www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Xanh lại những vườn tiêu

Hạt tiêu khô Tiên Phước được nhiều nơi biết đến từ lâu. Trải qua bao thăng trầm, giờ đây cây tiêu lại “lên ngôi” trên vùng đất gò đồi trung du, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân.

Khôi phục diện tích hồ tiêu

Cách đây khoảng mười năm, hạt tiêu khô Tiên Phước luôn đứng giá ở mức 35 - 50 ngàn đồng/kg nên bà con nông dân chẳng mấy mặn mà với loại cây trồng đặc sản của địa phương. Nhiều vườn tiêu đẹp như tranh vẽ ở Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Kỳ… vì thế cứ tàn lụi dần theo thời gian. Ông chú họ tôi bảo: “Cây tiêu dễ trồng song khó phát triển xanh tốt, nếu không đầu tư phân bón đúng kỳ hạn và dành nhiều công chăm sóc thường xuyên”. Cũng theo lời ông, cây tiêu Tiên Phước rất thích hợp với đất gò đồi.

Cuối thu, dùng phân chuồng đã ủ hoai mục bón gốc. Sang tiết giêng hai trời không nắng gắt nhưng lại hanh khô, do vậy phải tưới nước đầy đủ cây mới tốt tươi, ra chuỗi kết trái. Vì công của chăm bón nhiều nên khi giá hạt tiêu khô luôn ở mức thu không đủ bù chi thì nông dân không mặn mà. Tuy nhiên, bảy năm nay, mặt hàng nông sản này bất ngờ tăng giá. Từ chỗ 35 - 50 ngàn đồng/kg đã tăng lên 350 ngàn đồng/kg. Mấy năm gần đây, giá cả hạt tiêu khô Tiên Phước duy trì ở mức 650 - 700 ngàn đồng/kg. Bà con nông dân phấn khởi, khôi phục những vườn đã bị bỏ mặc một thời gian dài, nhờ thế diện tích cây tiêu ở Tiên Phước tăng dần.

Vườn tiêu Tiên Phước. Ảnh: N.Đ.AN
Vườn tiêu Tiên Phước. Ảnh: N.Đ.AN

Cũng cần nói thêm, mấy năm gần đây huyện Tiên Phước đã có chủ trương khuyến khích bà con nông dân làm vườn, phát triển kinh tế vườn, mở rộng diện tích cây tiêu trên địa bàn. Đó là Đề án phát triển cây tiêu Tiên Phước. Đặc biệt là Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025. Đề án này đã được UBND tỉnh đồng ý và hỗ trợ cho Tiên Phước mỗi năm 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Nhờ thế, huyện có điều kiện hỗ trợ cho bà con nông dân trồng tiêu. Trồng dưới 100 choái, được hỗ trợ 50 ngàn đồng/choái. Trồng hơn 100 choái được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Trồng dưới 1.000 choái được hỗ trợ 48 triệu đồng. Trồng hơn 1.000 choái được hỗ trợ 96 triệu đồng. Giá cả hạt tiêu khô tăng cao, lại được huyện hỗ trợ tiền, do vậy bà con nông dân ở các địa phương trong huyện lập vườn trồng tiêu bài bản. Họ chất bờ đá ngăn đất xói trôi vào mùa mưa lũ, xây bể chứa nước, mua máy bơm, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới theo kiểu phun sương. Nhiều mô hình “trồng tiêu trăm choái” trở lên xuất hiện ở Tiên Hà, Tiên Châu, Tiên Hiệp, Tiên An… Đơn cử như anh Nguyễn Xuân Hồng ở thôn 2 xã Tiên Phong, anh Nguyễn Văn Trung ở thôn 5 xã Tiên An, anh Nguyễn Hai ở thôn 5 xã Tiên Hiệp… Theo báo cáo sơ kết thực hiện Đề án 548, hiện Tiên Phước có trên 125ha hồ tiêu, thu nhập mang lại cho bà con nông dân xấp xỉ 30 tỷ đồng/năm.

