www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Di tích lịch sử Tiên Phước

 Lò Chén Phú Lâm, xã Tiên Sơn

-----------------------
Lò chén Phú Lâm được hình thành năm 1935 với tên gọi ban đầu tiếng Pháp là: “Fab - rication Anamite Porcelène Par Hoà Lộc”. Cái tên Tây này cũng phần nào làm cho người Pháp cảm thấy cơ cở sản xuất của ông Lê Tuất gần gũi với họ và chỉ đơn thuần là sản xuất chén bát cung cấp cho thị trường. Nhưng thực dân Pháp không thể ngờ được đây chính là cơ sở kinh tài mà xứ uỷ Trung Kỳ đã giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí Lê Tuất và Huỳnh Lắm xây dựng để hoạt động cách mạng. Sau khi nhận nhiệm vụ của xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Lê Tuất với danh nghĩa là một chủ lò đã mua lại lò chén của ông Tú Quang (Đỗ Quang) ở làng Hoà Vang (cùng thuộc địa phận Tiên Sơn) và đưa về Hoà Lộc, cách thị trấn Việt An khoảng 06 km. Lò chén Phú Lâm ngoài nhiệm vụ làm kinh tế còn là địa điểm liên lạc của tỉnh uỷ và xứ uỷ. Trong giai đoạn này, ngoài lò chén Phú Lâm ra, xứ uỷ còn có một cơ sở khác cũng có nhiệm vụ như lò chén Phú Lâm đó là hiệu sách Việt Quảng ở đường Verdun - Đà Nẵng. 

  Lò chén Phú Lâm hoạt động trong 2 giai đoạn:

- Giai đoạn phục vụ kháng chiến chống Pháp 1935 – 1945
- Giai đoạn hoà bình xây dựng đất nước: 1978 – 1982
Sản phẩm đầu tiên của lò là loại bô vệ sinh - mặt hàng này được các bệnh viện tiêu thụ mạnh lúc bấy giờ, đây là sản phẩm do ông Lê Văn Hiến thiết kế mẫu sản xuất. Để mở rộng thị trường và làm phong phú thêm các mặt hàng, ông Lê Tuất đã được cử đi Lái Thiêu 8 tháng để nghiên cứu mở rộng các mặt hàng chén, bát, dĩa...
Hàng tháng lò sản xuất từ 10 đến 15 ngàn sản phẩm các loại, thị trường tiêu thụ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Nguồn tài chính thu về ngoài việc trả lương cho nhân công và tái sản xuất còn hổ trợ cho các tổ chức hoạt động bí mật của Xứ uỷ.
Theo định kỳ thời gian, hàng tháng những cán bộ của Xứ uỷ Trung kỳ như ông Trương Văn An và bà Phan Thị Nễ thường đến đây để nhận tài chính. Sau thời gian dài hoạt động, bọn mật thám dò la và bắt đầu có dấu hiệu khả nghi. Năm 1940 Pháp đưa một tốp lính khố xanh dưới sự chỉ huy của một sỹ quan Pháp đến Phú Lâm 2 ngày để dò xét. Ông Mai - một công nhân của Lò chén biết tiếng Pháp đã tìm cách giải thích đánh lừa chúng để chúng rút khỏi Phú Lâm. Cuối năm 1939, phong trào cách mạng trong tỉnh bị địch khủng bố ráo riết nhiều tổ chức Đảng bị lộ nhưng cơ sở Lò chén Phú Lâm vẫn tồn tại cho đến ngày cách mạng tháng tám thành công. Sau đó, vì nhiều lí do Lò Chén ngừng hoạt động trong một thời gian khá dài.
Sau khi đất nước thống nhất, Đại hội Đảng toàn quốc được tiến hành (1976), mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng đất nước và hàn gắn vết thương chiến tranh. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính quyền địa phương xã Tiên Sơn đã cho phục hồi lại Lò chén Phú Lâm, giao cho Hợp tác xã nông nghiệp quản lý, trong đó người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Nguyễn Xuân Mai.
Giai đoạn này số công nhân tham gia sản xuất là 40 người. Ngoài mặt hàng truyền thống như chén bát, đĩa...lò còn sản xuất đồ trang trí mỹ nghệ cung cấp cho các địa phương trong tỉnh. Giai đoàn này Lò chén Phú Lâm chỉ hoạt động trong 4 năm (1978 - 1982). Sau đó ngừng hoạt động để tìm hướng sản xuất thích hợp với sự chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã trên toàn quốc.
Lò chén Phú Lâm ngoài việc bảo tồn và phát huy nghề làm gốm sứ truyền thống, tạo công ăn việc làm cho một số người dân quê nghèo khó còn là địa điểm liên lạc của Tỉnh uỷ và Xứ uỷ, cũng như tạo nguồn tài chính hợp pháp hổ trợ tích cực cho các tổ chức hoạt động bí mật của ta trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian nan, thủ thách. Sự tồn tại và đỏ lửa của Lò chén Phú Lâm trong một thời gian dài chứng tỏ sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt và nhạy bén của Tỉnh uỷ và Xứ uỷ trong việc duy trì và phát triển rộng khắp hoạt động của tổ chức cách mạng.
 
   DI TÍCH
Nghĩa trũng Nghĩa hội Quảng Nam 
 

Di tích Nghĩa Trũng – Nghĩa Hội Quảng Nam toạ lạc trong một thung lũng thuộc làng Tiên Phú Tây (nay là thôn 1 Tiên Mỹ, Tiên Phước Quảng Nam). Nghĩa Hội Quảng Nam ra đời và tồn tại trong một khoản thời gian rất ngắn nhưng hoạt động của Nghĩa hội trong những năm cuối thế kỷ XIX là biểu thị cao độ nhất lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, khát khao độc lập tự chủ của các sỹ phu, văn thân yêu nước và nhân dân Việt Nam. Nghĩa trũng - Nghĩa hội Quảng Nam là nơi an nghĩ cuối cùng của các nghĩa sỹ đã bỏ mình vì dân, vì nước, đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Tiên Phước mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả tỉnh, cả nước. Nghĩa trũng - còn là chứng tích về một thời kỳ lịch sử bi hùng nhưng không kém phần oanh liệt, sự xả thân của những người con yêu nước dưới cờ nghĩa kháng Pháp đầu tiên trên đất Quảng Nam. 

          Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình Nhà Nguyễn ươn hèn đã nhanh chóng trở thành con rối trong tay bọn thực dân. Các hoà ước được ký kết năm 1883, 1884 đã tỏ rõ sự nhu nhược, thoả hiệp, bán nước của triều đình Nhà Nguyễn, nhân dân ta ở nhiều nơi đã vùng lên đấu tranh chống lại bọn địa chủ tham quan, phản đối chính sách thoả hiệp với giặc của triều đình. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã có tác động mạnh mẽ đến phái chủ chiến trong triều, mà đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, ông đã cùng với các sĩ phu âm thầm xây dựng căn cứ chống Pháp dưới danh nghĩa “Khai dân, lập ấp”, đồng thời mở đường “Thượng đạo” xây dựng một hệ thống các đồn Sơn Phòng dọc Trường Sơn.

         Ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu, cuộc tấn công vào toà Khâm Pháp thất bại, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở hạ chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cựu tiểu phủ sứ Nha Sơn Phòng Phường Xá là Trần Văn Dư đã cùng với những sĩ phu yêu nước trong tỉnh kết nhau làm Nghĩa Hội tập hợp quần chúng lập căn cứ kháng chiến ở khắp nơi. Tại Quảng Nam, Sơn Phòng Dương Yên từ lâu đã được phe chủ chiến xem như là một trung tâm chỉ huy thứ hai sau Tân Sở cho các tỉnh phía Nam kinh đô Huế, được Trần Văn Dư đặt đại bản doanh của Nghĩa Hội. Tại đây, Chánh Sơn Phòng sứ - chủ hội Trần Văn Dư đã phát đi bản thông đạt “thống thiết kêu gọi các bậc lương đống cựu thần, các giới sĩ, nông, công, thương tuỳ sức, tuỳ tài khởi binh kháng địch, tôn phò quốc tộ, giành lại giang sơn gấm vóc”.

        Hưởng ứng lời hiệu triệu của Trần Văn Dư, nhân dân Quảng Nam nói chung, huyện Hà Đông nói riêng đã tích cực ủng hộ nghĩa hội kháng Pháp. Cuối năm 1885 tình hình bất lợi cho Nghĩa Hội, thực dân Pháp tìm mọi cách để tấn công, đánh phá các căn cứ và mục tiêu cuối cùng là Sơn Phòng Dương Yên - đại bản doanh của Nghĩa Hội. Trước tình hình đó, Trần Văn Dư đã giao quyền chỉ huy Nghĩa Hội lại cho Phó bản Nguyễn Duy Hiệu, nghĩa binh rút về Trung Lộc (Quế Sơn) để kiện toàn lực lượng, còn Hội trưởng Trần Văn Dư về Huế chọn giải pháp ôn hòa. Tuy nhiên, trên đường về Huế, Trần Văn Dư đã bị giặc ám hại.  
 
        
                    Di tích Nghĩa trũng Nghĩa hội hiện nay ở xã Tiên Mỹ
 
      Tháng 01 năm 1886, Nguyễn Duy Hiệu dời đại bản doanh đến làng Thanh Lâm (nay là thôn 10 xã Tiên Thọ) với ý định xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến lâu dài. Gò Lòn, Gò Chay của xã Đức Tân (nay thuộc Tiên Thọ) được Nguyễn Duy Hiệu sử dụng làm trường trừng trị bọn do thám, trộm cướp. Nhân dân ở đây hưởng ứng hịch của Nguyễn Duy Hiệu đã thực hiện vườn không nhà trống. Nam giới tham gia vào các đội hương dũng quân, đoàn kết quân để chống Pháp. Cao điểm Dương Đế nằm giáp giới giữa xã Tiên Phong và Tam Phước (Tam Kỳ) án ngữ mặt trận Đông Bắc huyện Hà Đông, có 200 nghĩa quân dưới quyền Phan Văn Bình, về sau do Nguyễn Hàm chỉ huy với chức Tán lý Cần Vương. Cao điểm Dốc Miếu nay thuộc đất Tiên Thọ, đây là nơi đóng đồn của nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu do Hồ Đức Duật chỉ huy án ngữ mặt trận Đông Nam và hậu cú của đại bản doanh Nà Lầu. Tại cao điểm Bầu Ông Trấn (nay thuộc Tiên Lộc) có đồn luỹ do 150 nghĩa quân trấn giữ, dưới quyền chỉ huy của Tán lý Lê Vĩnh Huy.

