www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhớ mo cơm gói của mẹ ta xưa

"Lạy trời cho đến tháng Giêng. Mo cau rụng xuống, hai đứa nguyền lấy nhau". Trong những năm kháng chiến chống Pháp, người dân Tiên Phước chỉ sợ máy bay giặc oanh kích mà thôi, chớ còn việc đi rừng chặt củi, đi gặt, đi bừa, đi tát suối, tát đìa ... cho đến lũ trẻ chăn trâu ở lại buổi trưa, hoặc trẻ nhỏ đi học ở lại trường… thì rất thanh bình, êm ấm. Để thuận tiện cho việc nấu nướng, không có gì dễ cho bằng dở cơm theo ăn trưa. Đây là công việc quen tay của mẹ thức dậy sớm, lo nấu cơm, đun nước.

     Lúc khách thương nghỉ trưa bên đường trong chuyến bán buôn, hay khi người thợ gặt ngưng liềm, ngồi dưới bóng mát cạnh bờ ruộng… họ mở mo cơm gói ra ăn ngon lành.

    Nhắc đến cơm dở, gói trong mo cau, lòng tôi lại bồi hồi nhớ mẹ xưa dậy sớm đun bếp, nhúm lửa. Bữa nào dở cơm theo ăn, là bữa ấy mẹ nấu cơm nhão, để dễ gói. Miếng cơm khi ép lăn tròn, đè xuống, dính liền nhau, không bị bời rời, khô khốc. Mẹ thường nhắc nhở, nấu cơm dở mo cau, mình không nên ghế/trộn vào các thứ, như: khoai, sắn, hột mít…nhất là bắp. Dù cho hạt bắp đã xay giã nhỏ, nhưng nó không dẻo, gói cơm khó, hạt cơm rời rạc.

 

Cơm nắm mo cau

 

     Mẹ tôi lựa cái mo cau nào nhỏ nhỏ thôi. Sau đó, mẹ cắt thành hình chữ nhật, rồi đem phơi khô. Khi gói cơm lần đầu, phải nhúng nước mo cau cho mềm. Còn các lần sau, thì mẹ không làm như thế nữa, vì nó đã có nếp gấp cũ rồi.

    Việc gói cơm dở đã trở thành quen tay đối với mẹ. Sau khi mở mo cau ra cho thẳng thớm, mẹ bới cơm đặt vào giữa lòng mo cau. Sau đó, mẹ bẻ hai đầu mo cau lại, và gấp xuống. Rồi tiếp tục bẻ cuốn hai mí vào, đồng thời ép lại, lăn vài vòng cho cơm dẽ dặt, tròn trịa. Trước khi gói thành mo cơm, mẹ thường dặn là phải mở trống mo cơm ra, để một chặp, cho cơm nóng bốc hết hơi. Nếu không làm như thế, gói cơm sẽ bị ủ nước, mau thiu. Sau khi gói xong,  mẹ buộc một nuột lạt tre ở giữa gói, và một sợi dây khác để làm dây mang vào vai.

 

 

    Đồ ăn mang theo, có thể là một miếng cá muối nướng. Nhưng thường thì người ta đem theo gói đậu phụng rang giã trộn muối, hay gói muối mè. Những thức ăn ấy được mẹ gói riêng trong miếng lá chuối, và kèm bên ngoài gói cơm.

    Khi ngồi một góc bìa rừng, hay lúc nghỉ trưa bên đường, người đi củi, anh lữ khách dừng chân, mở gói cơm, tiện tay bẻ cây rừng làm đũa, hoặc mang theo con dao xếp, cắt lát cơm tròn, dẻo, chấm nuối đậu phụng. Ăn xong, uống miếng nước chè xanh mang theo bên mình, rồi đánh một giấc nghỉ trưa ngon lành. Còn lũ học trò xa ở lại. thì cùng xúm xít bên nhau, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ.

    Nhắc đến con dao xếp, làm tôi nhớ lại những ngày xưa dang nắng trên miền trung du Tiên Phước để lượm vỏ đạn. Sau khi máy bay Pháp oanh kích, đánh bom, bắn phá xóm làng. Chừng vài ngày sau đó, các bọn trẻ rủ nhau đi lượm vỏ đạn đồng, gắp đạn thép. Thế rồi, đem các gắp đạn thép ấy xuống lò rèn, nhờ thợ rèn làm con dao xếp, để mẹ bữa cau, ăn trầu.

    Ngày nay, khi về miền nông thôn, gặp mùa thu hoạch. Vào giờ nghỉ ăn trưa, nhìn những người nông dân mở nắp lon ghi – gô cơm trắng, và miếng cá nướng ớt tỏi, họ xúm quanh nhau vừa ăn vừa bàn chuyện “thế nhân”, mà lòng tôi xao xuyến nhớ về gói cơm mo cau ngày trước của mẹ thân yêu.

                                             Võ Khoa Châu - Hội viên Hội VHNT Khánh Hòa