Lên xứ Tiên tư vấn tuyển sinh
Nhiều thầy cô giáo các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT vừa đến huyện Tiên Phước để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học trò chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024.
Ngày hội bổ ích
Thay vì tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ở các đô thị, đồng bằng thường thấy lâu nay, lần đầu tiên, Báo Người Lao Động phối hợp với Sở GD-ĐT Quảng Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam tổ chức chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2024” lên vùng núi tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước).
Vì vậy, không ngạc nhiên khi chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hơn 1.500 học sinh (HS) cùng các thầy, cô giáo đến từ hai trường THPT trên địa bàn huyện Tiên Phước là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh.
“Mình rất háo hức đến dự chương trình để nghe các thầy cô tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, giúp bản thân có thêm kiến thức để chọn nghề, chọn ngành và chọn trường phù hợp, qua đó xác định hướng đi đúng đắn cho tương lai” - một học sinh chia sẻ.
Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc Báo Người Lao Động mang chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” đến huyện miền núi Tiên Phước rất có ý nghĩa, cung cấp nguồn thông tin bổ ích đối với việc lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho các em HS miền núi.
Buổi tư vấn sẽ giúp các em có đầy đủ thông tin để lựa chọn cho mình những ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở thích vừa phù hợp với yêu cầu xã hội và nhu cầu tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ngoài ra, HS các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh có thể theo dõi chương trình qua sóng truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam hoặc tường thuật trực tuyến tại địa chỉ nld.com.vn và fanpage “Đưa trường học đến thí sinh” của Báo Người Lao Động.
Thay mặt ban tổ chức, TS.Hoàng Thúy Nga (Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT) đã thông tin những điểm mới nhất và một số lưu ý quan trọng về mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.
Theo TS.Nga, về cơ bản tuyển sinh năm 2024 vẫn giữ ổn định như năm 2023, chỉ có thay đổi mang tính kỹ thuật. “Để nắm bắt cơ hôi, các em nên lựa chọn nhiều nhất các phương thức xét tuyển và nên chọn ngành yêu thích nhất là nguyện vọng 1” - bà Nga nhắn nhủ.
Tại buổi tư vấn còn có một HS mới học lớp 11 nhưng đã quan tâm đến tuyển sinh đại học khi hỏi về xét tuyển kết quả học tập có đánh giá năng lực hay không và việc lựa chọn ngành nghề phù hợp cho tương lai.
Còn cô giáo Bích Thiệp hỏi về đánh giá năng lực như thế nào với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 để có định hướng HS lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
TS.Hoàng Thúy Nga cho biết Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo cung cấp thông tin về tuyển sinh, đường dây nóng giải đáp. Về đánh giá năng lực với chương trình giáo dục phổ thông mới, cuối năm 2024 mới có thể công bố chính xác vì phải mời các chuyên gia thảo luận để có giải pháp tốt nhất.
Ngành nghề đào tạo và việc làm
Rất nhiều câu hỏi của HS, trong đó tập trung vào nhóm các vấn đề như phương thức tuyển sinh đại học năm nay; chương trình đào tạo; học phí và tất cả đều được các thành viên ban tư vấn giải đáp cặn kẽ.
Trả lời câu hỏi của một HS về bài thi đánh giá năng lực, TS.Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Trung tâm Đào tạo tài chính Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết, trường có 5 phương thức xét tuyển, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính, thí sinh phải đăng ký tham gia kỳ thi do nhà trường tổ chức.
Bên cạnh ngành học, phương thức tuyển sinh, câu chuyện việc làm cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của học trò. Em Vũ Gia Huy đặt câu hỏi với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM về ngành thiết kế đồ họa việc làm như thế nào, chính sách học phí ra sao.
Ths.Nguyễn Quới - Phó khoa Đào tạo quốc tế cho biết, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp cần thiết kế đồ họa nên cơ hội việc làm rộng mở.
Nhà trường quan hệ với 300 doanh nghiệp hỗ trợ thực tập, việc làm và thực tế những năm qua có hơn 60% sinh viên nhận việc làm trước khi tốt nghiệp. Học phí của trường ở mức trung bình và thấp, 20 - 30 triệu/năm.
Một HS khác đặt câu hỏi học ngành sư phạm ra trường sắp tới có thất nghiệp không, TS.Hoàng Thúy Nga thông tin, đội ngũ GV thiếu rất lớn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao theo nhu cầu các địa phương, học xong sẽ về công tác tại địa phương đó (đối với trường địa phương). Nếu không nhận công tác sẽ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ (học phí, sinh hoạt phí).
Một đại diện của Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ, không nên chạy theo ngành hot, làm sao đủ năng lực, đủ chuyên môn thì chắc chắn có việc làm.
“Học ngành nào cũng được, trường nào cũng được, miễn sao ra trường làm đúng nghề mình yêu thích, có được nhiều tiền là thành công. Bởi việc làm, ngoài ngành nghề phù hợp còn có cái duyên nữa” - vị này nói.
Xuân Phú - Báo Quảng Nam