          Ngày 29 tháng 01 năm 1886, binh lính Pháp do Henri de Berhair (Riviere) chỉ huy mở đợt hành quân tấn công các căn cứ của Nghĩa Hội, khi quân địch lọt vào trận địa đã bố trí sẵn (khu vực suối đá hiện nay), nghĩa quân bẫy đá từ trên cao lăn xuống và nả súng tới tấp, rồi xông ra dùng giáo mác, đánh xáp lá cà, tiêu diệt 150 tên địch và làm bị thương nhiều tên khác. Bị tổn thất nặng chúng phải rút chạy về Tam Kỳ. 

        Tháng 3 năm 1886, Công sứ Pháp tại Đà Nẵng cho quân tấn công Nghĩa Hội lần thứ hai, các Tán Lý của Nghĩa Hội cho lực lượng về phòng thủ tại Đại An (nay là Tiên Cảnh) để phòng ngự, chỉ để mỗi chốt từ 10 – 15 người trấn giữ, mặc khác Nguyễn Duy Hiệu cho quân rãi khắp bờ sông Tiên dụ giặc qua sông để đánh. Tuy nhiên do tương quan lực lượng không cân xứng, tổ chức Nghĩa Hội còn lỏng lẻo, vũ khí thô sơ trước áp lực rất lớn của địch. Vì vậy sau một thời gian cầm cự các chốt Dương Đế và Đức Tân đã bị rơi vào tay giặc. Tại chốt Dốc Miếu, 8 chiến sỹ của Nghĩa hội đã bị địch giết hại, các ông Dương Bộc, Hồ Nghiễm, Phạm Hữu Minh đã vận động dân chúng mang thi hài các nghĩa sỹ về an táng, có 2 trong số các nghĩa sỹ đã hy sinh được thân nhân đến nhận xác đem về mai táng.
 
Nghĩa trũng đã trùng tu
 
Theo sự hướng dẫn của Nguyễn Đình Tựu và trợ giúp của nhân dân, các ông Bộc, Nghiễm, Minh đã mang 6 thi hài còn lại đem về mai táng trên Gò Cao - một khu đất bằng phẳng nằm dưới chân Non Gạch, cho đầu mộ hướng thẳng về Sơn Phòng Dương Yên, nhằm cổ suý cho tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trong phong trào kháng Pháp, truy niệm anh linh những nghĩa sỹ đã bỏ mình vì nước. Đồng thời cho cất tại đây một nhà tụ kề bên những phần mộ này để có nơi thờ tự, ông Đoàn Lang, người có chân trong nghĩa hội nhà ở gần nghĩa trũng nhận phần chăm nom hương khói.
 

       Cuối năm 1886, thực dân Pháp tăng cường tấn công càn quét các căn cứ của Nghĩa Hội, nghĩa quân tan rã, nhiều người trong số họ bị thực dân Pháp bắt bớ tra tấn, tù đày, có 5 nghĩa sỹ bị kết án tử hình và đem hành quyết tại Nà Tuần (Nay thuộc Tiên Mỹ). Sau khi xử án, nhân dân trong vùng đã tìm cách đem thi hài các nghĩa sỹ về an táng. Tuy nhiên khi tìm đến nơi thì 3 thi hài đã bị mất xác, dân chúng mang 2 thi thể còn lại về an táng tại Nghĩa Trũng bên cạnh phần mộ các nghĩa sỹ đã yên vị trước đó.

                                                    

                                  NHÀ LƯU NIỆM CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG
 
Là di tích văn hoá cấp quốc gia thuộc xã Tiên Cảnh - huyện Tiên Phước, cách thị xã Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây. Đây là ngôi nhà cũ do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn đó là kiến trúc nhà lá mái ( nhà bỏ đất). Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo.

    
Cụ Huỳnh Thúc Kháng thuở nhỏ ở với thân sinh là ông bà Huỳnh Văn Phương và Nguyễn Thị Tình tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là ngôi nhà gỗ có mái lợp tranh, vách đất khá phổ biến với kiến trúc vùng trung du của xứ Quảng. Tọa lạc trong khu vườn đồi yên tĩnh, ngôi nhà với vật liệu khai thác tại chỗ như mít, tre, đất đá… tạo nên kiến trúc phù hợp khí hậu, mùa đông ấm, mùa hạ mát mà người dân thường gọi là nhà bỏ đất/ lá mái. Dẫu xa chốn kinh kỳ, không thuận tiện trong giao thông nhưng hôm nay ta vẫn cảm thấy sự “địa lợi - nhân hòa” của con người và cảnh quan nơi đây. Chính không gian sống này là nơi lý tưởng để cụ Huỳnh trau dồi kinh sử, hun đúc thêm tinh thần hiếu học, là đại diện xuất sắc trong các nhân sĩ kiệt hiệt hết lòng vì nước, thương dân của vùng đất Hà Đông xưa. 

Nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng hiện tọa lạc tại thôn 1, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) được thân sinh là ông bà Huỳnh Văn Phương - Nguyễn Thị Tình xây dựng năm 1869. Ngôi nhà có kiến trúc dân gian xứ Quảng theo kiểu chữ nhất do thợ làng Thạnh Bình xây dựng và thợ làng mộc Kim Bồng (Hội An) chạm khắc. Nhà chính được làm theo kiểu thức nhà 8 cái (hay gọi là nhà 3 gian, hai chái), nghĩa là 8 cột cái được phân chia đều ở 4 dãy hàng cột, mỗi dãy cột gồm hai cột cái (1 tiền, 1 hậu), ngoài ra còn có cột hàng nhì và cột hàng ba (cả tiền và hậu). Tất cả được phân chia theo kết cấu kèo đỡ đòn tay với kiểu thức kẻ chuyền (kèo chồng) gồm 3 thanh kèo (kèo lòng I, kèo lòng II và kèo lòng II hay còn gọi là kèo tam đoạn) nối các dãy cột theo hàng ngang. Trên lưng trính đỡ một trụ trốn gọi là bộ phận trỏng quả (gồm lá quả, trụ đội, quả bí và đế tôm) vươn lên đỡ kèo lòng nhất ở vị trí giao nguyên (kèo nóc tiền và hậu). Ngoài ra, nhà có 3 bộ cửa bố trí ở ba gian, mỗi bộ gồm 4 cánh với tên gọi là cửa bàn khoa, cổng nhà được làm bằng tre.

             

                                               Lối vào nhà cụ Huỳnh

Thông qua khảo tả cùng thông tin trong những lần trùng tu, có thể thấy ban đầu đây là ngôi nhà rường bằng vật liệu gỗ phổ biến khắp nông thôn miền Trung Việt Nam trong những thế kỷ trước, được các phú nông xây dựng. Điểm khác biệt ở chỗ, ngôi nhà có phần mái lợp tranh như loại nhà rội (cột chôn xuống đất) thường bố trí là nhà phụ với tranh tre, vách đất và chỉ xuất hiện ở vùng Bình Trị Thiên. Khảo sát các kiến trúc ở Tiên Phước, đặc biệt những ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên, hầu như trước năm 40 của thế kỷ XX đều có mái lợp tranh. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh - chủ nhân ngôi nhà đẹp nhất Lộc Yên - lúc còn sống kể rằng ngôi nhà trước đây có hai tầng mái: mái dưới (trần) đắp đất trên sàn đỡ bằng gỗ, mái trên bằng khung tre lợp tranh. Để chống đỡ mái tre này người ta dùng đá liên kết với đất, đắp ụ trên các đầu cột gỗ bên dưới, phần chống trên nền đất có sàn gỗ và thân kèo bên dưới thì dùng cây chống có đất đắp ụ. Những chi tiết về kỹ thuật kết cấu loại mái đất và mái tranh cũng được cụ Huỳnh Toản (cháu cụ Huỳnh) lý giải để phòng cháy. Bởi vùng trung du hay có sấm sét, người dân dùng lớp đất đắp làm tầng mái dưới với chức năng trần ngăn lửa, bảo vệ bộ khung nhà rường chạm trổ công phu. Từ những cứ liệu trên, có thể khẳng định kiểu kiến trúc nhà lưu niệm cụ Huỳnh phổ biến ở Bình Định trước đây với tên gọi nhà lá mái. 

Với mặt bằng sinh hoạt ở ngôi nhà chính, có thể hình dung bên trái và bên phải là hai chái nhà có ngăn lồi ra phía trước. Ngăn lồi bên phải là nơi cụ Huỳnh thường ngồi làm việc, ngăn lồi bên trái là nơi gia đình ngồi ăn cơm, cửa ra vào chính ở ba gian và ô hoa thông gió cho tường phía trước của ngăn lồi ở hai chái. Qua đó có thể kết luận ngôi nhà lưu niệm của cụ Huỳnh thuộc loại nhà lá mái phổ biến ở Tiên Phước trước những năm 40 của thế kỷ XX. Tường được làm từ thân tre đan, phủ bên ngoài cùng bằng một hỗn hợp đất sét trộn với rơm, quét vôi. Đặc biệt, tường nhà được nối liền mạch với phần mái đất có tác dụng chống cháy triệt để. Phần mái đất dày khoảng 15- 20cm, bên dưới là giàn tre hoặc gỗ khép kín và để đỡ bộ khung này gồm đòn tay/ huỳnh tử, kèo và cột.

          

                                             Cổng nhà cụ Huỳnh

 Ngày xưa, đối với những vị trí xa trung tâm sản xuất gạch ngói, người dân đã sáng tạo nên loại kiến trúc chống cháy, chống nóng và cả chống bão một cách hữu hiệu. Điều này thể hiện qua lần trùng tu thứ nhất ngôi nhà của cụ Huỳnh khi thay mái tranh bằng ngói vào năm 1932. Đáng chú ý, ngôi nhà của thân sinh cụ Huỳnh được làm bởi phường thợ mộc Văn Hà (nay thuộc xã Tam Thành, Phú Ninh), thể hiện ở phong cách tạo dáng thanh trính/tránh với nhiều đường gấp trong kỹ thuật bào xoi và thanh kèo giả tai (kèo ngắn ăn mộng vào thân kèo quyết để đỡ cột, giữ cánh cửa ra vào ở đầu chái). Rất tiếc khi cải tạo 2 chái thành loại nhà 5 gian không chái (người địa phương gọi là nhà đít voi) những người thợ đã phá dỡ mà không phục hồi theo phong cách cũ. Ngoài ngôi nhà chính nói trên, cụ Huỳnh Toản cho biết thêm ngôi nhà ngang được bố trí thẳng góc với nhà chính. Mặt bằng bố trí chung của những ngôi nhà nơi đây là nhà ngang nối với nhà chính nhờ nhà cầu và thông ra nhà lớn bằng cửa ra vào bên trái. Phần mái của nhà cầu và nhà chính được đặt máng xối hứng nước mưa, đầu xối chạm trổ hình đầu cá lớn dẫn nước từ xối ra ngoài. Ngôi nhà ngang (nhà dưới) trước đây được xây theo kiểu xuyên lạng (trốn cột bằng cách đặt trên lưng xuyên) nhà có ngăn buồng, nền nhà bằng đất, lợp tranh, cửa hình lá quạt, cửa sổ được thiết kế đơn sơ. 

