www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Hồ Cột (1923 - 1998)

Đồng chí Hồ Cột sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn 1, Tiên Lộc, Tiên Phước, Quảng Nam. Bố mẹ sinh hạ được 3 người con (2 gái 1 trai), đồng chí là người con thứ hai. Lớn lên trong giai đoạn nước mất nhà tan, đồng chí đã sớm hình thành ý thức yêu nước căm thù giặc.

Đồng chí tham gia cách mạng tháng 8 - 1945, kết nạp Đảng năm 1947. Đồng chí đã làm Bí thư xã Tiên Lập rồi Tiên Hiệp. Suốt trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn (1946 - 1954) đồng chí luôn là người lãnh đạo có uy tín được mọi cán bộ đảng viên và nhân dân huyện nhà tin yêu mến phục. 

 Ngày 29-9-1954, tại Cây Cốc (Tiên Thọ) bùng nổ cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân huyện nhà đòi địch thi hành Hiệp định Giơ - ne - vơ, chống bắt người vô cớ. Cuộc đấu tranh bùng phát nhanh vượt tầm kiểm soát, 4 - 5 ngàn người dồn về Cây Cốc, do vậy, lãnh đạo huyện, xã trong đó có đồng chí Hồ Cột tức tốc xuống hiện trường để lãnh đạo, chỉ đạo ngăn cản nhân dân. Nhưng kẻ địch đã nổ súng đàn áp dã man, giết hại hơn 330 người và làm bị thương nhiều khác, trong lúc đó đồng chí Hồ Cột bị thương.

 Sau cuộc đấu tranh Cây Cốc, địch tiếp tục truy lùng bắt bớ những người tham gia đấu tranh, đồng chí Hồ Cột cùng khoảng 600 cán bộ, đảng viên và quần chúng kiên trung của ta bị chúng giam chung vào một hội trường ở quận lị, gọi là trường Huấn. Hàng ngày, chúng cùm chân những cán bộ thoát ly đem phơi nắng. Đêm đến chúng bắt những người “sám hối” hai tay nâng hai hòn gạch lên khỏi đầu, mặt phải nhìn lên sân khấu có ngọn đèn măng sông sáng rực và ảnh Ngô Đình Diệm, ai qụy xuống là chúng đánh. Chúng dùng tre gốc, mỗi gốc chẻ sáu thanh không róc cạnh làm roi buộc con dâu phải đánh ông gia, con phải đánh cha, vợ đánh chồng, cưỡng bức cha con, vợ chồng phải tố giác nhau. Sau đó, địch tiếp tục đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo.

 Tại nhà tù Côn Đảo, kẻ địch tra tấn hết sức dã man hòng hành hạ cả thể xác và tinh thần tù nhân như nhốt vào chuồng cọp (là dãy phòng nhỏ hẹp được bọc bởi tường dày, lưới thép gai trên đầu, chúng coi tù nhân như súc vật, vào mùa đông chúng thường tạt nước lạnh (kể cả nước tiểu) lên đầu tù nhân mình trần, thân trụi, mùa nắng thì nắng nóng cao độ. Sang thời Mỹ - ngụy nhà tù được “nâng cấp” hơn, tức là các dãy nhà tù quay cửa sổ vào trong nên tối om, và để tù nhân phải chứng kiến đồng đội bị tra tấn, rên xiết trước mặt đồng chí mình, nhưng mỗi tiếng ho của tù nhân đều bị kẻ địch cho là ám tín hiệu nên thả sức đánh đập, hành hạ, thật vô cùng đau đớn,….nhưng đồng chí luôn giữ vững bản lĩnh kiên trung bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Khác với những đồng chí khác, đồng chí Hồ Cột hoạt động nữa bí mật, nữa công khai khi bị bắt, kẻ địch biết rõ đồng chí là Bí thư Đảng ủy xã Phước Hiệp (Tiên Lập ngày nay), nhưng dù tra tấn thế nào, dùng cực hình nào đồng chí cũng đều không khai báo ! Cứ như vậy, từng ngày, từng giờ đồng chí bền bĩ đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn thâm độc, hèn hạ của kẻ địch ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian đằng đẳng suốt 21 năm (từ tháng 10 - 1954 đến ngày 1 tháng 5 năm 1975) khi cách mạng giải phóng hoàn toàn đất nước !

Sống trong nhà tù, đồng chí cùng anh em tù nhân cách mạng bằng ý chí kiên quyết đấu tranh chống lại chế độ giam cầm khắc nghiệt và man rợ của nhà tù Côn Đảo. Đấu tranh làm sụp đổ âm mưu của kẻ địch dùng “bàn tay nhung” và “bàn tay sắt” hòng lung lạc tinh thần và thể xác của tù nhân cách mạng. Trong môi trường sinh tử trong nhà tù đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị kiên cường của người đảng viên cộng sản và tình cảm đồng chí bền chặt hơn bao giờ hết, tiếp thêm sức mạnh đấu tranh cho đồng đội của mình vì tổ chức, vì cách mạng, vì đồng bào đang chịu cảnh đớn đau nước mất nhà tan,…

Từng ngày, từng giờ trong nhà tù là sự cầm cự, đối kháng quyết liệt giữa những tù nhân cách mạng với thân hình gầy còm bị xiềng xích tay chân, bị khủng bố bằng đủ hình thức hòng tẩy não cộng sản, để rồi tù nhân phải ly khai Cộng sản hoặc ít ra cũng phải khai báo ít nhiều về hoạt động, tổ chức của cách mạng, nếu không thì bỏ mạng ngoài Hàng Dương. Nhưng không, đồng chí vẫn bền bĩ chịu đựng trong đau khổ tột cùng về thể xác nhưng ý chí vững tin về thắng lợi của cách mạng trên toàn miền Nam.

Và đó là động lực để đồng chí Hồ Cột tham gia cùng với đồng chí Ngô Đôi và tập thể tù chính trị trong lao tuyệt thực kéo dài cho đến ngày thứ 23 để buộc địch phải cải thiện chế độ lao tù vào năm 1964. Cuộc đấu tranh thắng lợi, địch phải nhượng bộ giải quyết nước tắm và mỗi ngày cho tù nhân ra sân được một giờ.

Tại quê nhà, gia đình đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh kiên trung bất khuất, người con trai Hồ Ngọc Biên hăng say hoạt động cách mạng. Đến năm 1967, đồng chí Hồ Ngọc Biên trở thành dũng sĩ diệt Mỹ tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam được ra miền Bắc gặp Bác Hồ trong lễ báo công dâng Bác. Đây là vinh dự lớn lao đối với đồng chí Hồ Cột là cũng là vinh dự của Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Phước. 

Năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, tù nhân ở Côn Đảo được đón về đất liền. Đồng chí Hồ Cột trở về đoàn tụ với gia đình, tuy nhiên, do chịu đựng quá nhiều tra tấn dã man, nên khi ra tù, thân thể đồng chí gầy đến mức như da bọc xương, da xanh xao gầy bủng. Phải nằm hàng tháng ở bệnh viện mới dần phục hồi sức khỏe lại phần nào ! Đồng chí qua đời năm 1998 tại quê nhà Tiên Lộc.

Có thể nói trong 2 cuộc kháng chiến, đồng chí Hồ Cột một lòng, một dạ hướng về Đảng và phong trào cách mạng giải phóng quê hương, kiên trung bất khuất trước mọi sự tra tấn, khủng bố của kẻ thù. 21 năm trong nhà tù Côn Đảo, một sự hy sinh ngoài sức chịu đựng của con người. Đó chính là tấm gương trung kiên tiêu biểu của huyện Tiên Phước để đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên huyện nhà phải tưởng nhớ và noi theo học tập.

Theo Bản Tin Tiên Phước