www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Xóm cây trái miền Nam

Cái xóm nhỏ có vỏn vẹn 8 gia đình cư ngụ quanh đập Hố Qườn ở thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) được nhiều người biết tới bởi nơi đây có vườn cây trái sầu riêng, măng cụt, thanh trà, bưởi… Hằng năm, cứ đến cuối hạ, khắp nơi lại gọi điện thoại cho chủ vườn đóng gói các mặt hàng trái cây gửi đi Tam Kỳ, Đà Nẵng…

Chuyển đổi cây trồng

Người đầu tiên ở xóm Hố Quờn mạnh dạn phá bỏ vườn quế để trồng các loại cây trái miền Nam nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn là anh Bảy Khoa. Là thầy giáo dạy Toán cấp 2 nhưng anh lại yêu thích nghề làm vườn trồng cây. Ngày nghỉ anh cứ lúi húi ngoài vườn như một nông dân thực thụ. Thoạt đầu, anh trồng quế. Cả khu vườn rộng gần 10 sào, quế lên xanh ngút ngàn. Đến kỳ thu hoạch, quế rớt giá thảm hại. Chăm sóc thêm vài ba năm, quế vẫn ế ẩm, anh quyết định phá bỏ vườn quế để trồng các loại cây ăn trái miền Nam như sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi và thanh trà. “Lúc bấy giờ là vào năm 2000. Nhiều người bảo tôi hâm. Bởi các loại cây trái miền Nam đâu có thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng gò đồi trung du Tiên Phước. Hơn nữa, các loại trái cây là thứ ăn chơi, ai mua mà bán…”. Anh Bảy Khoa nhớ lại.

Đến mùa sầu riêng cho quả, anh Bảy Khoa có nguồn thu bình quân 5 triệu đồng/cây. Ảnh: N.Đ.AN
Đến mùa sầu riêng cho quả, anh Bảy Khoa có nguồn thu bình quân 5 triệu đồng/cây. 


Ai cũng bàn ra nhưng anh không nản chí, vừa tìm hiểu đặc tính của các loại cây trái miền Nam trên google, vừa trồng thử nghiệm. Kết quả khả quan. Anh nhân rộng ra, trồng 100 cây măng cụt, 30 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép, 10 cây bưởi Năm Roi và thanh trà. Sẵn có hồ nước phía trước nhà, anh mua máy bơm, xây hồ chứa, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới cho các loại cây trồng vào mùa hè nắng hạn. Bảy năm sau, sầu riêng trổ hoa đầy cành nhánh nhưng đậu quả lại không đủ đếm trên mười đầu ngón tay! Không ít người cười: “Thấy chưa? Cây trái miền Nam không thích hợp với quê mình. Cái giá mà anh phải trả quá đắt…”.

Anh Bảy Khoa thu hoạch sầu riêng.
Anh Bảy Khoa thu hoạch sầu riêng.

Thất bại vụ mùa đầu khiến anh Bảy Khoa đi sâu nghiên cứu về cây sầu riêng. Và anh phát hiện ra loài ăn quả cao cấp này trổ hoa về đêm. Ở vùng trung du Tiên Phước cuối xuân ít gió, lại không có loài bướm đêm thụ phấn nên sầu riêng ra hoa nhiều nhưng lại ít đậu quả. Vụ mùa năm sau, anh buộc bùi nhùi trên đầu sào, tối đến đi thụ phấn cho hoa. Kết quả thật bất ngờ, cây sầu riêng nào cũng lúc lỉu đầy quả trên cành. Để dưỡng cây và để cho trái to, anh cắt bỏ bớt, chỉ chừa mỗi cây vài ba trăm quả có dáng đẹp. “Bây giờ vườn cây trái miền Nam của tôi đã hái ra tiền. Mỗi năm gia đình cũng kiếm được trên dưới 170 triệu đồng. Trong đó, 20 cây sầu riêng đã cho quả bán được hơn 100 triệu đồng, 100 cây măng cụt cỡ 50 triệu đồng, 10 cây bưởi, thanh trà khoảng 20 triệu đồng”.

Anh Bảy Khoa cho hay. Tìm hiểu về việc tiêu thụ, được biết, anh không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc quả nên sản phẩm làm ra là sản phẩm sạch, nhiều mối tin tưởng đặt mua. Hơn nữa, khách hàng gặp phải trái sượng, hoặc hư thối do sâu đục bên trong, chỉ cần gọi điện thoại thông báo, anh gửi đổi trái khác ngay. “Năm nay, mối ở TP.Đà Nẵng nhận bao tiêu hết sản phẩm làm ra nhưng tôi chỉ đáp ứng 50%, còn lại để bán cho những người quen trong và ngoài huyện. Họ là bạn hàng lâu năm của gia đình tôi”. Anh Bảy Khoa nói. Rồi anh bảo, mỗi trái sầu riêng có giá vài ba trăm ngàn đồng trở lên, mua chỗ khác lỡ hư hỏng không được bù lại, họ ngại.