Với mặt bằng sinh hoạt ở ngôi nhà chính, có thể hình dung bên trái và bên phải là hai chái nhà có ngăn lồi ra phía trước. Ngăn lồi bên phải là nơi cụ Huỳnh thường ngồi làm việc, ngăn lồi bên trái là nơi gia đình ngồi ăn cơm, cửa ra vào chính ở ba gian và ô hoa thông gió cho tường phía trước của ngăn lồi ở hai chái. Qua đó có thể kết luận ngôi nhà lưu niệm của cụ Huỳnh thuộc loại nhà lá mái phổ biến ở Tiên Phước trước những năm 40 của thế kỷ XX. Tường được làm từ thân tre đan, phủ bên ngoài cùng bằng một hỗn hợp đất sét trộn với rơm, quét vôi. Đặc biệt, tường nhà được nối liền mạch với phần mái đất có tác dụng chống cháy triệt để. Phần mái đất dày khoảng 15- 20cm, bên dưới là giàn tre hoặc gỗ khép kín và để đỡ bộ khung này gồm đòn tay/ huỳnh tử, kèo và cột. 

                  

                                        Bản công nhận di tích lịch sử văn hóa

Về kiến trúc ban đầu ngôi nhà cụ Huỳnh đến nay vẫn chưa có sự đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu. Rất mong cơ quan hữu quan bổ sung thêm hình ảnh hay bản vẽ, mô hình về kiến trúc độc đáo này tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh. Đồng thời qua đó nâng cao giá trị kiến trúc nhà ở dân gian cổ truyền của vùng trung du Tiên Phước nói riêng và Quảng Nam nói chung, góp phần tạo sự phong phú trong quỹ kiến trúc cổ truyền tại Quảng Nam.

 

                                                       DI TÍCH

                                        Làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh

 

Làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Làng cổ Lộc Yên tọa lạc trong một thung lũng đẹp, được bao bọc bởi sông, suối, núi như sông Đá Giăng, suối An Sơn, đồi Đá Ràn Dàn, núi núi Bàn Mây… với con đường duy nhất dẫn vào làng quanh co giữa thung lũng. Làng có vẻ đẹp độc đáo với những ngôi nhà cổ, ngõ tường, giếng nước… hàng trăm năm tuổi được xếp bằng đá. Từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025". Theo đó, huyện Tiên Phước chọn làng cổ Lộc Yên là vùng lõi để làm điểm triển khai đề án này để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

                                        Ngõ đá và nhà cổ ở làng cổ Lộc Yên

 

Trong các làng quê ở Tiên Phước đều có những ngôi nhà rường truyền thống, độc đáo nhất là quần thể nhà cổ tại làng Lộc Yên, đó là những công trình kiến trúc đặc sắc ghi đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất có lịch sử lâu đời. Làng Lộc Yên có tổng diện tích tự nhiên là 275 ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 100 ha, 68 ha là vườn nhà, vườn đồi. Tại Lộc Yên, hiện nay nhân dân còn bảo tồn được 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 80 đến 150 năm, được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của những người thợ mộc làng Văn Hà, với kiểu thức kiến trúc truyền thống là nhà lá mái và nhà rường, các cấu kiện gỗ được gia công, chạm trổ các loại hoa văn thảo mộc, chim, thú rất tinh tế. Đặc biệt ở Lộc Yên có ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh, một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của vùng trung du gắn với câu chuyện về lòng tự hào, trân quý giá trị di sản của tổ tiên.

 

 

Những ngôi nhà nằm rải rác trong làng, ẩn mình dưới tán lá rợp mát của những khu vườn cây lưu niên, nhà làm ở sườn đồi, dọc theo những doi đất cao. Nhà ngói, nhà tranh cùng hòa mình vào cảnh quan tự nhiên của đồi, gò, sông, suối, ruộng bậc thang, nương rẫy. Giá trị của những công trình kiến trúc này càng được nâng cao bởi vẫn tồn tại trong không gian văn hóa mà chúng đã hình thành.  

 

 

Với giá trị sinh thái và văn hóa độc đáo, mặc dù hiện nay chưa tổ chức được các tour du lịch bài bản nhưng trong những năm qua đã có rất nhiều lượt khách đến tham quan làng cổ Lộc Yên; nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tìm đến Lộc Yên để nghiên cứu, sáng tác… Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của hoạt động du lịch trong tương lai. Đặc biệt, vào ngày 6/9/2019 Làng cổ Lộc Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch xếp hạng trao bằng chứng nhận di tích cấp quốc gia, đó là cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Làng cổ Lộc Yên vinh dự là một trong 4 làng cổ ở Việt Nam được công nhận di tích cấp quốc gia.

 

                               DI TÍCH 

                     Danh thắng bãi đá Lò Thung

 

Danh thắng Lò Thung cách trung tâm huyện Tiên Phước khoảng 4km về phía tây và cũng nằm trong bán kính du lịch của không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên. Lò Thung là bãi đá trải rộng và kéo dài hơn 2km nằm trên sông Đá Giăng. Phần lớn lòng sông là đá, được kiến tạo thành nhiều kiểu thức. Qua hàng nghìn năm tồn tại, dưới tác động của điều kiện tự nhiên cùng với sự biến đổi mạnh của trường vận tốc dòng chảy đã tạo nên những hình thù kỳ thú trên đá.

Bãi đá Lò Thung (Tiên Phước). Ảnh: CHÂU NỮ
Bãi đá Lò Thung

Lò Thung có cảnh quan thiên nhiên hữu tình. Hai bên bờ sông còn khá nguyên sơ, những doi cát, sỏi trải dài chưa có sự tác động của con người, cây cỏ thực vật xanh tốt; lòng sông là nơi sinh sống của nhiều loài động vật. Lò Thung còn gắn với truyền thuyết về vị khổng lồ đã từng tồn tại, sinh sống qua những dấu vết khắc họa trên đá.

Vào ngày 9.8.2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định số 2255 xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với Lò Thung, thuộc xã Tiên Cảnh và Tiên Lộc.

  

                                                       DI TÍCH

               Đình làng Hội An xã Tiên Châu , nơi lưu dấu ấn văn hóa lịch sử xứ Tiên

  

Đình làng Hội An tại thôn Hội An , xã Tiên Châu, H.Tiên Phước, Quảng Nam có niên đại hơn 150 năm. Đây là ngôi đình duy nhất còn lại trên địa bàn H. Tiên Phước.


Đình làng Hội An ra đời gắn với tên tuổi một nhân vật xuất chúng, người đã theo chân tiền hiền Nguyễn Phúc đến khai khẩn, sinh sống tại làng Hội An, Tiên Châu, đó là phó bảng Nguyễn Đình Tựu (1828– 1888). Niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), ông đỗ Phó Bảng được bổ nhiệm chức Tu Soạn, lãnh chủ sự Hộ Bộ. Năm Tự Đức thứ 22 (1896) ông được tiến cử vào làm việc tại Dục Đức Đường dạy Hoàng tử Ưng Chân (Vua Dục Đức) rồi chuyển sang Tán Mông Đường làm Tán Thiện Phán độc ti dạy Ưng Đường (con nuôi thứ 2 của Vua Tự Đức), sau đó giữ chức Thị giảng học sĩ, Đốc học Quảng Nam. Phần lớn các sĩ phu lúc bấy giờ là học trò của ông và có nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sĩ Hán học Huỳnh Thúc Kháng (là cháu gọi Nguyễn Đình Tựu bằng cậu ruột), Nguyễn Duy Hiệu một yếu nhân lãnh đạo phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam kháng Pháp... Nguyễn Đình Tựu cũng là người có công đầu và đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Đình làng Hội An, nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng và đã được đông đảo người làng đồng tình hưởng ứng. 


Tại làng Hội An, công tác xây dựng đình lúc bấy giờ do ông Nguyễn Đình Dương, là Chánh tổng, Tổng Tiên Quí (huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ) cùng các cộng sự của ông triển khai thực hiện. Việc đóng góp xây dựng đình được triển khai trong toàn dân, tùy theo gia cảnh. Sau một năm chuẩn bị cây gỗ, vật liệu Đình làng Hội An được khởi công xây dựng. Phần mộc của ngôi đình được các nghệ nhân phường mộc Văn Hà (Tam Thành, H.Phú Ninh) đảm nhiệm, ngoài ra làng còn trọng dụng những người thợ tài giỏi trong làng tham gia vào phần xây dựng, kiến thiết. Sau hơn 2 năm khởi công, ngôi đình đã được hoàn thiện.

 

Ban đầu, không gian của đình làng gồm 5 kiến trúc. Bên cạnh ngôi nhà Tự (đình chính), còn có nhà kho, nhà hội họp, nhà Thủ Hộ và về sau dân làng còn xây thêm ngôi nhà thờ Bà Tư (người có công với làng trong việc đóng góp cúng tế). Phía trước ngôi đình chính có bức bình phong được xây bằng đá núi, vữa vôi và trên mặt có khắc chữ Ÿ (Phước) rất lớn được đắp bằng những mảnh sành sứ. Khu khuôn viên đình làng được xây tường kiến cố bằng vật liệu đá, vữa vôi đường, có cổng đi vào từ hướng Đông. Hai bên cổng được khắc hai câu liễn lớn có nội dung: “Bá Niên Tố Trứ Thanh Danh Địa, Tứ Diện Hoành Khai Đạo Nghĩa Môn” (tạm dịch là: Thanh danh của vùng đất được tạo dựng từ hàng trăm năm, Cửa đạo đức nghĩa nhân theo đó cũng được lan truyền bốn phương) Phía trên là câu “Tiên Hội Môn”.



