www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vùng đất lưu dấu cách mạng

Tiên Sơn (Tiên Phước) trở thành vùng căn cứ địa vững chắc khi được chọn là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam trong suốt thời gian dài kháng chiến. Nơi đây, nhiều quyết định, hoạt động quan trọng đã diễn ra, đưa đến thắng lợi hoàn toàn cho cuộc cách mạng giải phóng quê hương vào tháng 3.1975.

Bàn đạp vững chắc

Theo những tài liệu lịch sử, tháng 9.1962, chiến dịch “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn-Cẩm-Hà” thành công, khiến vùng đất này trở thành địa điểm quan trọng cho toàn bộ cuộc chiến đi đến giải phóng quê hương. Nơi đây thành bàn đạp vững chắc để tiến công giải phóng một khu vực rộng lớn phía tây Thăng Bình, bắc Tam Kỳ và đông Tiên Phước. Tháng 9.1964, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các ban ngành của tỉnh về đóng tại Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, trong đó Khu căn cứ Tỉnh ủy đóng tại xóm ông Huệ (thôn 1, xã Tiên Sơn).

Đây là vùng bán sơn địa có vị trí hiểm yếu, với dãy núi Dương Bồ làm điểm tựa vững chắc, đồng thời có vị thế quan sát và tuyến giao thông đến các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, rất thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại đây, nhiều cuộc hội họp cho ra nhiều quyết định quan trọng, nhiều cán bộ, bộ đội được rèn luyện, học tập, nhất là nhiều hội nghị của Tỉnh ủy đã diễn ra.

Nhà bia tưởng niệm Khu căn cứ Tỉnh ủy được xây dựng mới.
Nhà bia tưởng niệm Khu căn cứ Tỉnh ủy được xây dựng mới.

 Sống trong lòng dân, cán bộ, bộ đội hoàn toàn yên tâm bởi tấm lòng cách mạng kiên trung của những người dân Tiên Sơn, góp công lớn đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối cho Khu căn cứ. Tại nơi đứng chân này, năm 1965, Tỉnh ủy đã quyết định mở chiến dịch Xuân Hè trong toàn tỉnh, giải phóng được nhiều vùng rộng lớn, phá các khu dồn, ấp chiến lược, đưa quân về vùng giải phóng, uy hiếp các quận lỵ ngụy quân ngụy quyền, cắt đứt các trục đường 104, 105 và đường 14, 16, không cho địch di chuyển quân.

Đến cuối năm 1967, vùng Sơn-Cẩm-Hà bị địch đánh phá nặng nề, đất đai hoang hóa, cây cối trụi trơ, hố bom loang lổ khắp nơi. Để chỉ đạo cuộc tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lấy thị xã Tam Kỳ làm trọng điểm, nên cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các ban ngành chuyển về đóng chân tại thôn 6 (xã Kỳ Quế, huyện Bắc Tam Kỳ). Từ đó, Khu căn cứ Tỉnh ủy lần lượt di chuyển đến nhiều vị trí khác nhau, nhưng đến tháng 1.1973, Khu căn cứ Tỉnh ủy lại chuyển về Tiên Sơn. Vào ngày 10.3.1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ IX khai mạc tại đây, đề ra nhiệm vụ “Ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tấn công địch, đánh bại mọi âm mưu của địch bằng ba mũi giáp công, giành lại những vùng đã mất, xây dựng hậu phương vững chắc”. Đến tháng 2.1975, tại Khu căn cứ Tiên Sơn, Tỉnh ủy mở Hội nghị, ra Nghị quyết quan trọng tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương trong tháng 3.1975. 

                   Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy

Nhân dân đồng thuận

Đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy chỉ trước và sau Tết Ất Mùi đã khác hoàn toàn. Con đường bê tông mới toanh rộng 8m cả lề đường, dài 410m dẫn đến Khu căn cứ thoáng mát, sạch đẹp. Theo ông Nguyễn Phúc Lịch - Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn, con đường này được làm nhanh chóng kịp cho lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy phần lớn nhờ công sức đóng góp của nhân dân.

Ông Lịch cho biết: “Ngay sau khi có chỉ đạo từ Huyện ủy, UBND huyện Tiên Phước trong tháng 12.2014, xã đã khẩn trương họp dân để triển khai thi công con đường. Qua cuộc họp dân, giải thích ý nghĩa, vận động nhân dân, người dân đồng ý ngay trong cuộc họp là sẽ hiến đất đai, cây cối để xã tiến hành thi công con đường cho kịp thời. Con đường dài hơn 400m có 10 hộ dân trong khu vực đã hiến đất đai, cây cối trị giá khoảng 700 triệu đồng, góp phần vô cùng quan trọng để đơn vị thi công làm xong con đường chỉ trong vòng hơn 1 tháng”.

Đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy được mở rộng nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Ảnh: D.LỆ
Đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy được mở rộng nhờ sự đồng thuận của nhân dân.

Nhà ông Đặng Tấn Tường (thôn 1, Tiên Sơn) ở ngay đầu con đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy, khi có chủ trương từ xã, ông Tường chẳng do dự, đồng ý hiến đất. Con đường mới không chỉ ăn sâu vào phần đất vườn với nhiều loại cây giá trị, mà còn “liếm” cả vào phần ngõ đi vào nhà mà ông đã xây dựng kiên cố. Không tính toán thiệt hơn, ông Tường còn đứng ra chặt cây, dọn “chướng ngại vật” để đơn vị thi công san ủi mặt bằng. Hay ông Triệu Tấn Mênh khi làm đường “phạm” luôn vào sân nhà, làm hỏng nền sân nhưng ông Mênh vẫn không than phiền.

Video phóng sự "Tiên Sơn xưa và nay"

Hoặc nhiều hộ dân khác như ông Nguyễn Đức Hùng, Đặng Tấn Hùng, Nguyễn Lân, Lý Ngọc Thủy… đã xung phong hiến đất, cây cối để làm đường, giúp xã trồng cây dọc theo hai bên lề đường để tạo cảnh quan xanh mát. Đặc biệt là ông Nguyễn Đức Hùng đồng ý hiến đất vườn để xây dựng Nhà bia tưởng niệm trong Khu căn cứ Tỉnh ủy. Theo suy nghĩ của người dân, ngày xưa ông bà còn hiến cả nhà, vườn để cách mạng ở, bây giờ hiến một chút thì có đáng là bao. Và nơi đây sẽ thành một “địa chỉ đỏ” để nhân dân, thế hệ trẻ hành quân về nguồn, thấy cảnh đẹp, đường đẹp thì mọi người sẽ hiểu lòng dân nơi đây cũng đẹp như vậy!

Có nhà nằm trong Khu căn cứ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Đức Tuyên trong quá trình làm vườn đã phát hiện rất nhiều hiện vật của cán bộ, bộ đội dùng trong thời chiến tranh, như hộp đựng dụng cụ y tế, nhiệt kế, cà mèn, bi đông, dép su, xẻng, cuốc lưỡi gà, mác, hũ đựng mắm Lò Chén… Ông Tuyên đã cẩn thận cất giữ những vật dụng này, nhằm trao lại cho cơ quan chức năng lưu giữ. Và trong ngày đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia, ông Tuyên sẽ trao lại những vật dụng này cho huyện Tiên Phước, sau này trưng bày để giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ.

                                                             Diễm Lệ - Báo Quảng Nam