www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước mất mùa lòn bon

 Dù đã vào vụ chính nhưng nhiều vườn lòn bon ở các xã Tiên Châu, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) vẫn lưa thưa quả. Xứ sở lòn bon ở Quảng Nam gần như rơi vào tình cảnh mất trắng vụ này.

 

          Mất mùa

      Nhìn vườn lòn bon chỉ lác đác ra hoa, bà Lê Thị Nga (thôn Hội An, xã Tiên Châu) ngậm ngùi: “Những năm trước, thời điểm này vườn tui đã tấp nập thương lái đến mua rồi. Vụ này mất trắng, chẳng có một gốc nào ra quả nên gia đình cũng mất luôn nguồn thu nhập lớn hằng năm”. Bà Nga cho biết, mỗi năm vườn bà thu hoạch trái từ khoảng 50 gốc lòn bon, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên năm nay do thời tiết khắc nghiệt cùng với việc không chủ động nguồn nước khiến lòn bon ít quả. Thấy cây ra hoa, bà Nga lo lắng bởi ra hoa thời điểm này không cho quả nhiều, nếu có quả thì không ngon ngọt. Bà Nga chỉ mong mùa này trời mưa nhiều cho hoa rụng hết, để sau tết cây ra hoa lại là kịp với chu kỳ sinh trưởng bình thường của cây lòn bon.


Lòn bon Tiên Phước thời điểm này mới ra hoa xem như đã mất trắng. Ảnh: D.L
Lòn bon Tiên Phước thời điểm này mới ra hoa xem như đã mất trắng. 


        Cũng như vườn lòn bon của bà Nga, gia đình bà Nguyễn Thị Hoài Viên (thôn 2, xã Tiên Châu) chưa thu hoạch được gì từ vườn lòn bon. Điều này hoàn toàn ngược lại với vụ mùa bội thu năm 2012. Vụ trước vườn nhà bà bán gần 1 tấn lòn bon, thu gần 20 triệu đồng, đủ lo ăn học cho con khi bước vào năm học mới. Nhưng năm này, đầu năm học là bà phải lo đi làm để kiếm thêm cho con nộp tiền học vì nguồn thu nhập chính của gia đình gần như mất trắng. Bà Viên nói: “Những người làm vườn như tui cũng được nghe hướng dẫn về biện pháp kỹ thuật, nhưng nói thiệt không ai dám làm. Vì chi phí chăm sóc đầu tư lớn, ở đây không chủ động được nguồn nước tưới. Với lại nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật thì mùa nào cũng phải làm, nếu không cây lòn bon không cho trái luôn thì chết. Thôi thì cứ để rứa, tùy vào thời tiết”.

       Tiên Châu là xã chiếm khoảng 70% sản lượng lòn bon của huyện Tiên Phước, nhưng thời điểm này dạo quanh các nhà vườn ở đây đều thấy rõ cây lòn bon không cho quả nhiều như vụ trước. Không chỉ riêng Tiên Châu mà các xã có cây lòn bon như Tiên Kỳ, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ cũng mất trắng. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, lòn bon ở Tiên Phước cứ sau một chu kỳ 3 - 4 năm được mùa thì lại rơi vào cảnh mất mùa ở 2 - 3 năm tiếp theo.

         Khó ứng dụng kỹ thuật

       Tiên Phước có 242ha trồng lòn bon, đã có 120ha cho quả thường xuyên. Loại cây này giúp nhiều hộ làm vườn có nguồn thu nhập từ 10 triệu đồng/vụ trở lên, có nhiều hộ thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng từ vườn lòn bon của mình. Ông Tống Phước Thuần - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Những năm gần đây, khi cây lòn bon được mùa, gần như đó là nguồn thu nhập chính cho nhiều nhà vườn của huyện Tiên Phước. Nhưng cây lòn bon cho quả nhiều hay ít phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của thời tiết. Năm nay thời tiết không thuận lợi theo chu kỳ sinh trưởng của cây lòn bon khiến cho loại cây này không thể ra quả như hằng năm”.

         Theo ông Thuần, thời tiết lý tưởng để cây lòn bon có thể rụng lá ra hoa là phải ít mưa vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Nhưng năm này, sau tết có hiện tượng mưa nhiều trên địa bàn nên đã phá vỡ chu kỳ ra hoa của cây. Sau nhiều năm theo dõi chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lòn bon, ông Thuần cũng rút ra được kinh nghiệm như các hộ làm vườn, lòn bon được mùa theo chu kỳ. Sau thời gian mất mùa từ năm 2006 - 2009, đến năm 2010, lòn bon ở Tiên Phước lại cho quả với sản lượng đạt 350 tấn. Các năm 2011, 2012 sản lượng tăng nhanh từ 600 lên đến 1.000 tấn. Và đến năm nay, chu kỳ ấy đã lặp lại với hiện tượng lòn bon mất trắng.

         Về vấn đề áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây lòn bon cho trái hằng năm, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước đã triển khai đến các hộ dân, nhưng không nhiều người ứng dụng. Lòn bon là loại cây đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, có độ phức tạp hơn các loại cây khác. Các tác động về kỹ thuật như phun thuốc lên lá, bón phân, chế độ tưới nước định kỳ là rất khó khăn với chi phí khá cao, khó áp dụng trong điều kiện thực tế hiện nay. Còn các biện pháp tác động trực tiếp, thời vụ như xiết nước, làm đứt rễ cây thì người dân không dám vì sợ ảnh hưởng đến vụ sau hoặc chết cây. Điều này đã lý giải vì sao người dân ít chăm sóc cây lòn bon, để cây tự lớn rồi thu hoạch, nên sản lượng hoàn toàn phụ thuộc vào nắng mưa của trời.

                                                                        D.Lệ - Đ.Đạo, Báo Quảng Nam