 

Cổng vào đình làng Hội An

Trải qua hàng chục năm dưới sự tác động của chiến tranh, và điều kiện xã hội, các kiến trúc của đình làng dần dần bị hư hại, phá bỏ. Hiện nay, đình làng còn lại hai kiến trúc gồm: Chính diện là ngôi nhà tự Hiền kế bên trái là nhà kho - nơi cất giữ vật dụng, tài sản của làng phục vụ cho việc cúng tế hàng năm (hai kiến trúc này hiện này vẫn còn, tuy nhiên đã bị xuống cấp).
 
 

Hằng năm dân làng tổ chức lễ rước sắc và cúng tế linh đình vào dịp lễ Kỳ Yên (tháng 6 ÂL). Lễ kéo dài một ngày rưỡi đến ba ngày nhằm cầu “Phong điều vũ thuận”- mùa màng bội thu, “Quốc thái dân an”- làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh. Ngày Kỳ Yên cũng là ngày tế Tiền Hiền - Hậu Hiền, Tiền Bối - Hậu Bối... Trong lễ có thực hiện nghi thức rước sắc (sắc phong do Vua Bảo Đại ban bấy giờ do ông Nguyễn Ân là thủ sắc. Hiện nay sắc phong đã bị thất lạc) và được rước bằng Long Đình theo đường bộ. Sắc thần được để tại đình trong suốt thời gian lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc.



  

Hai kiến trúc còn sót lại của Đình làng Hội An

Sau các phần nghi thức lễ cúng tế là phần Hội. Đây là phần sôi động tươi vui nhất trong kỳ lễ. Đây cũng là dịp các trai thanh gái tú gặp gỡ và không ít đôi đã kết nghĩa nhân duyên. Lễ hội là dịp trưng bày tài nghệ, sự khéo léo của dân làng như phụ nữ thi tài làm bánh, thổi xôi (qua lễ vật dâng cúng), các nghệ nhân giới thiệu tài chưng kết bằng hoa quả, cây lá, giới thiệu bộ đỉnh đồng, lọ cắm hoa...
 

Hơn 150 năm, Đình làng Hội An là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân Tiên Phước xưa, là nơi người dân thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân, những người đã có công khai hoang lập làng trong thời kỳ “mở cõi” ở vùng đất Tiên Phước và cả những người có công với làng sau này.

Từ những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật của di tích Đình làng Hội An, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những việc làm thiết thực như khoanh vùng bảo vệ, huy động các nguồn lực tiến hành trùng tu cấp thiết đối với di tích Đình Làng Hội An. Các hạng mục như tường rào bảo vệ, cảnh quan khuôn viên, và hai kiến trúc còn lại của Đình làng Hội An được tu bổ, cải tạo, nâng cấp, khắc phục tình trạng hư hại, xuống cấp ở các cấu kiện gỗ, đồng thời nghiêm cấm mọi sự tác động của người dân trong khu vực đình làng.  

Những hoạt động cộng đồng dần dần được phục hồi đã tạo nên một không khí sống động vốn có của Đình làng Hội An xưa. Ngành chức năng ở địa phương đã kịp thời lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng. Ngày 21-7-2014 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2276/QĐ-UBND công nhận Đình làng Hội An là di tích văn hóa lịch sử.

 

 
 DI TÍCH
Mộ danh nhân Lê Vĩnh Khanh - Danh sĩ yêu nước thời Thiệu Trị
---------------------
Mộ Danh nhân Lê Vĩnh Khanh tọa lạc ở vùng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn 02 xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Từ thị trấn Tiên Kỳ theo đường ĐT 616 đi huyện Bắc Trà My khoảng 06 km đến ngã ba Cụ Huỳnh rẻ trái. Đi theo đường đất lên Tiên An một đoạn khoảng 03 km rẻ trái đến một cánh đồng gội là Đồng Hỏa. Từ đây đi theo các bờ ruộng sau đó đi một đoạn lên đồi Rừng Lớn khoảng 30 m là tới di tích. Di tích cách thị trấn Tiên Kỳ 08 km theo đường chim bay về hướng Đông Bắc.
Lê Vĩnh Khanh hiệu là Tử Minh, sinh năm 1819 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn 02 xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông đậu Giải nguyên khoa Quý Mão năm 1843, đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn năm 1844 lúc 25 tuổi và được sung Hàn lâm viện kiểm thảo bổ thọ tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khi làm quan ông rất thương dân và nổi tiếng một vùng về sự thanh liêm của mình. Do vậy Ông luôn bị đồng liêu ghen ghét, đố kỵ, chờ dịp để hảm hại.
Ngày mùng 02 tháng Giêng năm Giáp Thân 1884, Ông bị bệnh và mất. Linh cữu của Ông được an táng tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau đó gia đình di dời về cải tán tại quê nhà.
 
Mộ cụ Lê Vĩnh Khanh hôm nay
Mộ Lê Vĩnh Khanh nằm dưới chân đồi Rừng Lớn. Phần chính mộ hướng về phía Bắc, phía trước mộ là cánh đồng ruộng lúa có tên dân gian là Đồng Hỏa, Đông Tây Nam đều gián với Rừng Lớn. Mộ là một vòng đá được xếp chồng lên nhau có diện tích khoảng 28 m2. Phần mộ được đắp bằng ụ đất nhô cao có hình Êlíp, diện tích khoảng 7 m2. Bên ngoài mộ là những lớp đá xếp thành bậc thang để tiện lên xuống. Đầu và cuối phần mộ đặt hai tảng đá phẳng làm bia.
Lê Vĩnh Khanh là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người dân xứ Quảng nói chung, người dân Tiên Phước nói riêng. Ông là bậc đại khoa không màng công danh, một mực yêu nước thương dân, chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền. Tuy làm quan hưởng bổng lộc của triều đình nhưng trong ông muốn thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của luật lệ phong kiến, muốn cho nhân dân no ấm, thoát khỏi sưu cao, thuế nặng của chế độ phong kiến đương thời.
 
DI TÍCH
Trường Tân Học Phú Lâm
----------------------
 
Trường Tân học Phú Lâm (hay còn gọi là Trường cây Bàn) nằm ở giữa làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước. Di tích cách Trung tâm huyện lỵ 14 km đi theo đường ĐT 614.
Sự hình thành và phát triển rộng khắp, cũng như gây tâm ảnh hưởng to lớn của trường Phú Lâm lúc đó gắn liên với một tên tuổi có uy tín nhất trong làng, người luôn mang tư tưởng cách tân, đó là Lê Cơ.
Lê Cơ sinh ngày 22/2/1859 trong một gia đình danh tộc ở làng Phú Lâm. Do gia đình khá giả nên ngay từ nhỏ ông được học hành chu đáo, nhưng cũng mới trường Ba. Từ đó ông không thi nữa, chỉ ở nhà tham gia các hoạt động yêu nước.
Năm 1903, ông ra nhận chức Lý trưởng làng Phú Lâm với suy nghĩ “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương”, có nghĩa là “Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm đúng trong một làng”. Lê Cơ nhận thấy việc cải cách đất nước là cần thiết nên đã sớm tham gia tích cực phong trào Duy Tân. Sau khi nắm vững quyền hành, ông liên bắt tay vào công cuộc cải cách.
 
               
                 Nền trường tân học Phú Lâm hôm nay ở xã Tiên Sơn
 
Ngày Mồng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (25/01/1904), Lê Cơ đệ đơn lên phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ Quốc ngữ. Được phê chuẩn, Lê Cơ liên hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của xây dựng một trường học ở phái giữa làng. Rằm tháng 3 năm Giáp Thìn (30/4/1904) trường học Quốc ngữ này khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật mọi người đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nói vè, đánh cờ... Rồi từ trường học ban đầu, nhân dân Phú Lâm còn lập thêm bốn trường ở bốn phái dạy nam giới học chữ Quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên.
Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như: Lịch sử, Địa lý, Hát, Vẽ, Toán đố. Dần dần còn có một số thanh niên chuyển sang học chữ Pháp và chữ Nhật. Đặc biệt trường còn đưa cả chương trình Quân sự học đường vào giảng dạy cho học sinh dưới hình thức thể dục thể thao. Số học sinh của trường, cả trai lẫn gái hơn 100 người.
Kết quả thật đáng tự hào, bởi trong khoảng 1200 dân của xã, với độ 850 người từ 14 tuổi trở lên, thì đến năm 1908 đã có hơn 650 người đọc thông thạo chữ Quốc ngữ.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1908, hưởng ứng phong trào đòi giảm sưu thuế của nhân dân khắp phủ Hà Đông, Lê Cơ cùng với những người yêu nước có tư tưởng cách tân ở các tổng Vinh Quý, Phước Lợi và các tổng khác dẫn đầu những người tham gia chống sưu thuế bao vây phủ đường Tam Kỳ và đưa yêu sách suốt ba ngày đêm. Sáng ngày 04/4/1908 viên đại lý Tam Kỳ đem 60 lính ập đến bắt những người cầm đầu, trong đó có Lê Cơ, Trần Thuyết, Lê Vĩnh Huy, Nguyễn Xuân Vận, Dương Đình Thạc đưa ra nhà lao Hội An kết án tù khổ sai 5 năm. Sau khi Lê Cơ bị bắt và bị kết án tù khổ sai 5 năm tại nhà lao tỉnh, trường Phú Lâm tự giải tán. 
Có thể xem trường Phú Lâm là trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên của phong trào Duy Tân và việc lập lớp nữ học cũng là đầu tiên như Huỳnh Thúc Kháng đã xác nhận (trong bài báo giới thiệu Lê Cơ, báo Tiếng Dân số 513 ra ngày 17/8/1932).
 
