www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ứng dụng sản xuất nông nghiệp thông minh

Thực hiện Đề án 03 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nhiều hộ nông dân ở xã Tiên Hà từng bước ứng dụng sản xuất nông nghiệp thông minh, đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Mô hình của gia đình ông Phạm Hồng Sơn (thôn Tiên Tráng) là một điển hình. 

 

Nhờ ứng dụng công nghê tiên tiến, vườn cây của gia đình ông Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.H
Nhờ ứng dụng công nghê tiên tiến, vườn cây của gia đình ông Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.H 

Trên diện tích đất hơn 2ha của gia đình, lâu nay vợ chồng ông Sơn trồng các loại hoa màu, cây quế và sản xuất cây giống, song hiệu quả kinh tế thấp, cũng chỉ đủ để có cái ăn hằng ngày.

Sau hơn 10 năm làm lụng, loay hoay tìm một hướng đi mới, bằng sự chủ động học hỏi thông qua các phương tiện truyền thông và internet, năm 2018 ông Sơn chọn mua 200 cây chuối nai được nhân giống cấy mô của Viện Cây giống trung ương về trồng xen với các loại cây lâu năm khác.

Trong quá trình sản xuất ông Sơn áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, đưa vào sử dụng các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP vừa hiệu quả, lại thân thiện với môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

 

Cây chuối từ trồng đến thu hoạch khoảng 12 - 14 tháng, bán khoảng 200 - 250 nghìn đồng/buồng đã giúp gia đình ông có nguồn thu trung bình 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Cùng với chuối, ông Sơn đưa vào trồng bơ, mít Thái, ổi, bưởi da xanh, cam giấy và hơn 200 choái tiêu Tiên Phước, tất cả đang trong giai đoạn cho trái.

Ông chia sẻ: “Tùy theo thổ nhưỡng cũng như đặc tính của cây mà tôi chia ra làm nhiều khu vực thử nghiệm khác nhau để thuận tiện chăm sóc và theo dõi khả năng thích ứng của từng loại cây, cũng là bước đệm cho việc chọn lựa loại cây trồng phù hợp, cũng như hoàn thiện quy trình chăm sóc để có cơ sở đưa vào sản xuất giống cây phù hợp.

Để đảm bảo cây phát triển, tôi xây dựng hệ thống nước tưới từ giếng khoan theo phương pháp nhỏ giọt tự động, vừa tiết kiệm nước, quản lý chính xác về yêu cầu về nước cho cây trong từng thời kỳ”.

Từ những thành công bước đầu năm 2020, gia đình ông Sơn mua thêm 1,5ha đất tại thôn Đại Tráng để trồng 200 cây măng cụt, 350 cây mít Thái, 250 cây chanh giấy, kết hợp trồng 800 cây cau, 800 cây chuối.

 

Ông còn trồng xen bắp, ngọn bí nhằm tạo độ che phủ cho đất. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho trang trại, ông đầu tư khoan giếng và bắt hệ thống phun nước, tưới phân tự động với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Sau gần một năm được đầu tư chăm sóc chu đáo theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, các loại cây trồng đã bám đất lên xanh.

Ông Lê Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết, gần đây trên địa bàn xã Tiên Hà bắt đầu xuất hiện nhiều hộ nông dân sáng tạo, cải tiến để cải tạo quy trình, giảm chi phí đầu tư, gia tăng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi.

Nông dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất cây trồng, đảm bảo môi trường sinh thái, xây dựng vùng trồng cây ăn quả hàng hóa xuất ra thị trường đảm bảo chất lượng. Điều đáng ghi nhận là những mô hình như thế này có sức lan tỏa, được nhiều người dân trong xã học tập làm theo, cùng phát triển.

P.Hoàng - N.Hưng, Báo Quảng Nam