Cảnh báo giống tiêu ngoại tỉnh

Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: Tình trạng nhập giống tiêu Tây Nguyên và giống tiêu Vĩnh Linh - Quảng Trị đem về trồng tại địa phương trong mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện  đã nắm được. Và UBND huyện cũng đã có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng này, đó là không hỗ trợ kinh phí cho những hộ trồng tiêu giống ngoại tỉnh, có cơ chế để bà con nông dân loại bỏ dần những vườn tiêu ngoại lai. Đồng thời huyện cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh lập vườn ươm cây giống tại địa phương, trong đó có cây tiêu, để cung cấp giống cho bà con nông dân trong huyện mở rộng diện tích hồ tiêu.

Hạt tiêu khô Tiên Phước đã nổi tiếng từ thời TP.Hội An còn là thương cảng sầm uất của xứ Đàng Trong. Hương vị hạt tiêu khô Tiên Phước khác hẳn so với hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Quảng Trị hay Tây Nguyên. Hồ tiêu Tiên Phước cay thơm, hương vị rất đằm. Còn hồ tiêu Quảng Trị cay nồng, hồ tiêu Tây Nguyên cay hôi. Do chất lượng khác nhau nên giá cả cũng khác nhau. Hồ tiêu Tây Nguyên giá bán chỉ 120 - 130 ngàn đồng/kg. Hồ tiêu Quảng Trị tuy giá có cao hơn nhưng không vượt quá 350 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, hồ tiêu Tiên Phước có giá bán dao động 650 - 700 ngàn đồng/kg.

Trò chuyện với bà con nông dân ở thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, họ lo ngại bảo với tôi, giống tiêu lá lốt và giống tiêu hạt nhỏ đem về trồng tại Tiên Phước sẽ tạo nên sự pha tạp, làm cho giống tiêu Tiên Phước không còn thuần chủng. Giống tiêu lá lốt là cách gọi nôm na chỉ giống tiêu Tây Nguyên vì có hạt to như hạt cây lá lốt, còn giống tiêu hạt nhỏ chính là giống tiêu Quảng Trị du nhập về. Chị Nguyễn Thị P. chuyên mua bán hạt tiêu khô ở thị trấn Tiên Kỳ cho tôi hay: “Hai giống tiêu ngoại tỉnh có chất lượng thua xa giống tiêu Tiên Phước nhưng năng suất lại cao gấp đôi. Vì thế, nhiều người vẫn trồng nhằm trộn lẫn hạt tiêu khô của giống tiêu này với hạt tiêu khô Tiên Phước để bán”.

Việc đem giống tiêu ngoại tỉnh về trồng tại Tiên Phước không những vô tình phá hoại “thương hiệu” hạt tiêu khô Tiên Phước, mà còn gây ra tai họa khôn lường. Tôi vẫn còn nhớ, những năm 1985 - 1990, quế thanh và hạt tiêu khô Tiên Phước được Liên Xô và các nước Đông Âu ưa chuộng, có bao nhiêu xuất khẩu hết bấy nhiêu. Rất nhiều hộ nông dân ở các xã Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh… cần cây giống để trồng, vì thế huyện mua giống quế bắc và giống tiêu Ấn Độ đem về cung cấp cho bà con. Hậu quả nhãn tiền. Năm năm sau, chất lượng vỏ quế và hạt tiêu khô có chất lượng kém, bán rẻ như cho vẫn không có người mua. Cây quế Tiên Phước bị “khai tử” từ đó. Còn cây tiêu Tiên Phước mãi đến năm 2010 mới bắt đầu có giá trở lại.

Bây giờ cây tiêu “lên ngôi” trên vùng gò đồi Tiên Phước, lại được huyện hỗ trợ phát triển, không ít hộ nông dân tùy tiện đêm giống tiêu ngoại tỉnh về trồng quả là điều không nên. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp huyện cần sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng du nhập giống tiêu lá lốt và giống tiêu hạt nhỏ về trồng ở Tiên Phước. Nếu không, trong tương lại không xa, bà con nông dân cả huyện phải trả giá đắt như một thời đã qua.

                                                N.Đ.An - Báo Quảng Nam