Nền trường tân học Phú Lâm hôm nay
 
Trường Phú Lâm tọa lạc trên một lô đất có diện tích khoảng 500 m2 (10m x 50m). Phía Nam giáp đường 614 đi Việt An, phía Bắc, phía Đông và phía Tây giáp vườn nhà dân. Trường Phú Lâm được xây cất ban đầu trên một lô đất có diện tích là 48 m2 (4m x 12m). Nền trường được dựng móng bằng đá tảng và được nện đất sét phía trên. Tường được dựng bằng phênh tre trắt đất sét ở trong và ngoài. Trường thuộc kiểu kiến trúc nhà dài, gồm 4 cột cái đặt trên đá tảng. Mái lợp tranh. Phía trước trường là một khoảng sân rộng làm nơi tụ tập môn sinh, quần chúng.
Từ khi tự giải tán (1908) đến những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ XX trường Phú Lâm được nhân dân dùng làm nhà kho chứa thóc, lương thực. Từ năm 1945 – 1954 trường Phú Lâm trở thành trụ sở của Bệnh viện Tam Dân (tiền thân của Quân y viện 108). Thời đế quốc Mỹ chiếm đóng, trường phú Lâm trở thành Trụ sở làm việc của cấp thôn nhân dân.
Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX dấy lên như một làn sóng hòng nhận chìm sự thối nát, thủ cựu của chế độ phong kiến mà công cuộc cải cách ở Phú Lâm điển hình là lập Trường Tân học Phú Lâm là khởi điểm và luôn luôn là đỉnh cao của làn sóng Duy Tân đó. 
Trường Phú Lâm không những đem lại kết quả đáng tự hào cho nhân dân làng Phú Lâm mà còn là một cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên tinh thần yêu nước, tinh thần phản kháng quật cường trước những luật lệ hà khắc của chế độ phong kiến tai sai và những áp bức, đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp.
 
 
DI TÍCH
Vụ thảm sát Sơn - Cẩm-Hà
------------------------------
 
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng trận đối đầu lịch sử tại Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơ ne vơ (20/7/1954) thừa nhận độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc Việt Nam.
 
Theo Hiệp định nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng với dã tâm xâm lược, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào miền Nam thay chân Pháp mưu toan độc chiếm Đông Dương. Chúng lập nên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm nhằm phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứu quân sự của chúng ở Đông Dương.
 
Ngay từ buổi đầu, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã lộ rõ bản chất bù nhìn, bán nước, mâu thuẩn nội bộtrong chính quyền tay sai và một số tổ chức đảng phái phản động như Hoà Hảo, Bình Xuyên, Quốc dân đảng diễn ra gay gắt trên toàn miền Nam. Ở tỉnh ta, bọn Quốc dân đảng chủ trương ly khai kéo nhau về vùng núi Tiên Phước, Trà My, Quế Sơn lập căn cứ, xây dựng lực lượng để vừa chống chính quyền Ngô Đình Diệm vừa đánh phá cách mạng. Khu vực Sơn - Cẩm – Hà là một trong những nơi chúng chọn để thực hiện mưu đồ đen tối đó.
 
Tháng 2 năm 1955, bọn phản động Quốc dân đảng tổ chức mit tinh tuyên bố ly khai chính quyền Ngô Đình Diệm và mưu toan thành lập tổ chức phản động của chúng tại thôn 3 xã Tiên Sơn. Chúng lập cái gọi là “ chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ” và đưa tên Nguyễn Đình Thiệp - Tỉnh uỷ viên Quốc dân đảng - lên làm Tư lệnh, Chỉ huy trưởng. Âm mưu của Quốc dân đảng là chiếm cứ cả vùng Bắc Trà My nối liền với vùng thấp huyện Phước Sơn, xây dựng chiến khu dự bị, nếu ở đồng bằng chúng không chống cự nổi quân Diệm thì lùi về miền núi hoạt động.
 
Để thực hiện mưu đồ đó, chúng chủ trương thực hiện chính sách hai mặt, vừa hô hào kêu gọi những người cộng sản ra hợp tác với chúng để chống Diệm, vừa bí mật bắt cóc cán bộ, đảng viên và những người cảm tình cách mạng giết từng người một rồi giấu xác. Hy vọng trò lừa bịp đó sẽ giúp chúng dễ dàng nhận diện những người yêu nước để thủ tiêu.
Tại Sơn - Cẩm – Hà, cán bộ, đảng viên của ta đã lãnh đạo quần chúng đứng lên kiên quyết đấu tranh với bọn Quốc dân đảng, chúng bắt cóc, chống khủng bố, bảo vệ cán bộ, đảng viên của ta, bảo vệ những người yêu nước, bảo vệ cách mạng. Chiêu bài “ hợp tác” của bọn Quốc dân đảng ngay từ buổi đầu đã bị thất bại, bộ mặt thật của bè lũ phản động, khát máu người đã bị vạch trần. 
Biết không thể lừa bịp được nhân dân ta, bọn Quốc dân đảng ra mặt lùng sục, bắt cóc cán bộ và những người yêu nước thủ tiêu, giấu xác. Chúng dùng nhiều hình thức tra tấn man rợ như: uống máu, hiếp dâm, treo cổ, đập đầu, chôn sống...Sự khủng bố, tàn ác của quân thù càng lúc càng trắng trợn, chúng ngang nhiên cho lính ập vào nhà bắt trói cán bộ, đảng viên của ta về giam giữ, tra tấn, gây nên làn sóng phẩn nộ tột độ trong nhân dân. Anh Phan Thệ và anh Lê Đức bị chúng cắt cổ lấy huyết uống. Em Nguyễn Thị Thuận 14 tuổi bị chúng hiếp dâm rồi đem chôn dưới rãnh sắn, chúng đâm chết bà Quyền ở thôn 4 Tiên Cẩm đang bồng con trên tay rồi xô cả hai mẹ con xuống hầm.
Trước sự đàn áp, khủng bố dã man của quân thù, nhân dân Sơn – Cẩm – Hà sẵn sàng kề vai sát cánh, cùng nhau đứng lên đấu tranh trực diện với quân thù. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân ta diễn ra hết sức quyết liệt, mà tiêu biểu là trận quyết sống quyết chết với kẻ thù của nhân dân thôn 6, Tiên Sơn vào đêm mùng 5 tháng 5 âm lịch. Với những vũ khí thô sơ như gậy, gộc, giáo mác, cuốc xỉa, tầm vông chống trả với một Trung đội Quốc dân đảng có vũ trang, nhưng nhân dân ta đã làm cho chúng khiếp vía, kinh hồn, tên quận phó Quốc dân đảng Nguyễn Cao Chung đã phải bỏ mạng, tên ác ôn Lê Nghinh bị bắt sống, nhiều tên khác bị thương và phải tháo chạy thoát thân.
Sau một thời gian ly khai chống Diệm, bọn Quốc dân đảng vì quá tàn ác, không thu phục được lòng dân, nên lực lượng quốc dân đảng càng chống Diệm càng nhanh chóng suy yếu, buộc chúng phải tính đến việc quy hàng chính quyền ngô Đình Diệm. Và trước khi ra hàng chính quyền Diệm, bọn Quốc dân đảng đã gây ra những vụ thảm sát man rợ, bắt 200 người đem chôn sống trong các hầm heo tại Đồng Trại - thôn 2 xã Tiên Cẩm, bắt 35 người chôn sống tại hầm heo Gò Vàng, thôn 4, Tiên Sơn.
Vào những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1955, bọn Quốc dân đảng tổ chức lùng sục bắt từng người của ta ở khắp 3 xã Sơn - Cẩm – Hà. Khác với những lần bắt bớ đã thực hiện, lần này chúng không cần khảo tra, xét hỏi, chỉ bắt và giết. Người bị bắt chúng trói hai tay ra sau lưng, để thân người nằm ngoài hè, đưa tay vào trong chân phênh, rồi luồn cây vào giữa hai tay bị trói, gài cây vào chân cột nhà, cứ luồn hết người nầy đến người khác, nằm sát nhau vòng quanh hè. Chúng dùng dây mây trói từng người, nối người này với người kia thành một hàng dài và dẫn đến các hố đã được đào sẵn. Người đi trước bị chúng đạp xuống hầm, tất cả những người còn lại đều bị kéo theo, từng lớp người chồng chất lên nhau rơi xuống. Bọn Quốc dân đảng điên cuồng cho tay chân dùng đá nện xuống hầm và lấp đất lại.
Vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà là một tỏng những sự kiện lịch sử bi thương.
 
DI TÍCH
Khu căn cứ tỉnh ủy Quảng Nam
------------------------------
 
 Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Tiên Sơn, cũng như các địa phương khác của huyện Tiên Phước được Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các cơ quan của tỉnh Quảng Nam chọn đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng. 
Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam được hình thành trong kháng chiến chống Pháp. Nơi đây có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự vì bao quát vùng đồng bằng rộng lớn ở phía Đông. Trong 9 năm chống Pháp, cùng với Tiên Cẩm, Tiên Hà, xã Tiên Sơn đã tạo thành chiến khu vững chắc.
 

               Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tọa lạc trên đồi ông Giài (thôn 1, xã Tiên Sơn)

           Tiếp đó, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây lại là căn cứ địa vững chắc của cách mạng khu 5. Chiến dịch giải phóng Sơn – Cẩm – Hà (25/9/1962) và cuộc chiến đấu chống chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch trong những năm 1963 – 1964 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ căn cứ địa của cách mạng để từ đó tiến công xuống giải phóng đồng bằng các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa xuân năm 1975.

      Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam được công nhận là Di tích quốc gia theo Quyết định số 2106/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL ngày 8/7/2014.  

 DI TÍCH 

Mộ Lê Vĩnh Huy - Chí sĩ yêu nước cận đại
------------------
 
Lê Vĩnh Huy tên thật là Lê Ngọc Cung, tên thường gọi là Ban Tuyến hay Tán Hai, tự Vĩnh Huy. Ông sinh năm 1850 tại làng Thạnh Bình, Tổng Tiên Giang thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Nay là thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Là con trai thứ 2 của danh sĩ yêu nước thời Thiệu Trị Lê Vĩnh Khanh.
 
       Lê Vĩnh Huy là một Nhà nho nổi tiếng, một chí sĩ yêu nước, có tư tưởng cách tân, phê phán và chống lại những luật lệ, tập tục hà khắc thối nát của chế độ phong kiến đương thời. Là người khẳng khái, có cái nhìn sâu rộng và bao quát về thời cuộc. Khi phong trào Cần Vương nổi lên, ông hăng hái chiến đấu dưới cờ Nghĩa hội do Trần Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu và Tán Lý quân vụ lãnh đạo. Sau khi Nguyễn Duy Hiệu rời đại bản doanh đến Nà Lầu (nay thuộc thôn 10 xã Tiên Thọ, Tiên Phước), Lê Vĩnh Huy đã chỉ huy 150 nghĩa quân đóng đồn lũy tại cao điểm Bàu Ông Trấn để bảo vệ cho đại bản doanh. Ông đã đóng góp nhiều thành tích trong trận Nà Lầu, Suối Đá, Dốc Miếu. Trong trận Trà Kiệu ngày 7/2/1886, Lê Vĩnh Huy cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Hồ Đức Học đem 800 quân từ Hà Đông hùng dũng kéo ra bao vây bọn loạn quân tại đây, tên cầm đầu vụ nổi loạn và một số tên ngoan cố khác bị tiêu diệt. Đến cuối năm 1887, Nghĩa hội bị tấn công dữ dội và phải giải tán, Lê Vĩnh Huy lui về ẩn náu tại quê nhà. Lúc này, ông đứng ra nhận chức Chánh Tổng Tiên Giang để có điều kiện thuận lợi cho những hoạt động cứu nước mới.
Mộ cụ Lê Vĩnh Huy
 
       Từ năm 1905 – 1908, cùng với Nguyễn Thành (Tiểu La), Lê Vĩnh Huy vừa tích cực với phong trào Duy Tân, vừa ám trợ xuất sắc cho phái Đông Du của Phan Bội Châu theo sự phân công của Duy Tân hội. Ông là Trưởng ban lo việc đưa người du học sang Nhật. Ông cũng đã hiến nửa số tiền bán quế, hồ tiêu trong vườn gửi sang Nhật cho du học sinh. Em trai cùng cha khác mẹ Lê Ngọc Liên, hai con là Lê Ngọc Quyền và Lê Thúc Duyện cùng người cháu là Lê Liễu cũng được ông cho đi du học. Năm 1908, phong trào sưu thuế nổ ra, Lê Vĩnh Huy là một trong những người lãnh đạo tại huyện Hà Đông nên bị thực dân Pháp kết án khổ sai 5 năm tại nhà lao Hội An. Ra tù, ông lại có mặt ngay trong hàng ngũ những người vận động khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Thái Phiên và nhanh chóng trở thành nhân vật trọng yếu của phong trào này tại hai tổng Tiên Giang và Phước Lợi. Vụ phá phủ Tam Kỳ ngày 3/5/1916 không thành, bọn giặc đến tịch biên gia sản và vây lùng Lê Vĩnh Huy suốt 25 ngày trong núi mới bắt được Ông cùng các bạn chiến đấu. Sống trong cảnh lao tù, lại do già yếu, bệnh nặng nên Ông đã mất vào ngày 28, tháng Giêng, năm Bính Thìn (1916), hưởng thọ 64 tuổi. Gia đình đã đem linh cửu Ông về an táng tại quê nhà.
 
       Mộ cụ Lê Vĩnh Huy tọa lạc ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam. Nay là thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Mộ hiện vẫn còn là mộ đất, nằm ở chân đồi phía Nam đồi Rừng Lớn. Phần chính diện của mộ hướng về phía nam, phía trước mộ là ruộng lúa. Phía Bắc, phía Đông và phái Tây đều giáp với đồi Rừng Lớn. Mộ là một vòng tròn được xếp bằng đá chồng lên nhau có diện tích khoảng 23 m2. Phần nấm mộ là ụ đất hình êlíp nhô cao, có diện tích khoảng 3.5m2. Phía trên và dưới nấm mộ có đặt 2 tấm bia đá, bên ngoài Mộ là những bậc thang xếp bằng đá tảng để tiện lên xuống.
 
  
DI TÍCH
Mộ Trần Huỳnh Tổng lãnh binh đạo quân Duy tân khởi nghĩa
---------------------
        Trần Huỳnh thường gọi là Phó Bẻn ( Phó là chức Phó tổng, còn Bẻn là gọi theo người con trai đầu của ông). Ông sinh ngày 29/5/1858 tại xã An Tây, Tổng Đức Hào Trung, huyện Hà Đông. Sau đổi thành Tổng Phước Giang, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
 
Trần Huỳnh là một người có uy tín tại địa phương. Ông đã từng tham gia phong trào Cần Vương và tiếp thu chủ thuyết Duy Tân của Phan Châu Trinh. Năm 1905 đến năm 1908, ông đã tiến hành cải cách làng mình bằng việc lập trường Tân Học dạy chữ Quốc ngữ lấy tên là Trường Tân Xuân và lập trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên để mưu việc Quốc về sau. Cũng trong thời gian này, Trần Huỳnh nhân danh Lí Trưởng cùng với những người nhiệt tâm ái quốc đã xây dựng một lều chợ lớn (gọi là chợ Cây Cốc) bằng gỗ lợp tranh gồm 11 gian, rộng khoảng 8m, dài khoảng 55m, cao 5m. Đây là lều chợ rộng lớn nhất Hà Đông lúc bấy giờ. Nhờ các hoạt động cải cách này mà dân trí và dân khí nhân dân được nâng cao hơn.
 
Năm 1912 trở đi, các yếu nhân tại Quảng Nam đã tập trung xung quanh Thái Phiên để vận động khởi nghĩa nhằm đánh đổ chế độ thực dân Pháp và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập ra An Nam cộng hòa dân quốc. Cuộc vận động này nhanh chóng lan ra toàn Trung Kỳ. Các nhà yêu nước còn vận động được cả vua Duy Tân tham gia. Phong trào phát triển mạnh nhất ở Quảng Nam. Bước sang những tháng cuối năm 1915, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Quảng Nam càng trở nên khẩn trương, sôi nổi với các hoạt động như: tăng cường việc lập thêm các đội nghĩa binh, lạc quyên tiền bạc và rèn sắm vũ khí. Phong trào phát triển mạnh ở hầu hết các tổng trong tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, ở tổng Phước Lợi, Trần Huỳnh là nhân vật tham gia tích cực nhất cho cuộc vận động tại Tổng này. Tháng 7/1915 (năm Ất Mão), Ban Chỉ huy khởi nghĩa Tổng Phước Lợi chính thức thành lập do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh. Năm 1916, công việc tổ chức các mặt càng khẩn trương hơn. Về lương thực, tài chính, ngoài một số đồ do hội viên tự nguyện đóng góp, Hội tổ chức một số cuộc tập kích vào một số gia đình giàu có để tịch thu tiền lúa, đồng khí. Lúc này, Trần Huỳnh đã làm Phó Tổng nên Ông nhân danh đó mượn đình làng làm kho chứa lúa dưới hình thức là lúa của Ông và chia cho người nghèo.
 
Mộ Tổng lãnh binh Trần Huỳnh
 
         Ngày 03/5/1916 gần 1000 dân binh đã tập trung về căn cứ Gò Chùa (Gò Đỏ). Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh mọi người uống chung rượu hòa với huyết bò gọi là rượu thề phục quốc và sau đó tiến hành lễ tế cờ xuất quân tại một đám ruộng cạn (đám trang). Trần Huỳnh đọc tuyên cáo rồi hạ lệnh xuất quân. Đại quân do Trần Huỳnh chỉ huy ào ạt tiến về phủ đường Tam Kỳ giải thoát cho một số lính tập bị giam giữ, thu ấn tín, thiêu hủy một số giấy tờ, hạ cờ giặc, treo cờ của quân khởi nghĩa. Nhận được tin khởi nghĩa ở Tam Kỳ, công sứ Churks và Tổng đốc Từ Thiệp liền phái 1 trung đội Âu Phi cấp tốc hành quân đi đàn áp. Trần Huỳnh, Trầm Tùng Lâm, Trần Khuê, Ngô Đốc cùng nhiều người khác bị giặc bắt đày ra nhà tù lao tỉnh. Trong lao, Trần Huỳnh vẫn luôn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình và luôn an ủi các bạn chiến đấu giữ vững ý chí.
 
Ngày 27/05/1916 Tòa Nam Án Quảng Nam mở phiên tòa xử riêng những người phá phủ Tam Kỳ. Chúng tuyên án Trần Huỳnh đi đày biệt xứ Buôn Mê Thuộc. Ngày 3/6/1916, Trần Huỳnh bị xử chém tại Chợ Củi (Vĩnh Điện – Điện Bàn), ông bước ra pháp trường với khí thế hiên ngang. Trước lúc chết ông còn hô vang “ Giòng giống Hồng Lạc thiên thu, Việt Nam vạn tuế”.
Sau khi bọ giặc giết, Trần Huỳnh được gia đình đưa về cải táng tại quê nhà. Mộ tọa lạc tại thôn 3, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Mộ nằm bên dưới một ngọn đồi có tên là Đồi Dương ngay sau chùa Thọ Quang 44m về hướng Tây Bắc. Phía Bắc giáp vườn sắn, phía Đông giáp một bãi đất trống mọc nhiều cây cỏ dại, phía Nam giáp Đồi Dương, phía Tây giáp tháp Mộ của 1 vị sư tăng chùa Thọ Quang. Hiện Mộ đã được ông Trần Ngọc Chương cùng gia tộc Trần Huỳnh xây lại vào tháng 6/1996. Phần mộ được xây có diện tích khoảng 42m2. Phần chính của Mộ - nơi đặt quan tài được xây nhô cao lên khoảng 0.8m so với nền mộ, dài 2 m, rộng 1 m. Phía trên Mộ là tượng bán thân của Trần Huỳnh được đắp bằng đá, cao khoảng 0,5m. Phía sau là một tấm bia lớn bằng xi măng có đính 4 chữ bằng đá cẩm thạch “ Vì nước hy sinh”. Phía trước phần mộ là một tấm văn bia, mặt trước văn bia khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Quốc ngữ viết từ trên xuống. Nội dung cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ như nhau. Hàng chữ giữa “TRẦN HUỲNH TỔNG LÃNH BINH MỘT ĐẠO QUAN DUY TÂN KHỎI NGHĨA NĂM 1916” . Bao quanh phần mộ là bờ tường cao khoảng 0.5m, dài 6m, rộng 3,5m. Diện tích phần bên trong bờ tường khoảng 20 m2. Cổng vào phần mộ rộng 1m, hai trụ cổng cao 2,5m. Bên ngoài bờ tường là hai bậc thang đi lên, riêng phần cổng là 4 bậc thang.
 
