www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ngôi đình làng cổ nhất ở Tiên Phước đứng trước nguy cơ sụp đổ

Được xem là ngôi đình cuối cùng còn lại của huyện Tiên Phước, đình làng Hội An, thôn Hội An xã Tiên Châu được xây dựng cách đây hai trăm năm đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Đình Quyền - một người cao tuổi trong làng cho biết, theo cha ông kể lại, đình được xây dựng cách đây hơn 200 năm để thờ cúng vị tiền hiền của làng là ông Nguyễn Phúc, người có công khai khẩn vùng đất này. “Đình xưa có tất cả 3 ngôi nhà, ngoài ngôi đình chính và nhà kho thì còn một nhà hội nằm bên phải của đình làm nơi tổ chức ăn uống mỗi khi cúng đình.

      Phía trước đình là một khoảng sân rộng gần 1.000m2 lát gạch, xung quanh có tường bao bọc, cổng ngõ ra vào rất đẹp. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi Xã đội trưởng dân quân Trương Phước Tín (hy sinh năm 1955) chọn làm nơi hội họp du kích địa phương, bàn kế hoạch đánh địch…. Tuy nhiên, sau giải phóng do những nguyên nhân khác nhau mà tường bao, cổng gõ và ngôi nhà hội đã bị đập phá hoàn toàn” - ông Quyền cho biết.Tọa lạc trên một khu đất cao bằng phẳng, diện tích khoảng 3.000m2, đối diện UBND xã Tiên Châu, đình làng Hội An còn lại gồm một đình chính ở giữa và nhà kho kế bên. Cả 2 được làm bằng gỗ mít, mỗi nhà có 24 trụ đường kính từ 25 - 30cm. Khung nhà được kết cấu theo kiểu trính xuyên lận lục lăn và kèo tam đoạn lục lăn. Riêng các kèo tại nhà kho được chạm trổ hình cuộn sóng, hoa lá, phía dưới 4 đầu kèo hướng ra hiên chạm trổ đầu các con giao (đầu cù).

 

                               

                   Nhà chính và nhà kho đình làng Hội An

 

        Ông Trương Quốc Tuấn - phụ trách văn hóa UBND xã Tiên Châu cho biết, UBND xã cũng đã nhận được đơn xin hỗ trợ tu sửa đình, nhưng do kinh phí eo hẹp nên tạm thời xã chỉ giúp thôn 1 triệu đồng để mua bạt che mái nhà kho, về lâu dài cần có sự hỗ trợ của các ban ngành cấp trên để bảo vệ ngôi đình. Ông Đặng Công Dung - Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước cho hay, Hội An là ngôi đình cuối cùng còn lại của huyện Tiên Phước và có giá trị về nhiều mặt. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc ngôi đình còn phản ánh đời sống tâm linh của người dân với bậc tiền nhân, với các liệt sĩ nên càng có ý nghĩa. Tuy nhiên, do chưa được xếp hạng nên rất khó bố trí kinh phí để trùng tu tôn tạo.Dù một số hạng mục công trình đã bị sụp đổ nhưng hàng năm cứ đến ngày 19 tháng giêng âm lịch, dân làng vẫn tổ chức cúng đình rất long trọng.

 

                                  

                  Rui mè đã bị mục ruỗng xuống cấp nghiêm trọng

 

       Đặc biệt, sau ngày giải phóng đình không chỉ thờ cúng tiền hiền mà còn là nơi hương khói những liệt sĩ vô danh nên càng được nhân dân trong vùng ngưỡng vọng. Những năm gần đây, do thôn không có kinh phí tu bổ, đình càng xuống cấp, cây dại mọc tràn lan, phần mái của nhà kho bị dột nát nghiêm trọng. “Năm 1996, mái nhà kho đã được sửa chữa, nhưng do thôn ít tiền nên chỉ làm tạm, bây giờ bị hư lại không biết có trụ nổi qua mùa mưa này hay không. Năm 2010, có mấy người buôn nhà cổ ở Hội An, Thăng Bình lên dạm hỏi mua ngôi nhà kho nhưng dân làng không bán. Họ trả giá 24 triệu. Ban đầu cũng có ý kiến cho là bán để lấy tiền sửa ngôi đình chính, cứ coi như mất một cái giữ một cái chứ không thì cả 2 đều bị sụp hết, nhưng bàn đi tính lại cuối cùng ban nhân dân thôn và chi hội người cao tuổi thôn quyết định không bán” - ông Trương Minh Tân, Trưởng thôn Hội An nói.

       Cũng theo ông Dung, trước mắt Phòng VH-TT huyện đã thống nhất với đề xuất của xã Tiên Châu mua bạt che đậy phía trên mái nhà kho để hạn chế mưa dột, phát dọn cây cối chống ngã đổ vào đình. Phòng cũng đang tiến hành lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét xếp hạng di tích cấp tỉnh để có cơ sở xin kinh phí tu bổ. “Hy vọng đình sẽ sớm được xếp hạng để có giải pháp trùng tu, chứ để lâu ngày nguy cơ sụp đổ là rất lớn” - ông Dung lo lắng.

Theo Vĩnh Lộc - Báo Lao Động