Cả xóm làm theo

Vườn cây trái miền Nam của anh Bảy Khoa không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo nguồn thu nhập hàng năm tăng dần theo cấp số cộng. Bởi các loại cây trồng càng phát triển cành nhánh tốt tươi càng ra nhiều quả hơn. Bà con trong xóm không còn “hé mắt ngủ dòm” nữa. Mọi người “bắt chước” làm theo. Thoạt tiên là anh Hai Hương, anh Ba Trường… Anh Sáu Đại khai thác lợi thế của 1ha đất vườn đồi ở sườn Gò Mè, vay mượn bạn bè, anh em đầu tư cả trăm triệu đồng chất bờ đá ngăn đất xói trôi, trồng 70 cây sầu riêng, 100 cây lòn bon. Để có nước tưới cho cây trồng vào mùa nắng hạn, anh đào giếng, xây hồ chứa, lắp đặt hệ thống ống nhựa tưới phun. Anh Sáu Đại nói: “Sau 4 năm trồng và chăm sóc, nhiều cây lòn bon đã cho quả mùa đầu. Còn 70 cây sầu riêng phát triển xanh tốt đều, vài ba năm nữa là bắt đầu ra trái”.

Tìm hiểu thêm, được biết, anh Hai Hương trồng 45 cây sầu riêng, anh Năm Đó trồng 50 cây sầu riêng, 50 cây măng cụt; anh Trường, anh Dũng, mỗi người cũng trồng 30 - 40 cây sầu riêng, vài ba chục cây măng cụt, lòn bon. Còn anh Ba Ngọc trồng 100 choái tiêu… “Thấy chú Bảy Khoa trồng sầu riêng ngon ăn quá! Có quả nặng 8 - 9kg, bán được hơn nửa triệu đồng, ai mà không ham…”. Anh Trường nói. “Loại cây trái miền Nam giá cả khá cao nhưng không sử dụng thuốc trừ sâu, người tiêu dùng vẫn mua không tiếc tiền. Cung không đủ cầu, “đầu ra” của sản phẩm không phải lo, mắc mớ chi không trồng theo anh Bảy Khoa…”. Anh Đó cười nói.

Hỏi chuyện anh Bảy Khoa, được biết, chỉ 3 - 4 năm nữa, xóm Hố Qườn sẽ là nơi có sản lượng các loại cây trái miền Nam nhiều nhất khu vực đông bắc huyện Tiên Phước. Bởi tới lúc đó, hơn 500 cây sầu riêng, gần 1.000 cây măng cụt của bà con trong xóm đều cho quả. “Tôi là người đầu tiên đem các loại cây trái miền Nam về trồng, chưa có kinh nghiệm, phải vừa theo dõi quá trình phát triển của cây, vừa tìm kiếm tài liệu nghiên cứu trên google để vận dụng vào thực tiễn nên mất nhiều thời gian. Còn bây giờ bà con trong xóm trồng, tôi hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách cho ra hoa đậu quả, vì thế tỷ lệ cây chết hầu như không có bao nhiêu”. Anh Bảy Khoa tâm sự.

Rồi vui chuyện anh cho biết thêm, các loại cây trái miền Nam cũng như lòn bon, thanh trà… vào mùa nắng hạn cần phải tưới nước thường xuyên, cây mới phát triển xanh tốt và ra hoa đậu quả. Đặc biệt, cây măng cụt rất hợp với đất gò đồi Tiên Phước. Măng cụt ra hoa kết trái mỗi năm hai đợt. Đợt đầu trổ hoa vào đầu xuân thu hoạch vào cuối hạ. Đây là đợt phụ, ra trái lác đác không nhiều. Đợt 2, trổ hoa vào cuối hạ, trái chín vào dịp cuối năm âm lịch, bán rất được giá. Vì thế, cuối xuân cần bón phân cho cây, cuối hạ lá già, khi cây trổ hoa mới đậu nhiều và nuôi quả to hơn. “Trồng các loại cây trái cao cấp này, đến mùa thu hoạch tập trung, bán được số tiền lớn nên bà con trong xóm không ngại ngần đầu tư vốn liếng để làm vườn trồng cây”. Anh Bảy Khoa cho hay.

                                               N.Đ.An - Báo Quảng Nam