                   
        Chiến thắng núi Ngang - xã Tiên Sơn

                          ---------------------

     Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta vào tết Mậu Thân -1968 trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ - Ngụy rơi vào thế bị động, lúng túng, buộc chúng phải chuyển hướng chiến lược, từ “ tìm diệt và bình định” sang “ quét giữ”.
     Trên địa bàn huyện Tiên Phước, địch bắt đầu mở nhiều cuộc hành quân quy mô cả về quân số lẫn phương tiện chiến tranh, nhằm ý đồ lấn chiếm, bắn phá, giành đất và giành dân, đẩy mạnh việc nới rộng hành lang phòng thủ sâu vào vùng căn cứ cách mạng. Để thực hiện ý đồ này, Mỹ - Nguỵ đã đổ quân và các phương tiện chiến tranh xuống núi Ngang, biến nơi đây thành một cao điểm chiến lược, một chốt chặn bảo vệ vững chắc cho Chi khu quân sự ở Quận lỵ Tiên Phước.
        Đầu tháng 4 năm 1968, quân Mỹ đưa 2 lữ đoàn 196 và 198 mở các cuộc hành quân vào vùng giải phóng của ta ở phía Tây các huyện: Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước. Sau khi kết thúc cuộc hành quân Mỹ để lại 01 đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh, 01 đại đội pháo 105 ly, đóng quân trên núi Ngang. Ngoài ra, còn có hai đại đội bộ binh khác thường xuyên lưu động, càn quét đánh phá ở bên ngoài. Chi viện cho núi Ngang là quân của lữ đoàn 196, lữ đoàn 198 ở các cứ điểm Liệt Kiểm, Cấm Dơi, Tuần Dưỡng, Núi Vú. Ở đây, địch thường bố trí 01 tiểu đội đến 01 trung đội để chốt giữ cảnh giới.
        Trước tình hình địch ngày càng lấn chiếm đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ của ta, gây biết bao tổn thất về người và của cho nhân dân, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh khu V, sau khi nghiên cứu thực tế tình hình địch đã quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Kích - Phó tư lệnh và đồng chí Nguyễn Huy Chương - Phó chính uỷ sư đoàn 2 bằng mọi giá phải đánh và phá tan căn cứ Quân sự của Mỹ trên Núi Ngang.
        Thời gian chuẩn bị hết sức khẩn trương, đến cuối ngày 4/5/1968, phương án tác chiến đã cơ bản vạch xong. Về lực lượng ta bố trí 09 chốt liên hoàn trên các đỉnh núi Hoắc, Đá Trắng, dốc Xoài, núi Lớn, Dương Bà Lệ, Dương Vông, Ông Giai, Dương Chân và Dương Cây Trâm. Theo đúng kế hoạch, vào đêm ngày 4/5/1968 lực lượng của ta đã bí mật tập kích vào núi Ngang, nhưng chưa triển khai đội hình tác chiến do bị địch khả nghi, sợ bị lộ đành rút lui ra bên ngoài. Sáng ngày 5/5/1968 vào lúc 09 giờ, theo lệnh của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, từ chốt dốc Xoài và Dương Vông, tiểu đoàn 8 và 9 của ta đã bất ngờ dùng cối 82 và DKZ 75 nổ súng bắn trực diện vào núi Ngang phá huỷ một số lô cốt và phương tiện chiến tranh của địch. Bị tập kích bất ngờ, quân Mỹ đóng quân tại núi Ngang lập tức kêu quân cứu viện. Chúng dùng máy bay lên thẳng HU1A bắn phá dữ dội xuống dốc Xoài để kiềm chế hoả lực của ta. Lực lượng của ta vẫn kiên cường bám sát trận địa, bình tĩnh dùng súng bộ binh bắn rơi tại chổ 02 máy bay. Điên cuồng, địch tiếp tục cho máy bay tổ chức nhiều đợt oanh kích tiếp theo, đồng thời cho quân nhảy dù xuống thôn 3, thôn 5 xã Tiên Sơn để tìm diệt quân chủ lực của ta. 08 giờ 30 địch lại tiếp tục bắn phá núi Hoắc, cùng lúc đó một bộ phận quân Mỹ từ núi Ngang tràn xuống thôn 3 phối hợp với quân tiếp viện của chúng. 14 giờ cùng ngày địch lại đổ xuống đây thêm một đại đội Mỹ.
Như vậy trong 3 ngày liền, từ ngày 5/5 đến ngày 8/5/1968, trên vùng trời và vùng đất quanh khu vực núi Ngang không lúc nào ngớt tiếng bom rền đạn nổ và cả tiếng rú của máy bay Mỹ. Nhưng những cuộc tấn công của quân Mỹ vào các chốt đóng quân của bộ đội ta tại khu vực núi Ngang đều bị thất bại; nhân dân Sơn - Cẩm -Hà mặc dù bị tổn thất về người và của cải nhưng vẫn kiên vường bám trụ, ngày đêm sát cánh cùng bộ đội để tiếp tế lương thực, thuốc men, chăm sóc thưong binh động viên bộ đội sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi các đợt tấn công của địch.
        Bị thất bại nặng nề qua các đợt công kích vào các chốt của ta tại mặt trận Núi Ngang. Lữ đoàn 198 của Mỹ điều động 01 tiểu đoàn khác lên thay thế tiểu đoàn 1, đồng thời tăng cường 01 đại đội pháo 105 ly để hổ trợ cho bộ binh Mỹ. Cùng lúc đó, quân Mỹ mở nhiều cuộc tấn công quy mô hơn. Ngày 14/5, Mỹ tập trung lực lượng cố đánh chiếm dốc Xoài, cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt gây nhiều thương vong cho đôi bên và Mỹ cũng đã chiếm được một số công sự ở vòng ngoài, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm và quyết tâm cao: “ còn người, còn vũ khí, còn chiến đấu”, bộ đội ta đã chặn được các bước tiến công của địch, buộc chúng phải rút lui khi màn đêm vừa buông xuống.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm của Trung đoàn 31, của quân và dân Sơn - Cẩm – Hà đã được Đại hội Sư đoàn vào tháng 11/1968 ghi nhận và khen tặng danh hiệu “ Đỉnh thép kiên cường, đánh giỏi thắng lớn”. Cũng vào thời điểm này, thắng lợi của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, đã làm cho quân Mỹ hoang mang lo sợ, tinh thần chiến đấu của chúng càng giảm sút, tạo thuận lợi cho bộ đội ta tấn công tiêu diệt Mỹ và giành thắng lợi ở mặt trận núi Ngang.
         Sau 38 ngày đêm chiến đấu liên tục, bền bỉ bộ đội và nhân dân Sơn - Cẩm – Hà đã loại ra khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 tên, diệt gọn 5 đại đội, tiêu hao 14 đại đội khác, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 196, bắn rơi khoản 65 máy bay Mỹ...Chiến thắng Núi Ngang thể hiện tinh thần mưu trí dũng cảm của bộ đội ta, thể hiện tình đoàn kết quân dân giữa lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân Sơn - Cẩm - Hà trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ quê hương, tạo niềm tin cho đồng bào và chiến sỹ trong các trận đánh Mỹ sau này.
Thắng lợi trên mặt trận núi Ngang đã góp phần giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Tiên Phước, một số xã của huyện Thăng Bình, Quế Sơn và đưa dân trở về làng cũ. Chiến thắng Núi Ngang đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi kế hoạch chiến lược trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng núi Ngang đã tạo ra cục diện và thế chiến lược mới có lợi cho ta trên chiến trường về sau.
 
DI TÍCH
Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm 
Quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, tháng 3-1975, Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Nam - Ngãi (2) (10-3-1975 – 25-3-1975) và xác định trận tiến công quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm và Suối Đá là trận then chốt của chiến dịch. Chỉ huy chiến dịch do Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 5 đảm nhiệm. Đồng chí Nguyễn Chánh (Bình) – Phó tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh; đồng chí Đoàn Khuê – Phó chính ủy Quân khu làm Chính ủy.
Trận Tiên Phước – Phước Lầm – Suối Đá trong Chiến dịch Nam-Ngãi Xuân 1975

Quân giải phóng làm chủ Chi khu quân sự Tiên Phước.  

Trận tiến công Tiên Phước - Phước Lâm – Suối Đá bắt đầu vào 04 giờ 30 phút ngày 10-3-1975 đến 16 giờ ngày 10-3-1975. Lực lượng tham gia có Sư đoàn 2 gồm 4 trung đoàn (1, 31, 36, 38), Lữ đoàn 52, Trung đoàn pháo binh 368, Trung đoàn cao xạ 573, 10 chiếc xe tăng và xe bọc thép của Trung đoàn 574, Trung đoàn công binh 83 và 01 đại đội vệ binh của Quân khu. Ngoài ra còn có lực lượng vũ trang ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà cùng phối hợp tác chiến.
Kết quả sau một ngày chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ Tiên Phước – Phước Lâm và dãy điểm cao Suối Đá, diệt 1.011 quân, bắt 991 tên, thu 779 súng các loại, giải phóng 20.000 dân. Thắng lợi của trận Tiên Phước - Phước Lâm- Suối Đá là chiến thắng đầu tiên của quân và dân Khu V trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Thắng lợi này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 
Ngày 13.8.2021,UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm.
 
