các con vật nuôi này chủ yếu ăn ban đêm ngủ ban ngày, vì vậy cần hạn chế không cho ánh mặt trời tiếp xúc nhiều. Thức ăn chính của dúi, chồn hương, nhím đá chủ yếu có sẵn ngoài tự nhiên nên chi phí thấp, lợi nhuận mang lại khá cao. Dự kiến, gia đình anh sẽ nhân đàn dúi sinh sản lên khoảng 4.000 nghìn con, chồn hương sinh sản khoảng 100 con và vài chục cặp nhím đá.

“Dúi là loài động vật dễ nuôi, chi phí đầu tư ít, chu kỳ chăn nuôi ngắn, nhanh thu hồi vốn. Còn nuôi chồn hương cũng ít tốn diện tích, nhẹ công chăm sóc, nơi ở cần sạch sẽ, mỗi ngày phải dọn dẹp chuồng nuôi để phòng tránh dịch bệnh. Nếu chăm sóc tốt chồn nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng gần 3kg là có thể xuất bán” - Anh Xuyên cho hay.

                                              Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam