www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Chuối tươi sấy dẻo

Với mô hình sản xuất chuối tươi sấy dẻo, chị Lương Thị Mỹ Trinh (thôn 4, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) đã góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho người dân trồng chuối trên địa bàn. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế này cũng giúp chị có một khoản thu nhập khá mỗi năm.

 

Sản phẩm chuối tươi sấy dẻo đang được thị trường ưa chuộng nhờ đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đ.T
Sản phẩm chuối tươi sấy dẻo đang được thị trường ưa chuộng nhờ đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đ.T 

Tiên Hiệp là vùng trung du miền núi, đất đai tươi tốt, phù hợp với những loại cây ăn quả như sầu riêng, lòn bon, thanh trà, mít… Đặc biệt là cây chuối, những buồng chuối to, sai trái, xanh mướt được các bà, các chị chở bằng xe gắn máy xuống chợ xuôi vào những buổi sáng sớm. Tuy nhiên, cây chuối thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều mùa thu hoạch chuối tiêu thụ không kịp, phải đổ bỏ, giá lại rẻ nên chị Trinh quyết định đầu tư mở lò sản xuất chuối tươi sấy dẻo, chuối khô ngào đường và nhiều sản phẩm khác từ chuối.

Ban đầu chị Trinh chỉ sản xuất nhỏ lẻ, làm thủ công, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong huyện. Từ năm 2018, chị đầu tư trang thiết bị, thuê nhân công sản xuất với số lượng lớn; sản phẩm làm ra được tiêu thụ khắp cả nước với những đơn hàng lớn và đã có mặt tại siêu thị Đà Nẵng với tên sản phẩm chuối tươi sấy dẻo Thiên An My. 

Chị Trinh chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất gặp không ít khó khăn, nhất là thiếu vốn để đầu tư máy móc, cải tiến trang thiết bị sản xuất; nguồn nguyên liệu đôi lúc không ổn định vì người dân nơi đây trồng chuối chủ yếu gần nhà, chưa đầu tư về kỹ thuật cũng như phân bón, nên năng suất thấp, không đủ cung cấp cho xưởng. Để khắc phục điều này, tôi đã đến từng nhà các anh chị em trong xã vận động trồng và chăm sóc cây chuối để cho năng suất cao và xưởng trực tiếp thu mua”.

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới 400 triệu đồng và 100 triệu đồng vay từ nguồn giải quyết việc làm do Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn, năm 2020, cơ sở chuối tươi sấy dẻo Thiên An My đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất và mua sắm máy móc để chế biến thực phẩm từ nông sản với tổng giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Qua đó, năng suất sản xuất tăng lên nhiều lần, đảm bảo vệ sinh môi trường và cải thiện tốt hơn điều kiện lao động cho người dân tại địa phương.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm chuối sấy, chị Trinh cho biết: “Nguyên liệu làm chuối sấy phải là giống chuối nai (chuối mốc), trái mập mạp, tròn đều, vỏ mỏng và không quá to như chuối lùn. Chuối đem bỏ vỏ, bào mỏng, rửa qua nhiều nước để sạch nhựa. Sau đó, đem chuối trộn với đường, mè rồi cho vào dầu chiên đến khi ngả màu cánh gián thì vớt ra. Để tăng hương thơm và thêm vị riêng, lúc trộn nguyên liệu người chế biến cho thêm gừng vào. Để có những mẻ chuối đạt chất lượng còn phụ thuộc vào nhiệt độ khi sấy. Chỉ cần già lửa và chiên hơi lâu là chuối cháy khét, ăn có vị đắng, không còn giữ được vị ngọt, giòn của chuối. Thời gian chiên phải được cố định trong khoảng 70 - 75 phút cho một mẻ. Sau khi chiên xong, chuối được vớt ra để ráo dầu, cho đến lúc bẻ đôi lát chuối nghe giòn tan là được”.

Hiện nay sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối khô của cơ sở Thiên An My đã được bán ra thị trường Tam Kỳ và siêu thị Đà Nẵng. Chuối sấy dẻo cũng là một trong những mặt hàng được chị Trinh quan tâm cải tiến sản xuất liên tục và trong nhiều năm liền sản phẩm này được trưng bày ở các hội chợ trong và ngoài địa phương.

Đoàn Tiên - Báo Quảng Nam