DI TÍCH
Công binh xưởng QB 150 khu V
----------------
Công binh xưởng Quân binh 150 khu V từng đóng ở 4 địa điểm trên địa bàn huyện Tiên Phước: năm 1947 – 1949 đóng tại Hố Đá, trước cánh đồng Cây Sanh, thuộc làng Thạnh Bình, nay là thôn 01 xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước; năm 1949 chuyển từ Hố Đá ra Cà Táng cũng thuộc làng Thạnh Bình và đóng ở đây (thôn 01) trong thời gian khoảng 01 năm, sau đó chuyển đến một địa điểm khác thuộc làng Lộc Yên (nay thuộc thôn 04); năm 1950 Xưởng chuyển đến thôn 02 ở địa điểm Nà Lá (Rừng Lớn) Tiên Cảnh và tồn tại hoạt động cho đến hết cuộc kháng chiến rồi chuyển ra miền Bắc.
Ngày 21/9/1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, giặc Pháp quay lại gây hấn và đánh chiếm Sài Gòn, hòng cướp nước ta một lần nữa. Đến tháng 3/1947, quân viễn chinh Pháp mở rộng cuộc tiến công đánh sâu vào hậu phương nông thôn rộng lớn của ta. Ở mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng, ngày 03/3/1947, chúng mở đầu cuộc tấn công và nhanh chóng chiếm các huyện thị đồng bằng. Trước thực tế đó hàng vạn đồng bào đã tản cư lên Tiên Phước, lúc đó vẫn là vùng tự do chưa bị Pháp chiếm đóng. Không những tiếp đón, cưu mang, giúp đỡ những đồng bào tản cư mà còn là căn cứ địa của tỉnh, các trại sản xuất, các công binh xưởng, xưởng giấyỡcưởng hóa chất, các Bệnh viên quân y và dân y... Trong số những cơ sở sản xuất đóng tại địa bàn huyện Tiên Phước, công binh xưởng QB 150 đã có những đóng góp to lớn cho chiến trường Liên khu V lúc bấy giờ góp phần vào công cuộc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Những tháng đầu năm 1947, Công binh xưởng QB 150 chuyển về đóng cơ sở ở Hồ Đá (nay là thôn 01, Tiên Cảnh) là một cơ sở Quốc phòng khá lớn, có trên 300 công nhân quân giới làm việc khẩn trương suốt ngày đêm. Lúc bấy giờ Quảng đốc của Công binh xưởng là đồng chí Đỗ Kim Cẩn (khoảng 27 – 28 tuổi). Công binh xưởng lúc bấy giờ chuyên sản xuất: lựu đạn đập, sửa chữa và cải tiến súng thu được, chế tạo đạn súng trường Maz 36. Do nằm ở vùng đồi núi, địa thế hiểm trở, ba mặt giáp núi, là điều kiện che chắn, bảo vệ, làm cho quân thù khó khăn trong việc phát hiện, đánh phá, oanh tạc. Công binh xưởng tồn tại ở đây trong một thời gian dài.
Năm 1949, để tiện cho việc tập kết nguyên vật liệu cũng như xuất xưởng vũ khí, đạn dược ra chiến trường thuận lợi hơn, Công binh xưởng QB 150 chuyển từ Hồ Đá ra Lộc Yên, ngay trước cánh đồng Dinh và phía sau nhà ông Bùi Thiểm (nay là thôn 01). Lúc này Quản đốc vẫn là đồng chí Đỗ Kim Cẩn và nhà ông Thiểm được dùng làm Văn phòng của Công xưởng. Tại đây đồng chí Cẩn đã chế tại ra máy dập chốt đạn và được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, sau đó được cử đi Liên Xô học tập. Để phù hợp với tình hình chiến trường, ngoài việc chế tạo lựu đạn đập, đạn súng trường Maz36, lúc này Công binh xưởng còn chế tạo đạn súng Canuasinua, Mouscaton. Đặc biệt, trong thời gian này Công binh xưởng đã biết tận dụng nguồn phân Dơi lấy từ Hang Dơi (Tiên An) để chế tạo thuốc nổ. Việc sử dụng tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế tối đa về tài lực trong vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho Công binh xưởng.
Do có xu hướng bị bại lộ, Công binh xưởng Q.B 150 chuyển đến một địa điểm khác cũng ở làng Lộc Yên (nay thuộc thôn 04 Tiên Cảnh) ngay sau nhà ông Nguyễn Đình Huỳnh và nhà ông trở thành Văn phòng làm việc của Công binh xưởng. Lúc này Quản đốc Công binh xưởng là đồng chí Trần Tuyển Hồ. Công binh xưởng tọa lạc ở đây trên một diện tích khoảng 2 ha, các nhà xưởng được làm ngầm dưới mặt đất để tránh bị máy bay địch phát hiện. Nhưng bám trụ ở đây chưa được lâu thì giặc Pháp theo chỉ điểm của Việt gian đem máy bay thả bom Napan cháy lán trại của Xưởng buộc Công binh xưởng phải chuyển đi nơi khác.
Năm 1950, Xưởng phải chuyển đến Nà Lá (thuộc thôn 02 Tiên Cảnh) và tiếp tục sản xuất vũ khí đạn dược cung cấp cho cả chiến trường Quân khu V đánh Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) lừng lẫy. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ Công binh xưởng QB 150 được lệnh chuyển ra Bắc.
Công binh xưởng QB 150 là một cơ sở quốc phòng khá lớn, có trên 300 quân nhân quân giới làm việc chuyên sản xuất lựu đạn và sửa chữa binh khí. Đây được xem là một Xưởng công binh đầu tiên ở Liên khu V, có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp đạn dược cho toàn chiến trường Khu V, góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân miền trung trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.
 
 
DI TÍCH
Cuộc đấu tranh Cây Cốc, xã Tiên Thọ
--------------
Năm 1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ được ký kết, theo Hiệp định 2 bên không được bắt bớ khủng bố nhân dân và những người có cảm tình với cách mạng. Cụ thể, trong điều 14 của Hiệp định thì không được trả thù, bắt bớ những người hợp tác hai bên. Tuy vậy, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn bất chấp dư luận, ngang nhiên vi phạm Hiệp định. Ngày 27/9/1954, bọn lính của Tiểu đoàn 601, Trung đoàn 31, đóng tại chợ Cây Cốc đến bắt đồng chí Nguyễn Thông (tức Liêm) cán bộ kháng chiến chống Pháp của xã Tiên Thọ đem về tra hỏi tại nhà tên Ngô Ngọc Hường là tên tay sai, sau khi Hiệp định Giơ – ne – vơ ký kết đã chạy xuống Tam Kỳ mang truyền đơn, cờ ba que về rải tại chợ Cây Cốc. Được tin anh Liêm bị bắt, đồng bào trong xóm kéo đến khoảng 30 người đòi địch phải thả anh ra. Chúng cài cửa không cho đồng bào vào. Đồng bào càng căm tức, vận động mọi người hưởng ứng đấu tranh nagỳ càng đông, vây quanh nhà tên Hường. Nhiều chị em leo lên bờ rào trèo qua ngõ la hét, đấu tranh quyết liệt. Trước khí thế đấu tranh của đồng bào, chúng hoảng sợ phải thả anh Liêm về nhà. Thế nhưng, sáng hôm sau chúng lại đến bắt anh Liêm cùng một số đồng chí khác đem về giam giữ. Đồng bào lại tập trung kéo đến đấu tranh đòi địch phải tuân thủ hiệp định Giơ – ne – vơ.
Cuộc họp của Huyện uỷ được tổ chức tại xã Tiên Lộc nhằm đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm qua các vụ đấu tranh ở Ngân Sơn, Chí Thanh (Phú Yên), Chợ Được (Hà Lam) và qua đó phân tích cho thấy những âm mưu của thủ đoạn nham hiểm của kẻ địch. Chủ trương của Đảng ta lúc này là hướng dẫn đấu tranh có lý, có tình, có chừng mực và kết thúc giành thắng lợi. Trước tình hình này Huyện uỷ liền cử đồng chí Nguyễn Thành (tức Hào), Đỗ Ngọc Luyện, Hồ Cột đến tận nơi vận động quần chúng giải tán để tránh xảy ra tổn thất. Nhiều cán bộ, đảng viên khác được phân công đón các ngả đường để giải thích chủ trương của Đảng và phân tích âm mưu của địch.
Từ lòng căm thù giặc cao độ, sáng ngày 01/10/1954 vào khoảng 10 giờ quần chúng các xã như Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lập... sôi sục khí thế đấu tranh ồ ạt kéo về chợ Cây Cốc và cuộc đấu tranh đã nổ ra. Đồng bào các xã uồn kéo đến, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô khẩu hiệu náo động các ngã đường đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của đồng bào. Đồng bào các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ kể cả một số người đi buôn tại Tiên Phước cũng hăng hái nhập cuộc, làm cho lực lượng quần chúng biểu tình mỗi lúc một đông, khí thế đấu tranh mỗi lức một quyết liệt.
Hoảng sợ trước làn sóng đấu tranh của đồng bào ta, Bọn địch ở Cây Cốc đã cấp báo cho đồng bọn ở Tam Kỳ đến chi viện. Chúng nổ súng đàn áp đám đông đồng bào tay không tấc sắt, máu đổ loang cả mặt đường, lòng căm thù địch càng rực cháy. Lúc này đồng chí Bùi Phụng là cán bộ Huyện đội Tiên Phước đã dũng cảm vác tấm ván xông tới cản đường đạn của giặc bắn vào đồng bào, đồng thời xông vào vật lộn với chúng và đã bị địch bắn chết. Ông Trần Ngọc Hoàng dẫn đầu đội biểu tình của Tiên Kỳ hô hào đồng bào tiến lên với khí thế ngang như một chiến sỹ giữa trận tuyến và cuối cùng ông đã bị bắn chết. Bọn chúng đã dùng xe tăng lựu đạn cay, xả súng máy thẳng tay đàn áp những người dân vô tội và hơn 330 đồng bào đã bị chết và bị thương.
Kẻ địch muốn cướp xác để phi tan tội ác tày trời của chúng với uỷ ban quốc tế - tổ chức kiểm soát các bên hữu quan thực thi Hiệp định, nhưng đồng bào ta cương quyết bảo vệ số đồng bào bị thương vong để tố cáo tội ác của giặc. Phải ba ngày sau, bọn địch mới có thể cưỡng bức dùng xe bò chỏ tử thi và cả những người bị thương nặng đổ xuống các hầm trú ẩn và các giao thông hào quanh chợ Cây Cốc. Bọn chúng còn lùng sục, tìm kiếm tàn sát những người bị thương và thủ tiêu cả những đồng bào bị chúng bắt đi chôn cất, để thủ tiêu nhân chứng. Anh Đặng Soạn bị bọn chúng bắt đi hai ngày liền rồi bắn chết đem chôn xác ngay cạnh nhà tên Ngô Ngọc Hường hòng xoá sạch những tội ác Mỹ - Diệm đã gây ra với những người dân vô tội.
        Cuộc đấu tranh Cây Cốc là chứng tích tội ác tố cáo bộ mặt tàn bạo, phi nghĩa của Mỹ - Diệm đã gây ra cho những người dân trên quê hương Tiên Phước nói riêng và cả nước nói chung. Hơn 330 đồng bào bị chết và bị thương trong cuộc đấu tranh Cây Cốc vào những ngày đầu hoà bình vừa lập lại đã phơi bày tội ác tày trời mà bè lũ Mỹ Ngụy đã gieo rắc trên quê hương thân yêu của chúng ta. Từ cuộc đấu tranh này đã thổi bùng lên ý chí cách mạng kiên cường và tinh thần không chịu khuất phục của nhân dân ta ngay từ phút đầu giáp mặt quân thù.
        Vào sáng ngày 27.9.2019, huyện Tiên Phước đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 65 năm ngày cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc (29.9.1954 - 29.9.2019) và đón Bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc năm 1954" do Bộ VH TT&DL trao tặng. 
 

Văn hóa Tiên Phước

Tính cách con người Tiên Phước

Giới thiệu Tiên Phước

Tài nguyên và thổ nhưỡng Tiên Phước

Danh nhân Tiên Phước